Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Nhân dân mong lắm Quốc hội lên tiếng về Biển Đông


Tiến sĩ Trần Công Trục: 
Nhân dân mong lắm Quốc hội lên tiếng về Biển Đông
Dù Trung Quốc có mưu mô thủ đoạn đến đâu trong việc bành trướng ở Biển Đông cũng không đáng sợ, chỉ sợ chúng ta không đủ niềm tin vào lẽ phải, vào chính mình.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

LTS: Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang gia tăng căng thẳng và diễn biến rất mau lẹ do các hành động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cùng sự quan tâm, can thiệp mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, dư luận đang đặc biệt quan tâm, theo dõi tình hình và sôi sục bàn bạc đối sách cho Việt Nam.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này, xin trân trọng được chuyển đến quý  độc giả.

Khoảng hai tuần trở lại đây, dư luận người Việt Nam trong và ngoài nước sôi sục theo những diễn biến mới nhất đáng báo động về hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp và quân sự hóa 7 bãi đá Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995.

Đặc biệt kể từ khi đài CNN Hoa Kỳ phát phóng sự về việc máy bay giám sát Hải quân Hoa Kỳ đã bay qua không phận quốc tế gần một bãi đá nơi Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp.

Các tầng lớp nhân dân, con em dân tộc Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài đang đặc biệt quan tâm, theo dõi sát tình hình và từng ngày, từng giờ mong chờ một tuyên bố, phản ứng, đối sách của nhà nước để  được chia sẻ, chung sức cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng mà cha ông chúng ta để lại.

Phải khẳng định rằng, đây là mong muốn, là tâm tư, tình cảm và nguyện vọng tha thiết hết sức chính đáng của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Nó không chỉ thể hiện mong muốn góp sức chung lòng cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà còn là trách nhiệm của mỗi người con giòng giống Lạc Hồng trước mối họa đối với chủ quyền đất nước ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, nơi các thế hệ cha anh chúng  ta đã đổ biết bao mồ hôi, công sức và xương máu để xác lập và gìn giữ chủ quyền. Mong muốn và tình cảm ấy đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Điều này thể hiện rất rõ trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Phải nói rằng chưa bao giờ người dân Việt Nam lại quan tâm sâu sắc, theo dõi sát sao và bình luận sôi nổi về tình hình biển, đảo của đất nước như bây giờ.

Các phương tiện truyền thông, báo, đài của chúng ta cũng đã dành thời lượng chưa từng có để đưa tin, cập nhật kịp thời các diễn biến mau lẹ trên Biển Đông, cùng các ý kiến phân tích, bình luận của các học giả trong và ngoài nước, các cán bộ lãnh đạo, quản lý và phản ánh tâm tư suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân.

Đó là một thực tế rất đáng mừng, đáng trân trọng mà không ai có thể phủ nhận.

Tháng Năm năm ngoái khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP và Reuters, người đứng đầu Chính phủ  đã tuyên bố dõng dạc: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Tuyên bố này  của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói lên tiếng nói, tấm lòng của hàng triệu người dân Việt Nam khiến đồng bào trong và ngoài nước nức lòng, phấn chấn và tin tưởng.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Biển Đông đã làm nức lòng rất nhiều người dân Việt Nam, được dư luận đánh giá cao. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, trước diễn biến hết sức mau lẹ của tình hình cũng như đứng trước các thời cơ và thách thức trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các tầng lớp nhân dân Việt Nam mong mỏi được cung cấp thông tin nhiều hơn nữa thể hiện rõ ràng lập trường chính nghĩa, quan điểm chủ trương và đối sách cụ thể của Đảng và Nhà nước ta.

Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết một số vị Đại biểu Quốc hội lên tiếng đề nghị Quốc hội thảo luận về tình hình Biển Đông, cần thiết ra nghị quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam trong Biển Đông và lên án các hành vi xâm phạm, gây hấn.

Tôi cho rằng ý kiến này là hoàn toàn xác đáng và cần thiết, nên làm và nó cũng là mong mỏi của mỗi người dân quan tâm đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Khi Quốc hội lên tiếng hiệu triệu, tôi tin rằng cả dân tộc Việt Nam đang sẵn sàng sát cánh cùng các đại biểu của mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia mà các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao xương máu để lưu giữ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đang hướng về Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mong chờ những đại biểu của nhân dân  thể hiện lập trường, chủ trương đường lối rõ ràng, đúng đắn, cụ thể, minh bạch của mình.

Từ đó Đảng và Nhà nước sẽ dễ dàng tập hợp tâm huyết và trí tuệ của người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước đã có chủ trương hết sức đúng đắn, các công việc dù lớn dù nhỏ của đất nước đều để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tương lai của dân tộc, an nguy của nước nhà là việc hệ trọng mà mỗi người dân đều quan tâm và có trách nhiệm.

Hồ Chủ tịch từng nói, "dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Lúc này hơn bao giờ hết, người dân gửi gắm mong muốn, niềm tin của mình vào Quốc hội và mong được chung sức, chia sẻ với Quốc hội đang gánh vác trọng trách đối với việc gìn giữ giang sơn, bờ cõi trước họa xâm lăng và nghĩa vụ chung sức cùng với bạn bè khu vực và quốc tế trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển chung trước nguy cơ bị đe dọa, phá hoại nghiêm trọng.

Ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập, ngày 20/11/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị "Tìm người tài đức", trong đó khẳng định: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào (dân số nước ta thời điểm đó - TS) chắc không thiếu người có tài đức”.

Trong văn bản quan trọng này, Hồ Chủ tịch đã viết: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta, ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay” (Hồ Chí Minh-Toàn tập, tập IV, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1984, trang 57).

Bài viết “Tìm người tài đức” của Bác năm 1946 đăng trên Báo Cứu quốc số 411 ngày 20/11/1946. Nguồn: bqllang.gov.vn.

Ngày nay không ít người Việt Nam trong và ngoài nước có tâm huyết, tài năng, trí tuệ và điều kiện đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Lâu nay đã có các học giả, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân hay  nhà sưu tầm đã bỏ tiền, bỏ công sức nghiên cứu sưu tầm và công bố các tài liệu có giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích chính đáng đối với các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam trong Biển Đông.

Tôi tin rằng họ sẵn sàng hiến tặng cho nước nhà, chung sức với Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong công tác bảo vệ các quyền thiêng liêng và chính đáng đó.

Với tấm lòng của một người dân đất Việt và kinh nghiệm từng làm công tác biên giới lãnh thổ, nhiều năm nghiên cứu Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và đã trực tiếp tham gia đàm phán với Trung Quốc, và tư cách của một cử tri tôi xin nêu một vài kiến nghị về việc chung sức chung lòng bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để Quốc hội xem xét.

Đồng thời cá nhân tôi cũng mong muốn được góp sức cùng nhân dân trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ học giả người Việt ở trong nước cũng như nước ngoài cùng nhau bảo vệ lấy cơ đồ của Tổ tông.

Một là thành lập ngay một tổ chức thống nhất quy tụ đội ngũ học giả, nhà quản lý, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước về Biển Đông

Lực lượng này rất cần thiết và cấp bách để nghiên cứu,tham mưu cho lãnh đạo đất nước trong việc thống nhất hoạch định chiến lược, sách lược đối phó với các tình huống nhằm gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ một cách có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của Tổ quốc, dân tộc, nhất là trên các vùng biển đảo của Việt Nam trong Biển Đông;

Giúp cho lãnh đạo trong công tác chỉ đạo về mặt chuyên môn các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Lâu nay chúng ta đã rất nỗ lực giáo dục, tuyên truyền, truyền thông kịp thời đến người dân về công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ. Bằng chứng là hàng trăm đầu sách được phát hành, hàng trăm cuộc hội thảo trong và ngoài nước, các cuộc triển lãm về các bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được tổ chức.

Truyền thông nước nhà đã phát hiện kịp thời, đấu tranh chống các hành vi leo thang gây hấn trên thực địa của Trung Quốc đặc biệt là trong vài năm trở lại đây. Chính sự chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền kịp thời của chúng ta đã giành được ủng hộ rộng rãi từ dư luận quốc tế trong vụ Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái.

Ngày càng có nhiều học giả, nhà nghiên cứu lên tiếng vạch trần bộ mặt, bản chất các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà phía Trung Quốc đã, đang và sẽ thực hiện. Có rất nhiều bài báo phân tích sâu sắc, lập luận chắc chắn, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, phản đối các âm mưu, thủ đoạn xâm phạm.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc đấu tranh hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, những thành quả nói trên còn chưa tương xứng, nếu không muốn nói là còn nhiều yếu kém.

Có thể nói là chúng ta mới chủ yếu mình nói, mình nghe mà thiếu một chiến lược và hoạt động truyền thông bài bản, đặc biệt là đến đối tượng là các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chiến lược nước ngoài quan tâm đến vấn đề Biển Đông.  

Muốn được khu vực và thế giới ủng hộ chúng ta, bản thân chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền, cung cấp hệ thống bằng chứng có giá trị pháp lý để chứng minh cho chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình.

Chúng ta đang thiếu và yếu trong công tác đấu tranh bằng con đường học thuật, pháp lý, bằng chứng đủ sức thuyết phục dư luận quốc tế ủng hộ ta, cũng như tranh tụng trước các cơ quan tài phán.

Theo dõi các hoạt động truyền thông, báo chí đưa tin về tình hình Biển Đông tôi thấy vẫn còn không ít bất cập khi không ít bài viết còn nhầm lẫn những khái niệm pháp lý hết sức cơ bản theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đặc biệt là các khái niệm và hiệu lực pháp lý của đảo, quần đảo, quốc gia quần đảo, bãi đá và rặng san hô ngập dưới mặt nước biển khi thủy triều lên.

Đánh dấu trên bản đồ của Google vị trí giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt năm nay theo tọa độ Cục Hải sự nước này công bố 17°08′14″.0N/110°00′30″.7E. Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định vị trí này nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng chưa phân định ranh giới giữa ta và Trung Quốc. Đó là một cái bẫy pháp lý nguy hiểm Trung Quốc đang giăng ra với Việt Nam.

Trung Quốc họ nghiên cứu rất kỹ và nhằm trúng điểm yếu này của chúng ta để ra tay trong vụ giàn khoan 981 năm ngoái cũng như năm nay. Rồi việc có những ý kiến băn khoăn không biết ta nên ủng hộ hay phản đối khi Hoa Kỳ lên tiếng sẽ tuần tra không phận quốc tế phạm vi 12 hải lý xung quanh 7 bãi đá mà Trung Quốc đang bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa.

Đó là những vấn đề thực tiễn nóng hổi đặt ra hàng giờ, hàng ngày đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược đối phó mang tính hệ thống, xuyên suốt và chuẩn xác.

Hai là cần sớm hoàn thiện Hồ sơ pháp lý của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và  Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của chúng ta trên Biển Đông theo UNCLOS.

Tôi tin rằng các cơ quan tham mưu, hoạch định chiến lược của chúng ta đã chuẩn bị một bộ hồ sơ pháp lý thể hiện chi tiết lập trường, quan điểm, chiến lược và đặc biệt là các bằng chứng có giá trị pháp lý của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp của Việt nam đối với các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam trong Biển Đông.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đây đó vẫn còn những nhận thức khác nhau đòi hỏi chính người Việt chúng ta phải thống nhất nhận thức với nhau trước mới có đủ tự tin và sức mạnh để đấu tranh với các bên liên quan, đặc biệt là với Trung Quốc.

Tất cả những vấn đề tồn đọng do lịch sử để lại chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta tập hợp được đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước cùng một nhịp đập trái tim, hơi thở với khát vọng bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ngồi lại cùng nhau, tập trung trí tuệ để có được các đối sách vững vàng và hiệu quả trước âm mưu lợi dụng những sơ hở của ta mà phía Trung Quốc luôn rắp tâm tìm kiếm, thậm chí gài bẫy ta.

Khi có một bộ hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ, hệ thống, khoa học, khách quan với đầy đủ chứng lý, công tác đấu tranh, tuyên truyền, giáo dục của chúng ta về chủ quyền biển đảo mới thực sự bền vững.

Mặt khác, trên cơ sở hồ sơ này, chúng ta sẽ kịp thời có các phản ứng cần thiết, phù hợp trước các diễn biến đang hết sức mau lẹ trên Biển Đông như hiện nay.

Nó cũng góp phần quan trọng củng cố nhận thức đầy đủ và chính xác, củng cố lòng tin của người dân Việt Nam một cách có cơ sở khoa học vững chắc về chủ quyền biển đảo, đẩy lùi những hoài nghi, lo ngại do thiếu thông tin hoặc nhận thức chưa chính xác.

Ba là, trong khi chờ Đảng, Nhà nước và Quốc hội lên tiếng và có những đối sách cụ thể, tôi rất mong mỏi đội ngũ học giả, nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước hãy làm hết sức mình trong phạm vi có thể để tham gia vào công tác nghiên cứu, quảng bá giới thiệu về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa.

Có một thực tế rằng Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam  năm 1956, 1974, 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa năm 1988 và bãi Vành Khăn năm 1995 rồi chiếm đóng bất hợp pháp từ đó  đến nay.

Và cũng có thực tế là họ đã lập hàng chục cơ quan nghiên cứu quy mô lớn để tuyên truyền cho cái yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp và bành trướng trên Biển Đông.

Trung Quốc đang tìm mọi cách để tuyên truyền, quảng bá trên các diễn đàn quốc tế về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của họ đối với hầu hết Biển Đông trong yêu sách đường “lưỡi bò” hết sức phi lý; đồng thời với những hành động hòng đánh lừa dư luận, cài bẫy để giành sự công nhận trên thực tế của các bên trực tiếp hay gián tiếp có liên quan trong và ngoài khu vực đối với yêu sách chủ quyền của họ trong hầu hết Biển Đông.

Trong khi đó, nếu đội ngũ nghiên cứu người Việt chúng ta không đáp trả kịp thời và tương ứng thì vô hình chung chúng ta đã nhường trận địa, nhường thế thượng phong cho đối thủ trên mặt trận tuyên truyền và tập hợp sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ.

Nguy hiểm hơn, với lối nói lấy được cộng với việc chi tiền mua chuộc một số học giả quốc tế, thậm chí là mua chuộc một số quốc gia để đổi lấy sự ủng hộ chủ trương yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc đã và đang tạo ra rất nhiều khó khăn cho ta trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

Vì vậy hơn lúc nào hết, lúc này lực lượng học giả, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách người Việt trong và ngoài nước cần lên tiếng. Hãy tạm gác lại mọi sự khác biệt trong nhận thức do lịch sử để lại, chỉ cùng nhau nỗ lực bảo vệ chủ quyền, tôi tin rằng chắc chắn chúng ta sẽ thắng.

Niềm tin của tôi không phải vô căn cứ, mà nó chính là bài học của cha ông chúng ta để lại. Sách “Đại Việt sử lược” và “Việt Nam sử lược” còn chép rất rõ câu chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh, thủ khoa đầu tiên của kỳ thi đầu tiên trong nền khoa bảng Nho học Việt Nam đã dùng tài ngoại giao của mình để đòi lại đất đai cho Tổ quốc khi đàm phán với nhà Tống. Theo Wikipedia:

“Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), ông được cử đi đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã "phân giải mọi lẽ", nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt (Việt Nam ngày nay) 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây, và cho thông sứ như cũ. Tiếc của, vì nghe đâu nơi ấy có vàng, người Tống có thơ rằng:

'Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim’

Nghĩa là:

Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên”.

Vì vậy dù Trung Quốc có mưu mô thủ  đoạn đến đâu trong việc bành trướng ở Biển Đông cũng không đáng sợ, chỉ sợ chúng ta không đủ niềm tin vào lẽ phải, vào chính mình mà thôi.

Ts Trần Công Trục
(Giáo Dục)
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Tien-si-Tran-Cong-Truc-Nhan-dan-mong-lam-Quoc-hoi-len-tieng-ve-Bien-Dong-post158952.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét