Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999

Bạn Phan Thảo Minh từ Sài Gòn bộc bạch: "Chắc ai cũng như tôi, từ khi còn học tiểu học, đã nhớ những đợt quyên góp tiền cứu trợ cho đồng bào, khúc ruột miền Trung. Ngày ấy tôi từng thấy mình vĩ đại khi dành tiền ăn quà mẹ cho để đóng góp. Nhưng hơn 20 năm rồi, câu chuyện này vẫn tiếp diễn. Tôi không còn tin người dân khổ vì thiên tai nữa. Chính quyền làm sao để nỗi đau không phải tiếp diễn. Năm 2020 mà vẫn có người chết, mất tích". Tôi rất buồn vì người VN không có thói quen học, nhất là học cách sinh tồn. Từ Tổng bí thư, Thủ tướng cho đến người dân, họ chỉ muốn học kinh nghiệm từ thực tế từ đi xuống cơ sở, từ trải nghiệm thất bại đau thương của mình, chứ không muốn học qua sách vở, qua kinh nghiệm quý báu được nhân loại nghìn năm nay tổng kết lại. Do đó chúng ta gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Nếu người dân, cán bộ học được kỹ năng sinh tồn và ứng phó với thiên tai (như ở các nước người ta vẫn dạy cho trẻ ngay từ cấp 1) thì đã không có nhiều cảnh đau thương, xót xa như chúng ta đang chứng kiến. Tôi còn nhớ có lần đi Lào qua cửa khẩu Cầu Treo, núi lở, 2/3 đường bị rơi xuống vực sâu vài trăm mét. Vậy mà dân bâu đầy ở 2 bên mép vực hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày, để xem máy xúc phá núi tạo đường cho xe qua. Nếu hôm đó 2 mép vực lại lở và sụp tiếp thì chắc sẽ có thêm hàng chục người chết vùi trong đất. Kinh nghiệm sống của tôi là tránh các đám đông; thấy đông người lộn xộn thì mình nên tránh xa.
Mưa lũ 2020: Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999
Đoàn cứu nạn 13 người và nhiều công nhân khu Rào Trăng mất tích, sản phụ tử vong do lật ghe trên đường đi sinh và nhiều người chết vì trận lũ bão năm nay khiến nhiều người liên tưởng lại năm 1999. Một phóng viên ở Quảng Ngãi chia sẻ với BBC, sự việc ở Rào Trăng làm ông nhớ lại trận lụt năm 1999: "Tôi còn nhớ năm 1999 ở Quảng Ngãi, gần 20 mạng cũng trú trong lán trại trên đường lên Sơn Tây. Đoàn người ấy có giáo viên, có cán bộ. Do lở đường nên cả đoàn người tấp vô lán trại của công nhân làm đường ở tạm qua đêm. Tối đó cả ngọn đồi đổ ụp xuống, cuốn luôn toàn bộ số người trong lán xuống suối".

Mưa lũ ngập ngang mái nhà ở Quảng Bình trong hôm 8/10 vừa qua.
Theo thông tin mới nhất của Quân đội Việt Nam, tới 14g ngày 15/10, đã tìm thấy 7 thi thể thuộc đoàn cứu trợ 13 người mất tích tại hiện trường sạt lở trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các cơ quan chức năng thống nhất quân đội phụ trách tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại trạm kiểm lâm 67; còn công an tìm kiếm 16 công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Cả hai lực lượng tìm kiếm đang tăng tốc tiến trước khi Bão số 8 sắp đổ bộ vào miền Trung.

Ám ảnh những trận sạt lở

Những nhân chứng ở hiện trường khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mô tả "nửa quả đồi dường như bị sập xuống, đè lên khu nhà điều hành". Để tiếp cận hiện trường, đội cứu hộ phải lội bùn đất ngập ngang đến đầu gối người đi. Bùn, đất đá, cây cỏ phủ ngổn ngang tạo thành một gò cao. Trên đống đổ nát, một vài chiếc máy xúc nằm chỏng chơ.

Theo các video mà phóng viên quay lại, nhà điều hành thuỷ điện, trạm kiểm lâm bị vùi lấp không còn một mảnh ngói. Tất cả thành bình địa với bùn với cây đổ, đá đè.

Giữa khu đất với diện tích hơn 5.000 m2 ngổn ngang chỉ còn bùn đất, những người trong đoàn cứu hộ phải hú hét để tìm kiếm.

Một người dùng Facebook tên Phương Mai bình luận: "Tiếng kêu gọi của những người tìm kiếm đồng đội họ trong đống đổ nát thực sự tang thương và ám ảnh. Trong đó có vị tướng Phó Tư lệnh của họ. Tiếng hô vang 'Còn ai không' lọt thỏm giữa mênh mong đại ngàn mà không có lời hồi đáp nào. Chỉ mong một phép màu nào đó sẽ đến với 13 cán bộ và chiến sĩ. Người dân mình hứng chịu quá nhiều khổ đau".

Facebook Phan Nhựt Tân chia sẻ: "Cầu mong kỳ tích xuất hiện, hy vọng các anh chiến sỹ cảm nhận được hàng triệu trái tim dân tộc đang cầu nguyện cho các anh. Mong các anh yên nghỉ. Bão lại chồng bão, tang thương lại thêm tang thương. Xin chia buồn cùng gia đình".


Các nhân viên tìm kiếm cứu nạn Việt Nam băng qua qua lòng hồ thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại khu thủy điện Rào Trăng 3.

Đối với những người sinh ra và lớn lên ở miền Trung, phải chịu cảnh 'sống chung với lũ' hàng năm, không ai là không nhớ trận lụt lịch sử năm 1999.

Sự việc đất đá ập xuống nhà điều hành nơi công nhân đang ngủ, vùi lấp 17 người và 13 người đi cứu hộ cũng bị vùi lấp ở khu thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều nhớ lại tai nạn xảy ra năm 1999.

Một phóng viên ở Quảng Ngãi chia sẻ với BBC: "Tôi còn nhớ cái năm 1999, gần 20 mạng cũng trú trong lán trại trên đường lên Sơn Tây. Đoàn người ấy có giáo viên, có cán bộ. Do lở đường nên cả đoàn người tấp vô lán trại của công nhân làm đường ở tạm qua đêm. Tối đó cả ngọn đồi đổ ụp xuống, cuốn luôn toàn bộ số người trong lán xuống suối".

"Khoảng 20 ngày sau mới tìm được đủ thi thể, người cuối cùng nằm ở cuối sông Trà, cách chỗ lán trại gần 100km. Tang thương, thê thảm lắm".

"Nhiều người trách sao không cho trực thăng cứu hộ ngay từ đầu. Trời này, vùng Trường Sơn đi bộ nhìn cách 10 mét đã không thấy nhau rồi. Chỉ trách những người làm thủy điện, mưa lũ cảnh báo nát trên báo đài cả chục ngày nay mà vẫn giữ công nhân làm chi trên đó 17 mạng?", người này nói.

Sau 21 năm, vẫn có người chết, mất tích

Những tai nạn, những người chết và mất tích vì bão lũ trong những ngày qua không khỏi khiến cho nhiều người thương tâm và bức xúc.

Hôm 12/10 ở Huế, một sản phụ bị lũ cuốn trôi khi bị lật ghe lúc đang trên đường đi sinh con. Thi thể của chị được tìm thấy cách vị trí ghe lật khoảng 100m.

Hình ảnh người chồng van lạy, quỳ rụp xuống dòng nước rúng động dư luận về sự tang thương mà người dân miền Trung đang oằn mình hứng chịu.

Trên Facebook của mình, người tên Thuan Vuong Tran chia sẻ: "Người chồng, người cha van lạy dòng nước lũ xoáy cuồng trả lại vợ, lại con cho mình. Người vợ trở dạ giữa vùng lũ, thuê thuyền đến bệnh viện, thuyền đi ít lâu thì lật úp. Người chồng gào thét, van xin nước trả lại vợ con. Nước cứ một dòng mà đi, nước biết gì đâu, người mẹ và đứa con chưa kịp chào đời được tìm thấy sau đó, cách nơi thuyền lật 100m. Họ đã theo nước đi về tới vô cùng. Huế buồn từ câu hát về sông Hương "trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, à ơi, khiến đau thương thấm tràn lấp Thuận An, để lan biển khơi...".

Ông đặt vấn đề tiếp: "Nhưng đâu phải chỉ chuyện trời, người lo chuyện người. Có bộ đồ gỗ khủng kỳ công nào được hợp thức hóa từ gỗ phá rừng đầu nguồn góp tay vào chuyến đi định mệnh của sản phụ ấy không? Có sự phát triển nóng, hợp tác lạnh, có lòng tham nhân danh cái đói, miếng ăn nào để phá sơn lâm, đâm hà bá, để đào tróc núi, lấp cửa sông, ngăn dòng chảy, tàn hại đến mọi giống loài côn trùng cây cỏ... đã đưa bàn tay đen mà bịt chặt tiếng trẻ khóc chào đời này không?".

Mưa lũ ở Quảng Trị: 'có gì ăn nấy, nhiều nhà đói'

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết trên Facebook: "Lũ lụt, tây ta giàu nghèo gì đều bị hết, ông trời có lý do của mình, mưa bão làm nhiệm vụ của mình. Nhưng ở miền trung, vùng đất năm nào nước cũng lên, người cũng ướt, mà không hề có phương án cụ thể để giúp dân, thì lạ. Đội y tế lưu động, xuồng máy, trực thăng ở đâu mà để sản phụ đi đẻ bằng ghe?".

Bà Diệu đặt câu hỏi: "Hình ảnh người chồng người cha quỳ giữa biển nước uất ức thương khóc vợ con, có làm ai đó động lòng? Người ta có xây ít tượng đài ông nọ ông kia lại để dành tiền cứu những đứa trẻ sắp ra đời, những đứa trẻ đến từ tương lai, năm sau, năm sau nữa? Người ta có bớt chi tiêu cho cái đại hội đảng mà biểu tượng của nó, cái liềm đang ôm chặt cái búa đã trở thành con ngáo ộp của nhân loại tiến bộ? Để dành, để đầu tư cho sự sống, sự sống tươi đẹp trên một đất nước tươi đẹp?".



Chia sẻ với BBC, Trúc Anh, một người dân ở Huế kể: "Tôi có thể không nhớ hôm qua mình ăn gì nhưng vẫn còn rõ như in trận lụt năm 1999. Mưa tối đất tối trời, tới khuya nước lên lút đầu. Cả nhà phải chia nhau cái gác xếp để lúa trong tình cảnh mái trên thì dột, dưới chân thì lụt. Tôi nghe tiếng tát nước của mẹ mà ngủ, chỉ có những người lớn lên với lũ mới hiểu cảnh đó. Sợ hãi và cô lập. Tôi khóc và sợ trong ngôi nhà chật chội, tối tăm và ngập mùi đèn dầu. Nghĩ lại tới giờ sóng mũi còn cay".

"Nước ướt hết đồ đạc, sách vở. Đồ chơi nằm chỏng chơ giữa dòng nước. Tôi khóc vì mất búp bê, mẹ khóc vì mất hết lúa gạo. Nhớ lại mà tôi vẫn thấy thắt tim như nghe tiếng nấc của mẹ ôm đứa em, tiếng gọi đò dài bất tận của ba trong vô vọng. Đó là nỗi khiếp đảm của một tuổi thơ sống với lũ. Vậy mà giờ hơn 20 năm sau, thế hệ sau tôi cũng lại chịu cái cảnh kinh hoàng ấy", chị Trúc Anh bộc bạch.

Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi, trong bối cảnh mưa bão miền Trung bối cảnh lũ lụt và nhiều cảnh tang thương như vậy thì ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và các tỉnh thành khác lại cờ hoa mừng Đại hội Đảng các cấp với ngân sách chi tiêu được xem là phung phí.

Nói với BBC, bạn Phan Thảo Minh từ Sài Gòn bộc bạch: "Chắc ai cũng như tôi, từ khi còn học tiểu học, đã nhớ những đợt quyên góp tiền cứu trợ cho đồng bào, khúc ruột miền Trung. Ngày ấy tôi từng thấy mình vĩ đại khi dành tiền ăn quà mẹ cho để đóng góp. Nhưng hơn 20 năm rồi, câu chuyện này vẫn tiếp diễn. Tôi không còn tin người dân khổ vì thiên tai nữa. Chẳng lẽ người dân miền Trung sẽ mãi dựa vào đồng tiền quyên góp của các nhà hảo tâm, của những đoàn cứu trợ độc lập hay sao. Quan trọng chính quyền làm sao để nỗi đau không phải tiếp diễn. Năm 2020 mà vẫn có người chết, mất tích", Thảo Minh ý kiến.

Trận lụt lịch sử năm 1999 đó bắt đầu vào đêm 1/11 và kéo dài suốt một tuần lễ. Cả miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước. Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam được xem là rốn lũ năm đó chịu hậu quả ác liệt nhất.

Nhiều người gọi đó là trận "Đại hồng thủy năm 1999" vì nó gây thiệt hại lớn về người và của. Trận lũ đã nhấn chìm 20 huyện, thị xã miền Trung, làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi.

Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng, tính tại thời điểm năm 1999.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54550116

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét