Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Vì sao lãnh đạo quận, huyện HN xin nghỉ hưu sớm?

Hóa ra các vị này nghỉ sớm để được hưởng lương hưu cao, lại còn được thêm trợ cấp. Hu hu, họ tính toán càng giỏi thì người dân càng nghèo.
Vì sao nhiều lãnh đạo quận, huyện Hà Nội xin nghỉ hưu sớm?
Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nói về nguyên nhân việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo quận, huyện xin nghỉ hưu sớm. Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành văn bản thông báo về công tác tổ chức đề cập đến việc nhiều lãnh đạo quận, huyện, thị xã xin nghỉ công tác sau Đại hội Đảng bộ chờ ngày về hưu.
Ông Phạm Thế Tập, Bí thư Thành ủy Hải Dương xin từ chức. Ảnh: Báo HD 
Theo kết luận hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, các cán bộ xin được nghỉ công tác sau Đại hội Đảng bộ chờ ngày về hưu có ông Tô Văn Cường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín; Ông Nguyễn Văn Nguyệt - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn; Ông Phạm Hùng Vỹ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên...Cùng các Phó Chủ tịch HĐND các quận, huyện như Đông Anh, Phúc Thọ, Mê Linh, Thị xã Sơn Tây, Ứng Hòa và quận Hai Bà Trưng cũng sẽ được nghỉ công tác chờ nghỉ hưu.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phan Đăng Long – Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xác nhận việc xin nghỉ công tác chờ ngày về hưu, nghỉ hưu sớm của một số trường hợp đã nêu, các cán bộ cấp quận, huyện, thị xã...

Đề cập về nguyên nhân, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Hầu hết các trường hợp này là do việc không đáp ứng được độ tuổi trong nhiệm kỳ mới, không đáp ứng yêu cầu độ tuổi công tác trong cấp ủy.

Theo ông Long, sắp tới sẽ diễn ra đại hội cấp ủy thành phố và sẽ bầu nhiệm kỳ mới mà theo quy định mới, cán bộ phải đáp ứng đủ 30 tháng công tác mới được tái cử nhiệm kỳ tiếp theo.

“Đa phần các trường hợp trên là không đủ độ tuổi công tác là 30 tháng” – ông Phan Đăng Long nói.

Cũng theo ông Long, theo quy định mới, cán bộ muốn tham gia ứng cử thì phải đáp ứng độ tuổi được 2 nhiệm kỳ, riêng với cán bộ đang công tác thì thời gian công tác đến lúc nghỉ hưu phải đáp ứng được 30 tháng.

“Lấy ví dụ thực tế, ở nam số độ tuổi về hưu là 60 tuổi mà năm nay vị cán bộ đó đã 59, như vậy không thể đảm nhiệm vị trí ở nhiệm kỳ mới trong thời gian 30 tháng nên sẽ bị chuyển công tác ở các vị trí khác hoặc xin nghỉ.” - Ông Long chia sẻ

Cũng theo ông Long, khi cán bộ không đáp ứng được độ tuổi công tác sẽ được nghỉ hoặc chuyển công tác nếu có mong muốn.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chuyển công tác các vị trí đảm nhiệm sẽ không được tương đương vị trí đang đảm nhiệm mà khi về hưu thì sẽ tính ở vị trí đảm nhiệm lúc đó như vậy sẽ thiệt thòi nếu tính về lâu dài.

“Chính vì vậy có nhiều trường hợp đã nộp đơn xin nghỉ hưu sớm và việc này là đúng không có gì bất thường. ” – Ông Long kết luận.

Chia sẻ với báo chí một số chuyên gia nghiên cứu về hành chính nhận định đây không phải là điều bất thường mà theo đúng chính sách của nhà nước.

Cụ thể Chính phủ đã ban hành Nghị định mới quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Nghị định có hiệu lực từ 1/5/2015.

Theo đó Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm trong 3 trường hợp: Nghỉ hưu trước tuổi hoặc tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Cụ thể, đối với trường hợp cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, Nghị định nêu rõ, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Ngoài ra, còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho tổng số hai mươi năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Theo Chỉ thị 36-CT/TW yêu cầu: “Cấp ủy các cấp … cần bảo đảm 3 độ tuổi; phấn đấu 3 độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy”, định hướng đối với cấp ủy cấp tỉnh như sau: dưới 40 tuổi không dưới 10%; từ 40 đến 50 tuổi (40% - 50%), còn lại trên 50 tuổi.

- Độ tuổi của người tham gia cấp ủy lần đầu: nói chung phải đủ tuổi để công tác được hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng phải trọn một nhiệm kỳ.

- Các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy tỉnh, thành phố và đảng ủy trực thuộc Trung ương được giới thiệu tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 phải đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên, cụ thể như sau:

Tuổi tái cử: nam sinh từ tháng 3/1958, nữ (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như nam giới) sinh từ tháng 3/1963 trở lại đây. Riêng các đồng chí có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016 - 2021: nam sinh từ tháng 9/1958, nữ (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như nam giới) sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây.

Tuổi tái cử: nam sinh từ tháng 12/1957, nữ sinh từ tháng 12/1962 trở lại đây. Riêng các đồng chí có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND quận, huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021: nam sinh từ tháng 9/1958 trở lại đây, nữ sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây.

Thực hiện theo Kết luận 64-KL/TW về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, đối tượng tham gia cấp ủy cấp xã gồm cán bộ, công chức cấp xã đang công tác (theo số lượng quy định của Chính phủ) và những người không là cán bộ, công chức cấp xã (người hoạt động không chuyên trách, cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ…), do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa phương để hướng dẫn.


http://vtc.vn/vi-sao-nhieu-lanh-dao-quan-huyen-ha-noi-xin-nghi-huu-som.2.563937.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét