Thông tin: Vừa rồi có một số bạn gửi email đề nghị tôi cấp bản gốc nhưng không nói rõ bài đó tên là gì. Các bạn nên copy chính xác tên bài hay đường dẫn bài bạn vừa đọc rồi gửi vào email để tôi dễ tìm. Xin cám ơn.
Chuyện về sách khi đọc "Nghĩ về sự đọc đang chết" của nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Xem chi tiết ở đây.
Dưới đây là các đoạn viết của Toithichdoc, tức Lại Trần Mai, trong Blog của bác Tiến, tôi copy lại cho ai thích kiếm sách không mất tiền thì tham khảo (có một số đoạn là để trả lời nhận xét của bác Tiến, những đoạn khác nằm trong Blog cũ đã đóng, không lấy lại được để đưa vào đây).
toithichdoc on said:
Hai là đúng như bác Tiến nói, văn hóa đọc cần được bao cấp ở một mức nào đó, không thể thả nổi như một món hàng hóa thông thường được. Khẩu hiệu học, học nữa, học mãi không phải chỉ là học kiến thức chuyên môn mà nghĩa rộng hơn phải là học cách sống, cách làm người. Và như vậy phải thường xuyên đọc. Không phải chỉ đọc sách và văn học hiện đại và cần đọc cả những cái cổ điển, lịch sử vì những bài học làm người trong đó có giá trị vĩnh cửu: Bao cấp cho học cũng giống như phổ cập tiểu học và trung học vậy, để con người cả đời liên tục được nuôi dưỡng và tự mình phát triển trong môi trường nhân văn, lành mạnh.
Người nông dân, công nhân còn nghèo lắm, không thể có tiền mua sách; kể cả có tiền mua thì về đọc 1 mình xong rồi cất đi, sẽ rất lãng phí cho xã hội. Giống như em trước đây có gần chục nghìn cuốn, đầy 2 gian phòng; sau bố em thông báo trước của nhà mở Chiếu sách, tức là đem sách ra phố, rải lên chiếu, ai cần thì cho mượn miễn phí, chỉ phải cược 1 số tiền rất nhỏ. Thế là nhiều người đến nên nhà em khi đó rất vui. Sau rồi nhiều người không trả, nhưng cũng không sao.
Vì thế tốt nhất là nhà nước tổ chức các thư viện công cộng, cho mượn miễn phí, nếu cần thì hàng năm chỉ đóng 1 số tiền lệ phí rất nhỏ độ 100.000 đồng, giống như đã làm hồi bao cấp. Mỗi quận huyện phải có ít nhất 1 thư viện như vậy. Ở các nước công nghiệp, cứ 10.000 dân (chưa bằng 1 phường của ta) là được nhà nước đầu tư cho 1 thư viện công cộng, mở cửa hầu như suốt tuần, miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra thành phố còn tổ chức các thư viện lưu động, đặt trên xe to như xe buýt, môi tuần đỗ ở một điểm dân cư để tạo thuận lợi cho người dân đến mượn sách mang về đọc… Còn có nhiều cách hay lắm. Có thế dân trí mới lên cao được, xã hội mới văn minh được.
toithichdoc on said:
Cao hơn nữa, cần “tái cơ cấu” lại các bác phê bình văn học, để những lời phê bình của các bác là đích đáng, sách nào đáng đọc thì các bác khen, thế là bán chạy, tác giả sung sướng viết tiếp; sách nào chẳng ra gì, các bác chê, thế là ế, tác giả phải xem lại mình hoặc chuyển sang nghề khác. Hồi những năm 60, 70, 80 ngoài vài cây đại đại bồi bút chuyên ca ngợi văn thơ của lãnh tụ ra, có mấy nhà phê bình ăn tiền nói sai sự thật trắng trợn như bây giờ đâu. Thậm chí Hội nhà văn còn tổ chức hội thảo tại Hội để những vị lãnh đạo cao nhất đến khen thơ của bác Hoàng Quang Thuận thì làm sao dân còn tin được các nhà phê bình văn học.
Thôi dài rồi, em chào bác nhé.
À quên, tại hội thảo, bác nên dùng em làm ví dụ điển hình về người thích đọc vì em không chỉ có tên toithichdoc mà còn có cả 1 blog riêng tên là toithichdoc đấy (em còn có cả toiyeudoc.blogspot.com nữa kia). Bác có biết không, khi ở Mỹ về nước năm 2000, toàn bộ đồ đạc của em là bộ quần đùi áo may ô mang trên người, còn lại 100 kg hành lý mang theo cùng chuyến bay là sách, ngoài ra còn 150kg sách gửi đường biển về sau nữa. Nhiều sách cực quý, nhưng nay nằm trỏng chơ ở nhà. Nhìn mà thương chúng nó quá. khe khe để giải buồn vậy.
toithichdoc on said:
Phát triển văn hóa không như kinh tế, không để tư nhân làm được đâu, phải nhà nước đứng ra, làm tổng thể, không tính lợi nhuận, chứ vài tủ sách dòng họ… không giải quyết được vấn đề lớn này đâu.
Chuyện đồng bộ thì đúng rồi, nhưng chờ được thì lâu lắm, cứ cái gì tốt, thấy làm được thì nên làm ngay. Chỉ tiếc các bác nhà ta ham phát triển doanh nghiệp, làm đường xá… mà quên văn hóa. Còn cái bảo tàng 11 nghìn tỷ nữa, đấy mới là điển hình của vô văn hóa. Giá tiền đó mà đem làm hệ thống thư viện ở nông thôn nhỉ, nông dân sẽ học được khối cách làm kinh tế nhờ đọc sách ở đó đấy.
Bọn em làm gì có tiền để mua sách trong cửa hàng; thèm lắm thì thỉnh thoảng mới mua vài cuốn thôi, sách kiến thức phổ thông thì rẻ vì được in với số lượng lớn, còn sách nghiên cứu thì đắt lè lưỡi, trung bình cứ phải trên 50 USD 1 cuốn. Do đó em toàn đi photo cả cuốn. Và nghĩ cách lừa bưu điện và hải quan Mỹ để mang được về. Lần đầu ra bưu điện gửi, dù đã có mẹo song vẫn bị nó phát hiện, phải chuồn gấp; sau rút kinh nghiệm đem sang bưu điện tỉnh lẻ, dân tình ở đó thật thà (nông dân mà), kiểm tra sơ sài nên thoát được. Nhưng em không muốn kể cụ thể các mẹo ở đây đâu.
Có ba loại sách mình có thể xin:
(1) Sách (tạp chí…) mới xuất bản trong khoảng 3-4 năm gần đây, nhưng bị bạn đọc mượn xem nhiều làm rách, nhàu nát, họ thanh lý và mua bản mới tinh thay thế;
(2) Sách cũ xuất bản từ 5 – 10 năm trở về trước; họ cho là lạc hậu với tình hình hiện tại nên thanh lý bớt, chỉ giữ lại 1 vài bản. Những sách này cực hay, rất quý vì cái mình cần không phải là thông tin tình hình trong đó mà cái mình cần chính là phương pháp phân tích, cách đặt vấn đề, cách giải quyết vấn đề và rút ra các kết luận cuối cùng, từ đó áp dụng cho VN ta. Hôm trước em bình luận bên Blog của anh Hiệu Minh, trong đó có đoạn “Bác Trần Xuân Giá không chỉ đưa Bộ KHĐT thành Siêu Bộ để cứ lễ tết là hàng đoàn xe từ mọi miền của tổ quốc kéo đến đậu trước cửa bộ để chúc mừng, sang ban Nghiên cứu của Thủ Tướng, bác đã làm cho nó không còn dấu vết gì của thời bác Trần Đức Nguyên nữa. Thời bác Nguyên giới khoa học kinh tế hoạt động sôi nổi và vui lắm, nhờ đó mà tôi cũng viết được một số bài thẳng thắn được TT sao gửi các BT tham khảo để rồi khi tham khảo xong bác Giá lại bảo: Đấy là việc của ngành khác, người của Bộ KH không được viết về việc của ngành khác. Ví dụ như còn 1 bài lưu trong thư viện của tôi: http://toithichdoc.blogspot.ch/2011/04/chung-ta-se-thu-uoc-gi-khi-pha-gia-manh.html
Bài viết 50 trang này của em lấy ý tưởng, phương pháp làm từ 1 bài viết của Bỉ xuất bản năm 1936, trước khi bác chào đời tới 20 năm đấy. Giờ ở nhà em vẫn còn bản chụp bài đó. Khi bài viết của em được phát tán ra, 1 số người gọi là một bài viết kinh hoàng.
(3) Sách xuất bản từ 2 năm về trước nhưng trong khoảng 2 năm qua hầu như không có mấy bạn đọc quan tâm, chứng tỏ không phù hợp với nhu cầu của bạn đọc tại thư viện đó; thế là họ cũng thanh lý.
Vào thư viện của các nước lớn, vào thư viện của WB, IMF ở Washington, có cảm tưởng như vào một nhà máy vì sách nhiều quá, được xếp làm nhiều khu để dễ lựa chọn. Ví dụ muốn tìm sách nói về kinh tế vĩ mô của VN thì có thể sang khu “sách kinh tế vĩ mô Á châu” sẽ thấy (phân loại theo chủ đề), hoặc sang khu “Việt Nam” (phân loại theo nước) cũng thấy 1 cuốn nữa tương tự.
Tóm lại xin sách, tạp chí thanh lý ở thư viện địa phương, trường học… rất dễ và … không mất tiền .
À, còn kỹ thuật chụp photo trộm để giảm chi phí nữa chứ. Em thì còn nhiều mẹo ăn gian ở phương Tây lắm, nhưng không kể ở đây được.