Học giả Nga: Quan hệ với Mỹ trở thành một "mô hình" cho Việt Nam
(GDVN) - Người Việt xem quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ như "trụ cột chính" để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, Mỹ là một đối tác đáng tin cậy nhất. Xung quanh chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, giới truyền thông và học giả Nga đã có những đánh giá khá tích cực, đồng thời cũng có những tiếng nói đề nghị Moscow cần xem lại chính sách nhằm củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam nếu không muốn bị người Mỹ "vượt mặt".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm
chính thức Hoa Kỳ. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Mỹ trở thành một "mô hình" cho Việt NamĐó là bình luận của Tiến sĩ Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông trên tạp chí Nezavisimaya Gazeta ngày 14/7. Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa lịch sử, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác song phương.
Trên thực tế chuyến thăm này là bước tiến mới hướng đến sự công nhận tính chất "chiến lược" của quan hệ Việt - Mỹ mà hiện nay Việt Nam chỉ mới có với Nga và Trung Quốc, ông Mazyrin nhận định.
Trong một số lĩnh vực quan trọng, chuyến thăm cho thấy sự trùng hợp về lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ. Xét về mặt địa chính trị, người Việt muốn tìm kiếm đối trọng với sự gia tăng các hoạt động theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Hoa Kỳ hỗ trợ điều này, còn Việt Nam cũng muốn đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung cấp vũ khí, khoa học công nghệ để đảm bảo khả năng "tự do cơ động ngoại giao chiến lược" cho mình.
Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế Nga đang chứng kiến không chỉ sự trùng hợp lợi ích giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn thấy sự chuyển đổi trong động cơ chủ yếu của Hoa Kỳ là nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, ngăn chặn sự mất cân bằng ngày càng nguy hiểm trong cán cân thương mại Việt - Trung.
Đã 10 năm qua, Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam, chiếm khoảng 20% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ năm 2006 đã đạt mức 36 tỉ USD, cao gấp 10 lần so với kim ngạch thương mại Nga - Việt.
Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7 trong nền kinh tế Việt Nam với 11 tỉ USD đăng ký cho 725 dự án. Việt Nam đang phấn đấu để trở thành thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù các yêu cầu đặt ra bởi Washington nghiêm ngặt hơn nhiều so với các điều khoản khi Việt Nam tham gia WTO.
Nỗ lực của Mỹ để tăng cường ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong 20 năm qua không hề dễ dàng. Nó cho thấy có một sự biến đổi về mặt nhận thức trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, đặc biệt là trong 20 năm qua.
Kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á vừa qua cho thấy, người Việt xem quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ như "trụ cột chính" để tiến đến một tương lai tươi sáng hơn, Mỹ là một đối tác đáng tin cậy nhất. Người Việt cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở châu Á, ông Mazyrin cho biết.
Tiến sĩ Vladimir Mazyrin. Ảnh: Gazeta.ru.
Tiến sĩ Mazyrin cho rằng, mặc dù kết quả thăm dò còn phụ thuộc vào người thăm dò là ai, vì mục đích gì và đối tượng thăm dò được chọn. Nhưng công cuộc Đổi mới của Việt Nam mấy chục năm qua đã khiến quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam bao gồm hợp tác Việt - Mỹ đã dẫn đến một sự cải thiện đáng kể chất lượng đời sống của người Việt.
Các nước lớn tranh giành ảnh hưởng trong quan hệ với Việt Nam
Hãng thông tấn Itar Tass ngày 10/7 dẫn lời các chuyên gia Nga cho rằng, việc tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam là nhằm mục đích kiềm chế (dã tâm bành trướng trên Biển Đông từ phía) Trung Quốc. Việc Việt Nam chuyển hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng trong chiến lược tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ cũng như nỗ lực tham gia TPP đã "gây trở ngại" cho quan hệ gần gũi hơn với Moscow và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Thiếu tướng Pavel Zolotaryov, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Nga nói với Itar Tass: "Mỹ đang liên tục phấn đấu để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong khu vực. Trong khi đó Việt Nam đang vận động tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực an ninh và thương mại từ mối quan hệ với Mỹ cũng như trong hợp tác với Nga."
"Tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Các nước trong khu vực đã bị kéo vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị căng thẳng để có thể kiểm soát các đảo, bãi đá, rặng san hô ở Biển Đông", tướng Zolotaryov bình luận.
Học giả này cho rằng: "Các nước khác trong khu vực như Philippines, Brunei và Indonesia cũng đều sợ việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này. Do đó Việt Nam có thể cố gắng tìm cách bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia của mình thông qua sự giúp đỡ của Washington, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại đa phương".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Victor Kremenyuk, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Canada, một đồng nghiệp của tướng Zolotaryov nói với Itar Tass, chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy ý định của Mỹ muốn thuyết phục Hà Nội rằng, Hoa Kỳ không còn là một quốc gia thù địch của Việt Nam mà là một đối tác thân thiện.
"Mỹ đang cố gắng ngăn cản các nỗ lực của Trung Quốc buộc Việt Nam lệ thuộc vào Bắc Kinh. Một số quan điểm ở Việt Nam muốn tập trung phát triển quan hệ với Washington, trong khi một số khác vẫn muốn tập trung vào quan hệ với Trung Quốc và Nga", ông Kremenyuk nói.
"Nhiệm vụ lớn hơn của Washington là xây dựng một liên minh các quốc gia không phụ thuộc vào Trung Quốc ở Đông Nam Á, nhưng vẫn có quan hệ với Bắc Kinh. Cụ thể bao gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan, các đối tác này có thể giúp Mỹ tương tác với Trung Quốc mà không dẫn đến đối đầu.
Tuy nhiên Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Hạm đội 7 triển khai ở Tây Thái Bình Dương và một phần Đông Ấn Độ Dương cũng là một công cụ quan trọng, yếu tố ảnh hưởng số một trong khu vực", ông Kremenyuk kết luận.
Xoay quanh vấn đề này, học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC) ngày 14/7 bình luận trên The Diplomat: Khi nói về mối quan hệ Mỹ - Việt đang phát triển, Trung Quốc luôn là yếu tố không thể bỏ qua. Sự năng động của quan hệ Việt - Mỹ ở một mức độ lớn được xác định bởi các hoạt động (bành trướng) của Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực không thể bỏ qua vai trò trung tâm của Việt Nam. Ngược lại, quan hệ tốt với Mỹ là rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam chống lại sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Tsvetov bình luận.
Đón đọc phần 2: "Chơi với ai, hãy để người Việt Nam quyết định"
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét