Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Ngẫm về khoan sức dân, chuyện xưa-chuyện nay

Đọc đoạn này thấy hài: "Nếu như chính phủ Hàn Quốc dùng chính sách thu như một số xã ở huyện Can Lộc, thì dân Hàn Quốc không những không có của dự trữ để cho nhà nước vay. Và dù nếu có, họ cũng không cho vay, bởi một khi lòng tin đã cạn thì đừng hòng người dân mở hầu bao". Đấy là ở Hàn Quốc, còn ở xứ lừa, nếu không cho vay thì ông vay Ngân hàng (ví dụ 30 nghìn tỷ), không nữa thì ông in tiền chi tiêu cho lạm phát thật cao vào (vì lạm phát là thứ thuế vô hình nhưng rất hiệu quả đánh vào người dân), cuối cùng chưa đủ thì đến nhà cướp, như ở Hà Tĩnh đó, làm gì được ông ?
Từ 'Gánh nặng quê nghèo' ngẫm về khoan thu sức dân, chuyện xưa - chuyện nay
Chính phủ có chương trình trợ cấp xã hội cho dân vùng này vùng khác gặp khó khăn, hoặc cứu đói cho dân các vùng gặp thiên tai như hạn hán, bão lụt và giảm hoặc miễn thuế nông nghiệp cho dân… Nhiều người lầm tưởng như thế là Chính phủ nuôi dân. Thật ra trên thế giới không có chính phủ nào nuôi nổi dân, dù giầu có như nước Mỹ.
Giọt nước mắt lăn dài trên gò má gầy của bà Lê Thị Hương ở xóm Văn Minh, xã Thường Nga (Can Lộc, Hà Tĩnh) khi kể về gánh nặng từ những khoản thu đối với gia đình nghèo .
Phải hiểu ngược lại, mọi chính phủ, tức chính quyền của các nước đều do dân nuôi cả.
Và tại các nước dân chủ người ta quan niệm, bộ máy công quyền do dân bầu ra và thuê làm các việc cần thiết cho nhân dân và cho đất nước, lương bổng của họ được chi trả bằng tiền dân đóng thuế.



Việc điều chuyển lương thực thực phẩm cung cấp cho dân, trợ cấp cho dân, hoặc phát không cho dân, thực chất là chức năng điều tiết của mọi nhà nước.


Và những thứ của cải đó, hết thẩy đều là của dân trong nước được thu về do các nguồn thuế. Nói thế để mọi người biết cái quyền và nghĩa vụ của người dân cũng như chức năng của bộ máy công quyền.

Gần đây đọc mấy bài “Gánh nặng quê nghèo...” liên tiếp đăng trên tờ Nông nghiệp Việt Nam của các nhà báo Hoàng Anh - Thiện Nhân khiến không thể cầm lòng.

Giấy thông báo thu nộp sản phẩm của UBND xã Thường Nga (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Xin bỏ qua không bình luận thêm, vì mấy bài báo trình bày thế cũng khá đủ. Để rộng đường tham khảo, tôi đưa một vài ví dụ về người xưa, tức cha ông ta chăm sóc người dân như thế nào.

Xa hơn thì không khảo được, nên bắt đầu từ nhà Lý. Nhà Lý là một thời đại thân dân. Các chính sách từ việc nông, việc công, việc thương và cả việc binh đều dựa trên lợi ích quốc gia, nhưng trước hết là lợi ích của người dân. Bởi giữ nước là người dân, làm cho nước giầu thịnh vẫn là người dân.

Hãy xem khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ, vua đầu triều) mới lên cầm quyền, việc đầu tiên của nhà vua là: “Đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế đã lâu, đều tha cho cả” (1).

Việc này diễn ra năm 1010 khi nhà Lý tiếp quản cơ nghiệp nghèo nàn và xộc xệch do Lê Long Đĩnh để lại. Sự chi tiêu của một nước đều nhằm vào thu thuế được từ dân. Vậy mà Lý Thái Tổ lại tha các loại thuế trong 3 năm liền, không hiểu nhà vua chèo chống thế nào để nuôi bộ máy công quyền và quân đội.

Và những người quan quả cô đơn nợ thuế lâu năm, triều đình tha cho hết. Với chính quyền mới, lớp người đầu tiên được hưởng lợi là dân nghèo chứ không phải quan lại, quí tộc và nhà giàu. Trong thời gian này nhà nước chỉ thu sáu sắc thuế nhằm vào các sản phẩm đặc biệt khai thác từ rừng và biển. Đó là: Trầm hương, sừng tê, ngà voi, ngọc trai, đồi mồi và muối (2).


Năm 1016 sử ghi: năm ấy được mùa to, 30 lượm lúa trị giá 70 đồng tiền. Xá tô thuế cho thiên hạ 3 năm” (3). Tiếp năm 1017 sử chép: “Xuống chiếu tha tô ruộng cho thiên hạ” (4)

Tiếp năm 1018, sử lại chép: “Xá một nửa số tô ruộng cho thiên hạ” (5)

Vậy là trong 18 năm cầm quyền, Lý Thái Tổ (1010 – 1028), có bốn lần tha tô thuế, trong đó hai lần tha tô thuế 3 năm liền, một lần tha một năm, lần thứ tư cũng tha một năm nhưng chỉ tha nửa số tô phải nộp.

Một căn nhà tồi tàn điển hình ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh

Xét trong lịch sử cổ kim của nhân loại, từ khi xã hội có tổ chức thành bộ máy cai trị, thì chưa có thời nào, chưa có nước nào, chưa có chính phủ nào lại lập một kỷ lục tha tô thuế dài dài như triều đại Lý Thái Tổ.

Thật là một việc vô tiền khoáng hậu. Việc tha tô thuế không chỉ khi dân gặp khó khăn do thiên tai, mà ngay cả khi “được mùa to” vẫn tha 3 năm liền.

Và liên tiếp hai năm sau đó lại tha tô ruộng. Vậy là không chỉ người nghèo mà cả người giầu cũng được hưởng lợi từ phía nhà nước.

Vì sao chính quyền nhà Lý lại tha tô thuế cho dân 3 năm liền vào chính thời điểm “được mùa to”. Chuyện tưởng như vô lý, bởi người đời sau, cứ đem cái tâm bóc lột dân đến kiệt cùng của chính quyền đương thời ra soi chiếu, nên họ không tin việc làm của người xưa.

Có biết đâu, việc ấy lại xuất phát không chỉ từ lòng thương dân, mà là chủ trương làm cho thế nước mạnh. Bởi chỉ khi dân giàu lên thì nước mới mạnh.

Và biết đâu việc tha tô thuế ngay cả khi được mùa, là nhà Lý đã làm cái việc mà ngày nay ta gọi là nuôi dưỡng nguồn thu hoặc đầu tư chiều sâu.

Nhớ cơn bão tài chính châu Á năm 1997, Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn phải tìm đến IMF. Những điều kiện họ đặt ra khi vay rất ngặt nghèo, tựa như Hy Lạp ngày nay.

Chính phủ Hàn Quốc bèn huy động sức dân. Nhân dân Hàn Quốc đã xuất của để dành như tiền tiết kiệm và vàng cho chính phủ vay, số lượng huy động được lên đến hàng trăm tỉ USD. Nhờ đó nền kinh tế Hàn Quốc không rơi vào suy thoái.

Và rồi các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như Huyndai, Samsung… dần dần xuất hiện.

Nếu như chính phủ Hàn Quốc dùng chính sách thu như một số xã ở huyện Can Lộc, thì dân Hàn Quốc không những không có của dự trữ để cho nhà nước vay. Và dù nếu có, họ cũng không cho vay, bởi một khi lòng tin đã cạn thì đừng hòng người dân mở hầu bao.

Một gia đình ở xóm Tự Cường, xã Sơn Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) kể về các khoản thu nặng nề ở địa phương

Trở lại chính sách chăn dân của nhà Lý. Nhờ tư duy quyết làm cho Đại Việt trở thành quốc gia giầu thịnh, trước hết làm cho dân đủ ăn, đủ mặc và có của để dành.

Vì thế nước Đại Việt vượt qua đói, nghèo do nhà Lê để lại. Và nhờ chính sách chăn dân như vậy, nên nhà Lý trở nên cường thịnh.

Chỉ riêng việc xây dựng quân đội, nhà bác học Lê Qúy Đôn chép trong “Vân Đài loại ngữ” như sau: "Thái Diên Khánh làm quan ở đất Hoạt, học được chính sách xây dựng quân đội của người An Nam bèn viết thành sách, chia ra từng môn loại, dâng lên vua Thần tông nhà Tống (Tống Thần Tông 1068-1091 tương đương với Lý Thánh Tông 1054-1072 và Lý Nhân Tông 1072-1128 ở nước ta) được vua khen.

Nước ta thời đó không chỉ giầu mà còn mạnh, tới mức nhà Tống tập trung hơn 10 vạn quân cùng quân lương, khí tài ở hai thành Ung Châu (Quảng Tây) và Liêm Châu (Quảng Đông) chuẩn bị sang xâm lược ta.

Vua Nhân Tông sai Thái úy Lý Thường Kiệt đem quân sang tiêu diệt quân thù ngay tại sào huyệt của nó.

Thử hỏi nhà Lý nếu không nuôi dưỡng sức dân, mà chỉ chăm chú tăng các sắc thuế đánh vào dân, khiến sức dân cạn kiệt, sao có thể có sức mạnh để giữ nước như vậy.

Các sắc thuế đã ít lại luôn luôn được khoan nới, tha giảm, vậy mà dân giàu, nước mạnh.

Đó không chỉ là tấm gương mà còn là kho kinh nghiệm của tiền nhân để lại.

Hoàng Quốc Hải
(NÔNG NGHIỆP)
http://nongnghiep.vn/khoan-thu-suc-dan-chuyen-xua-chuyen-nay-post147437.html

---------------
(1) Đại Việt sử ký toàn thư tr 192 quyển I NXB Khoa Học XH Hà Nội năm 1972.
(2) Toàn thư quyển I tr 194 (3)
(4) (5) Toàn thư quyển I tr 196-197... Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/tu-ganh-nang-que-ngheo-ngam-ve-khoan-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét