Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Đây đời ngư phủ dấu yêu: Trao thân gửi phận

Đây đời ngư phủ dấu yêu: Trao thân gửi phận
03/06/2016 - Bạn hiểu mặt đất, vì bạn có thể nhảy múa đủ kiểu trên đó, nhưng bạn không hiểu đại dương - phần thực thể vật chất chiếm 3/4 quả đất này. Tôi nghĩ thế, đã nhiều năm, và tự nhủ phải đi gặp đồng loại sống trên biển kia để biết họ tồn tại bằng cách nào…

Kéo cá chuồn để làm mồi câu cá Bò gù
Trên đời, mỗi người một sức mạnh, dũng khí, tấm phận, cơ hội, để chọn “môi trường” sống. Khi nhìn khắp thế gian thì nhận ra thiên hạ chọn biển là số ít; không phố phường thì cũng nông thôn, cố lắm thì “gần biển” chứ không đặt thân lên biển. Biển không dành cho “đám đông” … 

Kiếp “đi bạn”

Phú Yên là nơi khai sinh ra nghề đánh cá ngừ đại dương ở đất nước này, mà làng ngư dân sát biển phường 6, thành phố Tuy Hòa đây là “Thủ phủ” của nghề cá ngừ đại dương. “Cá ngừ đại dương” - ngư dân gọi là Cá Bò gù - đơn giản chỉ là thứ cá ngừ to lớn bắt được ngoài lãnh hải mênh mông của đại dương kia, tít khơi xa, chứ không phải cận bờ, thế thôi. Thế thì trong sinh cuộc trên biển dã kia, săn Bò gù đích thị là đỉnh điểm của lý thuyết “vật lộn mà sinh tồn”. Biển Đông mênh mông này là của tổ tiên, ông cha ta, với tư cách cư dân biển, nguồn gốc hải đảo, hàng ngàn năm, dù từ thời văn hóa Sa Huỳnh tiền sử, Chămpa, Đại Việt cho đến tận ngày nay.

Như ngư dân của mọi quốc gia ven biển, nghề biển cũng tiến triển dần dần, đi từ “gần bờ”, ngoài lộng, đến ra “xa bờ”, nghìn trùng khơi. Khái niệm “đánh bắt xa bờ” với ý nghĩa chuyên nghiệp và “công nghiệp” bắt đầu được nói đến nhiều từ khi xuất hiện nghề câu Bò gù này kể từ đầu những năm 2000 đến giờ. Hay nói khác, chính nhu cầu đánh bắt cá Bò gù khiến ngư dân đi xa. Chúng ta học nó từ Nhật và các nước tiên tiến phương Tây, vì họ có nhu cầu dùng cá này để làm các món ăn tươi với mù tạt như sashimi, sushi. Với ngư dân, ai không đủ sức “chơi” xa bờ, thì cứ như truyền thống mà đánh, gần bờ: “Đêm đánh (cá), ngày vô”. Hoặc, “Ngày đánh, đêm về”, với các loại hải sản đơn giản. Làng cá này của Phú Yên không hổ danh “Thủ phủ của nghề đánh cá ngừ đại dương Việt Nam” khi có 336 chiếc tàu cá thì đã 236 chiếc đi đánh “xa bờ”.

Ngư dân Phi Danh Hùng ở làng đánh cá này lật ngay tờ giấy, lấy bút vẽ vòng một cái từ kinh tuyến 7 đến kinh tuyến 117 độ và bảo dân “đi bạn” anh hoạt động trong một không gian rộng lớn như thế đó. Nghĩa là trong suốt ba tuần trên một chuyến đi khơi, họ đi xa 80-150-200-300 hải lý, từ gần vịnh Thái Lan lên đến phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, ra cả hải phận quốc tế… Thực chất “đánh” (cá) thì chỉ trong mười ngày đổ lại, còn lại mất năm ngày cho chạy đi, năm ngày chạy về. Có người khi người thân trong bờ qua đời, từ nghìn trùng, nhận được tin báo qua Icom, nhưng không thể về với bờ, nên thường nhờ cô bác lo chôn cất giúp. Lại nữa, chuyến biển đầu tư cả 150 triệu đồng, vì một người mà chín người khác phải “tháo quân” sao đành!?

Mỗi chuyến đi chủ tàu đổ ra độ 150 triệu đồng lo mọi thứ thiết yếu sinh hoạt trên tàu. Khi về, kiếm được 50-150 con cá ngừ đại dương, bán được bao nhiêu không biết, nhưng trước hết cứ cưa ra 1/3 cho chi phí đầu tư cho chuyến tàu, 1/3 cho chủ tàu, còn lại 1/3 chia đều cho 10 người “đi bạn” trên tàu. Mỗi một người “đi bạn” là cơ hội, nguồn sữa chính để nuôi cả gia đình ở bờ, với 9-15 triệu đồng là số tiền họ chia được sau một chuyến bể khơi. Nghiệp biển, kẻ nào cũng muốn đóng được một tàu cá riêng, nhưng chỉ có chừng 5% ngư dân đủ điều kiện tài lực, bởi 800 triệu - 2 tỉ đồng cho một chiếc tàu là số tiền quá lớn với họ. Tàu gỗ ấy đã là mơ tưởng cả đời với phần đông ngư dân, huống chi tàu vỏ thép, 8-12 tỉ đồng cho một chiếc. Thế là cả đời “đi bạn”.

Chữ nghĩa “đi bạn” đã nói lên một tình yêu thương, sẻ chia, cảm thông của những người chung kiếp sống trên biển dã, sinh tử bất kỳ và chỉ có ở họ. Nhưng duy nhất chỉ có ở những người đi biển làm thuê mới là “đi bạn”. Bởi dù trên tàu chưa chắc có chủ đi cùng, nhưng trước sóng gió, chết sống bất kỳ đó, họ là một “khối”, kết lại, cộng sinh, chống đỡ, san sẻ đắng ngọt, buồn vui. Người “đi bạn” duy nhất làm nhiệm vụ ở trong bờ là anh chàng Phan Tấn Thịnh, và đây cũng là người có trình độ học vấn cao nhất. Thịnh học Đại học Ngân hàng ra, nhưng lại không bứt ra khỏi biển được, nên về làng làm nghề “dự báo thời tiết” cho người ra khơi. Dự báo thời tiết của Thịnh lấy thông tin hải dương từ hệ thống của các cơ quan mạnh nhất về khoa học thời tiết gồm Hải quân Mỹ, Nhật, Đài Loan, tham khảo thêm Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam qua Đài Truyền hình Việt Nam, và từ đó tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự liệu, rồi cung cấp từng giờ cho “bạn” ngoài biển kia. Nên bản dự báo thời tiết từ anh là bản được người “đi bạn” ngoài trùng khơi “chốt lại”, sử dụng làm “quyết định” cuối cùng rằng nên ở biển hay vào bờ, ra khơi hay phải tiếp tục ở đất liền.


Đánh bắt cá ngừ ngoài trùng khơi, vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa

Sinh mệnh cách nhau một… tấm ván

Bước lên các tàu cá, la cà vào các nhà ngư dân, tôi nhận ra là chẳng bao giờ có nữ trong nghề câu cá Bò gù. Con trai thì 13 tuổi đã đi biển rồi. Năm này tháng nọ, những người đàn ông “đi bạn” cứ thế cùng nhau lênh đênh trên biển, lớn lên trên biển. Gặp bão dữ thì cuống cuồng lao chạy trốn tránh, vào bờ, vào đảo. Trốn tránh không xong thì “chết” luôn trên biển, tan trong biển. Nghề đi biển, khoảng cách sống chết cách nhau một tấm ván, mà độ dày của tấm ván ai chẳng thấy nó chỉ hơn hai centimét. Mọi thứ diễn ra trong lặng thầm là chính, vì biển dã mênh mông, kiếp ngư phủ lặng lẽ. Vào bờ khi đầy cá, cần phải bán. Tiện thể, dịp thế này nghỉ được 4-5 ngày, rồi thì “đi” lại. Cứ thế, họ lặp lại vòng quay liên tục với biển của mình. Có nghĩa rằng, cuộc đời của họ chủ yếu sống trên biển, hạnh phúc và đau khổ trên biển.

Ta đi “du lịch” vài giờ trên sóng biển đã mặt xanh thân héo, còn người ta vật lộn trọn đời. Và cứ thế đi đến lúc không còn đủ sức chịu sóng gió, biển dã, mà theo ông Phan Thuẫn - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá ở đây thì tuổi không thể chịu được nữa thường là 55. Nhưng trên tàu, người từ sau tuổi 40 đã lui vào làm hậu cần, như lo nấu bếp, mổ ruột cá, chăm nom kho lạnh, ướp cá, coi ngó máy móc, chứ không thể nhảy xuống biển giăng câu, lần theo con cá nổi nữa. Vậy mới hay thấy thuyền trưởng thường ngoài 20, trong khi lính tráng của mình thì ở tuổi cha tuổi ông. Thế đó, nhưng không ai trong họ có “lương hưu” hay được “bảo hiểm xã hội” lúc về già cả. Điều lạ là cũng chẳng bao giờ tôi nghe họ than về sự “bạc” của bờ cả, mà đón nhận tự nhiên như cha ông xưa, coi “hết làm thì hết ăn” như một sự tất yếu, sòng phẳng với thế gian.

Lão ngư Hồ Ấu ở tuổi 72, nay mỗi mùa cá nhìn ra biển mà cứ thèm “đi bạn”, nhưng: “Mắt giờ nhìn cái la bàn còn không đọc rõ nhanh chữ số được, hỏi làm sao thức được đêm hôm, lênh đênh giăng câu…!”.

(Còn nữa)

Bút ký: Nguyễn Hàng Tình
(Theo Báo Lâm Đồng)

» Lời sám hối từ biển sâu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét