Biển Đông khủng hoảng lần 2 không còn là tranh chấp chủ quyền biển đảo và tài nguyên dầu khí như trước, mà đây là hành động xâm lược bằng lực lượng hải giám có vũ trang của Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ bắt nạt Việt Nam mà còn thách thức cộng đồng quốc tế. Mỹ đã lên tiếng ủng hộ VN (20/7/2019). Dư luận trong và ngoài nước thúc giục Chính phủ Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông và kiện Trung Quốc ra PCA. Muốn thoát Trung trong tình thế nước sôi lửa bỏng hiện nay, người Việt cần đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm để tìm giải pháp khả thi nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia và không gian sinh tồn. Trong bối cảnh đó, thật là ngu ngốc và điên rồ nếu để cho Trung Quốc xây dựng các đặc khu kinh tế, làm đường cao tốc Bắc Nam và nhiều công trình quan trọng quốc gia khác.
Biển Đông khủng hoảng lần 2:
Đối đầu tại bãi Tư Chính leo thang
Nguyễn Quang Dy - Biển Đông khủng hoảng lần 1 khi Trung Quốc bất ngờ hạ đặt dàn khoan HD-981tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam (tháng 5-7/2014), làm Hà Nội bị sốc và quan hệ hai nước khủng hoảng. Đồng thời, Trung Quốc còn ráo riết thay đổi thực địa bằng bồi đắp và quân sự hóa các đảo/đá mà họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa, để kiểm soát Biển Đông theo “đường chín đoạn”, vi phạm trắng trợn luật biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS).Tháng 5/2014 và 7/2019 đã đánh dấu hai bước ngoặt làm thay đổi bức tranh địa chính trị tại Biển Đông. Ngày 8/8/2019, theo các nguồn tin quốc tế, Trung Quốc đã rút tàu HD-8 về đá Chữ Thập (tại Trường Sa). Nhưng giới phân tích cho rằng đây chỉ là rút tạm thời để tiếp nhiên liệu chứ không phải rút hẳn, vì họ vẫn để lại tàu hải giám tại bãi Tư Chính. Thật là ngây thơ và hồ đồ nếu cho rằng Trung Quốc sẽ rút tàu HD-8 về trước phản ứng cứng rắn của Việt Nam và dư luận quốc tế. Theo VOA (13/8/2019) tàu HD-8 đã quay trở lại bãi Tư Chính. (Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, VOA, August 13, 2019).
Khủng hoảng lần 2
Biển Đông khủng hoảng lần 2 không còn là tranh chấp chủ quyền biển đảo và tài nguyên dầu khí như trước, mà đây là hành động xâm lược bằng lực lượng hải giám có vũ trang của Trung Quốc. Họ muốn biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “khu vực tranh chấp” theo chiến lược “vùng xám” (grey area) và “tam chủng chiến pháp” (three warfare doctrine). Trung Quốc không chỉ bắt nạt Việt Nam mà còn thách thức cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream). Sau khi chiếm Hoàng Sa (1974) và một phần Trường Sa (1988), Trung Quốc cho rằng nay họ đã đủ mạnh để độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ, bắt nạt các nước láng giềng như chư hầu, và quân sự hóa nhằm thay đổi cục diện Biển Đông.
Trung Quốc tìm cách chiếm Scaborough shoal (của Philippines) và bãi Tư Chính (của Việt Nam) là 2 vị trí có ý nghĩa chiến lược trong bàn cờ Biển Đông. Họ đã chiếm Scaborough (6/2016) sau một cuộc đối đầu (standoff) mà Mỹ bỏ rơi Philippines. Trung Quốc đang chờ thời cơ để quân sự hóa Scarborough cũng như chiếm đảo Thị Tứ và bãi Tư Chính. Nhưng đây là “làn ranh đỏ”, vì không chỉ là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines mà đã trở thành vấn đề an ninh quốc tế đối với trục quan hệ Mỹ-Trung.
Vị trí Scaborough shoal của Philippines
Trước đây, Trung Quốc đã ép Việt Nam phải dừng hợp tác với Repsol (Tây Ban Nha) tại mỏ “Cá Rồng Đỏ”. Nay Trung Quốc muốn ép Việt Nam phải dừng hợp tác với Rosneft (Nga) tại mỏ “Lan Đỏ & Lan Tây”, và không được thuê dàn khoan của Nhật. Trung Quốc còn muốn ép Việt Nam không được hợp tác với ExxonMobil (Mỹ) tại mỏ khí “Cá Voi Xanh”. Nói cách khác, Trung Quốc muốn Việt Nam chỉ hợp tác với họ để “cùng khai thác” dầu khí. Có thể nói, Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới tại Biển Đông.
Khi Trung Quốc ngang nhiên cho tàu xâm phạm chủ quyền Việt Nam, để thăm dò địa chấn và quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam và đối tác trong vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam không đủ sức răn đe để ngăn chặn. Trung Quốc có thể cho tàu thăm dò hay dàn khoan xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại bãi Tư Chính hoặc một nơi nào đó, để thực hiện ý đồ của họ là biến vùng biển này thành cái ao nhà của họ theo “đường chín đoạn”.
Tuy Trung Quốc có lợi thế tương đối ở Biển Đông, nhưng quyền lực của họ không phải tuyệt đối mà phụ thuộc nhiều vào hệ quả chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Một khi kinh tế Trung Quốc bị suy thoái, dự trữ ngoại hối và thị trường chứng khoán suy sụp, thì sức mạnh của họ ở Biển Đông cũng bị suy giảm theo. Giới hạn của quyền lực là một bài học mà các siêu cường thường hay quên trong các “cuộc đọ sức bất đối xứng” (asymmetric fight).
Lần này, Việt Nam tuy đã rút kinh nghiệm để đối phó với Trung Quốc tốt hơn, nhưng vẫn phải phản ứng có chừng mực. Tuy nhiên lập trường của Việt Nam ngày càng cứng rắn, không chịu lùi bước khi bị Trung Quôc bắt nạt. Việt Nam đã cho các tàu cảnh sát biển bám sát để ngăn chặn các tàu Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc (16,19/7/2019), và Bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng ủng hộ (20/7/2019). Dư luận trong và ngoài nước thúc giục Việt Nam quốc tế hóa và kiện Trung Quốc ra PCA.
Phản ứng của các nước
Về phản ứng của các nước có liên quan, Carl Thayer cho rằng “Việt Nam đã phải thất vọng về phản ứng của cộng đồng quốc tế, trừ Mỹ” (VOA, August 9, 2019). Có thể nói Mỹ là cường quốc đầu tiên (nếu không phải duy nhất) đã gián tiếp ủng hộ Việt Nam. Trước tình hình bất an tại khu vực, Mỹ đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Biển Đông (6/8/2019) nhưng đã cập bến Philippines, chứ không phải Việt Nam. Nói cách khác, Mỹ vẫn chưa có hành động trực tiếp và hiệu quả nào để răn đe và đối phó với Trung Quốc tại bãi Tư Chính.
Có thể hiểu và lý giải phản ứng của Mỹ theo mấy cách. Thứ nhất, Mỹ chỉ muốn đảm bảo nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, chứ không can thiệp trực tiếp vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Thứ hai, dù Mỹ muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam, nhưng hai nước vẫn chưa phải là đối tác chiến lược. Thứ ba, năm ngoái Việt Nam đã quyết định ngừng 15 chương trình hợp tác với Mỹ (cho 2019), chắc để làm vừa lòng Trung Quốc.
Theo Nikki Haley (cựu đại sứ Mỹ tại LHQ), Tập Cận Bình đã thủ tiêu mất “khái niệm hòa đồng” (convergence) nên thái độ “cứng rắn về thương mại chỉ là bước đầu”. Mỹ cần “thay đổi lăng kính để xem xét vấn đề luật lệ ngoại thương của Mỹ, chuỗi cung ứng quốc tế, đầu tư trong nước, bảo vệ bản quyền, và các ưu đãi cho công nghệ quốc phòng cốt lõi”.
Nikki Haley (một ứng cử viên tổng thống trong tương lại) cho rằng “bản chất cực đoan của chiến lược an ninh quốc gia Trung Quốc chỉ bộc lộ rõ trong mấy năm gần đây… Khi điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với Trung Quốc, Mỹ muốn khuyến khích các nước đồng minh điều chỉnh chiến lược của họ… Trung Quốc không chỉ đòi hỏi “cả chính phủ” mà còn “cả quốc gia” phải đáp ứng… May mắn là chính quyền được sự ủng hộ của tất cả các phía để đối phó với chính sách mới hung hăng của Trung Quốc. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, trước khi quá muộn. Cái giá phải trả rất cao, có thể là sống còn”. (How to Confront an Advancing Threat From China, Nikki Haley, Foreign Affairs, July 18, 2019).
Theo Bennett Murray, Nga đang lặng lẽ ủng hộ Hà Nội trong vụ đối đầu mới với Bắc Kinh. “Đối với Việt Nam, gắn khai thác dầu khí với chiến lược của các nước lớn có lẽ là cơ hội tốt nhất để duy trì hoạt động khai thác dầu khí trong “đường chín đoạn”. (Vietnams Strange Ally in Its Fight With China, Bennett Murray, Foreign Policy, August 1, 2019).
Tuy Nga là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, nhưng thường giữ thái độ im lặng trước tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông vì quan hệ của họ với Trung Quôc. Putin đã từng ủng hộ Trung Quốc khi có phán quyết của PCA (7/2016), “Nga đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc”. Gần đây, Nga còn tỏ ra gần gũi hơn với Trung Quốc như một lá bài trong bàn cờ nước lớn với Mỹ. Nhưng sau khi báo cáo của Robert Mueller giúp Trump cơ hội thoát khỏi bị luận tội, Trump có thể lại chơi “lá bài Nga”. Nay Rosneft (của Nga) là đối tác của PVN (Việt Nam) để thăm dò dầu khí gần bãi Tư Chính (lô 06-01) nhiều người hy vọng Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam đang đối đầu với Trung Quốc tại bãi Tư Chính.
Về phản ứng của Úc, Carl Thayer cho biết đại sứ Việt Nam tại Úc đã bày tỏ lo ngại về việc báo chí Úc không đăng tải thông tin về sự kiên bãi Tư Chính và chính phủ Úc không có bình luận gì (tuy Úc là một trong “tứ cường” tại Indo-Pacific). Theo SBS News (August 8, 2019), Andrew Hastie (Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Úc) đã cảnh báo là Úc đã đánh giá thấp Trung Quốc và nhắc lại bài học về Đức Quốc Xã những năm 1930. Andrew Haslie phản ánh sự phân hóa trong chính giới Úc về chính sách với Trung Quốc.
Theo Haslie, Úc đang đứng trước thách thức lớn nhất về an ninh, kinh tế, và dân chủ trong thập niên tới khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh làm bá chủ toàn cầu. “Thập niên tới sẽ thử thách nền dân chủ của chúng ta, kinh tế của chúng ta, liên minh và an ninh của chúng ta, mà trong lịch sử Úc chưa từng có… Lúc này, chỗ yếu lớn nhất của chúng ta không phải là hạ tầng mà là tư duy… Sự thất bại về nhận thức sẽ làm chúng ta yếu kém về thể chế… Nếu chúng ta không hiểu thách thức trước mắt, thì chủ quyền và tự do của chúng ta sẽ bị suy giảm”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Úc (4/8/2019) để trao đổi với các bộ trưởng đồng cấp về tình hình khu vực (và Biển Đông). Hai bên đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng viện trợ như một loại “vũ khí” để mở rộng ảnh hưởng của họ đối với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, nơi có tuyến đường hàng hải rất quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú. Thủ tướng Việt Nam đã thăm Úc (3/2019) và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Hy vọng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Úc sẽ thúc đẩy vai trò “bộ tứ ” của Úc trong quan hệ với Việt Nam và khu vực Indo-Pacific.
Lập trường của Việt Nam
Theo David Hutt, lần này Hà Nội quyết không chịu lùi bước, đã công khai lên án Trung Quốc và kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam. Phát ngôn Bộ ngoại Giao nói Trung Quốc đã “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Viêt Nam”, và đòi Trung Quốc phải “rút ngay tàu thăm dò và tàu hộ tống khỏi vùng biển của Việt Nam”. Hà Nội cũng thông báo đã gia hạn kế hoạch hợp tác thăm dò dầu khí với Rosneft (Nga) đến 15/9/2019, rõ ràng để thách thức Trung Quốc. Liên doanh PVN-Rosneft đã trở thành cái gai trong mắt Bắc Kinh từ tháng 5/2019 khi thuê dàn khoan của Nhật thăm dò dầu khí tại lô 06-01 gần bãi Tư chính. (Vietnam takes a stand in the South China Sea, David Hutt, Asia Times, August 6, 2019).
Theo các chuyên gia phân tích, lần này có nhiều lý do để Hà Nội đối phó với Trung Quốc (tuy trước đây đã lùi bước). Thứ nhất, địa điểm đối đầu mới nằm trong vùng EEZ và gần hơn bờ biển Việt Nam (Vũng Tàu). Thứ hai, thăm dò dầu khí tại bãi Tư chính đã có kết quả tốt hơn trước. Thứ ba, sau khi lùi bước lần trước (7/2017 và 3/2018) Việt Nam đã nhận ra rằng càng lùi bước, Trung Quốc càng lấn tới. Thứ tư, Việt Nam nay được các nước lớn ủng hộ (như Mỹ, Nhật, EU). Mỹ và EU đều muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam. Ngày 5/8/2019, EU đã ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Việt Nam, như một chỉ dấu mới.
Tinh thần dân tộc của người Việt đối với Trung Quốc tuy không suy giảm, nhưng gần đây lắng xuống sau khi biểu tình bạo động bị đàn áp (5/2014). Theo Carl Thayer, đối đầu mới tại bãi Tư Chính sẽ củng cố tinh thần dân tộc, khi Hà Nội quốc tế hóa vấn đề Biển Đông với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Hy vọng Mỹ, EU và Nhật có lập trường quyết đoán hơn để duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Sự ủng hộ của Mỹ tuy gián tiếp nhưng khá mạnh, trong khi các nước khác (như Úc, Ấn Độ, ASEAN) vẫn ngại làm mất lòng Trung Quốc.
Trung Quốc đã chọn thời điểm này để tạo khủng hoảng tại bãi Tư Chính nhằm gây sức ép với Việt Nam (như chơi cờ vây). Thứ nhất, họ cho rằng Việt Nam đang khó khăn về ngân sách, thu không đủ chi và trả nợ, khi dầu khí trở thành nguồn thu chính. Thứ hai, Việt Nam có nguy cơ trở thành nạn nhân của chiến tranh thương mại vì Mỹ đánh thuế cao lên thép Việt Nam có nguồn gốc từ nước khác và Việt Nam có thể trở thành “nước thao túng tiền tệ”. Thứ ba, Trung Quốc lo ngại Việt Nam xích lại gần Mỹ khi TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ (dự kiến 9/2019). Nhưng nếu Trung Quốc gây sức ép quá mạnh, họ có thể xô đẩy Việt Nam vào vòng tay người Mỹ, như quy luật “hệ quả không định trước” (unintended consequyence).
Trước diễn biến khó lường và hệ quả bất định, lúc này Việt Nam cần khôn ngoan và tỉnh táo để nhận thấy rõ hơn tình thế phức tạp hiện nay, khi Biển Đông khủng hoảng lần 2 và đối đầu tại bãi Tư Chính đang leo thang. Muốn thoát hiểm trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, người Việt cần đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích nhóm (Việt Nam first) để tìm giải pháp khả thi nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia và không gian sinh tồn cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thật là ngu ngốc và điên rồ nếu để cho Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam.
***
Vì vậy, thứ nhất, phải thấy rõ bản chất của Trung Quốc để không ảo tưởng và mất cảnh giác, nhằm dứt khoát tư tưởng “thoát Trung”. Thứ hai, phải nói rõ cho người dân biết về diễn biến tình hình để họ chung tay bảo vệ tổ quốc, vì nhân dân là yếu tố quyết định. Thứ ba, phải nói rõ cho thế giới biết về thực trạng hiện nay và sắp tới, để vận động họ ủng hộ. Thứ tư, phải nâng cao năng lực cảnh sát biển và hải quân để đối phó với các nguy cơ mới. Thứ năm, phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và kiện Trung Quốc (ra PCA) trước khi quá muộn. Thứ sáu, phải nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ, và vận động các nước lớn như “bộ tứ ” hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông. Thứ bảy, phải vận động các nước láng giềng ASEAN hãy gác lại tranh chấp để đồng thuận cùng đối phó với các bất ổn trong khu vực.
Tham khảo
1. How to Confront an Advancing Threat From China, Nikki Haley, Foreign Affairs, July 18, 2019.
2. Vietnam’s Strange Ally in Its Fight With China, Bennett Murray, Foreign Policy, August 1, 2019.
3. Vietnam takes a stand in the South China Sea, David Hutt, Asia Times, August 6, 2019
4. Hải Dương 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, VOA, August 13, 2019
NQD. 15/8/2019
Tác giả gửi cho viet-studieshttp://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_BDKhungHoang2.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét