Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Campuchia là 'điểm đầu tư mới thay TQ'

Campuchia là 'điểm đầu tư mới thay TQ'
BBC: Hãng Tiffany & Company đang lặng lẽ xây dựng một nhà máy chế tác kim cương tại đất nước vốn được biết đến với những cánh đồng chết và các bãi mìn hơn là đồ trang sức.
Một số nhà sản xuất lớn nhất của Nhật Bản cũng đang vội vã tới xây dựng nhà máy tại Phnom Penh để sản xuất dây dẫn trong xe hơi, màn hình cảm ứng hay bộ phận rung cho điện thoại di động.
Các hãng châu Âu cũng không chậm trễ, có mặt trong mảng sản xuất giày khiêu vũ và khăn lau microfiber dùng cho kính mát.
Các hãng nước ngoài đổ vào Campuchia vì một lý do đơn giản. Họ muốn hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, vấn đề nay đang phát sinh nhanh chóng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Sức cạnh tranh

Lương nhân công tăng gấp bốn lần so với thập niên trước, trong lúc sự xuất hiện dồn dập các nhà máy khiến cho số lượng thanh niên muốn làm công nhân suy giảm.
Từ cuối năm ngoái, lực lượng lao động bắt đầu giảm đi, do hậu quả của chính sách “một con” và dân số già đi của Trung Quốc.

"Tại hầu hết các nước Đông Nam Á, dân số, kinh tế và thậm chí cả sản lượng điện đều nhỏ hơn so với nhiều tỉnh, thậm chí còn nhỏ hơn cả một thành phố của Trung Quốc."
Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia nhận thấy rằng tuy có thể né tránh tình trạng mức lương tăng lên ở Trung Quốc, nhưng đây không phải là vấn đề họ có thể thoát khỏi.
Tại hầu hết các nước Đông Nam Á, dân số, kinh tế và thậm chí cả sản lượng điện đều nhỏ hơn so với nhiều tỉnh, thậm chí còn nhỏ hơn cả một thành phố của Trung Quốc.
Khi chuyển xuống phía nam, các hãng nhanh chóng huy động hết lực lượng lao động địa phương và điều đó khiến cho mức lương bị đẩy lên nhanh chóng.
Trong lúc lương bổng thường ở mức thấp hơn so với mức cần thiết để có được cuộc sống có nhà ở phù hợp, được ăn uống đầy đủ, nhưng việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - mảng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Campuchia đã tăng 70% hồi năm ngoái so với 2011 – đang giúp cho hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Chỉ có rất ít các công ty, mà hầu hết là thuộc lĩnh vực công nghệ thấp, như may mặc và sản xuất giày, là tính chuyện rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn.
Các hãng khác đang xây dựng thêm các nhà máy tại Đông Nam Á nhằm bổ trợ cho hoạt động tại Trung Quốc.
Thị trường nội địa phát triển một cách nhanh chóng, dân số đông và cơ sở công nghiệp to lớn vẫn khiến Trung Quốc là nơi hấp dẫn đối với nhiều công ty.
Hiệu quả sản xuất tại Trung Quốc đang tăng lên hầu như nhanh bằng với mức lương tăng ở nhiều ngành công nghiệp.

Dịch chuyển thị trường

Chỉ có rất ít các công ty thuộc lĩnh vực may mặc và sản xuất giày là tính chuyện rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn
Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc tuy nhiên đã giảm 3,5% trong năm ngoái, sau khi tăng liên tục hàng năm kể từ 1980, trừ năm 1999, trong cuộc khủng hoảng tài chính Á châu, và 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy giảm, nhưng ở mức 119,7 tỷ đô la thì đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn áp đảo so với lượng đầu tư ở bất kỳ nơi nào khác.
Để so sánh, thì đầu tư tại Campuchia tăng lên 1,5 tỷ đô la.
Nhưng năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi các số liệu ghi nhận được có thể đưa ra so sánh, tức từ hồi thập niên 1970, Campuchia đã nhận được lượng đầu tư nước ngoài nhiều hơn Trung Quốc, nếu tính trung bình theo đầu người.
Đầu tư nước ngoài cũng tăng ở các nước Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Phillipines.
Các công ty cạnh tranh nhau trong việc tuyển dụng, cho nên điều kiện lao động cũng đang được cải thiện.
Chẳng hạn như Pactics, hãng của Bỉ, cũng là nhà sản xuất khăn lau microfiber dùng cho kính mát cao cấp lớn nhất thế giới, đã đem đến cho người lao động những quyền lợi trước đây hiếm thấy ở Campuchia, như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, trợ cấp giáo dục và ăn trưa miễn phí.
Phí tổn ở Campuchia rất thấp, nơi mà một lần đi khám bác sỹ chỉ mất vài đô la, nên chi phí cho toàn bộ công nhân chỉ chưa đến 130 đô la mỗi tháng.
"Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ hồi thập niên 1970, Campuchia đã nhận được lượng đầu tư nước ngoài nhiều hơn Trung Quốc, nếu tính trung bình theo đầu người."
Tại nhà máy của công ty ở ngoại ô Thượng Hải, các công nhân làm công việc tương tự có thu nhập từ 560 đến 640 đô la mỗi tháng, trong đó gồm cả các khoản phụ cấp bắt buộc theo quy định của chính phủ, Piet Holten, chủ tịch công ty nói.
Công nhân Campuchia may được số khăn thấp hơn 15 đến 30% so với các công nhân Thượng Hải, nhưng tính hiệu quả đang dần được nâng lên.
Tại Campuchia, chi phí hàng tháng cho các công nhân tăng tới 65% so với năm năm trước đây, dẫu cho mức trả thấp khiến người lao động nơi này vẫn thuộc hàng nghèo nhất Á châu.
Một thập niên trước, người lao động tràn tới các nhà máy mới để tìm việc làm, nhưng “nay, quý vị dán thông báo ở nhà máy mà chẳng có ai tới hết,” Sandra D’Amico, giám đốc điều hành hãng tuyển dụng HR Inc. Cambodia nói.

Cân bằng

Tatiana Olchanetzky, chuyên tư vấn cho các công ty thuộc ngành công nghiệp sản xuất túi xắc và va ly, nói bà đã nghiên cứu chi phí cho việc dịch chuyển hoạt động của ngành công nghiệp này từ Trung Quốc sang Phillipines, Campuchia, Việt Nam và Indonesia.
Bà thấy rằng khoản tiết kiệm được là không đáng kể, bởi Trung Quốc sản xuất hầu hết các vật liệu vải, móc khóa, bánh xe và các vật liệu cần thiết khác cho việc làm túi các loại, và sẽ phải vận chuyển các nguyên vật liệu này sang nước khác để gia công.
Nhưng một số nhà máy vẫn cứ chuyển đi, theo đòi hỏi của người mua phương Tây, những người sợ phải dựa hoàn toàn vào một nước.
Trong lúc chuyển sang một nước mới, nơi không có một hệ thống cung ứng nguyên vật liệu đáng tin cậy, là điều mang nhiều tính rủi rõ, nhưng “Họ thấy rằng việc ở lại Trung Quốc cũng là chuyện rủi ro,” bà Olchanetzky nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét