Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

“50 sắc thái”: sách dạy làm tình?

Sách dạy làm tình?
s“Cuốn “50 sắc thái” hoàn toàn chỉ là một cách dạy làm tình chứ không hề có giá trị như một tác phẩm văn học. Nó có thể làm lệch lạc suy nghĩ về tình dục của giới trẻ”- nhà văn Vũ Thanh Thủy (bút danh Thủy Hướng Dương).
“Cuốn sách không mới”
- Dưới góc độ của một người cầm bút, chị có cho rằng cuốn sách “50 sắc thái” giúp “giải tỏa những định kiến về vấn đề tình dục” – vấn đề vốn dĩ được cho là “tế nhị”, ít được đề cập (hoặc luôn bị né tránh) trong các tác phẩm văn học của ta?

Nhà văn Thủy Hướng Dương: Nếu cho rằng cuốn sách “50 sắc thái” là tác phẩm văn học và là “chìa khóa” để tiếp cận với đề tài tình dục hoặc “giải tỏa những định kiến về vấn đề tình dục” thì e rằng hơi có ý thiên vị chăng?
Tính riêng ở ta trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có Đỗ Hoàng Diệu và Lê Kiều Như viết về đề tài này (đã được NXB của ta cho phép xuất bản). Còn có một số tác phẩm lưu truyền trên mạng của tác giả Bàn Tải Cân, tôi đã đọc khá thú vị, nhưng rất tiếc tác phẩm của Bàn Tải Cân hình như không có ý định xuất bản in giấy. Đấy là chưa kể các tác phẩm thể loại dâm thư đã xuất hiện ở nước ta cũng như văn học Trung Quốc từ mấy trăm năm trước (kiểu như Tố Nữ Kinh).

Trên thế giới, ta có thể điểm sơ một số tác phẩm kinh điển đề cập tới vấn đề tình dục như sau: Nhục Bồ Đoàn, Kim Bình Mai, Trăm năm cô đơn, Báu vật của đời, Hội chợ phù hoa v.v…
Như vậy “50 sắc thái” không thể được coi là “chìa khóa” được.
“Không có giá trị văn học”
- Cũng có những ý kiến cho rằng tác phẩm là một sự “biến dạng, méo mó”, đây là tác phẩm không nên được dịch ra hay xuất bản vì không phù hợp, nó sẽ “đầu độc” độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Nhà văn Thủy Hướng Dương: “50 sắc thái” mới mẻ với người đọc ở chỗ tác giả viết cuốn sách này là đàn bà. Cô ấy phá vỡ tiền lệ các nhà văn nam giới viết về tình dục. Nhưng tác giả này viết chỉ tập trung vào mô tả hành động mà không đưa vào những tình huống tâm lý, diễn biến tâm lý nhân vật. Do vậy, cuốn sách hoàn toàn chỉ là một cách dạy làm tình chứ không hề có giá trị như một tác phẩm văn học.
Mà nếu chỉ đơn thuần dạy làm tình thì đọc Tố Nữ Kinh thú vị hơn nhiều. Còn nếu so sánh với “Sợi xích” của Lê Kiều Như, thì rõ ràng văn phong của “Sợi xích” không thể bằng “50 sắc thái” về độ trần trụi của ngôn ngữ được.
Trong những năm gần đây, việc giới thiệu một cuốn sách hay hoặc không hay đã trở nên quá dễ dãi của các nhà xuất bản. Công chúng thì thường bị đánh lừa bởi truyền thông, nhiều khi họ muốn đọc một cuốn sách hay cũng thật vô cùng khó khăn lựa chọn trong bối cảnh cuốn nào cũng được báo chí, truyền hình đưa tin đánh giá một cách phiến diện. Mà, trên thực tế cũng không thể trách các nhà sách được. Họ đơn thuần là đơn vị kinh doanh. Họ muốn bán được sách thì họ phải quảng cáo, phải nói hay về cuốn sách thì sách mới bán chạy.
Việc một cuốn “50 sắc thái” được xuất bản và giới thiệu rầm rộ trong dịp đầu năm 2013 có phải chăng là sách dâm của người Việt thì bị đánh cho tiệt nọc, còn sách dâm tây thì được cổ súy? Theo tôi được biết, gần như 100% bạn bè tôi đã đọc cuốn sách này nói rằng cuốn sách này rất ít giá trị và có thể làm lệch lạc suy nghĩ về tình dục của giới trẻ. Như vậy, trách nhiệm định hướng văn học hay định hướng thẩm mỹ đọc cho công chúng chính là các nhà xuất bản và những người cấp phép cho cuốn sách này được phát hành chứ không phải ai khác.
“Cần hiểu đúng về những tác phẩm viết về sex”
- Dưới góc độ văn hóa của nước ta, tác phẩm đề cập đến vấn đề tình dục như vậy có phù hợp không?
Nhà văn Thủy Hướng Dương: Dưới góc độ văn hóa của nước ta hiện nay, chuyện về một cuốn sách tình dục không còn là vấn đề quá to tát, nhưng vẫn rất quan trọng. Giới trẻ nước ta giờ cũng đang tiếp cận được nhiều loại hình để hiểu thêm về tình dục (như phim ảnh, tạp chí trong và ngoài nước) trong trạng thái luôn luôn được cập nhật mới. Nhưng không vì thế mà bạn đọc dễ dàng chấp nhận một cuốn sách có nội dung bình thường như “50 sắc thái”.
Cần xác định rõ tác phẩm viết về sex khác với chuyện kể về cuộc “make love” đơn thuần. Cần có cái “nhìn” thực sự về nó chứ không phải là “nhòm”. Hiểu về tình dục, mới viết về nó được. Hiểu ở đây, không có nghĩa là làm tình thành thạo. Và, đọc tác phẩm viết về tình dục không phải để khám phá thoả trí tò mò chỉ là cách để so sánh. Tình dục không tình yêu mà xét nó là một nhu cầu có thể (được) thoả mãn.
Nó giống tình yêu khi nào? Tình dục chính là nhu cầu có thể thoả mãn (ngay). Tình yêu lại là một ham muốn, luôn luôn không được thoả mãn hay nói đúng hơn là bất mãn. Thành ra, tác phẩm nào viết về nó (sex) nếu không có ý phục vụ độc giả đã, đang và sẽ yêu (hiểu rộng) thì đều là dạng “kể chuyện làm tình” mà thôi.
Bỗng dưng một “tờ báo đạo mạo” giới thiệu một tác phẩm được cho là “dâm thư” thì không nhẽ bởi ít nhất ban biên tập không hiểu ra điều đó. Còn ý kiến độc giả về bài báo giới thiệu đó nữa: Cái chính, họ đã hiểu sai về sách, tác phẩm viết về tình dục tích cực khác với “dâm thư” chứ!
Văn hóa đọc của người Việt dĩ nhiên có vấn đề (số đông) khi cứ săm soi báo nào mới có thể đăng, báo nào không nên. Thế nên khác nào tình dục chỉ dành cho những người không nghiêm túc chăng? Khoan bàn sâu đến nội dung tác phẩm được giới thiệu mà chỉ bàn đến chuyện bài báo giới thiệu ở báo nào, thì đã có vấn đề cần nói. Thành ra, người ta có câu “cuộc cách mạng về cái nhìn sex” cũng không mấy sai.
Trước kia, Chử Đồng Tử khi gặp Tiên Dung, cả hai đều ở trạng thái “trần như nhộng”, nhưng câu chuyện “phòng the” của họ không được nhắc đến. Vậy mà họ đã có chuyện gì thì ai cũng biết. Bây giờ, người ta phải viết “trắng hếu” ra mới là sách viết về tình dục chăng?
- Xin cảm ơn nhà văn!
(Hoàng Sơn- Lao Động)

2 nhận xét:

  1. Download 50 sắc thái full 3 bộ tại
    http://50sacthai.blogspot.com

    Trả lờiXóa
  2. Cái này đọc xong mà kết hợp xem thêm 50 sắc thái 3 thì chuẩn luôn. Vừa học vừa thực hành

    Trả lờiXóa