Vạch lá tìm… nguồn thu!
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, sau khi Bộ Tài chính trình Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu liên quan đến vấn đề giảm thuế cho doanh nghiệp: "Nói thật, cái anh mà khó khăn thì không có lợi nhuận đâu, có sản xuất đâu mà có lợi nhuận, có lợi nhuận đâu mà bảo mất tiền thuế. Các đồng chí bảo giảm 1% thì mỗi năm mất 6.000 tỉ đồng, tôi thấy doanh nghiệp người ta có làm ra đâu mà mất, không có tiền đóng thuế thì mất cái gì?”.Từ nhận định trên, nghĩ ngược trở lại mới thấy rằng dường như gần đây, để tăng thu trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các ngành chức năng đang tìm cách đẻ ra nhiều thứ phí, thuế và…phạt để tìm nguồn thu. Dễ nhớ nhất là phí bảo trì đường bộ tính vào những người dùng xe cơ giới từ ô tô, xe máy đến xe đạp điện. Sau đó là phí sử dụng thẻ ATM dành cho mỗi lần rút tiến mà chủ yếu là thành phần công nhân, hưu trí phải gánh.
Gần đây tại TP. HCM còn có phí báo sự cố điện! Thay vì khi có sự cố điện trước đây ai cũng có thể dùng điện thoại để báo, nay thì việc làm ấy phải chịu phí, mà sự cố về điện ngày càng nhiều, Tổng công ty Điện lực TP. HCM được trích lại hơn 1.000đ cho mỗi phút gọi của…nạn nhân, số thu vào sẽ không nhỏ nhưng rất vô lý!
Còn một cách khai thác nguồn thu khác nữa là phạt. Thật lạ lùng, ngành giáo dục chuyển hình thức phạt hành chính trước đây thành phạt tiền. Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GĐ-ĐT soạn thảo chủ trương sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo đủ số lượng, diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi và các công trình phục vụ dạy và học khác theo quy định. Thầy cô giáo cắt xén chương trình, dạy thêm sai quy định sẽ bị phạt tiền thay cho cảnh cáo, khiển trách chuyên môn. "Tiền hóa” kỷ luật là một việc hết sức phản giáo dục trong ngành này.
Nhiều Giám đốc Sở GD-ĐT nghe xong bỗng lên cơn thắt ngực vì cho rằng: "Hiện nay các trường đều thiếu đủ thứ nếu áp với các quy định trên. Tuy nhiên, không thể phạt hiệu trưởng cũng không thể phạt giám đốc sở GD-ĐT, chỉ có thể phạt ông chủ tịch UBND tỉnh vì không quan tâm đầu tư cho trường học”. Nhưng liệu ông thanh tra sở GD-ĐT có dám phạt ông chủ tịch UBND tỉnh không? Vậy thì phạt ai? Không lẽ phạt chính Bộ GĐ-ĐT, "ta lại phạt mình”?
"Đẻ” ra nhiều thứ phí, thuế, phạt đảm bảo cho sự cân đối ngân sách mà bất kể đến gánh nặng đè lên người dân nghèo và tính hợp lý, hợp pháp của nó hay sao?
Thư Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét