Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)
Tháng 4 năm 2003, vài tháng sau khi Nguyễn Đình Thi mất, tập truyện ngắn “Tuyết” được xuất bản như là di cảo,kể về anh cán bộ Nam đi công tác nước bạn .Người ta chờ Nguyễn Đình Thi viết gì đó na ná như “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên, hoặc trật đường rầy“nhìn từ xa tổ quốc” theo kiểu Nguyễn Duy.
Vậy mà không, trong chuyến tàu đi trong đêm tuyết Nguyễn Đình Thi cho Nam gặp lại chị cán bộ miền Nam Tư Bình. Chị này có cô con gái duy nhất bị máy bay Mỹ bắn chết. Mặc dầu vậy chị vẫn không gục ngã trước số phận, trở thành bác sĩ giỏi được cử sang nước bạn học tiếp và được Nguyễn Đình Thi ca ngợi :
“ Hai bên con đường sắt là cánh đồng phủ tuyết trắng bông, đây đó nhô lên những quả đồi thấp tròn thoai thoải. Có một bóng người đàn bà mang ủng cao bước đi trên một con đường giữa hai hàng cây đã rụng hết lá, chỉ còn những cành cây đen sẫm viền tuyết trắng…”
Truyện ngắn dù có đẽo gọt tới đâu vẫn chỉ nằm trong “tủ sách người tốt việc tốt”...
Trong “Nước chảy” Nguyễn Đình Thi cũng kể gặp lại bạn cũ, nhưng không phải “người đằng miềng” mà là ông già … Việt kiều tên Hoàng :
Nửa thế kỷ trước, Hoàng và NĐT – hai cán bộ kháng chiến gặp nhau và chia tay nhau bằng một bán bún riêu ở Ba La Bông đỏ gần Hà Đông. NĐT lên Việt Bắc theo kháng chiến còn Hoàng “dinh tê” về Hà Nội, năm sau đi du học Pháp. Đáng buồn cho Hoàng, anh có cô vợ chưa cưới tên Lệ còn kẹt lại Phú Thọ. Trở về Hà Nôi, Hoàng viết thư cho Lệ van xin nàng về thành với anh. Vậy nhưng thật lạ, cô tiểu thư Hà Nội này mê nhạc đến độ tản cư cũng phải chở theo nguyên một cái đàn dương cầm, ấy thế mà lại khăng khăng không chịu bỏ kháng chiến theo chồng về Hà Nội tiếp tục học đàn, hơn thế , cô còn viết thư khuyên chồng chưa cưới nên quay trở về với kháng chiến. Con gái Hà Nội không lẽ dở hơi đến thế sao ? Thế là Hoàng đành đi Pháp một mình, rồi sang Thuỵ Sĩ sau trở thành một bác sĩ giỏi .
Đó là gặp gỡ đầy ý nghĩa của hai người bạn : một theo kháng chiến, một định cư nước ngoài và sẽ vô cùng lý thú khi diễn tả chân thực thân phận con người. Tuy nhiên ông không đủ dũng cảm làm chuyện đó, ông lờ cái cốt lõi đó đi , đành “quẹo cua” không dám đi vào “vùng cấm bay” – so sánh hai con đường “ ai thắng ai” giữa hai người bạn, ông chỉ dám hướng câu chuyện vào cuộc tình không thành giữa Hoàng và Lệ và…hết.
Một cuộc gặp gỡ và chia tay trong nhạt nhẽo.
Nhạt nhẽo như truyện ngắn của Nguyễn Đình Thi vậy.
Một thời mấy ông trong Hội nhà Văn Việt Nam riễu mấy bác lãnh đạo “Đảng đoàn là Đảng đoàn Hoài / Hễ đi nước ngoài là có ông ngay…”
Nguyễn Đình Thi nhiều năm có chân trong Đảng đoàn, dẫu không đi nước ngoài nhiều như Tô Hoài thì cũng ngang…đi chợ. Bởi thế những khung cảnh nước ngoài thường được ông đưa vào truyện ngắn vào những năm cuối đời. Tuy nhiên ông chỉ mượn khung cảnh thôi, còn nhân vật vẫn là những người quen cũ .
“Trong rừng thông” ông gặp một cán bộ nghiên cứu tên Đan đi họp hội nghị quốc tế châu Au. Ông Đan cũng tái ngộ với cô Mai quen biết từ hồi mới nổ ra toàn quốc kháng chiến. Ngày xưa, Đan còn là anh bộ đội, trên đường hành quân gặp Mai “ cô gái độ mười lăm mười sáu tuổi ấy đi đâu cũng đội mũ nan gài lá như bộ đội ”. Lẽ ra Đan và Mai đã có một tình yêu đẹp, chỉ tiếc Đan đã có vợ bởi vậy hai người coi nhau như anh em.Tuy nhiên hai người đôi khi vẫn gặp nhau, đi chơi bên hồ Hoàn Kiếm, tặng hoa và “ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn , một cách tự nhiên không hề suy nghĩ, hai người đã giữ cái đốm sáng ấy để mà sống.” . Thế rồi ngay cả khi vợ Đan chết, quan hệ giữa anh với Mai cũng vẫn bảng lảng ở mức tình “anh em” như hồi mới gặp. Phải chờ tới khi Mai đã lớn tuổi, được đi thực tập tại một thành phố châu Au nơi Đan cũng đang họp ở gần đó, hai người mới gặp nhau . Và khi đi ngang qua một phố đông ,”dòng người đổ đến, chen chúc , làm Mai lúng túng , Đan bỗng :
“ Oi dào, phải thế này…”
Và anh gấp cánh tay, cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Mai đặt lên đấy. “ Thế”.
Truyện ngắn “ Trong rừng thông” mang khá nhiều dấu vết riêng tư của Nguyễn Đinh Thi, bộc lộ cái nỗi niềm sâu kín trong ông “ Oi dào, phải thế…” – phải sống thực với mình, phải yêu đúng với những rung động con tim mình. Mọi cấm kỵ, mọi rào cản tới một lúc nào đó sẽ chẳng còn là cái gì. Chỉ tiếc ông không đi xa hơn truyện trai gái để vượt tới chuyện đời văn, chuyện đời người , ngoái nhìn những bước đường tư tưởng đã qua để có một hành động phản tỉnh nào đó ứng với câu Đan thốt ra :”Oi dào, phải thế…”
Trong truyện ngắn “Người bạn cũ”, Nguyễn Đình Thi lặp lại môtip truyện “ tái ngộ cố nhân”, nhưng lần này chuyện xảy ở Sàigòn và người xưa vốn là một cô gái sống phóng túng , tên Thoa “luôn luôn sống tự do theo ý muốn, luôn luôn sống ngoài dư luận và khinh miệt những kẻ đạo đức giả…” . Thế rồi “ Cách mạng bỗng làm thay đổi tất cả”. Cái cô Thoa này từ bỏ hết cả sự lôi kéo của mấy ông luật sư, tri huyện tới chốn phồn hoa mà lại “ rời Hà Nội về quê, chỉ lo làm nghề thầy thuốc ở một vùng quê hiền lành êm ả bên con sông Đáy…”. Thế rồi chiến tranh nổ ra, sau bao nhiêu năm phiêu dạt, ông Nam, người bạn cũ vào Saigòn tìm tới tận nơi Thoa ở thì bà đã ra người thiên cổ chỉ để lại một lá thư thanh minh dù có bỏ kháng chiến vào Nam thì vẫn “phân biệt được phải trái , thật giả và nhìn được đâu là chính nghĩa, em u mê sao được trong lúc hằng ngày dân ta chết như thế, khổ như thế…”. Một truyện ngắn nằm trong cả một dòng truyện ngắn miền Bắc sau năm 1975 về “nỗi ăn ăn , hối hận của những người bỏ quê hương miền Bắc di cư vào Nam” .
Truyện “Ông lão vẽ tranh”, truyện sau cùng trong tập truyện viết khá rõ về quan niệm sáng tác của ông.
Lão Dần làm nghề vẽ tranh tá túc nhà ông Chiểu, goá vợ, có con gái nhỏ tên Hồng, bị câm từ nhỏ. Từ lúc đó, cô bé câm quấn quýt bên ông gìa vẽ tranh để đun nước , thay trà, phục dịch cho ông vẽ tranh. Ông vẽ thuê tranh thờ lấy đấu gạo, con gà, nải chuối…Một lần hai cha con ông già Tàu , vốn làm quan bên Phúc Kiến bị án oan trốn sang ta. Ông lão Dần vẽ tranh phong cảnh y như quê cha đất tổ của ông già Tàu khiến ông này rất cảm kích , cho rất nhiều vàng lá. Từ đó ông lão vẽ tranh không vẽ chân dung cho khách nữa. Suốt ngày ông vẽ “nhiều cảnh, nhiều người, nhiều nơi chốn rất khác nhau. Có núi có biển…có đồng ruộng, làng xóm đình chùa…”. Ông vẽ đủ thứ trên đời, hoa cúc, chim rỉa cánh , đoàn ngựa thồ, trẻ con nhảy dây …nghĩa là ông vẽ tất cả những thứ ông bắt gặp . Ong cứ vẽ miệt mài ngày này qua ngày khác đến gần kiệt sức mà vẫn chưa thoả mãn. Thế rồi một hôm ông lão gượng dậy kiếm một khung lụa to đặt kín một chiếc bàn rồi bắt đầu vẽ . Ong vẽ gì vậy ? Hoá ra ông vẽ ” một cô gái bên gốc cây mai. Cô mặc áo cánh bông , trên đầu đội cái thúng, cô bước đi trên vệt đường từ mỏm đồi xuống…”. Ông vẽ cô gái nào vậy ? Hoá ra là ông vẽ ngay con bé câm . “ Ông lấy bút chỉ vào cô bé câm rồi lại chỉ vào cô gái trong tranh…” Ông nói với nó :” Cháu có thích bức tranh này không ? Ông cho cháu đó. Cháu rồi như cô gái trong tranh này đừng sợ gì cả…”. Ít ngày sau ông lão chết. Truyện ngắn gửi gắm thông điệp :” Hãy vẽ hoặc viết về những gì gần gũi với ta nhiều nhất…”. Quan niệm này thực ra chẳng có gì mới, nó nằm đầy rẫy trong những lời răn dậy của các ông nhà văn già gửi tới đám cây bút trẻ đang tập toạng cầm bút theo ‘dấu cha anh”.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa