Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Tuổi thọ cầu thủ thấp hơn người bình thường 2 năm

Khi bình luận trong bài "Thủ môn U23 đi xe máy với bố để về nhà", tôi có viết: "làm nghề cầu thủ bóng đá hay vận động viên chẳng khác gì làm nô lệ, phải vắt kiệt sức lực ra làm giầu cho đám ông chủ, ông bầu và đóng thuế cho nhà nước", "cầu thủ phải lao động bất kể nắng mưa, thường xuyên xa nhà, xa vợ xa con, cường độ khủng khiếp, tai nạn rơi xuống đầu bất cứ khi nào... Tất cả đều gây tổn hại tới sức khỏe và thời gian hưởng thụ cuộc sống. Những thứ mất đi đó kéo dài trong 15-20 năm đẹp nhất của đời người, chẳng có tiền lương tiền thưởng nào bù đắp được."... Bình luận xong sực nhớ trước đây có đọc một số bài báo về tuổi thọ của các cầu thủ bóng đá thấp hơn đáng kể so với trung bình của xã hội. Tìm lại 1 bài và lưu lại đây cho các bạn đọc tham khảo. Tuổi thọ của cầu thủ Đức kém dân thường 2 năm nhờ họ được chăm sóc cẩn thận hơn, chứ như ở Việt Nam, với cung cách vắt chanh bỏ vỏ, chắc tuổi thọ của cầu thủ phải kém dân thường ít nhất 5 năm.

Cầu thủ đoản thọ hơn người bình thường
Nguyễn Hoàng Anh Châu 01/11/2016 - Cầu thủ là những ngôi sao được cả thế giới ngưỡng mộ. Họ có tiền bạc, có danh tiếng và tất cả những gì mà hầu hết mọi người trên thế giới khao khát. Nhưng họ cũng là con người, có sinh lão bệnh tử và không ai thoát được quy luật của cuộc sống. Vấn đề đặt ra là cầu thủ có thể sống thọ đến bao lâu?Kết quả hình ảnh cho các tuyển thủ Đức

Theo khảo sát, các tuyển thủ Đức sống
 ít hơn người bình thường 1,9 năm
Đoản thọ hơn trung bình
Tuổi thọ của cầu thủ hay chính xác hơn là tuổi thọ của những người từng có thời gian làm cầu thủ chuyên nghiệp. Đây là vấn đề rất nghiêm túc nhưng dường như lại ít được báo chí đề cập. Năm 2011, một nghiên cứu ở Đức đã khảo sát tất cả các tuyển thủ quốc gia thi đấu trong khoảng một thế kỷ từ 1908 đến 2006. Có tổng cộng 812 cầu thủ được khảo sát trong đó đã có 428 người qua đời. Dựa vào thông số, báo cáo kết luận các tuyển thủ Đức sống ít hơn người bình thường 1,9 năm. 1,9 năm là con số rất lớn ở góc độ khoa học. 


Điều gì đã khiến những cầu thủ tinh hoa nhất của bóng đá Đức phải sống ngắn hơn người bình thường? Thực ra đây không phải là vấn đề của bóng đá Đức mà là của cả nền bóng đá thế giới, cả nền thể thao chuyên nghiệp. Nếu tính riêng bóng đá thì chúng ta đã nói nhiều về tính chất nguy hiểm của nó khi bạn nhìn thấy cầu thủ thi đấu trên sân.

Chúng ta từng nói đến các cú va chạm bằng đầu trong bóng đá. Các cầu thủ chủ yếu dùng đầu để khống chế bóng trên cao và dễ bị chấn thương. Đó có thể là do hai cầu thủ cùng nhảy lên và va chạm đầu mạnh với nhau, đó có thể là do cầu thủ ham bóng lao vào đánh đầu và ăn nguyên một cú đạp bóng của đối phương, một cú đấm bóng của thủ môn hay lao vào cột dọc khung thành. Trong bóng đá, tốc độ thi đấu cao nên những cú va chạm như vậy thường là mạnh. Họ có thể bị vấn đề ngay lập tức như trường hợp của Cech trong trận Chelsea gặp Reading cách đây 10 năm. Hoặc cũng có thể sau khi giải nghệ thì họ sẽ bị di chứng từ những va chạm trong lúc thi đấu.

Những nguy hiểm giấu mình

Bóng đá còn nguy hiểm bởi những thứ mà khán giả có thể nhìn thấy nhưng không cảm nhận thấy. Chẳng hạn như mặt sân như nhung trên sân bóng. Để có được cỏ đẹp và luôn mượt như nhung khi thi đấu thì không thể trông chờ cỏ mọc và phát triển một cách tự nhiên. Tuy không dùng cỏ nhân tạo nhưng các nhà chế tạo đã dùng một loại là mủ cốm được làm từ các hạt cao su nghiền từ lốp xe phế thải. Các mù cốm này tạo thành bề mặt để cỏ được trồng lên trên và theo một số chuyên gia, mủ cốm luôn giữ được độ ẩm rất tốt để cho cỏ luôn xanh tươi mà giá thành lại rẻ.

Tuy nhiên, mủ cốm lại là một chất độc có khả năng gây ung thư. Khi cầu thủ ngã xuống mặt cỏ thì việc anh ta hít phải mủ cốm, thậm chí nuốt phải vài viên cũng là bình thường. Ngoài ra, mủ cốm bám vào mồ hôi thẩm thấu vào trong người cũng là cách để đưa chất độc gây ung thư vào trong người thủ môn. Vì công nghệ mủ cốm được dùng tại Mỹ nên cũng có nhiều quốc gia khác sử dụng chúng trong công nghệ làm mặt sân. Do vậy, chúng ta có thể thấy nhiều cầu thủ sau khi giải nghệ dính ung thư rồi qua đời. Đó có thể là hậu quả sau nhiều năm liền hít khí độc hại trên sân.

Và cả nguyên nhân mà chúng ta không thấy, không cảm nhận được sự đe dọa của chúng với các cầu thủ. Áp lực thi đấu căng thẳng khiến thần kinh của họ luôn trong trạng thái ức chế. Với những người giữ được mình thì còn đỡ chứ có những người lại tìm đến rượu, thuốc lá, thậm chí là ma túy để giải khuây. Khi nghiện rượu, thuốc lá thì họ có thể tàn tạ và dính một loạt các vấn đề khác về sức khỏe mà chúng ta có thể liệt kê ra như trường hợp của Paul Gascoigne, Diego Maradona, George Best...

Một lý do nữa được người Đức chỉ ra khiến cầu thủ đoản thọ là kinh tế và y tế. Không phải cầu thủ nào sau khi giải nghệ vẫn có thể sống sung túc. Nhiều người khi còn thi đấu thì còn có tiền nhưng không biết chi tiêu nên đến lúc giải nghệ thì trắng tay. Vì nghèo khó nên điều kiện sinh hoạt và cả chăm sóc y tế của họ đều ở mức kém hơn mặt bằng chung. Những nghĩ suy, tiếc nuối về năm tháng vàng son khiến họ càng khó tìm thấy lạc quan trong cuộc sống.

TTNN

http://thethaongaynay.vn/xa-hoi/cau-thu-doan-tho-hon-nguoi-binh-thuong-234.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét