Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Ngập đường, kẹt xe chỉ là chuyện của chính quyền?

Suy cho cùng mọi nguyên nhân đều do chính quyền. Không bao giờ được đổ lỗi cho dân. Nếu chính quyền không làm được thì tự giải tán đi để chính quyền khác thực sự của dân, vì dân, được dân bầu ra một cách dân chủ... đứng ra hoạt động. Hàng chục, hàng trăm tỷ đô la đã được đổ vào làm hạ tầng mà có ra sao đâu.
Ngập đường, kẹt xe chỉ là chuyện của chính quyền?
TTO - Câu chuyện mưa lớn gây ngập nặng, kẹt xe nhiều tuyến đường ở TP.HCM chiều tối 15-9 đã nhận không ít lời ta thán. Hầu hết đều quy trách nhiệm thuộc về chính quyền. Nhưng có phải chỉ chính quyền có trách nhiệm trong việc Sài Gòn ngập, kẹt xe thôi hay sao? Còn bản thân người dân sinh sống ở TP.HCM thì sao? Là người dân nên chúng ta được quyền “miễn trừ”?
Ảnh Blog toithichdoc thêm vào
Ông bà ta có câu nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” với đại ý trước khi phê phán người khác, chúng ta nên chịu khó tự kiểm mình trước đã. Là người dân TP.HCM, chúng ta đã thật sự làm hết trách nhiệm của mình với “ngôi nhà” mình đang sinh sống hay chưa?


Một người dân lội nước trên đường Đất Mới, Q.Bình Tân - Ảnh tư liệu

Đường ngập do chúng ta xả rác bừa bãi

Trong nhà mình chúng ta thường vứt rác, khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi hay chúng ta luôn bỏ rác, vệ sinh, khạc nhổ “đúng nơi quy định”?

Ai cũng hiểu nếu mình bạ đâu xả rác đó, không chỉ ảnh hưởng đến sự sạch sẽ, vệ sinh của nhà mình mà còn ảnh hưởng sức khỏe. Chưa kể phải nói đến việc làm tắc nghẽn đường thoát nước với những mớ rác vứt bừa kiểu đó.

Nếu thấy có ai trong nhà lỡ vứt đồ đạc bừa bãi thì chúng ta có nhắc nhở, khuyên bảo hay không? Chúng ta đều biết để giữ ngôi nhà sạch đẹp thì không phải bản thân mình có thể chu toàn mà cần tất cả mọi người trong gia đình đồng lòng, chung tay.

Thế mà khi ra đường bản thân chúng ta lại vô tư vứt rác, khạc nhổ, tiểu tiện bừa bãi.

Và khi bắt gặp ai đó làm bậy như thế, chúng ta ít khi nào lên tiếng nhắc nhở với suy nghĩ “ôi dào, việc của thiên hạ, hơi đâu mà tốn… hơi” hoặc “nhắc họ chưa chắc họ nghe mà rủi bị… ăn chửi, ăn quýnh” nên thôi “lơ đi cho nó… lành”.

Vả lại dù sao rác rến ngoài đường cũng có công nhân quét đường giải quyết rồi, lo chi cho mệt.

Vậy là “ngôi nhà chung” của chúng ta dần trở nên bẩn hơn, xấu hơn. Vì chúng ta, người dân thành phố, thành viên của “ngôi nhà chung” này đều… thiếu trách nhiệm với nó.

Đến khi xảy ra ngập úng chúng ta lại đổ hết mọi thứ lên đầu chính quyền (dĩ nhiên không phải cái nào cũng làm tốt), chỉ là “người” được “chủ nhân ngôi nhà” thuê chăm sóc, quản lý “ngôi nhà” của mình, còn chúng ta, những chủ nhân thật sự: ăn ở, sinh hoạt, đi lại trong ngôi nhà này đều… vô can.

Kẹt xe, chúng ta có chấp hành luật lệ giao thông?

Tương tự, chuyện kẹt xe thì sao? Đúng là việc quy hoạch, phân luồng đường sá là trách nhiệm chính của chính quyền chứ có phải là việc của chúng ta đâu.

Đúng nhưng chưa đủ? Bản thân chúng ta, những người sử dụng đường phố, đã tuân thủ triệt để những gì luật lệ đã quy định chưa?

Ví như: dừng, đậu đúng vạch; đi đúng theo chỉ dẫn của bảng chỉ đường cũng như đường sơn phân làn hay chưa?

Có phải trời mưa to mới kẹt xe kiểu này đâu mà trời nắng đẹp vẫn kẹt kiểu này mà.

Ở những giao lộ có đèn hiệu giao thông vào mỗi giờ cao điểm sáng, trưa, chiều chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh xe cộ đậu lấn vạch dừng đèn đỏ, đè lên cả vạch “ngựa vằn” cho người đi bộ băng ngang qua, hoặc dừng tràn lấn cả làn đường...

Hoặc các loại xe chạy xen lẫn vào cả làn xe không được quy định (xe máy, xe đạp, xe hơi chạy lấn vào làn đường của nhau… bất chấp đã có bảng phân làn chỉ dẫn rõ ràng).

Vậy là chúng ta tự làm hẹp đường chạy của chính mình và cả của “người nhà” (vì chúng ta đều sống “chung một nhà” mà).


Đồ họa minh họa một trong các nguyên nhân gây ùn ứ, kẹt xe ở thành phố lớn - Đồ họa: V.Anh - T.Thiên

Như hình minh họa bên trên: chiếc xe hơi khi rẽ phải (theo hướng mũi tên) không thể đi tiếp vì bị "chặn" bởi dòng xe dừng đèn đỏ đang dừng tràn cả vạch đi bộ, lấn luôn vạch phân chia hai dòng xe ngược chiều nhau làm hẹp luồng lưu thông. Hình ảnh không hiếm gặp nơi giao lộ trong giờ cao điểm ở các thành phố lớn.

Thế là kẹt càng thêm kẹt hay như một bài báo là Kẹt xe tại TP.HCM sẽ ngày càng trầm trọng. Chỉ với tâm lý “mình không vì mình… trời tru đất diệt”, mạnh ai nấy chạy nên vào giờ cao điểm chỉ cần có một va quẹt nhỏ gây ùn ứ sẽ dễ dẫn đến tắc nghẽn lưu thông, và tiếp tục tái hiện hình ảnh mỗi người một phách, tìm mọi cách (quay ngang, tạt trái, leo lề…) làm sao thoát càng nhanh càng tốt.

Hành vi không đúng này cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày riết rồi trở thành thói quen ứng xử trong giao thông của mỗi chúng ta hồi nào không hay.

Hoặc giả vẫn còn nhiều người chạy xe trong đêm khuya vắng ít khi dừng đậu đúng tín hiệu đèn giao thông, nhưng ngược lại nếu đã dừng đậu cũng ít người đậu lấn vạch dừng hoặc đè vạch đi bộ so với thời điểm ban ngày.

Khi xảy ra những sự cố giao thông bất thường (ngập đường, kẹt xe dài hàng cây số), ngoài những yếu tố chủ quan khác, chính thói quen hành xử này đã khiến chúng ta trở thành nạn nhân của chính mình.

Nên nếu có ai đó “bỗng dưng” tuân thủ triệt để luật giao thông sẽ trở nên “lạc lõng”, sẽ nghe “khùng hả cha; khùng hả bà, sao không đi như mọi người đi?”. Ở giao lộ nào có xe cộ đi, dừng đậu đúng vạch, đúng làn thì hình ảnh đó trở nên lạ mắt trong khi đúng lý phải là như vậy.

Để “ngôi nhà” chúng ta trở nên văn minh, lịch sự thì ngoài trách nhiệm của chính quyền (mà phạm vi ý kiến này không bàn đến), tự bản thân mỗi người dân thành phố chúng ta, là “chủ nhân” của “ngôi nhà” này, hãy coi lại vai trò, trách nhiệm của chính mình?

Lúc đó “nhà của mình” sẽ trở nên đáng sống hơn mà không cần phải ngó sang nhà hàng xóm ao ước “giá như nhà mình cũng được như họ”?

  • Loan Đinh 15:20 17/09/2015
    Thứ nhất, việc ngập đường nguyên nhân chính vẫn là do hệ thống thoát nước kém. Không thể nói xả rác ra đường là có thể lụt gần như cả thành phố. Đồng ý là hành vi ấy không văn minh nhưng không phải nhà dân nào cũng đổ rác xuống hệ thống thoát nước để khiến nó tắc.Thứ hai, việc tuân thủ luật giao thông trong khi vạch phân cách mờ dần, đèn xanh cho người đi bộ cũng là đèn xanh cho xe lưu thông trên đường, ... rất khó khăn. Ý thức tham gia giao thông chưa tốt một phần cũng vì giáo dục và pháp luật. Mà tất cả những điều đó là trách nhiệm của chính quyền.Tuy nhiên mình cũng đồng ý với bạn việc xả rác bừa bãi, văn hóa giao thông yếu kém hay nói rộng hơn là văn hóa ứng xử cộng đồng là điều mà xã hội chúng ta đang thiếu trầm trọng.
    • NKT 17:10 17/09/2015
      Thôi đi bạn. Hãy cầm máy ảnh đi khắp 1 con phố coi có bao nhiêu cái cống tụ đầy rác. Tự mình không ý thức thì hại cả bản thân chứ đừng nói người khác.
    • Dân Việt 18:05 17/09/2015
      Tôi cũng muốn bỏ rác vào thùng nhưng tìm mỏi mắt không có thùng rác nào cả, chẳng lẽ tay cứ phải cầm cái rác mang nó về nhà...Rác thải gia đình cả khu dân cư không có nổi cái thùng rác, bỏ rác thì phải đúng giờ nhiều hôm không căn được giờ đành phải mang bỏ gọn vào lề đường chỗ mọi người hay tập chung bỏ, chẳng lẽ để trong nhà cho thối um lên...Quy hoạch thành phố không khoa học, văn phòng, cơ quan, khu thương mại, dân cư dồn cục đường xá chật hẹp có ô tô đi cũng khổ, đi xe máy tắc đường không đi lên vỉa hè cho nó giãn mật độ ra thì còn tắc nữa...
    • Bright Phan 16:02 17/09/2015
      Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Loan Đinh.
    • Nguyen Dinh 18:30 17/09/2015
      Đồng ý với nhận định của Loan Đình. Ý thức giáo dục cộng đồng và pháp luật không nhất quán, không nghiêm minh, không gương mẫu.
    • Jerry Phan 21:28 17/09/2015
      @Bright Phan: Quan trọng là ý thức bạn. Bên Nhật bạn kiếm một thùng rác công cộng rất khó. Rác của mình thì mình đem về nhà. Bạn không nên vì không có thùng rác mà vứt bừa bãi
    • Hoàng 19:18 17/09/2015
      @Dân Việt: Đúng vậy, nếu không có chỗ bỏ rác công cộng bạn phải mang rác về nhà hoặc hạn chế sinh rác ở nơi công cộng. Nếu đổ rác có giờ quy định thì trước giờ đó bạn phải giữ rác trong nhà mình, việc bạn giữ thế nào để không hôi nhà là việc của bạn. Không lẽ ai cũng mang rác ra đường để làm bẩn cả góc phố, vốn là nơi công cộng và ở đó mỗi người phải tôn trọng tập thể.
    • Trà 19:21 17/09/2015
      @NKT. Khi trời mưa to, người dân vẫn thường dọn rác ở miệng cống để nước chảy bạn à. Bạn cũng mang máy ảnh đi mà chụp cảnh này nhé.
    • L TRAN 01:25 18/09/2015
      Có lần đi dạo ngoài SG, gặp thùng rác màu xanh lá cây mà bỏ vào không được... vì quá nhỏ.
  • Hoang Tung 15:45 17/09/2015
    Vâng, tóm lại thì vẫn là lỗi của chính quyền. Để người dân xả rác bừa bãi, lưu thông ngoài đường mà không biết luật cũng không chấp hành luật là do chính quyền không làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục cũng như xử phạt những hành vi này. Ý thức được tạo ra từ giáo dục, tuyên truyền và kỷ luật.
  • Minh Ánh 14:56 17/09/2015
    Một bài viết hay, và có tính phản biện cao.
  • Yan 15:08 17/09/2015
    Tác giả nói đúng, Sài Gòn ngập, kẹt xe có lỗi của chính bản thân mỗi người chúng ta. 1 người xây mà 10 người phá thì cách nào mà khá lên nổi?
    • bandoc 00:03 18/09/2015
      Hoàn toàn đúng. Tôi làm công nhân thoát nước, trầm mình xuống vét rác dưới các kênh rạch Quận X, chỉ 1 tháng sau rác lại đầy, rác do ai quăng xuống ? Chẳng lẽ do các cư dân ở Quận Y cách đó 5-7 km mang tới quăng; chỉ có chính những người ở tại chỗ bỏ xuống thôi. Khi bị hôi thối, phát sinh bệnh tật, ngập nước... họ lại đổ lỗi cho chính quyền không quan tâm môi trường sống của họ; họ chối không biết rác rưởi do ai bỏ xuống. Chính mình tự hại mình. Có khi nào rác trong nhà, bạn bỏ vào bao hay thùng rồi đợi đến giờ phương tiện thu gom đến và mang ra bỏ vào không ? Hay là để nhà tôi sạch sẽ, không hôi thối; tôi đem cái hôi thối đó bỏ ra ngoài đường để mọi người chịu thay tôi. Rồi xe cộ qua lại, cán phải, rác bị cuốn đi khắp phố phường; gặp mưa chui hết vào cống, đó là nguyên nhân gây ngập, rồi lại trách chính quyền. Không tin bạn đi dọc các tuyến đường trong thành phố mà xem: người ta xem miệng các hầm ga thu nước là thùng rác, nên mọi thứ rác rưởi người ta đều nhét vào đó.
  • Vũ Trần 15:07 17/09/2015
    Theo mình kẹt xe nguyên nhân chính do 1 số người tham gia giao thông thiếu ý thức, với tâm lý vượt qua trước người khác bằng mọi cách, theo kiểu phản xạ có điều kiện. Chỗ nào có miệng cống thì chỗ đó có rác, mưa lớn không ngập mới lạ. Đó là 2 trong nhiều nguyên nhân.
  • Bạn đọc 15:20 17/09/2015
    1. Bạn có hiểu luật giao thông không, các tuyến đường nội ô rất ít tuyến có bàng phân làn ô tô, xe máy nhe, mục đích là để giảm kẹt xe vì nếu phân làn thì có thời điểm xe hơi nhiều, xe máy ít và ngược lại. 2 xe này đều được đi bình đẳng như nhau, nhưng thói quen là xe máy đi bên trong, xe hơi đi bên ngoài, và đó cũng là cái cớ để csgt bắt lỗi nhé, nhưng hoàn toàn sai luật.2. vì bạn ko thể làm lãnh đạo vì bạn không đủ tầm thì bạn phải chấp nhận đóng thuế, mà bạn đã đóng thuế cho chính quyền thì có quyền đòi hỏi chính quyền phục vụ ở mức tốt nhất nhé.3. bạn nói xả rác, ý thức chấp hành luật gt nên kẹt xe, vậy chính quyền có làm tròn trách nhiệm khi nhiều tuyến đường rộng rãi lại cho những kẻ có tiền chiếm làm chỗ đậu xe, kinh doanh, sao chính quyền không đi quy hoạch lại cho hợp lý đi.Còn rất nhiều điều muốn trao đổi với bạn nhưng mình nghĩ nhiêu đó là bạn đã hiểu. Cuối cùng muốn nói với bạn 1 câu: bạn hãy nghỉ đơn giản "bạn đã trả tiền nhiều thì bạn có quyền đòi hỏi đc sử dụng dịch vụ tốt nhất", đơn giản thế thôi.
    • Thanh Danh 17:25 17/09/2015
      @ Duong: bạn nhận mức lương bao nhiêu? Nếu >52 triệu/tháng thì phải đóng 30% rồi đó. Con số này rất lớn!
    • duong 16:46 17/09/2015
      Bạn trả bao nhiêu lương của bạn so với mức thuế 50%/ tháng lương của người Anh?
  • vũ đình dũng 15:27 17/09/2015
    Mỗi người dân Việt Nam đều phải có ý thức và trách nhiệm thì đất nước mới phát triển, "đừng hỏi TỔ QUỐC đã làm gì cho ta, mà thử hỏi ta đã làm gì cho TỔ QUỐC chưa".
    • rosa 19:43 17/09/2015
      Là công dân, làm việc đóng thuế đầy đủ đó là đã góp phần xây dựng đất nước rồi đó bạn ạ.
  • Văn Tuấn 15:59 17/09/2015
    Ai cũng có lỗi và cũng cân sửa lỗi. Bài viết rất hay.
  • Nguyễn hữu Khoa 15:10 17/09/2015
    Hãy tự hỏi rằng có ông bố, bà mẹ nào dạy con về giao thông về bảo vệ môi trường, chắc chắn là rất rất ít. Nhà trường lâu lâu tổ chức phong trào rồi bỏ đó, mà ý thức thì phải tập thành thói quen hàng ngày. Xã hội nên có pháp luật và sự quản lý tốt hơn, chứ như hiện giờ, luật cũng có mà luật có ai hiểu rõ và làm đúng luật. Bảo vệ môi trường cũng nói cho vui, phong trào cho vui ai muốn làm gì thì làm, nên chăng có biện pháp sử lý thật nặng?!
  • Sinh Thái 15:38 17/09/2015
    Nói chung xét về tính vi mô & vĩ mô thì tất cả ban ngành, bộ và từng cá nhân cần cố gắng thay đổi!!!
  • Tiến 17:26 17/09/2015
    Lỗi do chính quyền là phần lớn. Chính quyền không tự thân phát triển đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của xã hội. Quy hoạch thiếu tầm nhìn để dân số phát triển và định cư khi hạ tầng chưa bền vững. Cứ nhìn hàng trăm nghìn người đổ về TP HCM sinh sống và làm việc chật vật thế nào. Ai tạo điều kiện và cũng là ai không đáp ứng điều kiện đó?
  • Lê Văn Duy 16:56 17/09/2015
    Chính xác. Trách niệm chính vẫn thuộc về chính quyền.
  • Đức Minh 16:06 17/09/2015
    Ai nói xả rác là gây ngập đường? Nếu thành phố không cho lấp ao, lấp sông, lấn rạch để xây đô thị ồ ạt, nếu nhìn thấy trước dân số tăng nhanh thì phải lo xây hệ thống tàu điện, cải tạo đường sá, nâng cấp hệ thống cống từ 10-20 năm trước?Không có bằng chứng nào nói xả rác làm cho mưa xuống là ngập cả, thưa bạn! Hẻm tôi ở, lúc nào cũng sạch bong, không ai xả rác ra đường mà hôm rồi mưa vẫn ngập mấp mé thềm nhà! Là tại làm sao?Còn chuyện kẹt xe, thưa bạn là ý thức của đông đảo người dân thành phố là tốt nhé, nhưng bạn có thấy đường nhỏ, xe thì đông, hệ thống đèn giao thông thì bất hợp lí. Vậy cái này là lỗi của người dân hả bạn?
  • Hồ Trung 16:29 17/09/2015
    Tôi hoàn toàn đồng tình với tác giả. Nếu ý thức của chúng ta cao thì chắc chắc chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại. Nhưng chúng ta phải giải quyết thật căn cơ chứ không nên giải quyết theo kiểu chấp vá. Hơn nửa, mọi người dân chúng ta cùng ý thức chung tay thì chất lượng cuộc sống của chúng ta chắc chắc sẽ được cải thiện và chắc chắc những bình luận như thế này sẽ không còn nữa!
  • NTSơn 16:06 17/09/2015
    Nhà nước có tất cả các công cụ trong tay mà tại sao không xử lý được những cái " bệnh tật" của người dân. Việc khạc nhổ, xả rác ngoài đường ... tại sao các nước xử lý được mà nước mình không xử lý được? Thời gian qua nhà nước đầu tư nhiều tiền của cho việc thoát nước, chống ngập nước ... nhưng tại sao vẫn ngập? có phải do năng lực yếu kém hay không? nếu đầu tư nhiều ít ra cũng giảm đi chứ tại sao ngày càng trầm trọng?
  • Tư Cà Mau 16:19 17/09/2015
    Lấp cống, rãnh để xây nhà trọ đón dân nhập cư ở các tỉnh vào ở nên còn nơi nào để thoát nước. Buổi chiều trời mưa, đường kẹt xe, nhìn qua nhìn lại thấy biển số xe đủ cả 63 tỉnh thành trên một đoạn đường.
  • tèo 16:06 17/09/2015
    Ngập đường là do chúng ta lấn kênh làm nhà.
  • Manh Duc 16:01 17/09/2015
    Tôi rất tán thành với ý kiến của tác giả. Bài viết phản ánh đúng thực tế.
  • Tèo 18:45 17/09/2015
    Vậy tại sao chính quyền không điều chỉnh những hành vi đó trong dân. Ví dụ, cho rằng ngập do rác là đúng (thật ra là không) thì sao chính quyền không giải quyết nó. Người dân thiếu ý thức, chỉ biết mình (trong nhà thì sạch, ngoài đường thì dơ) cũng là do giáo dục trong trường, cộng đồng.
  • Trinh Nguyễn 18:42 17/09/2015
    Vi phạm luật tăng mức phạt thì bảo người dân ta "còn nghèo" phạt chi cho cao. Còn phạt nhẹ thì xem thường, không tuân thủ luật, thiếu ý thức. Mình thiếu ý thức lại đổ lỗi cho nền giáo dục. Kẹt xe, lấn sang đường người khác bảo do cơ sở hạ tầng. Cuối cùng thì " con gà hay quả trứng có trước". Theo mình, mỗi cá nhân có ý thức, tuân thủ luật, không xả rác, không chen lấn leo lề.. trong lúc kẹt xe. Thì cho dù cơ sở hạ tầng có chưa tốt nhưng mình tin ý thức mỗi cá nhân cũng sẽ giảm đi tình trạng như hiện nay.
  • thanh nguyên 18:14 17/09/2015
    Ngập lụt do mưa và kẹt xe một phần rất nhỏ là do người dân thiếu ý thức nhưng chủ yếu hay nói 9/10 là do nguyên nhân khác. Đó là nước mưa không còn chỗ để ngấm xuống đất do mật độ xây nhà dày đặc, mật độ dân cư ở TP quá cao, hầu hết ao hồ, kênh rạch nhỏ đều bị lấp, có làm cống thoát nước to nhưng không có nơi để chứa nước thì trong một thời gian ngắn nước cũng không thể chạy ra đến biển được nên ngập lụt là điều hiển nhiên. Không thể phá nhà, phá đường được nữa mà việc đào hồ thậm chí phải đào cả sông (sông, hồ phải sâu) thì mới khắc phục được.
  • Tiến Đạt 23:35 17/09/2015
    Rất nhiều người tham gia giao thông có ý thức rất kém, chỉ nghĩ đến bản thân.
  • Nguyễn Quyên 07:27 18/09/2015
    Bài này nói cũng đúng nếu chỉ đổ lỗi cho chính quyền. Nhưng một phần cũng là do ý thức của dân không biết bảo vệ của chung. Ông cha ta có câu "cha chung không ai khóc" mà và giờ đây hầu như câu này vẫn đúng.
  • kkk 22:13 17/09/2015
    Ví dụ ở gần nhà tôi dân bịt hết cống vì hôi! Tới mùa mưa thì lãnh đủ
  • Anh Kiệt 19:58 17/09/2015
    Ngập nước ở đường phố là do lỗi của cơ quan quản lý đô thị, quản lý của chính quyền địa phương non kém không đủ tài và tâm để qui hoạch và xây dựng đô thị.
  • lê thoại 19:49 17/09/2015
    Tóm lại ngập lụt là do... rác. Kẹt xe là do... ý thức người tham gia giao thông. Vậy cảnh sát môi trường và cảnh sát giao thông đang làm gì?
  • vũ xuân quang 19:28 17/09/2015
    Chưa có quy hoạch nghiêm túc về hệ thống thoát nước đô thị phù hợp với đô thị hóa quá nhanh là lỗi của chính quyền. Xả rác xuống cống rãnh là thói quen của không ít người dân.
  • ngọc thiệp 16:25 17/09/2015
    Nói vui thì do ông trời vì theo dự báo thời tiết thì bao giờ cũng nói mưa rải rác vài nơi, có nghĩa là tại quê hương chúng ta mưa rải rác làm nghẹt cống còn mưa ở nước ngoài là rải nước nên cống không bị nghẹt.
  • Hoàng Nguyễn 02:34 18/09/2015
    Ngập lụt là do xây dựng nhà cửa quá nhiều khiến thành phố biến thành 1 khối xi măng khổng lồ không chổ thoát nước,cộng thêm hệ thống cống rãnh không đáp ứng kịp nhu cầu. Vấn đề kẹt đường hãy đừng cấp thêm phép cho các công ty hoạt động nội thành nữa mà hãy khuyến khích di dời ra vùng ven giúp lưu thông thuận tiện hơn trong nội ô.
  • Thuong Huu 18:23 17/09/2015
    Thực ra ngập, lụt là do triều cường và mưa lớn. Những chổ ngập người đi xe máy bị chết máy đứng 1 chỗ nên gây kẹt xe thôi mà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét