Ông Nguyễn Bá Thanh mua chuộc, khống chế và biến báo chí thành "đầu sai" như thế nào?
Hoàng Hải Vân, FB Hoàng Hải Vân - Khoảng 12 năm trước, thấy tôi thức đêm thức hôm làm việc vất vả, một anh bạn nhà báo mang tặng 1 cục cao hổ cốt vuông hình chữ nhựt, bảo về ngâm rượu uống. Tôi hỏi cái này ở đâu ra, bạn tôi nói của Nguyễn Bá Thanh tặng tau, hổ cốt thiệt đó. Khi bạn đi khỏi, tôi mang cục cao vứt vào giỏ rác, dù biết chắc rằng hổ cốt của ông Nguyễn Bá Thanh không thể là hổ cốt giả. Thứ cao hổ cốt thiệt đó đến tôi cũng gián tiếp có được một cục, thử hỏi có bao nhiêu quan chức và nhà báo được “tăng tuổi thọ” nhờ cao hổ cốt của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ?Bởi vì cao hổ cốt chỉ là một trong những thứ quà vặt dùng để xã giao trên diện rộng của ông Nguyễn Bá Thanh. Một người bạn khác của tôi, là một nhà báo trẻ, người từng bị ông Nguyễn Bá Thanh ép cơ quan cấp trên của anh thi hành kỷ luật do viết bài trái ý mình, nhưng anh chỉ bị thu thẻ nhà báo 1 năm, sau đó hành nghề lại như cũ. Thấy không đánh “chết tươi” được nhà báo này, ông Thanh quay sang tranh thủ. Một lần anh được ông Thanh mời đến chơi, sau khi tặng 1 cục cao hổ cốt và 1 cục mật gấu để “bồi dưỡng sức khỏe”, biết anh chưa có nhà, ông Thanh gợi ý cấp cho 1 lô đất để “xây biệt thự ở”. Được một bậc đàn anh dặn rằng, ông Thanh tặng quà ai mà người đó không nhận thì sẽ bị thù, nên bạn tôi nhận quà (sau đó cũng mang vứt vào giỏ rác), nhưng lô đất gợi ý thì bạn tôi từ chối. Sự từ chối này khiến cho ông Thanh hiểu nhầm là chê ít. Vì vậy, ba hôm sau ông Thanh gọi bạn tôi đến nói luôn, tau cho mày 10 lô, sẽ có người bán cho mày 6 lô, mày dùng tiền đó trả tiền mua 4 lô và xây biệt thự. Bạn tôi sợ quá, từ đó không dám gặp ông Thanh nữa và trở thành cái gai trong mắt ông.
“Cấp đất” ở đây được hiểu là bán rẻ theo giá nhà nước, nếu mang bán lại sẽ được một khoản tiền chênh lệch rất lớn. Tôi biết bạn tôi là một trong số các nhà báo không bị cám dỗ bởi những lợi lộc mà ông Nguyễn Bá Thanh và Vũ nhôm cho tặng. Nhưng tôi không biết có bao nhiêu quan chức và nhà báo nhận đất đai từ ông Thanh theo cách đó rồi bán lại lấy chênh lệch, chỉ thấy rằng báo chí từng đưa ông Thanh lên tận mây xanh và việc điều tra những sai phạm liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh hầu như không có, nhất là sau khi tướng Trần Văn Thanh bị khởi tố và một trung tá nhà báo của báo Công an TP.HCM bị kết án tù vì cả gan động đến Nguyễn Bá Thanh. Là cánh tay đắc lực của Nguyễn Bá Thanh, Vũ nhôm đã có “công lơn” trong việc thu xếp báo chí và truyền thông tôn vinh Nguyễn Bá Thanh như một nhân vật chính trị sáng chói trên chính trường.
Như đã nói ở trên, không phải nhà báo nào hoạt động ở Đà Nẵng cũng trở thành công cụ của Nguyễn Bá Thanh và Vũ nhôm. Và không phải Tổng biên tập nào cũng bị mù trước sự thật. Nhưng nhìn vụ án xử tướng Trần Văn Thanh và trung tá nhà báo Dương Ngọc Tiến của Báo Công an TP.HCM, các vị Tổng Biên tập dù chính trực đến đâu cũng không thể để phóng viên của mình bị bắt vào nhà đá. Việc xử tù và tước quân hàm quân tịch của trung tá Tiến rõ ràng là oan sai, tôi biết lãnh đạo báo Công an TP.HCM khi ấy có bảo vệ phóng viên của mình nhưng không bảo vệ được. Theo tôi, vụ án này cần được lật lại để trả công bằng cho nhà báo Dương Ngọc Tiến.
Xung quanh ông Nguyễn Bá Thanh, trong làng báo phân làm ba loại. Loại thứ nhất là ăn tiền, ăn đất để nịnh hót, loại thứ hai là ngậm miệng ăn tiền và loại thứ ba là im lặng để bảo vệ phóng viên của mình. Ông Nguyễn Bá Thanh được đưa lên mây xanh là do loại thứ nhất.
Thời tôi làm tòa soạn báo Thanh Niên, trong số các sếp tôi, có sếp nào quan hệ thân tình gì với ông Nguyễn Bá Thanh hay không thì tôi không quan tâm, vì những mối quan hệ đó nếu có thì theo tôi cũng là bình thường không có gì mờ ám, vì Tổng biên tập tuyệt đối không có bất kỳ sự chỉ đạo nào cho tòa soạn hoặc cho phóng viên viết bài đề cao sai sự thật về ông Nguyễn Bá Thanh hay đăng hoặc không đăng tin tức bài vở theo yêu cầu của ông. Tất nhiên, cũng như một số tờ báo khác, Thanh Niên không thể để cho phóng viên của mình tác nghiệp ở Đà Nẵng làm những chuyện mà cơ quan báo không có khả năng bảo vệ để phải vào tù như trường hợp của nhà báo Dương Ngọc Tiến, nhưng không có chuyện biến đen thành trắng về những vấn đề của Đà Nẵng. Cũng có một phóng viên đưa tin không làm ông Nguyễn Bá Thanh hài lòng đã phải bị thu thẻ nhà báo mà Thanh Niên không đủ khả năng bảo vệ, nhưng chưa đến mức bị vào tù. Còn sau khi tôi thôi làm tòa soạn và sau khi anh Nguyễn Công Khế thôi làm Tổng Biên tập thì tôi không theo dõi nên không biết.
Chính những tin tức và bài viết tô vẽ bợ đỡ nói trên trở thành dòng thông tin “chủ đạo” về Nguyễn Bá Thanh và “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, đã khiến cho một bộ phận khá đông dân chúng ngưỡng mộ Nguyễn Bá Thanh. Đám tang của ông đã được rất đông dân chúng đến chia buồn thương tiếc. Người ta không hề biết rằng, khi ông còn sống, bất kỳ nhà báo nào cố ý chống lại Nguyễn Bá Thanh, muốn vạch trần những sai trái của Nguyễn Bá Thanh hoặc cố tình không làm Nguyễn Bá Thanh hài lòng đều phải vào tù, thân bại danh liệt hoặc phải bỏ xứ ra đi.
Chuyện ông Nguyễn Bá Thanh mua chuộc báo chí là không khó hiểu, nhưng người ta không thể hình dung ông dùng quyền lực gì để khống chế báo chí khi ông chỉ là một Bí thư Thành ủy. Đó là do ông biết cách đổi chác lợi ích và quyền lực với những người, dù không phải có địa vị cao nhất nước, nhưng có đủ quyền lực hăm dọa tất cả mọi cơ quan trên đất nước này. Nhưng chuyện dài dòng đó sẽ được đề cập trong một dịp khác.
Ông Nguyễn Bá Thanh nay đã qua đời, tôi hoàn toàn không có ân oán gì với ông, nhưng nếu không hiểu đúng thực chất về Nguyễn Bá Thanh, sẽ không bao giờ xử lý được rốt ráo những vấn đề hiện nay của Đà Nẵng. Đó là lý do tôi viết stt này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét