Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Thủ tướng: Kinh tế phải thành công như bóng đá VN

Nhìn mặt mấy ông lãnh đạo thấy ghét, đọc những câu của họ thấy điên cái đầu,... nên mình ko muốn lưu những tin về họ. Tuy nhiên hôm nay bác Phúc nói hay. Thâm ý của bác là nên thuê người Hàn Quốc về làm Thủ tướng thay bác thì chỉ trong 1 năm kinh tế sẽ thành công như đội tuyển bóng đá Việt Nam. Không hiểu cụ Tổng Chủ có đoán được ý bác và làm theo ý bác không ?
Thủ tướng: Kinh tế phải làm sao thành công như đội tuyển bóng đá Việt Nam
SGGPO Thứ Tư, 19/12/2018 DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực (đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu) nên sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các chuỗi sản xuất của nước ngoài...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP
Ngày 19-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam nhằm đưa ra những cái nhìn khách quan và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành được coi là xương sống cho sự phát triển công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với CNHT (các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh), việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Mặc dù chiếm đến gần 90% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nhưng năm 2017 công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp gần 15% GDP. Hiện nay, đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%).

Việt Nam đã thu hút được các doanh nghiệp FDI chế xuất lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu (tiêu biểu là Samsung). Tuy nhiên chưa có các chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế xuất có thể bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước, do đó chưa tận dụng được nguồn lực lớn của các doanh nghiệp FDI chế xuất để tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Vẫn theo Bộ Công thương, số lượng doanh nghiệp CNHT còn quá ít. Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.

Bộ Công thương đưa ra con số so sánh, riêng quận Oita, một trong 23 quận của thành phố Tokyo có hơn 3.000 doanh nghiệp chế tạo, tỉnh Kanagawa có 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo tương đương với số doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam (75.000 DN năm 2017) trong đó phần lớn các doanh nghiệp CNHT có qui mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhưng tham gia rất sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng rất cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không).

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Tuy đã tự chủ được một số loại sản phẩm CNHT cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, vẫn còn nhiều sản phẩm CNHT cần được hỗ trợ để phát triển như chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa trong ngành điện tử; phôi thép, thép tấm, thép hình, khuôn mẫu trong ngành cơ khí; vải trong ngành dệt may, da giầy.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm CNHT mà Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, chủ yếu là các sản phẩm hoá dầu như hạt nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo…
Mặt khác, các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày nhưng các doanh nghiệp Việt Nam công nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước.

Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Đáng chú ý, Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực (đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu) nên sản phẩm CNHT chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các chuỗi sản xuất của nước ngoài, dẫn đến việc nền CNHT trong nước chưa tự chủ và do các chuỗi sản xuất của nước ngoài chi phối.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, quá trình phát triển công nghiệp đúng hướng cũng phải kéo dài hàng chục năm…

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, CNHT được xem là nhân tố thúc đẩy hay "bánh đà" của nền công nghiệp. Các nước có nền công nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới đều rất quan tâm, chú trọng và đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển CNHT từ rất sớm và thực tế là họ đã đạt được những thành tựu vượt bậc.

Tại Việt Nam, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT tuy đã ược cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển.

Về thị trường, đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường CNHT trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu. Trong lúc chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, CNHT vẫn chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi toàn cầu, tư duy khép kín sản xuất vẫn tồn tại ở nhiều doanh nghiệp.

Việt Nam còn quá ít trung tâm nghiên cứu và phát triển, hay nói cách khác là R&D còn mới lạ ở Việt Nam. Trong thời tới, Thủ tướng mong muốn Việt Nam cần chuyển hướng theo chuỗi sản xuất thế giới, đưa Việt Nam là công xưởng của thế giới, châu Á và ASEAN.

Đây phải được xem là chiến lược, để giành nguồn lực, trí lực phát triển.

“Kinh tế phải làm sao thành công giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam. Người Hàn Quốc, Nhật Bản có ý chí lớn phát triển đất nước, chúng ta phải học tập họ. Phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế, còn nếu cứ bình bình thì khó thành công. Cần tinh thần làm việc có tầm chiến lược như HLV Park Hang-seo đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Suzuki cup 2018 để ngành CNHT Việt Nam vươn lên và thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.

PHAN THẢO
http://www.sggp.org.vn/thu-tuong-kinh-te-phai-lam-sao-thanh-cong-nhu-doi-tuyen-bong-da-viet-nam-566264.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét