Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Không cải cách, sẽ không ai 'chơi' với doanh nghiệp Nhà nước

Không cải cách, sẽ không ai 'chơi' với doanh nghiệp Nhà nước
Mặc dù đã là thành viên của một tổ chức thương mại lớn nhất thế giới như WTO, nhưng công cuộc cải cách DNNN của VN vẫn rất chậm chạp, thậm chí mù mờ.
LTS: Yêu cầu cải cách, tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế nhà nước đang đặt ra hết sức bức thiết với VN. Đặc biệt, theo một số chuyên gia nhận định, đây đang là "bức tường" vô hình nhưng kiên cố gây trở ngại cho VN trước các "cuộc chơi" quốc tế, chẳng hạn như TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Đã nhiều lần "lỡ đò"
Trước khi VN tham gia hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) vào năm 2002, đã có nhiều hy vọng về cải cách DNNN. Bởi yêu cầu lớn bao trùm là "Cải cách, cải cách hơn nữa; mở cửa, mở cửa hơn nữa" để "DN tư nhân được tự do phát triển, thúc đẩy DNNN phải đổi mới và phải thiết lập một loạt thể chế về thị trường".
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những yêu cầu này đều là định hướng thị trường theo tiêu chuẩn của WTO mà chúng ta chỉ cần bám vào đó xây dựng luật để tham gia vào "cuộc chơi" lớn toàn cầu.
Tuy nhiên, đáng tiếc là cơ hội và cũng là yêu cầu cần thiết đó chúng ta chưa làm được sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Có 3 cam kết cơ bản về cải cách DNNN lẽ ra chúng ta phải thực hiện nhưng lại đang "mắc nợ":

Thứ nhất là DNNN phải hoạt động trên cơ sở thương mại, tức là phải bình đẳng với các thành phần DN khác. Đó mới là điều quan trọng, còn các nước không quan tâm việc Việt Nam có nhiều hay ít DNNN.

Thứ hai, đầu tư của DNNN không thể xem là đầu tư của Nhà nước, tức là Nhà nước không được đổ tiền vào DNNN. DNNN muốn đầu tư phải huy động vốn từ thị trường, từ đó chịu sức ép như bao thành phần khác để hoạt động hiệu quả.

Thứ ba, Nhà nước chỉ được chi phối DN theo tỷ lệ cổ phần góp vốn, chứ không phải DN chỉ 20% vốn Nhà nước mà vẫn được xem là DNNN để được hưởng mọi ưu đãi, đặc quyền đặc lợi.

Mặc dù đã trở thành thành viên của một tổ chức thương mại lớn nhất thế giới như WTO, nhưng công cuộc cải cách DNNN của Việt Nam vẫn rất chậm chạp, thậm chí lôi thôi mù mờ.

Đã gia nhập WTO 5 năm, cải cách DNNN của VN vẫn rất chậm chạp. Ảnh minh họa
Cuộc khủng hoảng kinh tề toàn cầu diễn ra ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO khiến cho tổ chức này phải bận tậm vào nhiều vấn đề khác, nên yêu cầu cải cách DNNN của Việt Nam ít được quốc tế quan tâm.

Lẽ ra, nếu công cuộc cải cách được thực hiện nghiêm túc thì Việt Nam đã có thể tránh được những thảm họa như Vinashin và hàng loạt hệ lụy; đã ngăn chặn được nhiểu đổ vỡ thiệt hại vô cùng nặng nề xảy ra sau đó, kéo dài cho đến nay.

Bà Phạm Chi Lan nhận xét: "Vấn đề ở đây không phải vì người ta bỏ lơ mà mình không thực hiện. Lẽ ra những cam kết đó phải được thực hiện đầy đủ, trước hết vì chúng ta, để đẩy mạnh cải cách, tạo ra sự minh bạch nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tốt cho kinh tế phát triển".

Kỳ vọng trước ngưỡng cửa TPP

Những vòng đàm phán tiếp theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương đang tiếp tục diễn ra (từ năm 2010 đến nay). Trong đó, vòng đàm phán về DNNN và cơ hội để cải cách toàn diện đã được đề cập và là nội dung quan trọng được nhiều quốc gia quan tâm.

Nội dung này có một số khác biệt ở từng quốc gia. Đối với Hoa Kỳ thì nguyên tắc về minh bạch và cạnh tranh tạo ra sân chơi bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân được đề cao ở cấp liên bang.

Đối với Australia, DNNN vẫn có thể kinh doanh trên một hệ thống bình thường, tuy nhiên, nếu có DN nào được hưởng lợi ích từ vị thế của DNNN thì phải nộp lại cho Nhà nước lợi ích đó. Singapore đưa ra quy tắc cạnh tranh cần áp dụng cho hành vi kinh doanh, không nên áp dụng cho chủ thể...

Dù có những khác biệt nhất định trong vòng đàm phán, song nền tảng thị trường là yếu tố bất di bất dịch ở các quốc gia thành viên TPP trong tương lai. Cho nên, dù kết quả đàm phán có như thế nào, thì kiểu hoạt động như của các DNNN Việt Nam bấy lâu nay sẽ không có đất tồn tại trong "sân chơi" TPP. Kể cả các "sân chơi" khác như WTO, BTA cũng vậy.

Đã trải qua những cơ hội bị "lỡ chuyến", nên đứng trước ngưỡng cửa TPP lần này rất nhiều ý kiến quan tâm đến công cuộc cải cách, tái cơ cấu DNNN.

Trong cuộc tọa đàm cập nhật đàm phán TPP diễn ra ngày 21/8/2013 tại TP.HCM, đã có nhiều ý kiến bi quan về tiến độ cải cách DNNN thời gian qua. Thậm chí có ý kiến khá gay gắt khi cho rằng, sau khi gia nhập WTO, những quy định minh bạch hóa, bình đẳng trong hoạt động giữa các thành phần kinh tế đã bị thực hiện méo mó, biến dạng đi. Vậy liệu công cuộc cải cách, tái cơ cấu DNNN có thể thực hiện được không trước cơ hội TPP?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tỏ ra thận trọng trước câu hỏi này. Bà nói: "Tôi nghĩ chúng ta đang bị sức ép từ kinh tế nội địa rất lớn và đang bị đẩy tới tình huống "không thể không làm"!

Theo đó, tình huống hiện nay rất giống với trước khi VN gia nhập WTO: nền kinh tế đang tụt dốc mạnh, tăng trưởng chậm, kéo dài, mức tăng trưởng 5 năm dự báo cực kỳ thấp. Số DN bị "chết" đã lên tới trên 200.000. Ngân sách Nhà nước cạn kiệt. Vì vậy, các yêu cầu của cải cách trong nước và sức ép của hội nhập bắt buộc chúng ta phải vượt lên.

"Hơn nữa, Việt Nam không còn đường lùi nếu không tiến lên. Sức ép từ cộng đồng ASEAN, từ Trung Quốc còn mạnh mẽ và áp lực hơn nữa."- bà Phạm Chi Lan chỉ ra. "Đây là bài toán của đất nước và cũng là thời điểm phải có thay đổi, không thể chậm trễ thêm nữa" - nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Cần có sự đánh đổi ?

Nếu yêu cầu phải cải cách, đổi mới đặt ra vô cùng cấp bách, thì vấn đề tiếp theo là cải cách, tái cơ cấu như thế nào còn cấp bách hơn nữa.

Bà Phạm Chi Lan thừa nhận: "Việc tái cơ cấu được đặt ra như thế nào, cải cách ra sao, gồm những gì trong các đề án thì bản thân chúng tôi thực sự không biết!". Những yêu cầu cơ bản như công khai, minh bạch hãy còn chưa ló dạng đang là nỗi lo lớn.

Nỗi lo lắng càng tăng lên khi gần đây có những dấu hiệu bất hợp lý rất rõ ràng nhưng lại chưa được quan tâm và xử lý. Chẳng hạn, chỉ cần cắt vài dự án lớn của DNNN là có thể giúp ngành dệt may, hiện là một trong "tứ trụ" xuất khẩu có kim ngạch lớn và đang rất cần đầu tư? Hoặc nền nông nghiệp đang vô cùng khó khăn cần được cứu, thì lại đặt vấn đề cứu bất động sản? Hoặc tiền của các ngân hàng đang không thiếu nhưng nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn, v.v...

Trước thực tế đó, bà Phạm Chi Lan nhận định: "Giờ đang là lúc phải đánh đổi. Đánh đổi lợi ích nhóm lấy lợi ích cho nền kinh tế. Theo tôi biết, lãnh đạo không phải không biết, nhưng đã đến lúc phải có cái thế rất mạnh để dám làm!".

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: "Chúng ta đã tham gia "cuộc chơi" WTO. "Cuộc chơi" có 150 người trong WTO sẽ dễ hơn "cuộc chơi" có 12 người như TPP. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì sẽ không chơi với ai được!".

Duy Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét