Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

VĂN MIẾU & VĂN MẾU

VĂN MIẾU & VĂN MẾU
Võ ban bên tả điện, nhất định phải có chỗ dành để vinh danh người anh hùng làm nên chiến thắng Điện Biên rúng động địa cầu: Võ Nguyên Giáp đại tướng. Cũng nên cân nhắc thêm bớt nhiều vị tướng tài danh của nước ta nữa; tốt nhất là nên chừa vài chỗ trống để từ từ ta đưa thêm các danh tướng vào, như đại tướng Lê Quý Ngọ, Phùng Quang Thanh chẳng hạn. Văn ban hữu điện, người đứng đầu chắc chắn phải là Lê Duẩn tổng bí thư, Tố Hữu thi hào đỉnh cao chói lọi, Đỗ Mười bồ tát đại từ đại bi đại trí đại huệ v.v...

Bọn lá cải và các thể loại lá ngón lại đang rùm beng lên việc phủ Vĩnh Phúc xây cái Văn Miếu hết hơn 271 tỷ bạc. Vẫn với cái thói hèn mọn gian manh tráo trở thường thấy, các bạn ấy đang dẫn dắt bần nông não dòi vào những trạng huống dở khóc dở cười. Nhà nghiên cứu cổ học độc lập Trần Quang Đức viết trên facebook:

"Chùa thờ Phật, Nhà Thờ thờ Chúa, theo lẽ đương nhiên, Văn Miếu thờ Khổng. Có người nói, chỉ nên thờ Chu Văn An và các vị Tiến sĩ khoa bảng của Việt Nam, vậy xin hỏi, Chu Văn An hay tiến sĩ Nho cử nước Việt bao đời nay có tư tưởng nào khác, siêu việt ra ngoài phạm vi tư tưởng, đạo đức của Khổng giáo, hay chỉ là những tín đồ ngoan đạo, răm rắp kính ngưỡng bậc thầy muôn đời của mình? Nếu tư tưởng đã là một, chỉ vì ông thầy là phường ngoại bang mà dập thầy thờ trò, cũng chẳng khác bỏ Thích Ca mà thờ Nhất Hạnh, bỏ Mác Lê mà thờ độc ông Hồ. Sự ấy, suy cho cùng, là một thứ tư duy nhược tiểu, bệnh hoạn!

Với thảm trạng tinh thần của quốc dân hiện nay, chưa phải lúc nghe lọt những điều tích cực từ cổ học. Chẳng cần biết tư tưởng nhân văn của Khổng, và bất cần một cái Văn Miếu mới, dù nó chỉ mang tính chất địa phương. Chỉ biết trước mắt, biển đảo bị hiếp đáp, nhà cầm quyền trong gần hai chục năm trở lại đây chưa thể hiện được sự cứng rắn, nghiêm khắc cần thiết với người đồng chí phương Bắc (mà trớ trêu thay, sự cứng rắn ấy lại nhằm vào quốc dân). Quốc dân "bó tay" với chính trị, đành phát tiết vào tư tưởng, văn hóa. Nhưng càng phát tiết, càng thể hiện sự trống rỗng và nhược tiểu; rốt cuộc chỉ biết căm ghét mù quáng.

Nói cho rốt ráo, nút thắt chính trị không được cởi, thảm trạng tinh thần này sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Nút thắt chính trị không được cởi, đừng nói đến việc chấn hưng văn hóa, hoằng dương cổ học, đừng nói đến việc dung hội văn hóa Đông Tây. Nút thắt chính trị không được cởi, một dân tộc nhỏ sẽ chẳng có cơ hội để trở thành dân tộc lớn, và càng không có cơ hội để trở thành một nước lớn. Mãi mãi giằng xé trong một mối thù ghét bệnh hoạn! Ghét Tàu nhưng chẳng khác gì Tàu!"

Và để bọn con bò hiểu thêm về Văn Miếu, tôi dẫn về đây bài biên của anh Lê Vĩnh Huy (Vinh huy Le) bên Trại súc vật, đặng khai thêm nhãn giới.

***
Trước khi nói về văn miếu, xin nói về... võ miếu đã, vì hệ thống đền miếu của Trung Hoa cổ, cũng như của các chư hầu thần phục nó, chia ra hai ban, văn võ song toàn.

1/. Võ miếu:


Hệ thống cúng tế của võ miếu được hình thành vào đời Đường Huyền tôn. Niên hiệu Khai Nguyên thứ 19 (722), Đường Minh Hoàng cho xây dựng "Thái công Thượng phụ miếu", chủ yếu thờ Thái công Vọng (Khương Tử Nha), phó tự là Trương Lương, với 9 vị lương tướng khác cùng phối hưởng. Nghi lễ cúng tế vũ miếu (cũng như văn miếu) được cử hành vào tiết Trọng xuân và Trọng thu hàng năm.

10 vị lương tướng phối hưởng được chia ra: tả ban là Bạch Khởi, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Lý Tĩnh, Lý Tích; hữu ban là Trương Lương, Điền Nhượng Thư, Tôn Võ, Ngô Khởi, Nhạc Nghị.

Sau đó, các đời lại được người ta lại thêm vào, danh sách võ tướng cứ thế dài ra, nào Phạm Lãi, Tôn Tẫn, Hoắc Khứ Bệnh, Mã Viện, Quản Trọng, Bành Việt, Quách Tử Nghi v.v... thành ra tới 64 người.

Sau đó, trải biến thiên của lịch sử, các đời Tống, Nguyên, Minh, danh sách thờ tự khi trồi khi sụt, vì mỗi triều đại đều muốn đưa thêm "danh tướng" của mình vào, hoặc tinh giản đi những vị không phù hợp. Đến đời Thanh thì chỉ còn thờ mỗi Quan Vũ. Rồi chiến loạn liên miên, Hoa kiều phiêu bạt tứ phương, dựng "Quan đế miếu" ở những nơi họ ngụ cư, Quan miếu chính là hình thức biến tướng của võ miếu, và nhờ đó mà giăng trải cùng khắp thiên hạ.

2/. Văn miếu:

Nếu võ miếu thờ bậc lương tướng, thì văn miếu là để thờ các vị danh nho. Khởi nguồn từ Trung Hoa, văn miếu lan truyền sang các nước Đông Nam Á, tạo nên thanh thế lớn cho Nho học.

Thành ngữ Trung Hoa có câu “Nam Khổng tử, Bắc Văn Xương”, ý nói về phong tục ở miền Bắc (Trung Hoa) thường thờ Khổng tử, miền Nam thờ Văn Xương, làm “Văn Đế”. Vì vậy, Văn miếu có hai loại: loại thờ Khổng tử, loại khác thờ Văn Xương.

a. Miếu Văn Xương:

Văn Xương đế quân, tức Thục vương Trương Dục, ngoài chức năng cai quản việc văn học và khoa cử, ông còn được xem là vị thần tống ôn, được dân gian vùng Tứ Xuyên tin tưởng là có tài phép chuyên trị ôn dịch.

Văn Xương đế quân cùng với Đại Khôi tinh quân, Châu Y tinh quân, Thuần Dương đế quân và Quan Thánh đế quân được tôn xưng "Ngũ Văn Xương", theo quan niệm cổ Trung Hoa, là một bộ các vị thần chủ trì văn học.

Miếu Văn Xương luôn có hai thư đồng câm điếc đứng hầu, tượng trưng cho thiên cơ bất khả lậu.

Kể từ Nguyên, Minh trở về sau, do biến thiên hưng vong của triều đại, quy mô việc tế tự Văn Xương cũng theo đó mà nhạt dần. Tuy nhiên, ở tỉnh Tứ Xuyên, "Văn Xương cung" ở Thất Khúc sơn, thuộc huyện Tử Hoài vẫn là một thắng cảnh cuốn hút du khách. Hàng năm, vào ngày vía Văn Xương (mùng 3 tháng 2 âm lịch), ở đây tổ chức ngày hội lớn gọi là "Hội Văn Xương", tao nhân mặc khách khắp nơi tụ về đề thơ ngâm vịnh.

Văn Xương tinh quân dù là vị thần văn học đỡ đầu khoa cử, tống trừ dịch bệnh, nhưng phạm vi ảnh hưởng không tỏa khắp, nên miếu thờ Văn Xương phải cam chịu mai một dần, để miếu Khổng tử dương danh thiên hạ, truyền bá văn minh Hoa Hạ cho khắp Trung nguyên, và lan rộng ra cả các chư hầu.

b. Miếu Khổng tử:


Khổng miếu, còn gọi Phu tử miếu, Chí thánh miếu, Tiên sư miếu, Tiên thánh miếu, Văn Tuyên vương miếu, thường gọi tắt là Văn miếu.

Đây là ngôi đền dùng để thờ Khổng tử, vị triết gia được tôn xưng "Vạn thế sư biểu".

Năm 478 tr.Cn, tức một năm sau khi Khổng tử mất, Lỗ Ai công cho xây dựng đền thờ ở quê hương ông (huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông) để tưởng nhớ. Đó là ngôi Văn miếu đầu tiên ở trung Hoa.

Đời Bắc Ngụy, năm +489, xây dựng Khổng miếu tại kinh thành (nay thuộc huyện Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây). Qua đời Đường, năm 630, Thái tôn hạ chiếu, lệnh cho khắp nơi phải xây dựng văn miếu, tôn vinh Nho học. Từ đó, văn miếu được các thể chế Trung Hoa công nhận và đặt ra quy chế thờ tự chặt chẽ trang nghiêm.

Lúc ban đầu, văn miếu chỉ thờ Chu công và Khổng tử. Sau, người ta lại thêm vào 72 môn đệ của Khổng. Cứ thế, mỗi triều đại lại thêm các danh nho vào, đến đời Trung Hoa Dân Quốc đã là 162 vị thánh hiền.

Khi Trung cộng chiếm đại lục thì Khổng tử bị hạ bệ, bởi chủ tịch Mao không thể nào chịu được nổi việc ngoài mình ra, lại còn có một vị "Tố vương" (ông vua không ngai) khác được tôn sùng.

Rồi "Cách mạng văn hóa" nổ ra, Trung Hoa rơi vào kiếp nạn 10 năm đại loạn (1966-1976), các di tích văn hóa cổ xưa đều bị phá hủy, Khổng tử bị Cộng đảng phê bình, đền miếu thờ Khổng bị trưng thu, tượng Khổng bị lật nhào. Khí thế cách mạng của Hồng vệ binh quả là có sức mạnh kinh hồn, bình địa cả giang san.

Mãi đến năm 1984, việc tế lễ Khổng tử ở Văn miếu Khúc Phụ (văn miếu đầu tiên) mới được khôi phục, và các văn miếu trên toàn đại lục mới được tôn tạo phục hồi. Và từ năm 2004, năm bắt đầu thành lập hệ thống Học viện Khổng tử, thì nghi thức tế tự Khổng tử ở các văn miếu được chính quyền đứng ra chủ trì trang trọng.

Ngoài Khúc Phụ, Sơn Đông, hiện ở trung quốc còn có rất nhiều văn miếu cổ xưa nổi tiếng, như văn miếu ở Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam) được xây dựng vào đời Hán Minh đế (năm 58-75), Khổng miếu ở Bắc Kinh (năm 1306), văn miếu Thiên Tân (1436), văn miếu Bình Dao ở Sơn Tây (1163), văn miếu Chính Định ở Hà Bắc (1374), văn miếu Nam Kinh (1034) v.v... Các văn miếu trở thành trọng điểm di tích văn hóa của quốc gia.

3/. Văn miếu ở các nước:

- Đài Loan: Khổng miếu ở Đài Nam là văn miếu đầu tiên ở lãnh thổ này, do Trần Vĩnh Hoa dựng vào năm 1666. Vào ngày 28 tháng 9 hàng năm, nơi đây đều cử hành đại lễ, do đích thân thị trưởng làm chủ tế.

Khổng miếu ở huyện Đại Đồng, Đài Bắc, cũng là ngôi văn miếu danh tiếng. Năm 2008, tổng thống Mã Anh Cửu từng đích thân làm chủ tế trong ngày đại điển ở đây.

- Triều Tiên: Ngoại trừ Trung quốc ra, thì Triều Tiên là đất nước có nhiều văn miếu nhất. Khi còn là nước Cao Ly, ở đây đã bắt đầu kiến tạo văn miếu. Thời Triều Tiên Thái tổ Lý Thành Quế (1335-1408), nhà vua đã ban lệnh cho khắp địa phương các cấp đều phải xây văn miếu. Văn miếu Triều Tiên ngoài Khổng tử ra, còn thờ 18 vị thánh hiền của họ.

Tổng cộng Triều Tiên có 362 tòa văn miếu. Sau Đệ nhị Thế chiến, đất nước chia đôi, rất nhiều văn miếu ở Bắc triều Tiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng; Nam Hàn vẫn bảo tồn và hoạt động tế tự cho 232 văn miếu trên phần lãnh thổ của mình.

- Nhật Bản: tại đây có các văn miếu cổ xưa như Văn miếu Nagasaki; Văn miếu Bunkyo-ku, Tokyo; Văn miếu Nagasaki.

- Indonesia: ở ngoại ô phía nam thủ đô Jakarta, một văn miếu được hoàn thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2010, do Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono chủ trì lễ khánh thành, kêu gọi mọi người dân cùng nhau xây dựng một xã hội hài hòa hợp tác.

4/. Văn miếu ở Việt Nam:

Trong số các phiên thuộc của đế quốc Trung Hoa xưa kia, thì Việt Nam là nước chịu tác động văn hóa Trung Hoa sâu sắc nhất.
Văn miếu được kiến tạo sớm nhất ở Việt Nam, theo các thư tịch chính thức, là Văn miếu thời Lý ở kinh đô Thăng Long, xây dựng năm 1070. Sang đời Trần, năm 1397, các phủ đều phải xây dựng trường học, văn miếu cũng theo đó mà lan tỏa khắp nước.

Các văn miếu cổ nổi tiếng có Văn miếu Hà Nội, Quốc Tử giám ở cố đô Huế, Văn miếu Hội An, Hải Dương; ngoài ra, có một số văn miếu mới được xây dựng, như Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai), văn miếu Vĩnh Phúc...

Đối tượng và nghi thức thờ cúng của văn miếu Việt Nam được mô phỏng theo quy chế tế tự của Trung Hoa, tuy có đưa thêm các danh nho bản quốc vào thờ.

5/. Đề nghị cách tân Văn miếu: nhân dư luận đang xôn xao bàn cãi về việc thờ cúng ở Văn miếu Vĩnh Phúc mới xây dựng, tôi có vài đề nghị nhỏ.

Như đã nói ở trên, hệ thống và nghi thức thờ phụng của văn miếu, ngay ở Trung Hoa, qua các triều đại, cũng đều có biến cải thêm bớt các vị tiên hiền tùy theo nhận thức và nhu cầu của chính quyền.

Việt Nam có thể (và cũng đã từng) thêm các danh nho nước ta vào thờ trong Văn miếu, như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp v.v..., nhưng thế vẫn chưa đủ, ta cần mạnh dạn cách tân hơn nữa, để văn miếu Việt Nam trở thành hiện tượng văn hóa - tâm linh có một không hai, độc đáo nhất thế giới.

Đã đành văn miếu là để suy tôn đạo học, suy tôn văn hóa của tiền nhân, nhưng nho giáo đã tự diễn biến, suy đồi tàn tạ. Ngày nay, Mác giáo mới là quốc giáo, chi phối toàn bộ lý tưởng, nhân sinh quan, vũ trụ quan của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta. Vì vậy, tôi dám đề nghị: ngôi trang trọng nhất trong văn miếu, ta nên dành cho thái tổ Các Mác.

Đã có Mác thì không thể thiếu Lê, huống chi Lê Nin là vị thánh chuyên cần cầu học, với câu danh ngôn chấn động mười phương: "Học, học nữa, học mãi", bởi vậy thành ra: cạnh đó, cũng nên có một chỗ xứng đáng cho thái tôn Lê Nin.

Ngoài ra, còn ai có thể sánh vai hai vị ấy để làm thành bộ ba Tam Thánh bất hủ, ngoài Hồ Chí Minh? Chủ tịch Hồ, với tinh hoa dân tộc bốn ngàn năm kết tụ, với tư tưởng tuyệt vời đúng đắn, chuẩn nhất trong các chuẩn, là tấm gương cho đời đời con cháu chúng ta học tập và làm theo, cho nên nhất định chủ tịch phải được thờ trong văn miếu vậy!


"Tam vị nhất thể" đã có, hàng thánh hiền được tế tự trong Tân Văn Miếu thiết nghĩ nên chia làm văn võ lưỡng ban, cho thêm phần trang nghiêm bề thế.

Võ ban bên tả điện, nhất định phải có chỗ dành để vinh danh người anh hùng làm nên chiến thắng Điện Biên rúng động địa cầu: Võ Nguyên Giáp đại tướng. Kế đó là "Lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn. Cũng nên cân nhắc thêm bớt nhiều vị tướng tài danh của nước ta nữa, nhất thời tôi chưa nhớ hết được, mong quý hải nội hải ngoại chư quân tử anh thư đóng góp thêm; tốt nhất là nên chừa vài chỗ trống để từ từ ta đưa thêm các danh tướng vào, như đại tướng Lê Quý Ngọ, Phùng Quang Thanh chẳng hạn.

Văn ban hữu điện, người đứng đầu chắc chắn phải là Lê Duẩn tổng bí thư, Tố Hữu thi hào đỉnh cao chói lọi, Đỗ Mười bồ tát đại từ đại bi đại trí đại huệ v.v...

Chẳng xây thì thôi, đã làm thì phải làm cho tới bến, chúng ta quyết cùng nhau kiến tạo một kiểu Văn Miếu văn minh, làm mẫu mực cho thế giới noi theo, đó là đại phúc cho cả dòng giống Tiên Rồng, mà toàn thể loài người cũng được hưởng sái vậy!

Nay kính.
http://www.photphet.info/2015/06/van-mieu-van-meu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét