Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Lời sám hối từ biển sâu, con người ơi !!!

Lời sám hối từ biển sâu
01/06/2016 - Con người luôn có cảm giác mắc nợ trời đất. Cái dạ dày là kẻ thù của tâm hồn. Biển hay bầu trời thì cũng là “thức ăn nhanh” của con người hiện đại, và hành vi của họ. Ông bảo đây là làng Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh của tỉnh Khánh Hòa. Ông cầm con tôm hùm đã chết bảo thế này còn tám chục ngàn đồng một ký, thay vì một triệu tám mỗi ký nếu nó còn sống. Như mọi người vợ khác, vợ ông cũng không cho ông nhậu với con tôm hùm chết này. Một triệu tám là nhiều, nhưng tám chục cũng không là ít. Ông bảo nếu nó đã trở mùi, không ai mua, thì ngư dân như ông mới được vợ cho ăn.

Nuôi trồng trên vùng biển Rạn Trào
“Dậy, ra biển!”, ông lay tôi. Bốn giờ sáng, tôi theo ông ra chỗ tập trung ghe xuồng của làng.
Lời của đáy biển

Ánh rạng đông vàng đỏ xa tít ở đường chân trời và mỗi lúc nhích lên, nhích lên, sáng nhiều thêm. Một cột nước phun lên khỏi mặt biển với độ cao phải đến chục mét. Ánh sáng đầu ngày va vào cột nước làm long lanh khối trắng. Nước cứ sôi và đổ rào rào giữa bể trời thinh vắng như thế. Ông bảo cột nước kia đã phun như thế từ xa xưa, thời ông cha đã có nó. Dưới đáy của cột nước là những dải san hô điệp trùng. Họ coi khối nước đó là cột nước thiêng. Ông không đưa tôi đến gần sát cột nước vì dù là vùng biển quê nhà bao đời nhưng người Xuân Tự không thọc mạch vào bên trong cột nước. Tùy theo dòng chảy trong lòng đại dương và thủy triều mà độ cao thấp của cột nước mỗi thời điểm khác nhau. Ông bảo ngư dân ở đây gọi nó là Rạn Trào. Đơn giản, toàn bộ đáy biển đều đầy san hô bên dưới, và nước biển trào lên trên vùng rạn thì cứ đặt tên quách là Rạn Trào.

Tôi nhìn tứ bề biển cả, rồi ngửa ra nằm ngang trời trên thuyền ông. Thả lỏng hết xác thân cho đã đời. Chiếc thuyền của ông đã tắt máy. Kệ, mặc nó lững lờ.

Cách xa ra khỏi khu vực có cột nước, chợt hiện ra những làng bè dày đặc. Ông nói những khu bè kia là nơi dân làng nuôi tôm hùm, cá mú, hải sâm, bào ngư, cá ngựa, và vài loại ốc có giá trị cao. Lồng nào loài đó. Các bác ngư dân cũng biết phân lô mặt nước. Nằm lọt trong vịnh Vân Phong, được các dải đảo bên ngoài che chắn, nên biển Rạn Trào yên tĩnh. Vì yên tĩnh nên mới thấy được cột nước từ đáy đại dương phun lên thường trực. Vì yên tĩnh nên cô bác mới nuôi trồng thủy sản tưng bừng như vậy mà không sợ sóng vùi. Ông chở tôi tấp vào các “thành phố bè” đó cho biết. Lúc này thuyền ghe ngư dân từ bờ ra đã nhiều hơn. Biển cả rộn rã. Họ mang thức ăn ra cho vật nuôi dưới mặt biển.

Chừng mười năm trước chưa có hoạt động nuôi trên biển thế này. Người Xuân Tự khi ấy chỉ có thuyền ghe bé, công suất máy nhỏ, ngư cụ đơn sơ, nên chỉ đánh trong lộng, gần bờ, với nghề lặn, soi bộ, lưới bộ, lưới ghẹ. Gần bờ thì chỉ những sản vật bé nhỏ, linh tinh, được chăng hay chớ. Đắp đỗi qua ngày. Giờ ngoài kia cá ít đi mỗi ngày, thu nhập sút kém rõ, trong khi con cháu thì đông ra. Hết đường nên mở đường. Nghề biển bỗng nhiên “tiến hóa”. Ông và người làng này may mắn sống bên vịnh, vịnh thì dồi dào hải sản, sinh sôi được nhiều, chỉ bốn mươi lăm phút là tới “ngư trường”, chứ nhiều làng chài Chăm, Việt tôi thấy đều xa bờ tìm kiếm hải vật.

Họ mang ơn biển.

Sầu


Tôi hỏi ông sao các bác cho vật nuôi ăn mà như đổ rác xuống biển xối xả thế. Ông bảo rằng, những mảng hàu, một loài động vật hai mảnh, đập nát như thế này, ai cũng đổ xuống cho vật nuôi ăn, là để tiết kiệm tiền mua thức ăn. Ông tin là mỗi năm vài trăm ngàn tấn đã tống xuống như thế. Để thu được một tấn vật nuôi, họ đổ xuống ba chục tấn hàu sống.

Việc khai thác hàu làm thức ăn cho vật nuôi cũng giống như nhiều chục năm qua cả làng Xuân Tự lặn xuống đáy biển, khai thác san hô bán cho các lò nung vôi trong đất liền. Dọc theo các đô thị miền Trung, chỗ nào có bán san hô kiểng chỗ đó có san hô của Rạn Trào. Chỗ nào có lò nung vôi, chỗ đó có vỉa san hô Rạn Trào. Xe tải tận Phú Yên, Bình Định, Vạn Giã, Nha Trang, Phan Rang, Hàm Thuận, rồi cả xứ núi Gia Lai, Đắk Lắk... tập trung về đây để chở san hô đi.
Ngư dân đục cho bằng hết đáy biển để bóc các rặng san hô lên bán kiếm tiến. Quê ông trở thành công trường san hô.

Là kẻ sống trong lòng biển, ông và bất cứ ai ở làng chài này đều biết rõ những rặng san hô là nơi cá tụ về sinh sản, là “rừng” của đại dương. Nhưng kiếm tiền cái đã, biển là của trời, không của riêng ai. Ông tâm sự với tôi là dưới đáy biển giờ đến những dải cỏ biển mọc thành rừng cũng không còn. Bởi đáy biển nát thì cỏ biển hết đất sống. Những nhà khoa học biển ở Việt Nam bao thập kỷ qua chọn Rạn Trào là không gian để nghiên cứu, khảo nghiệm sinh vật biển, nhìn bà con hủy diệt đáy biển mà bất lực, vì họ đâu thể nuôi ngư dân. Đạo lý khoa học, sinh thái, môi trường vô nghĩa trước cơm áo của chúng sinh bần hàn. Phá đến nguồn lợi thủy sản không còn nữa, thì bây giờ chuyển sang nuôi nó, nhưng chỉ nuôi vài loài dễ kiếm tiền. Cho đến lúc này, có những mùa vụ vật nuôi từ các làng bè kia chết hàng loạt, sụp đổ liên miên, vì vùng biển đã ô nhiễm nặng nề khi mạnh ai nấy mở bè và kiểu nuôi tống rác xuống biển ấy.


Tôm hùm nuôi được đưa từ biển vào đất liền ở làng Xuân Tự

Ông kể có những mùa đi ra Rạn Trào, nhìn những làng bè như thành phố hoang. Thấy nó hoang, là biết bà con Xuân Tự đang treo bè, và chắc chắn một mùa cá mú, hải sâm, tôm hùm nào đó vừa gãy đổ vì dịch bệnh.

Họ và biển “ăn” qua lại nhau, bạc tình qua lại với nhau.

Sám hối


Vào một mùa thất bát như thế năm đầu thiên niên kỷ thứ ba, một nhóm người châu Âu xuất hiện ở biển Rạn Trào. Họ lặn xuống đáy biển, và quay về Nha Trang để suy nghĩ. Ít hôm sau, họ quay ra xin gặp cộng đồng để nói một lời cho dân chài phương xa biết muốn có cuộc sinh tồn ổn chắc, cách duy nhất là phải phục hồi đáy biển, và tự người dân phải làm lấy điều đó. Từ đáy biển, sẽ có sinh thái biển. Họ là những nhà khoa học thuộc Liên minh Sinh vật biển quốc tế (IMA). Họ trợ giúp tiền và phương pháp phục hồi. Cuộc sống đã hết đường, dân Xuân Tự bèn “OK”.

Nhóm người IMA kia năn nỉ cô bác không nuôi trồng thủy sản bất chấp nữa ở vùng ngoại biên 27 hécta tính từ tâm cột nước kia. Còn bên trong của vùng ngoại biên được xác định là vùng lõi, thì quyết liệt chấm dứt khai thác san hô cũng như đánh bắt cá, kể cả thả neo tàu thuyền, hoạt động du lịch. Tất cả để cho vùng biển an tĩnh. Từ an tĩnh nó sẽ tái tạo. Theo đó, khi nào biển tái tạo được sinh thái, nguồn lợi sinh sôi, ngư dân sẽ được khai thác theo mùa có kế hoạch và mức lượng khoa học hợp lý.


Một ngư dân của làng Xuân Tự khoe con tôm hùm nuôi từ những lồng bè giữa biển

Thế là Khu bảo tồn biển Rạn Trào ra đời và cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên do chính cộng đồng cư dân quản lý.

Ban quản lý khu bảo tồn do cộng đồng làng Xuân Tự bầu ra. Họ làm việc không lương, và cùng cộng đồng chờ ngày san hô lên, rừng cỏ biển trở lại, và cá tôm về. Ông bảo tạm thời bà con cố gắng ly tán, tìm phương mà quẫy đạp, xoay sở cơm áo ở không gian khác. Như cho con cái đi vào các thị thành tìm việc làm, phụ hồ, thợ sơn, chạy bàn, vừa hát vừa bán kẹo kéo, chewing gum... kiếm tiền gửi về cho gia đình sống. Hay đi đây đó tìm đất mà làm ruộng làm rẫy tạm đã. Chờ mai mốt biển thiêng hồi sinh thì quay về với nghề biển. Ai đó còn bảo với họ, mai mốt sinh thái quay về, cộng đồng họ còn có thể phát triển du lịch, dân chài sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch, bác tài chạy xuồng chở khách, còn nhà ở từng người sẽ thành “homestay”...

Vì lòng yêu thương kiếp người, ai trong ta không cần phải tin mọi thứ trong đời đều có thể trở thành sự thật. Mà nếu nó “thật” được, thì đúng là huyền thoại, Rạn Trào ơi.

Khi mang ơn với cái gì, cho dù thực thể đó không cần ta trả ơn, thì nhớ cũng làm được điều bình thường không hề tốn kém là đừng bao giờ phản bội.

***

Nhưng mọi thứ chỉ vài năm. Hẳn vì bao đời dựa vào biển sống, nay tìm “môi trường sống” khác, việc khác, họ không đủ sức thích nghi, chịu lâu. Thế là quay về, lại ra biển. Rón rén. Lặn chui, đào chui, bắt chui. Và những làng bè như thế đã túc tắc hình thành trở lại, dù bên ngoài vùng đệm. Có nhẹ tay hơn với biển mẹ. Độ nặng nhẹ trong cư xử tùy độ giàu nghèo, và tâm hồn của từng nhà, người. Nhưng những rặng san hô dưới đáy biển kia thì chỉ mới chớm tái tạo, chưa hoàn hồn.


Khai thác san hô từ đáy biển để đục chế vật dụng xa xỉ dạo nào

Tôi không thể khen hay trách họ, vì ai cũng chỉ có một lần đời, và phải sống cho lần đời đó.

Họ có nỗi khổ của mình giữa cái yêu thương và sự sinh tồn.

***

Suốt mười tám giờ đồng hồ bên nhau, ông không nói nhiều về gia đình mình. Chợt lúc ghé khu bè của ông, ông bảo hải sâm ông nuôi là do thằng rể đưa từ Viện Hải dương học ra khảo cứu thử. Hay nhé, có người con gái dân chài đã lấy một chàng nghiên cứu đáy biển. Tôi tập sống kiểu của người Xuân Tự, là không tọc mạch gia đình người khác, nhưng lòng tôi muốn biết tên ông quá, dù ông không hỏi tên tôi. Biết ý tôi, ông vỗ vai ngay rằng: “Khi nào nhớ Rạn Trào, làng Xuân Tự này thì quay về đây. Cần gì phải tên tuổi” - ông phóng cây sào từ trên xuồng ghim xuống bờ biển - chắc để cột xuồng lại - cùng lúc phóng ra lời.


Một cây san hô được trồng thành công ở vùng biển tưởng đã chết

Ông lại dạy cho tôi bài học về kiếp hải hồ.

Cộng đồng ông ăn năn, hay đã tìm ra chân lý? Nhiều trăm năm qua không ai chỉ đường sống cho họ? Khi chỉ ra, trong muộn màng, thì nếu không còn đường lùi thì cũng không đủ sức thực hành. Mớ hỗn độn giữa sự mang ơn và sự phản bội, lòng khát khao hướng thiện và cuộc đấu tranh sinh tồn.

Mà con người ơi, con cá dưới biển nào ai chỉ đường bơi. Đã làm người là phải tự biết đường đi tới tương lai chứ!


Ông ở lại với Rạn Trào.

Bài và ảnh Nguyễn Hàng Tình
http://www.nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/phong-su/3836/loi-sam-hoi-tu-bien-sau.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét