Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Bị đuổi, bị chửi và bị dọa đánh ở Hà Nội

Chủ nhật, nhớ Hà Nội đẹp, văn hóa, thanh lịch ngày xưa... Giờ còn đâu !!!
Cuối bài tôi có viết thêm: "Ảnh đẹp phố tôi: Phố Trương Định ngày mưa"
Bị đuổi, bị chửi và bị dọa đánh ở Hà Nội
“Cái con dở hơi kia, tao có ăn cắp, có bóp chét gì mày hay bà kia đâu mà mày phải kéo bà ý đi như vậy. Mày có tin là tao tát thẳng vào mặt mày không?”- mấy người bán hàng rong ở Văn Miếu đã chửi chúng tôi như vậy khi không mua hàng của họ.
Mặt chính chùa làng Hoàng Mai (trong ngõ 103 Trương Định, nay là phố Hoàng Mai).
Tôi thường qua Bờ Hồ, Hà Nội, để có cơ hội nói chuyện với du khách nước ngoài nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp. Hôm đó, khi đi quanh bờ hồ tôi gặp Paml, một giáo viên đến từ Mỹ.Bà ấy hỏi đường đến Văn Miếu nhưng rất khó khăn nên tôi đã chủ động đến làm quen và làm hướng dẫn viên miễn phí đưa bà ấy đi thăm thú Hà Nội.
Trên đường đi chúng tôi trò chuyện rất vui vẻ, nhưng thỉnh thoảng lại có mấy người bán hàng rong đến chèo kéo. Tất nhiên điều này không thể tránh khỏi, nhưng vấn đề ở đây là Paml từ chối rất nhiều mà họ vẫn nhất quyết bám theo. Ngay bản thân tôi cũng thấy rất khó chịu huống chi là khách tham quan tới đây.

Khi tới cổng Văn Miếu, có mấy người bán hàng rong đến hỏi han xem khách du lịch có mua gì không, rồi họ gọi mấy người khác cùng tới bán.

Paml liên miệng nói “Sorry” (Xin lỗi) nhưng họ vẫn không chịu buông tha. Thấy vậy tôi bảo họ là bà ấy không muốn mua, họ liền trừng mắt nhìn tôi và mắng: “Mày là đứa nào, tao hỏi bà ấy chứ có hỏi mày đâu!”

Tôi không bận tâm và dẫn Paml đi nhưng người bán hàng kia còn sưng sỉa chửi: “Cái con dở hơi kia, tao có ăn cắp, có bóp chét gì mày hay bà kia đâu mà mày phải kéo bà ý đi như vậy. Mày có tin là tao tát thẳng vào mặt mày không?”

Tôi chỉ là dân huyện lên đây học, chả bao giờ dám đôi co với họ làm gì nên thôi thì đi nhanh tới cổng mua vé vào là thượng sách. Nếu như Paml hiểu những gì mấy cô bán hàng kia nói thì không hiểu liệu bà ấy nghĩ gì về con người Việt Nam, về du lịch Việt?

Chuyện chưa kết thúc ở đó. Khi chúng tôi ra khỏi Văn Miếu, Paml muốn được đi xe xích lô quay về Bờ Hồ, chúng tôi đã hỏi và định giá trước khi lên xe là 120.000 đồng.

Vậy mà khi xuống xe Paml đưa cho ông xích lô 150.000 đồng nhưng ông ta cố ý lờ đi, không thối tiền lại.

Tôi hỏi lại ông ấy thì ông ấy à ờ một lúc rồi mới trả lại 20.000 đồng và nói mấy câu bâng quơ rồi bỏ đi luôn. Dẫu biết là Tây họ cũng chả tính toán thiệt hơn mấy đồng làm gì, nhưng dù sao nó cũng phản ánh một điều trong mắt họ là người Việt mình thiếu trung thực cho dù chỉ là bộ phận nhỏ.

Chưa hết, chiều hôm đó Paml có nhờ tôi dẫn bà ấy đến hồ Tây thăm thú. Sau khi đi loanh quanh bờ hồ, vì khá mệt nên tôi và Paml chọn một ghế đá ngồi nghỉ chân.

Một bà hàng nước bước tới hỏi chúng tôi có uống gì không, chúng tôi bảo không. Sau một hồi giới thiệu nước non này nọ nhưng không nhận được sự đồng tình từ vị khách Tây, bà hàng nước liền buông một câu xanh rờn: “Mày dẫn bà kia đi đi, đây là chỗ tao bán hàng, không phải chỗ cho chúng mày ngồi”.

Không còn biết nói gì tôi đành cười bảo Paml tiếp tục đi. Thế đấy!

Nguyễn Thị Trâm
-----------

Chủ Blog viết thêm cho vui:

Ảnh đẹp phố tôi: Phố Trương Định ngày mưa

Dòng họ tôi hàng chục đời nay sống trong làng Hoàng Mai, đất đai rất rộng. Năm 1907 ông nội tôi đã mua 5.000 m2 đất mặt đường Trương Định đoạn gần chợ Mơ để xây 1 biệt thự rất to. Sau này Pháp chiếm, dùng biệt thự làm đồn trú quân để kiểm soát khu vực phía Nam Hà Nội. Năm 1954, trước khi rút chạy, Pháp đã cho nổ mìn phá hủy biệt thự. Hiện dưới lòng đất trong vườn rộng khoảng 1000 m2, nơi nhà đang ở, vẫn còn hệ thống chân móng biệt thự cũ chạy ngang dọc, được xây bằng mật rất cứng; và còn lại khu nhà mặt đường có mặt tiền rộng 12m, chia làm 3 khoang, trước đây là kho chứa vải kinh doanh của bà nội tôi, nay là ba nhà mặt đường. 

Ảnh dưới đây lấy từ trên mạng, chụp ở cuối đường Trương Định và các phố lân cận, không phải đoạn nhà tôi ở ngay gần chợ Mơ. Hồi nhỏ, những năm 60 và 70, tôi vẫn chạy thể dục từ nhà xuống cuối đường (giao điểm với quốc lộ 1, chỗ gọi là Đuôi Cá, vì 2 đường QL1, Đại La và Trương Định hợp lại thành nửa cuối của 1 con cá). Thời ấy con người sống vô tư và vui thế, trong bom đạn vẫn lạc quan vì còn có hy vọng ở tương lai: Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn 10 ngày nay... Ngày nay hy vọng về một tương lai tốt đẹp có lẽ là điều quá xa xỉ, quá viển vông !!!

Sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5, phố Trương Định 
cũng như nhiều tuyến phố khác ở Hà Nộ ngập chìm trong nước đục ngầu




Người dân khu vực Giáp Bát làm bè bằng thùng xốp bơi trên đường phố

Thay vì đi bộ, xe máy, xe đạp, sáng nay gia đình Nguyễn Thị Nga
ở phố Trương Định dùng bè kết bằng thùng xốp đi ra phố

Một công ty vận tải gần bến xe Giáp Bát phải thuê 
thuyền chuyển hàng từ trong kho ra ô tô

Dịch vụ "thuyền ôm" trên đường phố Trương Định có giá 20.000 đồng/người/lượt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét