Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do

Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do
Tại cuộc họp báo chuyên đề về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế chiều ngày 3/6, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính ?) cho biết, thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại và cũng đang tham gia đàm phán một số Hiệp định thương mại quan trọng khác. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. 
Toàn cảnh buổi họp báo.
Các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là thông qua Hiệp định giữa ASEAN và đối tác ngoài ASEAN. Đến giai đoạn hiện nay, thực hiện theo tinh thần của Nghị Quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế về việc chủ động tích cực hội nhập, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các Hiệp định thương mại song phương như FTA với Chile, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xúc tiến đàm phán, ký kết 6 hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác, gồm: Hiệp định Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên Minh Kinh tế Á Âu (trước đây gọi là Liên minh Hải quan) gồm Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA), Việt Nam - 4 nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bộ Tài chính tham gia đàm phán các FTA ở các lĩnh vực thuế, dịch vụ tài chính, các dịch vụ khác thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính và tham gia với các bộ chủ quản đối với các nội dung khác như mua sắm Chính phủ, trợ cấp, tín dụng xuất khẩu…

Trước băn khoăn của một số phóng viên về tác động của việc giảm thuế nhập khẩu theo các FTA đến tình hình thu ngân sách Nhà nước, ông Tùng khẳng định “sự tác động đến ngân sách là không nhiều”.

Sự tác động của giảm thuế theo FTA trên thực tế rất đa dạng nhiều chiều. Việc giảm thuế có thể làm giảm thu ngân sách từ xuất nhập khẩu nhưng các sắc thuế khác vẫn giữ nguyên; đồng thời giảm thuế lại khiến gia tăng lượng hàng nhập khẩu, qua đó tác động tăng thu.

Hơn thế nữa, việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là góp phần gia tăng nguồn thu.

Ông Tùng cho biết, thực tế, tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên tổng thu có giảm nhưng số tuyệt đối vẫn tăng hàng năm. Như vậy, “nếu xét trên tổng thu ngân sách thì tác động từ các FTA là tác động tích cực.

T.H
(eFinance Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét