Khoa học... hậu hiện đại
07/04/2016 - Tác phẩm Hoàn cảnh hậu hiện đại của François Lyotard năm 1979 được xem là văn bản nền tảng và chính thức thiết lập tư tưởng hậu hiện đại. Nhưng, nội dung của nó rõ ràng cho thấy đây là công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học.
Jean-François Lyotard (1924 –1998),
lý thuyết gia, triết gia, nhà xã hội học Pháp
Khoa học đứng ở đâu?
Trong hoàn cảnh “tiền hiện đại”, tri thức và sự truyền đạt tri thức chủ yếu có tính tự sự, nghĩa là kể một câu chuyện bằng miệng và cứ thế lan truyền. Ngược lại, từ cuộc cách mạng công nghiệp sơ kỳ, tri thức hiện đại đòi hỏi phải khách quan hóa tri thức bằng các ngành khoa học. Thay chỗ cho Thượng đế như là thẩm quyền biện minh và chỗ quy chiếu tối hậu cho mọi chuyện kể thì bây giờ là chủ thể. Để đi đến những phát ngôn khoa học vượt ra khỏi những trường hợp cá biệt của chuyện kể, việc nghiên cứu khoa học phải “cấu tạo” đối tượng của mình như thế nào để cho phép có được những phát ngôn phổ quát. Muốn thế, phải làm cho những hiện tượng có thể so sánh với nhau được. Hành vi mang lại trật tự, lấy chủ thể làm trung tâm như thế phải đi từ hai phía. Về phía chủ thể, thì phải vượt qua tính đa tạp của con người để chỉ tập trung vào một đặc tính đảm bảo mang lại chân lý cho mọi người, đó là tư duy. Về phía đối tượng, phải lược quy chúng thành những thuộc tính giống nhau, có thể so sánh với nhau được. Vậy, việc loại trừ tính dị đồng hay sự khác biệt là điều kiện cơ bản trong tiến trình “cấu tạo” khoa học thời hiện đại và hình thành lý tính khoa học phổ quát hóa.
_______
Trong nền kinh tế thương mãi hóa triệt để, “chân lý khoa học” phụ thuộc hơn bao giờ hết vào đồng tiền. Không tài trợ, hết nghiên cứu! Trò chơi khoa học trở thành trò chơi của kẻ nắm hầu bao.
________
Với khái niệm “hậu hiện đại”, Lyotard muốn phá vỡ dòng phát triển ấy, không phải để chống lại nó, mà để suy nghĩ lại trước những thay đổi vũ bão trong thời đại ngày nay. Theo ông, ngược lại với “thiện chí” ban đầu, chính hai hình thức của việc lấy chủ thể làm trung tâm (phổ quát hóa chủ thể lẫn đối tượng) dẫn đến việc loại trừ tính đa dạng và khác biệt, là mầm mống của sự phát triển lệch lạc, gây ra “hoàn cảnh hậu hiện đại” nan giải ngày nay. Hậu hiện đại trong tư duy khoa học phản đối thứ lý tính độc quyền dựa trên việc loại trừ sự khác biệt và xem thứ lý tính ấy chỉ là một hình thái nhất định mang tính lịch sử mà thôi.
Hợp thức hóa kiểu “hiện đại”
Tri thức - khoa học - quyền lực
Sau sự “cáo chung” của các đại tự sự, phải chăng tri thức và khoa học chỉ còn chức năng duy nhất là phục vụ đắc lực cho việc tăng cường quyền lực mà thôi? Đáng tiếc rằng có nhiều dấu hiệu đáng buồn như thế! Nếu các “đại tự sự” kiểu hiện đại còn gắn bó với việc đi tìm chân lý và với một dự phóng “nhân đạo” nào đó, thì nay thực tế thật phũ phàng: “người ta không còn bỏ tiền ra mua các nhà bác học, những kỹ thuật viên và máy móc thiết bị tốn kém để đi tìm chân lý đâu, mà để mở rộng quyền lực”! Thật thế, trong nền kinh tế thương mãi hóa triệt để, “chân lý khoa học” phụ thuộc hơn bao giờ hết vào đồng tiền. Không tài trợ, hết nghiên cứu! Trò chơi khoa học trở thành trò chơi của kẻ nắm hầu bao. Kẻ giàu nhất có cơ may lớn nhất để… có lý! Chân lý mà gây bất lợi sẽ bị ém nhẹm, gạt bỏ không thương tiếc. Giàu có, hiệu quả và chân lý đang được đánh đồng thành một!
Hợp thức hóa kiểu hậu hiện đại
Nhưng, hình thức hợp thức hóa bằng quyền lực, lợi ích và hiệu quả thực tế ấy cũng rơi vào khủng hoảng! Vì, trong thực tế, tri thức có quy luật riêng của nó, nhất là trong “hoàn cảnh hậu hiện đại”, nó càng đi theo con đường khác. “Tính hiệu quả” phục vụ cho quyền lực không phải là mục đích tự thân của khoa học; đó chỉ là hệ quả chứ không thể là nguyên nhân! Đặc điểm của tri thức ngày nay là không ổn định, là bất liên tục, nghịch lý, tai biến, không lường trước được. “Đầu vào” không nhất thiết điều chỉnh được “đầu ra”! Vì thế, theo Lyotard, mô hình hợp thức hóa phù hợp cho nó ngày nay không phải là mô hình của sự tuân phục và “thực hiện tối ưu” mà phải là mô hình tôn trọng triệt để sự dị biệt và sự sáng tạo. Bởi lẽ đơn giản: chỉ có sự sáng tạo mới mang lại tri thức mới. Nhưng, dị biệt và sáng tạo lại đòi hỏi điều kiện tiên quyết là dân chủ và công bằng hơn là sự đồng thuận và đặc quyền!
Bùi Văn Nam Sơn
http://nguoidothi.vn/vn/news/giao-duc-du-hoc/tro-chuyen-triet-hoc/10268/khoa-hoc-hau-hien-dai.ndt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét