Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Đời vắng em rồi... cãi với ai

Đời vắng em rồi... cãi với ai

 
Tôi ít khi ở nhà một mình. Nếu có chăng là khi bà cụ thân sinh ra mấy đứa con tôi đi thư viện, hay đi uống cà phê mình ên (để gặm nhấm mối lương duyên của nàng sao khắc khẩu!) Hoặc đôi khi bà cụ non đi uống cà phê với bạn một lát, không lẽ đàn ông đi theo để nghe chuyện đàn bà!
Trong những trường hợp ấy, tôi rất tế nhị với mình—là ở nhà một mình. Vì có xin đi theo thì nước tôi cũng không cứu được lửa bà, càng không nên hạ thấp mình đến đi xin một điều không thể được. Hơn nữa, vuốt mặt cũng nể mũi con người từng quen biết từ thị trưởng thành phố, tới chủ tịch cộng đồng, người bưng phở, anh Mễ lậu, cánh homeless... trong thành phố này. Chẳng qua, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu...
Thôi ta cứ ở nhà cho hạ huyết áp, rồi giây lát thể nào chả có cuộc họp đột xuất, nhưng tầm quan trọng đến không thể từ chối như, “đang làm gì đó ông kia... ?” Thế là chuyện nhỏ trong nhà—buồn vương mắc áo; còn cái áo thì khoác lên người, và vọt.
Có thể số tôi đúng theo sách “tử vi trọn đời” của thầy Huyền Linh là tôi có cung bạn: hẹp. Nhưng cung bè thì bát ngát; có số hưởng lộc, nên bạn-bè, thường động đũa, cụng ly, là kêu tôi ơi ới! “Họp khẩn, họp khẩn... Mấy tên du kích câu vừa dính được cá lớn ở hồ 30, đang trên đường về. Hay nhóm bắn xẻ, vừa hạ được heo rừng 60 pounds. Cỡ này mà nướng mọi thì da giòn hơn bánh tráng...”
Nhưng sau những cuộc họp không biên bản ấy! Trên đường về, tôi cũng thường nghĩ là khi có vợ ở nhà mà mình vẫn đi, là không phải. Từ nay phải chỉnh đốn lại, đợi bà ấy đi rồi mình hẵng đi. Ai chả thích được người khác coi trọng mình, nhất là người phối ngẫu. Dù không ai bán bảo hiểm là tôi ở nhà thì sẽ hòa nhã. Nhưng làm cụ ông thì phải hy sinh cho cụ bà cằn nhằn: “không đi thì ông chết hay sao chứ!” Tôi sẽ không bực mình nữa, không bực mình nữa. Tôi hứa trên đường ăn năn đã nhiều lần ăn thua với tử thần lắm rồi! Đến lúc phải thực hiện vì đã giải mã được nỗi buồn Xuân Diệu: vì sao tôi buồn. Đó là lúc tình sâu nghĩa nặng trì hai con mắt xuống tới hết thấy đường lái xe, thì “Em ơi! đến rước anh được không? Anh đang ở... cây xăng—ngữ tư đường...” Và em chưa bao giờ từ chối. Dĩ nhiên là sau lời mắng yêu mà người say không biết nhớ nên tưởng là cằn nhằn.
Thế mà hôm nay không có ai ở nhà, sao tôi lại chẳng muốn đi đâu! Ngoài hiên nắng vàng như cá nướng da giòn; rừng xa, hoa dại như mỡ hành, đậu phộng... gió ngẩn ngơ đùa lọn bún tươi, là tôi tưởng tượng về mấy giải mây trắng mong manh trên nền trời xanh mùa hạ...
Nhưng bụng đã bảo dạ là không đi! Cứ giao du với giới văn nghệ sĩ, báo chí, chính quyền địa phương... thì trước sau cũng thành dân biểu cho họ. Khi họ biểu mà thần dân này không nghe thì họ bỉu; đời phũ phàng như chén mắm nêm trên bàn cá nướng, bị người ta tống ớt xay vào đỏ ối. Có người còn vắt thêm chanh cho chua cay tới óc. Nhưng chấm xong rồi thôi. Kẻ khiếm nhã, lại cắm cả cây tăm xỉa răng dùng xong vào chén mắm nêm đã đưa họ đến đỉnh cao thú tính là khoái khẩu.
Tôi nghĩ lung, nhưng cũng bớt thèm cá nướng da giòn, nhất là không khí nhậu cá nướng rất rôm rả vì lỉnh kỉnh nhiều thứ phụ tùng nên từng người dễ bộc lộ sở thích, cá tính...
Tôi mạnh dạn hẳn lên, tắt điện thoại để tránh cám dỗ. Dứt khoát ở nhà.
Trong nhà, tôi lượn từ phòng này sang phòng khác, hết nhà bếp (vịn chai vang uống dở trong tủ lạnh), lôi ra phòng khách, bật tivi lên mới chán hơn là để ngôi nhà yên lặng cho mình tĩnh tâm. Nhưng chai vang quái quỷ ấy như cá nướng da giòn, như tình mới cắn, đã cắn vào là muốn cắn cho ngập răng, ngập họng. Làm quyển sách đang đọc dở trên tay rơi xuống sàn nhà hồi nào không biết!
Và thời gian đứng yên lắng đọng đến dậy hương, “tỉnh dậy thấy ta nằm/ nghiêng nghiêng bên bờ... mông”. Bà cụ đã về. Nghĩa là đã bớt quê sau khi đuối lý trong cuộc đấu khẩu cơm trưa, rồi lặng lẽ đi Starbucks một mình. Nhưng về tới nhà lại động lòng từ bi bất ngờ với người thắng không kiêu bại không nản này. Em ngủ ké tôi trên chiếc ghế bành, chỉ vừa cho một người Mỹ, nhưng hai vợ chồng Việt Nam thì rộng chán. Trong cơn mơ tình ái ấy, chả biết trâu tìm cọc hay cọc tìm trâu mà tỉnh dậy thấy ta nằm/ nghiêng nghiêng bên bờ ảo vọng!
Thôi thì tôi khẽ dậy để không đánh thức nàng, nhặt cuốn sách đánh rơi, chuồn êm...
Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà vì sàn nhà mát lạnh, dán lưng mình vào vách tường—nơi có ánh sáng cửa sổ còn luyến lưu một ngày sắp qua... Câu chuyện tôi đọc được trong cõi chờn vờn tranh tối tranh sáng, như sau:
Chuyện kể về một nhóm tu sĩ đi lập chùa mới. Công việc khai hoang dĩ nhiên là nhọc nhằn, bước sang giai đoạn xây dựng cũng cực khổ lắm! Chú tiểu nọ được phân công xây một bức tường với ngàn viên gạch. Chú tiểu bắt tay vào công trình đầu tiên của mình nên hết sức cố gắng và cẩn thận chọn lựa từng viên gạch, vuốt ve từng đường vữa cho ngay ngắn, thẳng hàng... Chú làm chậm bởi quá kỹ lưỡng. Rồi thì bức tường cũng hoàn thành vào chiều tối. Nhưng khi đứng ra xa để nhìn ngắm công trình của mình, chú tiểu thấy có hai viên gạch thật xấu lại rơi vào giữa bức tường—cứ như hai con mắt không đẹp. Chú tiểu buồn lắm nhưng đã vô phương cứu chữa vì vữa đã khô.
Từ đó về sau, ngôi chùa trở thành nơi thờ phượng lớn nhất trong vùng nên nhiều người thăm viếng, nhiều đồng đạo từ xa cũng mong có dịp ghé thăm. Chú tiểu lại được phương trượng chùa mới giao cho công việc hướng dẫn du lịch bởi chú là người am hiểu về xây dựng, rành rẽ nội thất của ngôi chùa vì chú có mặt từ khi chùa đặt viên gạch đầu tiên. Nhưng khi hướng dẫn khách đi xem kiến trúc của ngôi chùa thì chú tìm mọi cách để hướng đoàn du lịch đi qua lối khác, không cho ai thấy bức tường do chính chú xây vì đó là nỗi ám ảnh của chú, niềm xấu hổ và buồn phiền...
Chỉ đến hôm có hai vị cao tăng viếng chùa, chú tiểu cố gắng thể nào thì hai vị cao tăng cũng nhất định phải xem cho được bức tường bắt buộc phải có trong quần thể kiến trúc này! Chú tiểu miễn cưỡng để hai vị cao tăng vào xem bức tường. Chú đứng sang bên e thẹn và dò xét.
Vị cao tăng thứ nhất nói, “Bức tường vừa đúng ngàn viên gạch, và có 2 viên lỗi. Nhìn như đôi mắt của bức tường”.
Vị cao tăng thứ hai nói, “Hãy nhìn 998 viên chuẩn mực, tạo nên sự đẹp đẽ của bức tường. Hai viên không đẹp trong ngàn viên thì đáng gì phải chú ý đến…”
Chú tiểu không biết mình vui hay buồn với nhận xét của hai vị cao tăng. Nhưng từ đó chú buông bỏ sự soi mói vào điểm yếu, khuyết tật của người khác. Nhìn đồng đạo trên những điểm mạnh của từng người trong chùa, chú thấy sự đối xử của mọi người với chú khá hơn xưa! Chú cũng thấy bình an hơn mỗi khi đối diện với hai con mắt của bức tường.

Câu chuyện chỉ có thế trong một buổi chiều tàn, trong căn phòng lặng thinh. Dường như không gian bớt huyên náo thường làm cho người ta dễ suy tư. Tôi lại mân mê vô tủ lạnh, tìm chai nào dở dang để nhớ bạn. Và tôi nghĩ ra được điều quá đơn giản trong đời sống này là hãy chấp nhận khuyết tật của người khác để bù đắp cho khuyết tật của mình—Hãy nhìn 998 viên gạch giống nhau đến nhàm chán thì sẽ thấy 2 viên gạch khác thường nổi trội như hoàng tử với công chúa. Không biết bà cụ mọt sách nhà tôi có chấp nhận cái khám phá cũ rích ấy của tôi mà thông cảm cho những chai dở dang ê hề trong tủ lạnh—để vợ chồng khỏi cãi nhau, đôi khi thành gây lộn. (Tôi thường bỏ vào tủ lạnh những chai rượu uống không hết với một người bạn nào đó tại nhà. Để chỉ cần nhìn thấy cái chai dở dang ấy đã ấm lòng vì bạn có hứa sẽ mời mình tới nhà, thì phải gọi nhắc chứ! Thử hỏi không để lại cái vỏ chai với tí rượu thừa, thì làm sao nhớ mà gọi nhắc trong thời buổi quên khôn thấy ớn!)

Và tôi cũng sẽ thôi cằn nhằn em về cái ly cà phê sữa đá trong tủ lạnh. Ghét nhất là đã khuấy xong ly cà phê rồi thì sao không rửa, dẹp cái thìa khuấy cà phê đi—cho gọn. Sao cứ phải để cái thìa dài thoòng trong ly cà phê, rồi đưa vào tủ lạnh, như gài bẫy kẻ trộm tình—ưa lỏn lẻn tìm chai lẻ trong tủ lạnh mà nhớ bạn. Nhưng hễ vỏ chai quẹt phải cái thìa, làm đổ ly cà phê thì phải đi lau (clean) tủ lạnh. Tình nghĩa để đâu mà chơi game gài “lau tủ lạnh miễn cãi” thế chứ! Cái lý giải: Mỗi lần bưng ly cà phê ra khỏi tủ lạnh, khuấy lên một cái, uống mới đã... Thật là một “luận điệu vô căn cứ của nhà cầm sổ sách chi thu, rồi làm tàng”.

Nhưng thôi, từ nay, mỗi chúng ta là một viên gạch xấu, nhé em! Trong ngàn viên gạch; trong thiên chuyện gia đình, chỉ có đôi ta không bao giờ ly biệt, vì sự vắng mặt của chúng ta, 998 viên gạch đẹp đẽ sẽ không còn đôi mắt!

Tôi phục mình sát đất, đem cả cõi u minh riêng tư ngoài sân sau vào nhà để nói hết một lần với lòng thành can đảm. Nhưng nàng vẫn u minh như chưa từng đọc cuốn sách nào! “Tôi với ông như đôi mắt sao được. Ông đừng có thấy sang bắt quàng làm họ. Mắt tôi hai mí tử tế, đâu có... cười không thấy tổ quốc như ông...”

“Nhưng cũng có người mắt trái một mí, mắt phải lại hai mí. Đâu có ai chết đâu! Chỉ tội người sụp mí, có mắt không tròng nên xem nhẹ lòng thành của người đáng kính.”
“Ông nói tiếng gì vậy?”
“Anh không đùa...”
“Vậy! Xin lỗi...”

Tôi giận chứ sao không. Nhưng đã tự hứa là không cãi nhau thêm nữa. Cuộc đấu khẩu đã hơn nửa đời người. Bạn trở thành thù rồi thù trở thành bạn... đã mấy mặt con. Tôi chấp nhận thua sớm cho cao cờ; trở vào nhà lần nữa để cà khịa với bà cụ sinh ra mấy đứa con tôi. Nhưng trên màn hình tivi—quên tắt, chỉ còn chàng mỹ nam tử, có đôi mắt bồ câu con đậu con bay của Thúy Nga đang gào thét thay tôi, “Thúy đã đi rồi!”

Đôi mắt của bức tường chỉ còn lại một con ở nhà. Biết làm gì hơn đọc tiếp quyển ngụ ngôn sưu tầm của nhà xuất bản gì đó trong nước, đến câu chuyện về đêm càng thấm, chuyện kể:
“Hai người bạn phải cùng nhau băng qua sa mạc để thực hiện công vụ được giao phó. Buổi sáng, trước khi khởi hành, họ đã tranh cãi nhau về kế hoạch vượt qua sa mạc trong ngày. Một người không nhịn được sự nóng giận nên đã tát vào mặt người bạn mình.

Người bị tát chỉ lẳng lặng khỏa cát, dùng que nhặt được và viết ra: “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã đánh tôi”.
Dù sao họ cũng phải thực hiện nhiệm vụ được giao phó, nên hai người lặng lẽ đi bên nhau, vượt qua sa mạc nắng cháy... Đến xế chiều, đến một ốc đảo. Cả hai cùng thấy một đầm nước. Người bị tát ban sáng, uống xong, cố lấy thêm ít nước vào bình chứa để tiếp tục hành trình. Nhưng không may, anh ta bị lún—càng lúc càng sâu xuống đầm nước.
Người bạn nhanh chóng đi tìm nhánh cây dài để cứu anh. Sự may mắn trở lại với người không may từ sáng.

Khi đã thoát hiểm, anh ta dùng dao, khắc lên tảng đá: “Hôm nay người bạn thân nhất của tôi đã cứu tôi”.
Người bạn đánh anh ban sáng; cứu anh ban chiều, hỏi: “Sao ban sáng tôi đánh anh, thì anh viết lên cát. Bây giờ tôi cứu anh, thì anh khắc lên đá?”
Người không may trả lời: “Khi người thân, bạn bè, làm điều gì không có lợi cho ta thì chỉ nên viết lên cát—để gió cuốn đi. Nhưng khi họ làm điều tốt lành cho ta thì phải khắc lên đá—để không bao giờ quên...”

Tôi đọc lại câu chuyện lần nữa, song song với đọc cái message mà bà cụ thân sinh ra mấy đứa con tôi vừa text cho tôi. “Con com, canh, suon ram trong tu lanh. Anh an con minh di. Dung uong nua nha. Toi nay em ngủ choi nhà con vì tui nho o day ca... I love you.”
Thật là người dưng khác họ sao đem lòng mến thương để thành vợ chồng—như đôi bạn mà đời là sa mạc hung hiểm. Chỉ nên viết những phiền muộn lên cát—để gió cuốn đi.

Nhưng có phiến đá nào đủ lớn để khắc hết được những gì tốt lành đã làm cho nhau? Cùng lắm cũng chỉ viết được khúc tự tình từ những chuyện cổ tích, ngụ ngôn vừa đọc khi ở nhà một mình; mang tâm trạng “đời vắng em rồi... cãi với ai?” trong không gian một đêm đã thấy nghìn trùng...
Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét