Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Bà Ba Sương - người phụ nữ “không thể chết được”

Chuyện bà Ba Sương - người phụ nữ “không thể chết được”
Hữu Danh Thứ Sáu, ngày 08/04/2016 (Dân Việt) “Có những hợp đồng người ta “trả ơn” vài tỷ đồng, nhưng tôi không lấy. Vì lấy thì tôi hưởng riêng nhưng nông trường sẽ nợ họ, nông dân nợ họ thứ khác. Bởi vậy khi tôi bị ra tòa, tôi biết mình không thể chết được”. Có lẽ cha con bà Ba Sương là trường hợp duy nhất ở Việt Nam - khi cả hai đều là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng đến cuối đời chỉ dám mơ nơi đặt bàn thờ cho tử tế.
Anh hùng chân đất Trần Ngọc Hoằng - người nông dân lội sình nhiều đến mức bàn chân xòe ra, không thể mang giày dép. Đón Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm NTSH vào năm 1996, ông Năm Hoằng mặc áo bỏ vào quần, nhưng vẫn đi chân đất (ảnh của bà Ba Sương).

Trong lễ động thổ dự án nhà máy đóng hộp rau củ trị giá hơn 700 tỷ đồng ở Vĩnh Long, các đối tác nước ngoài cũng như chủ đầu tư dự án dành sự ưu ái đặc biệt đối với bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương - Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH); người hỗ trợ, tư vấn cho dự án). Cũng tại buổi lễ này, lãnh đạo địa phương và các sở ngành đều đến chào hỏi bà Ba Sương với thái độ đầy kính trọng.


Bà Ba Sương.

Anh hùng… không nhà

Ít ai biết là, cho đến giờ, bà Ba Sương - Anh hùng Lao động, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên nhận danh hiệu Người phụ nữ tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là người đang “ở đậu” ở TP.HCM vì không có nhà cửa. Bàn thờ của cha bà - Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng, vẫn còn nằm ở đất NTSH, những công nhân hằng ngày hương khói thay bà.

Trước khi vụ án NTSH bị đình chỉ vào năm 2012 thì căn nhà công vụ mà bà đang ở đã bị đòi lại. “Sức tàn lực kiệt, trong túi không tiền, tôi phải ở nhà thuê. Có lúc, đang ở thì chủ nhà sửa nhà, có khi bán nhà, hoặc làm kinh doanh nên tôi phải dọn đi. Già rồi, 5 năm mà 7 lần dọn nhà, lần nào dọn cũng mệt bơ phờ. Lần này, tôi đang ở đậu nhà một người quen. Người ta thương mình, nên không tốn tiền” - bà Ba Sương kể.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi mới 16 tuổi, bà Ba Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Cao đẳng Nữ công gia chánh Bạc Liêu (1965), giỏi giang từ chọn mẫu thời trang đến nấu nướng, cắm hoa... Mới 16 tuổi, trường cao đẳng này đã nhận bà vào học. Ra trường, bà đi làm giáo viên. Sau giải phóng, thấy nông dân còn lạc hậu, bà Ba Sương bỏ việc nhẹ nhàng phù hợp với thiên chức phụ nữ, đi học khóa đầu tiên Đại học Nông nghiệp Cần Thơ.

“Cả nhà tôi đều là nông dân. Cha tôi đã truyền cho tôi tình yêu với mảnh ruộng, bờ ao. Vì thế sau một thời gian về công tác ở NTSH, tôi đi nghiên cứu về quản lý kinh tế ở Liên Xô, quyết tâm trở về xây dựng nông trường thành nông trường kiểu mẫu” - bà Ba Sương nhớ lại.

“Tiền sạch nên tôi nhận”

Nhờ có nghề nấu nướng, mỗi lần NTSH mở tiệc đãi công nhân, nữ giám đốc thành nữ đầu bếp, đích thân nấu nướng phục vụ cấp dưới của mình. Cũng nhờ cái tài lẻ này mà mấy năm nay, bà đi nấu ăn cho các đám tiệc. Bà bảo bà không ngại danh phận anh hùng phải vào bếp. Nghề nào cũng quý nên Ba Sương không ngại gì cả. Bà nói, vì bà có một đứa con nuôi đang học năm cuối nên phải cố để lo cho con.

“Hồi tôi đương chức, mỗi năm nông trường xuất khẩu vài trăm ngàn tấn gạo, rồi nhiều nông sản khác. Có những hợp đồng người ta “trả ơn” vài tỷ đồng, nhưng tôi không lấy. Vì lấy thì tôi hưởng riêng nhưng nông trường sẽ nợ họ, nông dân nợ họ thứ khác. Bởi vậy, khi tôi bị ra tòa, tôi biết mình không thể chết được. Giờ thì vẫn có người cho tiền tôi, mỗi lần vài triệu. Đó là tiền sạch nên tôi nhận. Tôi còn phải lo cho con gái nuôi của mình” - bà Ba Sương nói.

“Tới giờ tôi vẫn đau đáu chuyện nông dân phải giàu, nông sản phải sạch. Mà nói nhà báo đừng cười, tiền làm thương hiệu khoảng 200 triệu đồng, tôi cũng phải chắt bóp lương hưu, rồi đi nấu ăn để dành mà vẫn chưa đủ. Mình cứ cố hết sức thôi”. Bà Ba Sương

Ở tuổi 67, bà Ba Sương đang nỗ lực gây dựng thương hiệu Ba Sương - Long Mỹ. Bà nói, đã đi qua hàng chục nước nông nghiệp phát triển để học hỏi và rút ra kết luận: Nông dân Việt không thể sản xuất lớn vì đất đai manh mún. Bà muốn cùng nông dân thực hiện những mô hình nhỏ - vừa, phù hợp vơi thực tế Việt Nam.

“Nông trường Sông Hậu từng là mô hình kiểu mẫu, không chỉ trong nước mà nhiều đoàn khách quốc tế cũng đến trao đổi kinh nghiệm. Nhưng mô hình quốc doanh thì không còn phù hợp nữa. Tôi và các cộng sự của mình đang cố hết sức để làm thương hiệu nông sản sạch với những người nông dân. Già rồi nhưng tôi vẫn đau đáu chuyện nông dân phải giàu, nông sản phải sạch. Mà nói nhà báo đừng cười, tiền làm thương hiệu khoảng 200 triệu đồng, tôi cũng phải chắt bóp lương hưu, rồi đi nấu ăn để dành mà vẫn chưa đủ. Mình cứ cố hết sức thôi”, bà Ba Sương nói.

Bà Ba Sương tâm sự, bà nặng nợ với nông dân và sẽ cố gắng làm. “Nông nghiệp sạch tôi làm chưa xong thì các anh em cùng chí hướng sẽ làm tiếp. Tôi còn món nợ riêng khác, buộc phải trả chứ không ai có thể làm thay. Đó là cha con tôi không có nhà cửa gì, vì cứ nghĩ sống ở nông trường thì chết cũng ở nông trường. Cha chết rồi, bàn thờ vẫn ở nông trường, nhưng nơi đó không thuộc về mình. Trước khi nhắm mắt, tôi phải mua cho được một cái nhà nhỏ, đặt bàn thờ của cha tôi vào và đốt nhang cho cha” - bà Ba Sương nói.

Có lẽ cha con bà Ba Sương là trường hợp duy nhất ở Việt Nam - khi cả hai đều là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng đến cuối đời chỉ dám mơ nơi đặt bàn thờ cho tử tế.


http://danviet.vn/kinh-te/chuyen-ba-ba-suong-nguoi-phu-nu-khong-the-chet-duoc-672524.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét