Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Đê Mê Các Tướng hay "Vùng Oanh Kích Tự Do"

Đê Mê Các Tướng hay "Vùng Oanh Kích Tự Do"
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người viết này giao du với một “câu lạc bộ tự phát” gồm một số học giả và giáo sư Mỹ có chung mối quan tâm là cuộc chiến Việt Nam. Nhiều người trong số này từng phục vụ tại Việt Nam và nay là giáo sư Đại học hay giảng sư trong các trường Võ Bị Hoa Kỳ. Một số là dân kỳ cựu về Á châu hoặc đã viết sách về chuyện Việt Nam. Người viết còn thành thật khai báo rằng năm năm trước đã mời bốn chuyên gia trong số này đến Quận Cam để trình bày quan điểm của họ về cuộc chiến kết thúc 35 năm trước.

* Tổng thống Lyndon B. Johnson *
Nói vắn tắt, cái “cờ lờ bờ” này thường xuyên trao đổi với nhau những tin tức hay lý giải về chuyện xưa để tìm lại sự thật. Thế rồi tuần qua, một vấn đề xa lắc lại được họ hâm nóng. Đó là một cuộc họp không còn dấu tích trong hồ sơ chính thức, mà chắc chắn là đã có do sự xác nhận của những “người trong cuộc”, là một số tướng lãnh Hoa Kỳ.

Chuyện ấy chẳng có gì là bí mật nên khách ngồi bên được đọc ké… trước độc giả. Với điều kiện là không xâm phạm vào chai Cô Nhắc treo lơ lửng trên đầu, theo lời nguyện của người viết với trẻ nhỏ trong nhà!
Khi Tổng Thống Văng Tục…. 

“Tổng thống sẽ tiếp quý ông vào lúc hai giờ”…

Câu chuyện khởi đầu như vậy. Không - gõ sai rồi! Câu chuyện 1975 khởi đầu như vậy, khoảng 10 năm trước đó, vào năm 1965.

Tổng thống đây là Lyndon B. Johnson của Hoa Kỳ. Được diện kiến Tổng thống là bốn tướng trong Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Joint Chiefs of Staff, Mỹ hay viết tắt là JCS.

Cầm đầu là Chủ tịch Hội đồng, Đại tướng Earle Wheeler, cùng Đại tướng Harold Johnson Tham mưu trưởng Lục quân, Đại tướng John P. McConnell Tham mưu trưởng Không quân, Đại tướng Wallace M. Green của Thủy quân Lục chiến, và Đô đốc David McDonald của Hải quân. Vào thời ấy, đấy là bốn người cao cấp nhất Quân lực Hoa Kỳ, có trách nhiệm chỉ huy quân đội ở dưới và ở trên thì làm tham mưu cho Tổng trưởng Quốc phòng và Tổng thống.

Trong cuộc gặp gỡ, có Trung tá Thủy quân Lục chiến Charles Cooper, vừa từ chiến trường Việt Nam trở về, được đi cùng Đô đốc McDonald với tấm bản đồ chuẩn bị cho cuộc họp.

Sau này, ông Cooper lên tới cấp Thiếu tướng. Khi về hưu thì viết cuốn hồi ký “Cheers and Tears: A Marine's Story of Combat in Peace and War”, xuất bản năm 2002. Câu chuyện năm xưa được ông dẫn vào sách, và được ngần ấy viên tướng xác nhận.

Lý do là họ lo lắng.

Các đơn vị tác chiến Hoa Kỳ vừa được tung vào chiến trường Việt Nam từ Tháng Ba, và các tư lệnh không biết rằng giới lãnh đạo dân sự, từ Tổng thống Johnson ở trên đến Tổng trưởng Quốc phòng Robert Strange McNamara ở dưới và Nội các Hoa Kỳ muốn đưa cuộc chiến về đâu.

Trong hệ thống quân giai của một xứ dân chủ như Hoa Kỳ, lãnh đạo là do dân bầu lên. Các tướng cùng quân đội chỉ thừa hành mệnh lệnh của thượng cấp sau khi nêu ý kiến với tính cách tham mưu, cố vấn, nếu được lãnh đạo hỏi ý. Những trường hợp người hùng áo kaki nổi đóa với thượng cấp áo trắng, như Thống tướng năm sao Douglas MacArthur với Tổng thống Harry Truman, chỉ chứng minh sức mạnh của nền dân chủ: lãnh đạo quân đội là bậc dân cử tối cao, chứ sao nào thì cũng chỉ là sao sẹt!

Có ai đó bên Pháp đã dạy, rằng chiến tranh là chuyện quá hệ trọng để giao cho các tướng. Quả nhiên là lời khuyên công hiệu, nên Pháp mới tưng bừng thất trận! Nhưng xin trở lại chuyện Mỹ.

Vào thời điểm ấy, 12 năm sau Chiến tranh Cao Ly, Hoa Kỳ vừa mở ra một chiến trường mới tại Á châu. Đối phương lần này là Bắc Việt Cộng sản. Đằng sau có Liên bang Xô viết và Trung Cộng với mấy chữ vàng như “nghĩa vụ quốc tế” để giúp miền Bắc “giải phóng dân tộc” bằng cách tấn công miền Nam. Nghĩa là đằng sau Hà Nội là “cố nhân” Nga Tầu của các tướng lãnh Mỹ, xưa kia đã từng phục vụ trong Thế chiến II tại Âu châu và Á châu. Gần đây thì họ chưa quên việc Giải phóng quân của Bắc Kinh là “chí nguyện quân” tràn vào cấp cứu Bắc Hàn Cộng sản cho tới Hiệp ước Ngưng bắn năm 1953.

Họ không quên lời Thống tướng MacArthur cho Tổng thống John Kennedy năm 1961 là không nên xây dựng lực lượng quân sự tại Việt Nam mà phải chú ý đến nội tình Việt Nam. Họ càng không quên lời một Thống tướng sau này là Tổng thống Eisenhower: tránh đổ quân vào Châu Á.

Lần này, Hoa Kỳ lại vừa đổ quân và các tướng lãnh phân vân.

Liên Xô sẽ làm gì khi đồng chí cộng sản ở Hà Nội bị tấn công? Gần hơn cả, Trung Cộng sẽ làm gì nếu đường tiếp vận cho Hà Nội bị gián đoạn? Họ sẽ tái diễn Chiến tranh Cao Ly tại Đông Bắc Á bằng cách đổ quân vào một xứ Đông Nam Á? Hay là đứng ngoài giám trận, xem cái xứ Việt Nam rất nghi ngờ Trung Quốc từ ngàn xưa sẽ xoay trở ra sao?

Vể những thắc mắc ấy, hệ thống quân báo của các binh chủng đều lượng định rằng hậu phương Nga Hoa sẽ không nhập trận. Có tin được không? Hỏi Trung ương Tình báo CIA thì họ còn mơ hồ hơn nữa. Báo cáo của CIA là một chuỗi văn chương tuyệt mật mà vô dụng - vì không có kết luận gì trừ một điểm: không biết được phản ứng của Liên Xô và Trung Cộng! Có gì là mới đâu….

Vì vậy, năm 1965, khi một cuộc chiến mới lại vừa mở ra, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã ra sức nghiên cứu lại và mọi người đều đồng ý với kết luận: 1) rủi ro đụng trận với Liên Xô và Trung Cộng là thấp và chấp nhận được – nguyên bản là “acceptably low” - với điều kiện là 2) phải sớm có hành động quyết liệt với Hà Nội để Mỹ khỏi đổ quân nhập trận.

Khốn nỗi, Tổng trưởng Quốc phòng McNamara và đám cố vấn dân sự, toàn là nít nôi uyên bác - “whiz kids” - lại chủ trương khác. Họ muốn tung quân vào trận địa mà không hiểu gì về hậu quả. Vì các cuộc thảo luận giữa những người cầm quân và kẻ ra lệnh ở trên chẳng đi tới đâu, các tướng mới xin được gặp riêng vị Tư lệnh Tối cao là Tổng thống để trình bày quan điểm của họ. McNamara trả lời: Xin cứ tự nhiên!

Sau khi trình lên lời thỉnh nguyện, các tướng được biết Tổng thống Johnson sẽ tiếp kiến vào lúc hai giờ tại Phòng Bầu Dục.

*
Trung tá Thủy quân Lục chiến Charles Cooper được lệnh thượng cấp đem theo bản đồ để giải trình ý kiến của Hội đồng Tham mưu trưởng: xin đề nghị là không nên đổ quân vào Việt Nam, mà nên dùng thủy lôi phong tỏa các hải cảng, nhất là Hải Phòng, và oanh tạc Hà Nội cùng các đường tiếp vận của khối cộng sản.

Ông kể lại từng chi tiết của cuộc gặp gỡ lịch sử này. Ai đứng đâu, phát biểu những gì….

Lịch sử nhất là vẻ ôn tồn nhã nhặn ban đầu của vị Tổng thống cao gần thước chín, hình như là vừa qua một cuộc giải phẫu túi mật và lầu bầu khoe sẹo với mọi người về nỗi đau như của một nàng công chúa vừa bị đứt tay. Rồi đến phần trình bày tường tận và thống nhất của các tướng lãnh, trước hết là Đại tướng Wheeler rồi Đô đốc McDonald, rồi Đại tướng McConnell….

 
Tổng trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara

Vì không được tổng thống mời ngồi nên họ cứ phải đứng quanh mà phát biểu. Cái dàn gỗ theo bản đồ minh diễn như Tùy viên Quân sự của Tổng thống đã hứa cũng chẳng có nên Trung tá Coopers tự giang tay như trời trồng làm cái giá cắm bài.

Và viên Trung tá thiếu điều để rơi tấm bản đồ vì kinh ngạc trước phản ứng của Tổng thống Johnson. Sau khi im lặng nghe, Johnson đột nhiên văng ra những chữ mà Thủy quân Lục chiến với nhau cũng ít dám dùng!

Khách nhớ thời quân ngũ xa xưa nên xoa đầu khoái trá: gã Johnson này đúng là cao bồi Tếch-xịt!

Phải viết bài cho độc giả thì mình nhớ nàng Hồ Xuân Hương. Hay cái thuật nói lái để tránh nói tục.

Chẳng hạn như cao điệu hơn, ta có chữ “ái ân với thân mẫu” lại có vẻ văn học để khỏi dùng chữ Đê Em. Hay động từ “diện kiến mẫu thân” có dáng văn minh hơn chữ “thấy mẹ”…. Chỉ vì hôm đó, những danh từ về cửa hậu của thân thể, về cặn bã của ruột gan, nôm na là cứt đái, hay động từ F chỉ hành động giao cấu, đã từ miệng của Tổng thống Mỹ bay ra như bướm trong Phòng Bầu Dục.

Tổng thống Lyndon Johnson lộ con người thật là kẻ vô giáo dục và dùng thậm từ mạt sát từng người sau khi lần lượt hỏi ý kiến của họ. Câu kết luận của ông là: “Cút hết!”

Đấy là các sĩ quan đã phục vụ Tổ quốc từ nhiều thập niên trên ba chiến trường để lên tới vị trí cao nhất trong quân đội. Lên tướng là phải có sự phê chuẩn của Thượng viện. Và ý kiến chuyên môn của họ được lãnh đạo đón nhận như vậy, với những lời nhục mạ.

Có lẽ vì thế mà chẳng ai được đọc trong thư khố của Phủ Tổng thống hay Ngũ Giác Đài một ghi chép nào về cuộc họp này. Có người còn phỏng đoán rằng chính McNamara đã báo trước cho Johnson về ý kiến của quân đội nên họ mới cố tình dàn trận như vậy!

Chuyện sau này là lịch sử.

Johnson cùng đám trí thức do cậu ấm John Kennedy để lại đã lao vào Việt Nam rồi từng bước leo thang chiến tranh cho tới khi tuột thang đi xuống. Tám năm sau, Tổng thống Richard Nixon mới áp dụng đề nghị năm xưa với kết quả không ngờ. Nhưng lòng dân đã đổi - Hoa Kỳ thất trận thê thảm. Và Hà Nội được thể nói phét đến xủi bọt Đông Hải rồi nay lại nháy nhó với Mỹ đế.

Mãi sau này, 30 năm sau, 1995, McNamara mới công nhận rằng mình lầm. Mẹ kiếp!

*
Nhìn sang bên cạnh, khách đã buông tiếng Đê Mê.

http://dainamaxtribune.blogspot.com/2015/05/e-me-cac-tuong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét