Tổng thống Obama gợi ý Trung Quốc có thể gia nhập TPP
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện những hoạt động thăm dò phản ứng với chính phủ ông về việc một lúc nào đó trong tương lai họ sẽ gia nhập Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước hội viên. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Tổng thống Obama cho biết như thế hôm thứ Tư trong lúc chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tại Quốc hội với các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ không chịu dành cho ông quyền thương thuyết nhanh các hiệp định thương mại.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Obama cho biết Trung Quốc đã tiếp xúc với Tòa Bạch Ốc và Bộ trưởng Tài chánh Jack Lew và gợi ý Bắc Kinh không muốn bị nằm ngoài TPP."Thực tế là, nếu chúng ta có 11 nền kinh tế hàng đầu ở Á châu Thái Bình Dương tán đồng những tiêu chuẩn lao động có thể chấp hành, những tiêu chuẩn môi trường có thể chấp hành, những biện pháp mạnh để bảo vệ quyền tài sản trí thức, không phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, dành quyền tiếp cận thị trường cho các công ty đó, hạ thấp thuế quan, thì Trung Quốc ít nhất cũng phải xem xét tới những chuẩn mực quốc tế đó."
Tổng thống Obama nói rằng Hoa Kỳ vẫn chủ động giao tiếp với Trung Quốc về những vấn đề kinh tế song phương xoay quanh chỉ tệ của Trung Quốc, nạn đánh cắp tài sản trí thức và những biện pháp trợ giá. Nhưng ông nói thêm rằng sẽ là một việc có ích nếu nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này được vây quanh bởi các nước hoạt động dưới những tiêu chuẩn cao. Ông nói rằng điều đó sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, có ích cho nước Mỹ và định hình hoạt động thương mại quốc tế trong một thời gian rất lâu.
Cuộc đàm phán TPP, một khi kết thúc, sẽ chi phối 40% hoạt động xuất khẩu nhập khẩu của Mỹ. Các nước tham gia hiệp định có khoảng 1.500 tỉ đô la thương mại hàng hoá trong năm 2012 và 242 tỉ đô la thương mại dịch vụ trong năm 2011. 12 nước này chiếm 40 GDP của thế giới và 26% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Ông Charles Morrison, người đứng đầu Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ ý muốn gia nhập TPP trong 2 năm qua.
"Họ rất quan tâm tới tiến trình TPP và tôi nghĩ rằng họ tin là vào một thời điểm nào đó tiến trình này sẽ lập ra những tiêu chuẩn mà chính họ sẽ phải tuân thủ. Có rất nhiều tiêu chuẩn cho bất kỳ một công nghiệp nào và cho sự tạo dựng điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại nói chung. Đó là những việc rất quan trọng để có được một hệ thống mậu dịch hoạt động suôn sẻ và hoà hợp; và điều mà TPP đang cố gắng thực hiện là giải quyết những vấn đề gai góc của thế kỷ này và lập ra một khung sườn trong đó các hoạt động thương mại và kinh tế được phát triển tốt đẹp."
Ông Morrison cho biết ông không dự kiến là Trung Quốc sẽ gia nhập TPP trong tương lai gần, nhưng khi họ gia nhập, ông tin rằng Trung Quốc sẽ cởi mở hơn và có sức cạnh tranh nhiều hơn.
Sau nhiều năm thương thuyết trong vòng bí mật, TPP dự kiến sẽ loại bỏ thuế quan đánh vào hàng hoá và dịch vụ, tháo dỡ những rào cản phi thuế quan và làm cho các qui định quản lý của các nước hội viên trở nên hài hoà. Hiệp định này bao trùm nhiều công nghiệp khác nhau, kể cả dịch vụ tài chánh, viễn thông và vệ sinh thực phẩm.
Tổng thống Obama đang ra sức tranh thủ sự ủng hộ tại Quốc hội trước cuộc biểu quyết ở Hạ viện, có thể vào tuần sau, về vấn đề có nên dành cho tổng thống Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) hay không. Nếu có được quyền gọi là thương thuyết nhanh này, tổng thống sẽ trình các hiệp định thương mại cho quốc hội để phê chuẩn hoặc bác bỏ, chứ không sửa đổi. Thượng viện đã thông qua dự luật TPA hồi tháng trước, nhưng ông Morrison cho biết kết quả cuộc biểu quyết tại Hạ viện vẫn chưa chắc chắn.
"Lúc nào cũng có sự chống đối đối với các hiệp định thương mại tự do. Những hiệp định này luôn luôn có tranh cãi. Lúc nào cũng có kẻ thắng người thua và tất cả các tiếng nói cần phải được lắng nghe, và đó là một phần của tiến trình dân chủ ở nước Mỹ."
Để dự luật TPA, một dự luật cần thiết cho tương lai của TPP, được thông qua, ông Obama cần có sự ủng hộ của hơn 20 người trong số 188 dân biểu thuộc đảng Dân chủ, là những người lo ngại về việc nước Mỹ có thể bị mất công ăn việc làm và lương bổng của công nhân bị sút giảm. Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ tư, ông Obama thừa nhận là toàn cầu hoá và những sự tiến bộ kỹ thuật đã có một vai trò trong việc làm giảm đi sức mạnh của giới lao động và các công đoàn và dẫn tới chỗ nhiều công ăn việc làm bị chuyển ra nước ngoài.
Tổng thống Obama cho biết, không giống như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), hiệp định TPP có những qui định nghiêm khắc hơn và những tiêu chuẩn cao hơn. Ông nói rằng tuy không có điều gì có thể ngăn chận những công việc lương thấp chuyển sang các nước nghèo hơn, nhưng có thể sẽ có hàng trăm triệu người lao động làm việc dưới những tiêu chuẩn lao động quốc tế mới; và cho dù những tiêu chuẩn đó không được chấp hành 100% thì nước Mỹ vẫn có thể vận dụng ảnh hưởng để nâng cao tiêu chuẩn và đó là một việc tốt cho giới lao động ở Mỹ.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét