Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Tại sao "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh...."?

Tại sao "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt"?
Hà Hiển, Theo blog Hà Hiển
Không biết từ lúc nào ngoài xã hội lan truyền câu đó. Và hầu như ai cũng phải công nhận là nó diễn tả chính xác tâm lý xã hội chung ở Việt Nam hiện nay. Nhưng cho đến nay hình như chưa có người nào quan tâm lý giải một cách thấu đáo tại sao lại ra nông nỗi như vậy. Tui thử lý giải chuyện này ở gốc độ “xã hội học” mang “tính thời đại” như thế này vậy.
Image result for "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh,
1) Tại sao “giàu thì nó ghét”?
Vì “nó” không tin là do “mày” làm ăn tử tế mà “mày” giàu. Nếu “mày” là quan thì nhất định “mày” phải tham nhũng thì mới giàu được. Nếu “mày” không phải là quan thì chỉ có thể là “mày” làm ăn mờ ám, lừa đảo, “mánh mung” bất chính… nên mới giàu được thôi. Tóm lại là “nó” không tin là có người tử tế mà lại giàu lên được.

2) Tại sao “đói rét thì nó khinh”?

Vì “nó” cũng “không tin” là do “mày” tử tế mà “mày” đói rét. Vì đơn giản là “nó” không tin là trên đời này lại có người tử tế. Vì thế “mày” đói rét, “mày” nghèo không phải do “mày” tử tế mà do “mày” nếu không phải ngu đần thì cũng là do chưa có cơ hội để làm điều bất chính chứ bản chất “mày” cũng chẳng phải loại… tử tế gì.

3) Tại sao “thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”?

Cũng là vì “nó” cũng không tin những “thằng thông minh” là những “thằng” tử tế. Trong cái mặt bằng chung mà “nó” nghĩ là không thể tử tế của toàn xã hội thì những “thằng” thông minh sẽ biết cách… “không tử tế” một cách… thông minh nhất để tối đa hóa lợi ích cá nhân cho bản thân chúng. Cho nên tốt nhất là phải tìm cách để tiêu diệt!

Tóm lại “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt” là bởi vì “nó” không tin tất cả “chúng mày”, lũ giàu cũng như lũ đói rét hay bọn thông minh đều là những đứa tử tế.

Tóm lại là “nó” không tin là có cái gọi là sự tử tế ở trên đời này.

Tại sao “nó” lại không tin vào những điều tử tế mà toàn nghĩ xấu như thế về người khác?

Vì “nó” nhìn vào đâu cũng thấy sự không tử tế, ngay cả có những chỗ “nó” nghĩ lẽ ra phải là tử tế nhất thì hóa ra lại là… mất dạy nhất nên “nó” mất lòng tin. Đấy là nguyên nhân khách quan.

Còn nguyên nhân chủ quan là bản thân “nó” cũng chẳng… tử tế gì. Những kẻ không tử tế không bao giờ nghĩ người khác tử tế.

Nhưng cũng đừng nên trách “nó”. Trên một cái mặt bằng chung không tử tế của toàn xã hội như thế này thì đòi hỏi sự tử tế ở “nó” là điều xa sỉ!


1 nhận xét:

  1. Hà hiển là ông nào ? Có "danh giá" ở VN không vậy?!
    Kiến giải rất ngớ ngẩn: Nó là ai? một người ông ta (HH) biết hay số đông người Việt. Chắc là số đông vậy ông ta làm sao biết?

    Tôi rất muốn ông HH đọc thấy còm này. Để những kẻ sính nói chữ (kiểu xã hội học) như ông bớt đần độn đi.

    Trả lờiXóa