Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Luật lệ bị phớt lờ

Luật lệ bị phớt lờ
Hồng Phúc
Ở thời điểm hoàng kim của ngành tàu bè, ai được quan hệ với quả đấm thép Vinashin là vinh dự. Ngân hàng nào dính dáng đến Vinashin được coi như ở chiếu trên so với các ngân hàng bạn. Ảnh: Huỳnh Công Bá.
(TBKTSG) - Nhiều cuộc họp diễn ra trong hai tuần qua giữa các tổ chức tín dụng với cơ quan quản lý đều liên quan đến khoản nợ khổng lồ của tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) diễn ra mới đây, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê của SHB cho biết, tính đến ngày 31-12-2012, dư nợ của Vinashin tại SHB là 4.004 tỉ đồng. Khoản nợ này phần lớn do Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) mang đến SHB và Vinashin cũng chính là nguyên nhân khiến HBB phải sáp nhập vào SHB. Báo chí đưa tin HBB đã cho Vinashin vay tổng cộng 3.345 tỉ đồng, bằng 83% vốn điều lệ của HBB (4.050 tỉ đồng vào thời điểm 31-12-2011).
Luật các tổ chức tín dụng đã quy định các ngân hàng thương mại không được cho một doanh nghiệp vay quá 15% vốn tự có, vậy tại sao HBB có thể cho Vinashin vay gần bằng vốn tự có như vậy? Việc này có xảy ra với nhiều khoản vay trên thị trường tín dụng?

Luật lệ không được tuân thủ


Giám đốc pháp chế một ngân hàng nói với TBKTSG rằng ở đây có nhiều lý do để giải thích. Thứ nhất, có thể HBB không phải cho vay một công ty duy nhất mà tổng giá trị các khoản tín dụng này đã giải ngân cho các công ty con, cháu, chắt của Vinashin (tập đoàn này có đến hàng trăm công ty con cháu như vậy). Tức là, các khoản vay này không tổng hợp vào nợ chung của tập đoàn mà lại tính như công ty độc lập. Nhiều khả năng số tiền vay cũng được chia làm nhiều hợp đồng do các chi nhánh khác nhau của ngân hàng thực hiện chứ không tập trung vào một đơn vị.

Thứ hai, HBB đã giải ngân khá nhiều cho Vinashin qua trái phiếu doanh nghiệp. Trước đây, trái phiếu doanh nghiệp không bị tính vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng như hiện nay, lại không có các quy định hạn chế. “Cách đây 5-7 năm, ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp còn được coi là hình thức kinh doanh giấy tờ có giá, thậm chí không phải hạch toán vào tài sản có dài hạn và được hạch toán theo kiểu tài sản có ngắn hạn trên bảng cân đối”, tổng giám đốc một ngân hàng nhớ lại.

Có những hợp đồng cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn như xăng dầu, dầu khí, điện lực vẫn thường xuyên được “chỉ đạo” bằng hình thức này hay hình thức khác và các ngân hàng quốc doanh phải thực hiện.

Thứ ba, nhiều năm nay trên thị trường có rất nhiều hợp đồng tín dụng cho vay quá 15% vốn tự có của ngân hàng và theo quy định, được cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ) phê duyệt cho phép. Có những hợp đồng cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn như xăng dầu, dầu khí, điện lực vẫn thường xuyên được “chỉ đạo” bằng hình thức này hay hình thức khác và các ngân hàng quốc doanh phải thực hiện. “99% những trường hợp đó có một trong hai đầu dính líu đến quốc doanh, hoặc là ngân hàng quốc doanh cho vay hoặc là doanh nghiệp nhà nước đi vay. Ngân hàng cổ phần nếu tham gia chỉ là cùng cho vay hợp vốn hay có khi được ăn theo thôi”, theo lời một lãnh đạo ngân hàng quốc doanh.

Gần như toàn bộ các hợp đồng tín dụng cung cấp cho các dự án lớn thuộc các doanh nghiệp nhà nước ngành điện, dầu khí, đóng tàu, vận chuyển đường biển, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều vượt 15% vốn tự có của ngân hàng. Thường đó là những dự án lớn, giá trị đầu tư vài chục triệu đô la Mỹ và phải cho vay với thời hạn dài. Vì vậy, không phải ngân hàng nào cũng đáp ứng được nguồn vốn cho các dự án đó nên các ngân hàng xoay qua đồng tài trợ.

Mặt khác, đôi khi các ngân hàng quốc doanh cũng sợ rủi ro nên muốn kéo các ngân hàng khác vào để cùng cho vay. Thế nên đã có những dự án được cho vay sau khi cả một “nhóm ngân hàng” cùng nhau vượt quá tỷ lệ cho vay 15% vốn tự có.

Vì sao không bị tuýt còi?

“Hồi đó tôi biết đã có một vài vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phản đối rất mạnh việc cho vay mù quáng thế này nhưng luật thì không cấm. Các quy định có lỗ hổng và có người lại không muốn bít vì sẽ có người được lợi”, vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần chia sẻ. “Quan trọng hơn, ở thời điểm hoàng kim của ngành tàu bè đó, ai được quan hệ với quả đấm thép Vinashin là vinh dự. Ngân hàng nào dính dáng đến Vinashin được coi như ở chiếu trên so với các ngân hàng bạn”.

Từng tham gia phê duyệt những hợp đồng cho vay với Vinashin, Vinalines, vị này nói bản thân ông cho rằng việc đặt ra 15% đã là một cảnh báo, nhưng các khoản tín dụng đó có thời được đánh giá là số 1, các ngân hàng chạy đua cho Vinashin vay càng nhiều càng tốt.

Một vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần từng tham gia điều hành ở một ngân hàng liên quan đến Nhà nước nhớ lại, có hợp đồng hợp vốn bốn ngân hàng cho Vinashin vay 47 triệu đô la Mỹ, cuối cùng bán tàu đi được có 7 triệu đô la Mỹ, bốn anh chia nhau khoản lỗ 40 triệu đô la nhưng không ai dám kêu, không dám kiện bên vay ra tòa vì nếu càng kêu càng kéo nhau chết cả nút.

Câu chuyện cho vay vượt quá 15% vốn tự có dần dần trở thành phong trào đến nỗi vài năm trước thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phải sửa đổi và siết chặt hơn các quy định liên quan. Nhưng thị trường lại mọc ra vô vàn hợp đồng tín dụng cho vay quá 15% vốn tự có không chính thức. Đó là những khoản tín dụng đi lắt léo qua công ty con, qua hợp đồng ủy thác đầu tư, qua công ty chứng khoán. Ví dụ như ngân hàng ủy thác cho một công ty chứng khoán đi ủy thác đầu tư. Công ty này vác tiền đi mua trái phiếu, cổ phiếu... Tiền chạy lòng vòng, cuối cùng lại quay về đúng ông chủ ngân hàng.

Không biết còn bao nhiêu hợp đồng cho các quả đấm thép vay vượt quá 15% vốn tự có sẽ hiện nguyên hình thời gian tới? Đại diện tập đoàn Bảo Việt trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh của tập đoàn gần đây cũng cho biết, Bảo Việt đã mua 681 tỉ đồng trái phiếu trong tổng số 11.300 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm Vinashin phát hành năm 2008. Cuối năm nay, Vinashin sẽ phải thanh toán khoản trái phiếu này nhưng trái tức hiện cũng chưa được trả nên Bảo Việt đã phải trích lập dự phòng 100% với khoản lãi trái tức này từ năm tài chính 2012. Và tất nhiên năm 2013 sẽ còn phải trích lập dự phòng thêm cho phần vốn gốc của khoản trái phiếu này.

Sẽ còn nhiều câu hỏi được đặt ra trong mùa họp đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng, tổ chức tài chính, sẽ diễn ra trong tháng 4 này, liên quan đến Vinashin. Để giải quyết khó khăn này, theo vị lãnh đạo ngân hàng nói trên, chỉ cần một chữ “thật” - đưa mọi thứ về giá trị thật, với những con số thật và hành động thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét