Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

(2) Đà Nẵng hậu Bá Thanh: Không thể dựa vào nguồn bán đất

Không thể dựa vào nguồn bán đất
TT - Những năm trước đây, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng ở mức rất cao, nhưng chủ yếu là dựa vào đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, trong khi đầu tư tư nhân chiếm tỉ trọng nhỏ và giảm dần. Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân chính khiến ngân sách bị teo tóp... khi đất đóng băng.
Một khu đất vị trí đẹp ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) bỏ hoang do không thu hút được nhà đầu tư - Ảnh: Hữu Khá



Ngay sau khi được công nhận là TP trực thuộc trung ương (năm 2003), nhiều chính sách ưu đãi đã được TP Đà Nẵng áp dụng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Và một trong những chính sách rầm rộ và ấn tượng nhất là chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hạ tầng tốt...

"Doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu ngân sách mới bền vững. Thu ngân sách từ đất rồi cũng bớt đi, vơi dần; chỉ có thu từ phát sinh kinh tế mới ổn định và lâu dài"
Ông Trần Thọ (chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng)

Sự kiện TP Đà Nẵng khánh thành cùng lúc hai cây cầu bắc qua sông Hàn là cầu Rồng và cầu dây văng Trần Thị Lý (mà khoảng cách giữa hai cây cầu chỉ chưa đầy 1km) đúng vào dịp 29-3 vừa qua đã khiến nhiều địa phương bạn “choáng ngợp”. Nhưng đây không phải lần đầu tiên mà trước đó rất nhiều lần, cứ đến dịp lễ kỷ niệm thì chính quyền TP này lại cho tổ chức khánh thành cùng lúc nhiều công trình hạ tầng dân sinh hoành tráng. Chỉ tính riêng hệ thống cầu thì từ năm 1997 đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng mới tám cây cầu, trong đó có những cây cầu lên đến hàng nghìn tỉ đồng như cầu Thuận Phước (1.300 tỉ), cầu Rồng (1.700 tỉ), cầu Trần Thị Lý (1.700 tỉ đồng). Những cây cầu này đã tô điểm cho Đà Nẵng thêm phần lung linh, tạo ra những điểm nhấn cho TP vốn coi du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo thống kê của ngành du lịch Đà Nẵng, trong sáu tháng đầu năm 2013 địa phương này đưa thêm 877 phòng khách sạn vào khai thác, nâng tổng số phòng khách sạn lên trên con số 11.500 phòng (trong đó 50% phòng thuộc khách sạn 3-5 sao). Hạ tầng du lịch tốt nên lượng du khách đổ về TP này cũng tăng cao, nhờ vậy tổng thu nhập từ các hoạt động du lịch của địa phương này trong sáu tháng đầu năm đạt trên 3.600 tỉ đồng. Đây được xem là điểm sáng duy nhất của Đà Nẵng trong thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2013.

Doanh nghiệp đầu tư ít

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Cử (khoa kinh tế chính trị Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng kinh tế tăng trưởng của Đà Nẵng trong những năm qua chủ yếu dựa vào đầu tư, nhất là đầu tư công chiếm tỉ trọng trên 50% chi tiêu ngân sách của Đà Nẵng, trong khi đó đầu tư tư nhân lại chiếm rất ít, thậm chí giảm dần. “Mặt tích cực của những khoản đầu tư này là bộ mặt đô thị nhanh chóng được hiện đại hóa, nhưng bên cạnh đó dù cơ sở hạ tầng được cải thiện nhưng kinh tế không tăng trưởng tương xứng. Điều này cho thấy đầu tư công của Đà Nẵng không hợp lý khi hạ tầng đường sá, khu dân cư nhiều, còn hạ tầng để phát triển công nghiệp như kho tàng, bến bãi, khu công nghiệp... - những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn về môi trường đầu tư - lại ít...” - ông Cử phân tích.

Trong khi đó ông Trần Văn Lĩnh (tổng giám đốc Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước), đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng: “Thực chất 15 năm qua Đà Nẵng “chỉ lo dọn dẹp, sửa nhà, trải chiếu, mới chỉ dừng lại ở phát triển hạ tầng thôi”. Và thực tế cho thấy việc phát triển hạ tầng của Đà Nẵng chỉ tập trung vào hạ tầng du lịch, cho nên các ngành công nghiệp của Đà Nẵng phát triển èo uột, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu. “Tại các khu công nghiệp Đà Nẵng, số lượng doanh nghiệp đầu tư rất ít. Không có đơn vị công nghiệp chủ lực nào, họ chỉ chiếm đất xí phần để đó, chưa làm. Vì vậy Đà Nẵng không có dự án công nghiệp nào đủ tầm lớn để tạo ra nguồn thu” - ông Lĩnh nói.

Theo ông Đỗ Hoàng Thiệu - phó chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng, cần phải nhìn thấu đáo để điều chỉnh cơ cấu kinh tế trước thực trạng nguồn thu suy giảm mạnh. “Bao năm nay mọi người cứ nhìn thấy Đà Nẵng tăng trưởng với mức rất cao trên 10%. Thế nhưng, nguồn thu chủ yếu dựa vào việc bán đất. Trong khi đó TP không thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài rất ít”.
Phải cơ cấu lại nguồn thu

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình (trưởng khoa kinh tế Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng), để chất lượng tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng được bền vững buộc phải thực hiện tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo hướng đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo nguồn thu bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, trong đó ưu tiên phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm dịch vụ của cả khu vực trong các lĩnh vực tài chính, vận tải kho bãi, dịch vụ logistics..., riêng công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, công nghiệp điện tử... Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng để cải thiện nguồn thu, sắp tới TP cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu. “Hiện lãnh đạo lo đi kêu gọi đầu tư nhưng kêu gọi chưa đủ, nhanh chóng quay lại chăm sóc các doanh nghiệp đang có, tạo được sức lan tỏa để kéo các doanh nghiệp mới đến. Thời gian qua mình kêu doanh nghiệp về nhưng không tạo điều kiện mà để họ tự bơi” - ông Lĩnh cho hay.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thu, tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng, đề xuất Đà Nẵng phải tìm thêm nguồn thu từ xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và khai thác, phát huy cho được hành lang kinh tế đông - tây. Còn ông Mai Đức Lộc, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng: chính quyền TP nên có chính sách và biện pháp cụ thể để tiếp cận các tập đoàn lớn, tạo được năng lực sản xuất công nghiệp mới cũng như tạo nguồn thu vững chắc từ phát sinh kinh tế. Đồng thời rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, chấm dứt tình trạng chiếm dụng diện tích nhằm mục đích chuyển nhượng.

Thật ra câu chuyện “bán đất để ăn” không phải là câu chuyện mới ở Đà Nẵng, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên người dân TP này nghe được câu nói của một vị tân chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ khi ông đăng đàn phát biểu tại bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 7 vừa qua rằng: “Chính quyền TP phải có những giải pháp khả thi, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất. Doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu ngân sách mới bền vững. Thu ngân sách từ đất rồi cũng bớt đi, vơi dần; chỉ có thu từ phát sinh kinh tế mới ổn định và lâu dài”.

Vốn nước ngoài chủ yếu là bất động sản

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, trong tám tháng đầu năm 2013, toàn TP Đà Nẵng chỉ có 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 26,5 triệu USD và tám dự án FDI cũ điều chỉnh tăng vốn lên thêm 62,9 triệu USD. Năm 2012, Đà Nẵng cũng chỉ có 34 dự án được cấp mới với tổng vốn 110,5 triệu USD và 17 dự án điều chỉnh tăng vốn lên thêm 135,9 triệu USD.

Theo ông Trương Hào - phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, nguyên nhân nguồn vốn FDI tiếp tục giảm là do thị trường bất động sản đóng băng. Mấy năm trước FDI Đà Nẵng tăng mạnh vì đất đai bán được, nhà đầu tư nhảy vào vừa làm du lịch vừa khai thác bất động sản, bây giờ thì bất động sản không còn hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư không muốn vào Đà Nẵng nữa. Điều này được chứng minh khi có đến hơn 68% tổng vốn FDI đăng ký thuộc lĩnh vực bất động sản - du lịch, trong khi đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm 15,5% vốn đăng ký.
HỮU KHÁ - ĐĂNG NAM (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét