Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chính sách đúng: Chìa khóa cho tăng trưởng ngành

Chính sách đúng: Chìa khóa cho tăng trưởng ngành

Các nhà hoạch định chính sách đối mặt thách thức lớn khi các doanh nghiệp ngày càng dễ đổ vỡ, thu nhập của dân chúng eo hẹp và áp lực phải tạo ra một nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn trở nên cấp thiết.
Khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất, do Vietnam Report thực hiện gần đây, các doanh nghiệp cũng đồng thuận rằng nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của các chính sách của Chính phủ là một trong những ưu tiên quan trọng nhất để tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Các giải pháp ưu tiên: Trên thực tế, những can thiệp thiếu hiệu quả thời gian qua đã khiến ngân sách rất tốn kém, hơn nữa còn gây ra những hiệu quả tiêu cực đối với các doanh nghiệp và ngành nghề sản xuất kinh doanh. Hầu hết các quyết định về chính sách mới tính đến bối cảnh chung của nền kinh tế mà chưa đi sát đặc điểm cụ thể của từng ngành cụ thể. Nói cách khác, đó là những chính sách là dựa trên những phân tích từ trên ngọn xuống (top-down).
tăng trưởng, fast 500
Nguồn: Survey của Vietnam Report đối với các Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam FAST500 (Tháng 1 năm 2013).

Tại Việt Nam, chính sách điều hành với ngành ôtô là ví dụ điển hình về việc xây dựng chính sách không dựa vào điều kiện phát triển và khả năng cạnh tranh cụ thể của ngành, do vậy đã không thành công. Gần 10 năm sau Quy hoạch ngành năm 2004, các nhà hoạch định chính sách quay trở lại với câu hỏi: Phải làm gì mới có được một ngành công nghiệp ôtô đúng nghĩa, trong khi số lượng các nhà sản xuất nội địa quá ít ỏi, sản lượng xe khiêm tốn, tỷ lệ nội địa hóa thấp... Tương tự, chiến lược phát triển cho những ngành công nghiệp mũi nhọn khác của Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng đi.
Nghiên cứu mới đây nhất của Tổ chức tư vấn chính sách uy tín McKinsey Global cho thấy, cần thay đổi cách tiếp cận của Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách. Đó là dựa vào thế mạnh cạnh tranh riêng có của mỗi ngành để lên phương án khuyến khích phát triển ngành đó, hoặc dựa trên những phân tích từ dưới gốc lên (bottom-up).

Thực tế cho thấy, tại các quốc gia khác nhau lại có những ngành hỗ trợ tăng trưởng nhờ lợi thế cạnh tranh riêng có của ngành đó. Nhưng ở những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình, các ngành thu hút nhiều lao động như bán lẻ, dịch vụ nhà hàng khách sạn, chế biến thức phẩm và xây dựng có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù chính phủ các nước này nhấn mạnh tới ngành công nghiệp sản xuất để tăng trưởng và tạo ra việc làm sau khi bong bóng tài chính và bất động sản vỡ, song, chính những ngành dịch vụ đã và sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng trong tăng trưởng GDP.

Ngoài ra, các ngành không có trao đổi quốc tế (nontradeable sector) như dịch vụ, trong đó gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bán lẻ và xây dựng, chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chính sách của chính phủ về khuyến khích tạo việc làm hay tăng cường cạnh tranh trong ngành và tác động đó thường kéo dài từ hai đến ba năm. Trong khi đó, những ngành mà sản phẩm đầu ra có trao đổi quốc tế (tradeable sector), các nhà thiết kế chính sách cần phân tích kỹ lưỡng bối cảnh thực tiễn của ngành trên toàn cầu, từ đó xây dựng các chính sách tăng cường lợi thế cạnh tranh tiềm năng của ngành.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp mới nổi đòi hỏi thường xuyên đổi mới, như ngành công nghệ sạch thường có quy mô nhỏ, nên ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và việc làm. Nhưng những đổi mới liên tục trong ngành sẽ khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ đó tăng năng suất và cải tiến quy trình kinh doanh trong những ngành khác, cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bảo hộ những ngành này có thể cản trở tăng trưởng của ngành trong tương lai.

Với cách tiếp cận từ gốc lên, một số định hướng chính sách cho một số ngành mũi nhọn có thể được liệt kê như dưới đây:

1. Các ngành dịch vụ hạ tầng như viễn thông: Lợi thế về quy mô yêu cầu môi trường chính sách tìm ra sự cân bằng giữa chi phí tiết kiệm từ duy trì những nhà cung cấp quy mô lớn duy nhất với những động lực tạo ra bởi cạnh tranh để cung cấp các gói dịch vụ mới, hấp dẫn và giá phải chăng tới người tiêu dùng. Theo đó, một thị trường có tới 50 nhà cung cấp chắc chắn sẽ có chi phí cho mỗi người sử dụng cao hơn nhiều nếu như chỉ có 3 hay 4 nhà cung cấp. Trong khi đó, mục tiêu dịch vụ hạ tầng cạnh tranh thường không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng của ngành mà còn đảm bảo sự gia nhập rộng rãi của các dịch vụ hạ tầng chất lượng cao có thể làm tăng năng suất và tăng trưởng đầu ra ở những ngành khác.

2. Trong ngành dịch vụ địa phương như bán lẻ, thường có doanh thu kinh doanh cao và tăng trưởng đến từ các công ty năng suất cao giành được thị phần và thay thế những công ty năng suất kém hơn. Cường độ cạnh tranh là một động lực quan trọng nhất, tạo ra động lực để đổi mới liên tục và áp dụng các thực tiễn tốt hơn và năng suất tăng lên. Người tiêu dùng sẽ được cung cấp các sản phẩm hấp dẫn hơn với giá thấp hơn. Những cung cấp hấp dẫn như vậy cuối cùng sẽ tăng cầu và tạo nên một vòng xoáy tiến lên mở rộng cầu và tăng trưởng ngành.

Ngành bán lẻ ở Nga là một ví dụ điển hình. Sau khi mở cửa ngành cho các nhà đầu tư nước ngoài, năng suất bán lẻ của Nga đã tăng hơn 2 lần trong vòng 10 năm từ 15% so với mức của Mỹ lên 31% do các nhà bán lẻ hiện đại chiếm thị phần lớn. Luật tuyển dụng linh hoạt, lương tối thiểu thấp hơn, và sắp xếp tuyển dụng bán thời gian có xu hướng làm tăng mức việc làm và dịch vụ bán lẻ, như đã từng thấy ở Mỹ và Anh.

3. Trong các ngành dịch vụ kinh doanh như phần mềm và dịch vụ CNTT, nguồn nhân sự tài năng với chi phí hợp lý là điều kiện cần thiết để cạnh tranh. Ấn Độ, Cộng hòa Ireland, và Israel, tất cả các nước có tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ CNTT đặc biệt nhanh, đều có lực lượng kỹ sư tay nghề cao với chi phí cạnh tranh so với các nước khác.

4. Trong ngành sản xuất như ôtô, khả năng cạnh tranh phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố cùng xác định "hiệu quả xứng đáng với đồng tiền bỏ ra". Lợi thế về địa điểm cũng khác nhau tùy thuộc vào vị trí trên chuỗi giá trị. Hiệu quả của ngành liên quan đến khả năng các công ty đóng tại địa phương tiếp tục cung cấp các sản phẩm hấp dẫn với mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên, chính sách của chính phủ về cơ bản đã hình thành ngành thông qua cả các chính sách thương mại và trợ cấp ngày càng cao đã khuyến khích đầu tư và tăng năng suất trên toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy bảo hộ thương mại đã dẫn tới năng suất ngành thấp tại rất nhiều nước. Nhưng khi Ấn Độ gỡ bỏ rào cản thương mại và đầu tư, năng suất đã tăng hơn gấp ba. Một số các chính sách khác - từ khuyến khích xuất khẩu cho tới thành lập các công ty ô tô nhà nước - đã có những thành công và cả thất bại và rất tốn kém.

Tóm lại, không thể có một chính sách chung hiệu quả cho tất cả các ngành. Điều kiện cạnh tranh của mỗi ngành là khác nhau, vì thế các chính sách điều hành của Chính phủ cũng có tác dụng khác nhau tùy theo ngành. Chỉ bằng cách phân tích nhân tố nào thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh trong các ngành khác nhau của nền kinh tế, sau đó thiết kế chính sách tương ứng và thực hiện chính sách trong mối hợp tác gần gũi với khu vực tư nhân, các chính phủ mới có thể khai thác những lợi thế đặc biệt riêng có của mỗi ngành cho phát triển kinh tế nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét