Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Hãy viết theo ý mình

Hãy viết theo ý mình
Danh Đức (TBKTSG) - Viết là một hành động mang tính cá nhân, văn hào Pháp Flaubert đã từng nói về mình và tác phẩm của mình: “Bà Bovary, là chính tôi đấy”. Đây chính là điều mà người làm báo luôn phải khắc ghi.
Tất nhiên, trong một tòa soạn, trước khi viết cũng phải báo đề tài, trao đổi với biên tập viên, và dòm trước, ngó sau. Song, đó chính là những khuôn khổ của mọi người viết báo của mọi tờ báo trong mọi xã hội. Xã hội nào cũng có những giới hạn của nó, tờ báo nào cũng có những tôn chỉ hay ràng buộc của nó, và trong công việc làm báo luôn có khâu “coaching”, tức biên tập viên bàn bạc đề tài với phóng viên. Song, những giới hạn đó lớn hay nhỏ, nặng nề hay nhẹ, là do tính tự chủ của người làm báo. Càng tự chủ, sẽ càng thấy rộng đường...

Tự chủ từ chính việc chọn đề tài. Có nhiều thái độ có thể có. Hoặc cứ thông cáo báo chí, cứ tin thông tấn mà đưa lại, thậm chí tô màu thêm... Hoặc từ cái nguồn tin ban đầu đó tìm kiếm, kiểm tra thực hư hay đánh giá lại thực trạng, đặt lại vấn đề. Cách đây gần chục năm, báo chí đăng một tin thương tâm: một bé trai đi học về, đi ngang một cây cột điện, dây điện giăng hay rớt sao đó mà em bị điện giật chết. Những tin cháy nhà, tai nạn kiểu đó, vào những năm 1980 còn không thấy trên mặt báo! Nay thì đăng hết ngày này sang ngày khác, với đủ mọi giải thích từ các kỹ sư điện. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi là ai phải chịu trách nhiệm về sự mất mát nhân mạng đó, thì lại không nói đến! 

Rồi thì cũng có một nhà báo tra cứu nêu ra hai án lệ ở nước ngoài, hai vụ điện giật ở nơi công cộng: xã trưởng và giám đốc công ty có dàn máy gây phóng điện đó phải ra tòa, chịu án tù. Tất nhiên, việc nêu án lệ đó cũng “chẳng đi đến đâu”! Y hệt việc có tờ báo ngày nào cũng dành cả một phần chân trang để đăng tin, ảnh khiếu nại chẳng hạn ở đây cây cột đèn “say xỉn”, ở kia cái nắp cống bị văng..., và rồi hôm sau báo công rằng vụ đó, đơn vị kia “đã sửa sai”. Cách làm kiểu “công tác bạn đọc” đó chẳng khác gì vá lỗ mọt. Nếu tất cả cùng nhấn thêm một bước là quy trách nhiệm và làm dấy lên một đòi hỏi trách nhiệm, hy vọng sẽ lần hồi giảm bớt tình trạng “chẳng ai trừng phạt ai” để biến chuyển thành một tinh thần trách nhiệm phổ quát. Tạo được chuyển biến đó có lẽ phải tính bằng đơn vị là chục năm!

Chuyển biến ý thức xã hội không hề là một điều đơn giản, có thể thực hiện bằng lý thuyết, sách vở hay bằng cấp. Càng không bằng cách kẻ khẩu hiệu. Những tranh luận gần đây về những phát biểu quy chụp của ai đó về quyền giữ im lặng cho thấy bằng cấp cũng chưa phải là một đảm bảo thông hiểu. Cũng thế chuyện vịn vào dân trí thấp! Dân trí, nếu có còn thấp hay chăng, là do nền giáo dục như thế nào, do làng báo như thế nào?! “Văn dĩ tải đạo” (chở đạo lý) hay “tái đạo” (khôi phục đạo lý) là nhiệm vụ đầu tiên của người làm báo.

“Đạo lý” đó không chỉ là lý thuyết dân chủ suông mà là làm sao ứng dụng các lý thuyết đó trong đời sống hàng ngày. Kịch tác gia Pháp Molière đã vẽ ra nhân vật “trưởng giả học làm sang” há hốc mồm khi nghe người gia sư nói “Thì tôi đang dạy ông làm văn xuôi chớ còn gì nữa! Khi ông nói, tức là ông đang làm văn xuôi”, rồi cứ thế mà vỗ ngực: “Ta đang làm văn xuôi!”. Trong danh mục các giải Pulitzer của làng báo Mỹ, hạng mục giải thưởng đầu tiên là “công vụ”. Năm nay giải này được trao cho tờ The Post & Courier, ở Charleston, bang South Carolina, cho loạt bài “Đến chết mới chia lìa”, giải thích tại sao bang này lại là một trong những bang nguy hiểm nhất đối với phụ nữ, và đặt vấn đề chính quyền bang đó cần phải làm gì. Vào chung kết giải này là tờ The Boston Globe với loạt bài về những điều kiện tồi tệ mất an toàn, có thể dẫn đến chết người trong hệ thống ký túc xá duy lợi nhuận ở Boston, và tờ The Wall Street Journal cho loạt bài về nguy cơ gây ung thư cho phụ nữ qua điều trị nội khoa.

Khi chạm đến những vấn đề sống còn đó của người dân, chính là nói thay người dân. Ý của người làm báo sẽ là ý của dân và ý của trời (vox populi, vox dei).

http://www.thesaigontimes.vn/131726/Hay-viet-theo-y-minh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét