Đại gia Lê Thanh Thản: Tiền đâu mà xây 45 khách sạn?
Sở hữu CTCP Tập đoàn Mường Thanh hiện nay vẫn là 3 nhân vật chính là ông Lê Thanh Thản, bà Lê Thị Hoàng Yến và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Lê Thị Hoàng Yến).Tháng 10 năm 2012 Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh được đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Sau khi nhiều năm tu nghiệp ở Anh trở về, con gái cả của đại gia Lê Thanh Thản là Lê Thị Hoàng Yến đã được cha giao trọng trách điều hành khối khách sạn đồ sộ này. Hoàng Yến sinh năm 1987, hiện đang là Tổng Giám đốc Mường Thanh.
Tính đến 24/4/2015 CTCP Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản, trong đó ông Lê Thanh Thản nắm 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến nắm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên nắm giữ 10%.
Số phòng khách sạn hiện của của Mường Thanh
-Miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn
-Miền Nam: Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Thơ
-Vùng Cao: Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang
Tiền đâu đổ vào khách sạn?
Chưa kể thương vụ thâu tóm khách sạn Phương Đông tại Tp. Vinh bằng việc mua lại 39% CTCP Du lịch Đầu khí Phương Đông của đại gia Lê Thanh Thản và con rể là ông Đỗ Trung Kiên (chồng Lê Thị Hoàng Yến), Mường Thanh hiện đang sở hữu 39 khách sạn, nếu tính cả những dự án đang triển khai và sẽ khai trường giai đoạn 2015-2016 con số này có thể lên tới 45 khách sạn.
Nhiều người đặt dấu hỏi nguồn tiền từ đâu để Mường Thanh xây dựng khối lượng khách sạn lớn như vậy? Câu hỏi này chắc sẽ không khó trả lời nếu nhìn vào hoạt động kinh doanh công ty này.
Đại gia Lê Thanh Thản nổi tiếng với việc kinh doanh phân khúc nhà ở thương mại trung bình, với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, căn hộ tại các dự án bất động sản mà ông Thản bán đều có giá trị nằm trong khoảng 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, phân khúc nhà ở có nhu cầu rất lớn. Do đó, các dự án này mỗi khi mở bán đều đắt như tôm tươi, lượng căn hộ hàng năm được bán ra lên đến cả chục nghìn căn hộ.
Giả sử với việc nhẩm tính đơn giản, thống kê sơ bộ năm 2014 Mường Thanh bán ra thị trường khoảng 12.000 căn hộ tại Hà Nội, ước tính trung bình mỗi căn có giá trị trung bình khoảng 800 triệu đồng, thì doanh số có thể lên tới cả chục nghìn tỷ đồng, có thể còn cao hơn con số này. Đó mới chỉ là sản phẩm căn hộ, chưa kể những căn biệt thự,liền kề ở những khu đô thị mới và cả nghìn căn hộ ở tỉnh, thành khác như Nha Trang (1.300 căn).
Ngoài việc quay dòng tiền bằng cách M&A các dự án với quan điểm “ai có dự án không triển khai được, đại gia Lê Thanh Thản sẵn sàng mua, miễn sao giá cả và vị trí hợp lý” để phát triển tiếp các dự án nhà ở, đại gia này còn tính đến chiến lược lâu dài đó là dùng tiền kiếm được từ kinh doanh nhà ở đổ vào khách sạn. Đây mới là các BĐS mà gia đình đại gia Lê Thanh Thản sở hữu và kinh doanh với dòng tiền ổn định hàng năm.
Khách sạn Mường Thanh mọc lên như nấm
Năm 1997, khách sạn Mường Thanh đầu tiên xuất hiện tại phố Điện Biên Phủ, Điện Biên. Sau đó vài năm, sau khi đặt khách sạn cho đối tác nước ngoài ở khách sạn Daewoo Hà Nội có giá 200 USD, và rất khó để đặt phòng nên ông Thản đã quyết đầu tư vào mảng khách sạn tại Hà Nội. Từ đó, năm 2003 khách sạn Mường Thanh Hà Nội đã mọc lên. Những năm tiếp theo các khách sạn mang tên Mường Thanh lần lượt mọc lên theo chiều dài của đất nước.
Tính đến nay, hệ thống khách sạn Mường Thanh tính cả những dự án đang triển khai đã lên đến con số 45. Nhiều tỉnh, thành phố lớn nổ tiếng về du lịch đã có chuỗi khách sạn này như Mường Thanh Linh Đàm (Hà Nội), Mường Thanh Nghệ An, Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Sapa, Mường Thanh Nha Trang…Riêng tại Hà Nội, hiện Mường Thanh đang sở hữu 3 khách sạn.
Năm 2014, Tập đoàn này đã khai trương 6 khách sạn, mở rộng bản đồ kinh doanh tới gần 30 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Năm 2015, theo tính toán của ông Thản, Tập đoàn sẽ khai trương thêm 10 khách sạn, trong đó chiến lược là tại TP. HCM.
Bên cạnh đó, động thái mới của Mường Thanh đó là xây dựng những khách sạn cao cấp ở những tỉnh, thành mới có lợi thế về du lịch như Lý Sơn, Quảng Ngãi, Cần Thơ.
Qua những con số này, cho thấy Tập đoàn Mường Thanh đang được xem như là tập đoàn tư nhân sở hữu chuối khách sạn lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ước tính với 39 khách sạn đang hoạt động, tổng cộng số nhân viên của Tập đoàn Mường Thanh lên tới khoảng 3.000 người và khoảng 5.627 phòng khách sạn. Một công ty nghiên cứu lĩnh vực khách sạn đưa ra thống kê cả nước có khoảng 62000 phòng khách sạn tính đến 2013. Như vậy có thể ước tính được lượng phòng khách sạn của tập đoàn Mường Thanh chiếm khoảng 9-10% trên thị trường.
Là công ty gia đình nên việc thông tin công khai về các dự án cũng như quỹ đất của đại gia này khó có thể nắm hết. Khối tài sản với 45 khách sạn hiện có cũng mới chỉ là bề nổi. Ông Thản không tiết lộ quỹ đất nhưng nói như ông thì "cứ làm tiếp thôi', và giới thạo tin địa ốc thì ông vẫn còn đủ quỹ đất để phát triển các dự án ở phía Tây Thủ đô. Mỗi một năm ông Thản lại cho ra lò cả chục tòa chung cư.
Tuy nhiên, gắn với sự nổi tiếng đó, hàng loạt dự án của đại gia nổi tiếng này đang hé lộ những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng, về chất lượng công trình; về nghĩa vụ thực hiện thuế đối với nhà nước...cơ quan quản lý nhà nước hiện đang tiến hành thanh tra hàng loạt dự án BĐS của tập đoàn này.
(Theo Trí thức trẻ)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/241363/dai-gia-le-thanh-than--tien-dau-ma-xay-45-khach-san-.html
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/241363/dai-gia-le-thanh-than--tien-dau-ma-xay-45-khach-san-.html
Muốn biết anh Thản giàu nhờ đâu thì lên Điện Biên hỏi những doanh nhân thời kỳ 1980-1990. Nhé
Trả lờiXóaMuốn biết anh Thản giàu nhờ đâu thì lên Điện Biên hỏi những doanh nhân thời kỳ 1980-1990. Nhé
Trả lờiXóa