Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Dự án của Vingroup bị thanh tra

Không biết có cần thanh tra các nội dung khác không, nhưng theo tôi nhất thiết phải thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng. Không thể chấp nhận cho mọc lên một lô 5-6 tòa nhà chọc trời với hơn 4000 căn hộ dân cư sống chen chúc trong một khu đất hẹp nguyên chỉ là khuôn viên của một nhà máy và cả khu chỉ có một lối thoát ra đường Nguyễn Trãi.
Dự án của Vingroup bị thanh tra
Royal City là một trong những dự án lớn nhất của Vingroup
Dự án khu đô thị Royal City do một công ty con của Vingroup thi công và quản lý sẽ bị Bộ Xây dựng tiến hành điều tra để làm rõ các cáo buộc sai phạm từ phía khách hàng.Royal City là dự án tổ hợp đô thị do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc thành phố Hoàng Gia, một công ty thuộc Tập đoàn Vingroup, thi công và quản lý.
Theo quyết định được Thanh tra Bộ Xây dựng ký ngày 20/8 mà BBC có trong tay, đoàn thanh tra đã được giao nhiệm vụ "thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về: quy hoạch xây dựng; quản lý chất lượng công trình, hoạt động kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại khu đô thị Royal City".
Ngoài ra, đoàn thanh tra gồm bảy người còn có trách nhiệm "làm rõ những nội dung trong đơn tố cáo ngày 21/7/2013 của những khách hàng mua căn hộ tại dự án khu đô thị Royal City ..."

Văn bản này cũng cho biết trưởng đoàn thanh tra là ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Điểm đáng chú ý là nhiều báo trong nước đã có một số bài viết liên quan đến vụ việc, như bài "Vingroup giải thích về cách tính diện tích căn hộ Royal City" trên gafin.vn hoặc "Bộ xây dựng lập đoàn thành tra Royal City" trên báo Đất Việt. Nhưng đến sáng 28/8 thì đã không còn vào được.

'Ăn gian' diện tích?

Trước đó, ngày 21/7, nhiều khách hàng mua căn hộ tại khu đô thị Royal City đã gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền khiếu nại về việc "chủ đầu tư khu căn hộ khu đô thị Royal City tính diện tích căn hộ bao gồm hộp kỹ thuật, cột chịu lực trái quy định của Pháp luật."

Trong đơn khiếu nại, những người này tố cáo chủ đầu tư đã đưa diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, mà họ cho là sở hữu chung, vào diện tích bán trong hợp đồng mua bán căn hộ, khiến nhiều khách hàng phải trả dư hàng trăm triệu đồng.

"Các cột đều nằm trọn trong các căn hộ và chiếm diện tích rất lớn. Trung bình kích thước cạnh của cột là 1,27m. Mỗi hộ đều có từ 2 đến 6 cột trong nhà chưa kể hộp kỹ thuật và tường chịu lực khoảng từ 2 đến 7,8 m2," lá đơn này viết.


Các hộ dân tại Royal City cũng đã cử đại diện lên trụ sở tiếp dân tại Hà Nội để khiếu nại hồi đầu tháng 8

"Tính ra tiền với đơn giá trung bình là 40 triệu/m2 thì mỗi hộ trong Royal City sẽ có nguy cơ bị chủ đầu tư thu sai pháp luật hàng trăm triệu đồng."

BBC đã tìm cách liên lạc với Vingroup nhưng không được.

Mặc dù đã bị xóa khỏi trang gafin.vn, một bài viết dẫn lời giải thích của đại diện Vingroup về cách tính diện tích căn hộ vẫn còn được lưu trữ trên trang wordpress do cộng đồng cư dân tại Time City (một dự án khác do Vingroup sở hữu) lập ra.

Bài viết này dẫn lời bà Mai Hương Nội, Phó tổng giám đốc thường trực Vingroup, nói "quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ được chủ đầu tư và khách hàng thỏa thuận tại Điều 1.2 của Hợp đồng mua bán".

"Theo đó, các bên đã thỏa thuận theo phương thức tính theo kích thước từ tim tường chung và tim tường bao ngoài căn hộ, phù hợp với quy định của Thông tư số 16/2010/TT-BXD ... của Bộ xây dựng."

Chi tiết nói cách tính diện tích sàn căn hộ đã được sự đồng ý của hai bên trong bài viết này cũng xuất hiện trong đơn khiếu nại của các cư dân Royal City.

Tuy nhiên, phía khiếu nại cho biết vì "uy tín" của Vingroup và vì năm 2010 là lúc thị trường bất động sản ‘cầu nhiều hơn cung’ nên đã ký mà “không hề đọc trước” hợp đồng do chủ đầu tư soạn sẵn.

Các cư dân Royal City cũng cho rằng hợp đồng đã vi phạm điều 49, Nghị định 71/2010/NĐ-CP của chính phủ, trong đó quy định rõ "cột chịu lực, hộp kỹ thuật là phần diện tích thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư."

Bản khiếu nại từ những khách hàng của Royal khép lại bằng việc yêu cầu các cơ quan nhà nước “can thiệp và buộc” chủ đầu tư “không tính diện tích thuộc sở hữu chung là diện tích cột, hộp kỹ thuật vào diện tích sàn căn hộ.”

Dự án nghìn tỷ


Royal City là một trong ba dự án đô thị lớn nhất của Vingroup, tập đoàn kinh tế có tổng giá trị tài sản xếp hàng đầu tại Việt Nam.

Với tổng mức đầu tư hơn 18 nghìn tỷ đồng (Vingroup chiếm 98,36% tỷ lệ lợi ích), tổng diện tích hơn 120 nghìn mét vuông, Vingroup đã tuyên bố đây sẽ là khu trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành.

Tính đến ngày 30/6, tổng giá trị tài sản của Vingroup đạt 58.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ đồng so với cuối năm 2012, nhờ doanh thu từ các dự án Royal City, Times City, Vincom Village.

Hồi cuối tháng Năm, quỹ đầu tư danh tiếng Warburg Pincus đã đồng ý mua lại khoảng 20% Vincom Retail, công ty thành viên của Vingroup với giá 200 triệu đôla, mức đầu tư lần đầu (first-time investment) lớn nhất của một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2013 của tạp chí Forbes.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét