Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Đường tàu điện ngầm cũng bị uốn cong mềm mại?

Đường tàu điện ngầm cũng bị uốn cong mềm mại?
 Đường hầm của ga C6 phải uốn cong từ C5 trên đường Hoàng Hoa Thám để lượn sang phố Thụy Khuê, rồi lại uốn cong tiếp để lượn về C7. Để thuyết phục hơn, các hộ dân sinh sống tại đây đã bỏ tiền túi để thuê một số chuyên gia về đường sắt đô thị, trong đó có TS. Wessels - chuyên gia thiết kế, tư vấn về công trình giao thông đô thị và đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tàu điện ngầm ở Thái Lan, Hồng Kông và Nam Mỹ.

Sơ đồ dự án xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2
Cong bất thường
Đó là miêu tả của bà Bùi Thu Huyền, đại diện các hộ dân cụm dân cư Thụy Khuê khi nói về Dự án Xây dựng tàu điện ngầm tuyến số 2 tại cuộc đối thoại giữa tư vấn của dự án, đại diện các sở ban ngành chức năng TP.Hà Nội với các hộ dân, ngày 17/4. Bà Huyền cũng phân tích thêm: "Theo quy hoạch, dự án có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó 8,9 km đi ngầm và 2,6 km đi trên cao.

Trên toàn tuyến có 10 ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga đi ngầm, được đánh số từ C1 - C10. Trong đó C6 hay còn gọi là ga Bách Thảo có diện tích đất cần thu hồi là 5.954 m2, ảnh hưởng tới 51 hộ dân".

Theo bà Huyền, các nhà ga toàn tuyến được bố trí theo khoảng cách trung bình 1 km, nhưng riêng C6 lại được bố trí mất cân đối, quá gần với C7 trong khi lại quá xa với C5.

“Điều các hộ dân bức xúc nhất là vị trí đặt C6 khiến tuyến tàu điện ngầm thành một đường cong uốn lượn rất bất thường”, bà Huyền cho hay.

Chính vì thế, các hộ dân đã đề xuất “Phương án thiết kế thay thế cho C6 Bách Thảo”, kèm theo thư kiến nghị gửi tới UBND TP.Hà Nội từ tháng 6/2014.

Tại sao không đi đường thẳng?

Để thuyết phục hơn, các hộ dân sinh sống tại đây đã bỏ tiền túi để thuê một số chuyên gia về đường sắt đô thị, trong đó có TS. Wessels - chuyên gia thiết kế, tư vấn về công trình giao thông đô thị và đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tàu điện ngầm ở Thái Lan, Hồng Kông và Nam Mỹ.

Tiến sĩ Wessels, đưa ra 2 phương án để thay thế thiết kế hiện nay: Thứ nhất, dời C6 về đường Hoàng Hoa Thám để đường tàu điện ngầm sẽ đi theo hướng thẳng và vẫn đảm bảo khoảng cách trung bình giữa các ga. Thứ 2 vẫn đi theo đường cũ nhưng C6 sẽ được thiết kế theo cấu hình xếp chồng, tức ga nằm sâu hơn và diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng sẽ giảm đi.

TS Wessels cho rằng, điều kiện địa chất ở phố Thụy Khuê kém hơn rất nhiều so với đường Hoàng Hoa Thám nên xây gần nhau sẽ làm tăng chi phí xây dựng.
Thế nhưng, tư vấn người Nhật Bản của BQL cho rằng nếu theo phương án xếp chồng thì chi phí sẽ đội giá cao hơn do phải đào hầm sâu, gia cố tường vây và mua sắm các thiết bị về thoát hiểm, thông hơi, BQL cho rằng phương án cũ thì chi phí khoảng 494 tỉ đồng, còn nếu theo phương án mới sẽ lên tới hơn 1.300 tỉ đồng.

Mô hình một nhà ga đường sắt đô thị Hà Nội

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu theo phương án mới sẽ phải thay đổi toàn bộ các quyết định, trình tự thủ tục về dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt, trong đó chỉ tính riêng về thời gian đã mất khoảng 3 năm, khiến chi phí toàn dự án tăng cao hơn. Tại sao không đi đường thẳng?

Giải thích, ông Lưu Xuân Hùng, Phó BQL cho rằng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan quốc phòng và “việc có phương án như hiện nay là đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng”.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết sẽ báo cáo các phương án lên cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục xem xét.

Hà Nội với những tuyến đường cong mềm mại

Trước đó, dư luận cũng chưa hết bức xúc trước câu chuyện đường Trường Chinh cong mềm mại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này gây ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông trên đường, ngoài ra làm mất mỹ quan và gây bức xúc cho người dân.

Thế nhưng, trả lời báo chí trong cuộc họp ngày 3/4, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định, quan điểm của thành phố là làm nghiêm túc, không có chuyện cong thẳng để né nhà ai đó.

"Không có khái niệm nhà quan chức, nhà lãnh đạo cũng như nhà người dân bình thường, không có gì khác nhau. Phương án nào kinh tế nhất, tốn kém ít nhất cho ngân sách nhà nước, đúng quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì làm", ông Thịnh nhấn mạnh.

Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận đường Trường Chinh có cong, nhưng là “cong mềm mại” chứ không phải “cong hình ghi đông xe đạp” như phản ánh. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã thiết kế theo đúng quy hoạch, chỉ giới đỏ và không có chuyện tự điều chỉnh.

Cách đó thời gian không lâu, ngày 17/9/2010, báo chí đã có bài viết "Đường Văn Cao - Hồ Tây: Nắn vẹo cho rõ mặt nhà quan" gây xôn xao dư luận.

Đường Trường Chinh cong mềm mại

Ngay sau đó, ngày 5/10, văn phòng UBND TP Hà Nội cũng có Công văn khẳng định rõ việc thông tin trên báo chí cho rằng đường Văn Cao - Hồ Tây đã bị “nắn” để chạy qua nhà ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, là không đúng sự thật.

Theo văn bản này, trong suốt quá trình lập và phê duyệt dự án xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây, ông Vũ Hồng Khanh chưa công tác tại UBND TP (ông Vũ Hồng Khanh nhận công tác tại UBND TP từ ngày 1/8/2007).

Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây đường Đội Cấn - Hồ Tây được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2001.

Trong cả hai giai đoạn làm đường, nhà ông Vũ Hồng Khanh tại số 3 ngõ 379 Hoàng Hoa Thám (do cha ông Khanh để lại) không tiếp giáp với mặt đường Văn Cao, còn cách thửa 14/1F có diện tích 33,19 m2 mới tới mặt đường.

Đến tháng 7/2010, gia đình ông Khanh đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 14/1F của hộ liền kề, sau đó được UBND quận Ba Đình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, gộp chung cả hai thửa đất (thửa gia đình ông Khanh đang sử dụng và thửa mới chuyển nhượng) thành một thửa với diện tích đất sử dụng riêng 113 m2, sát mặt đường.

Thái Linh (Tổng hợp Dân trí, NLĐ)
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-tau-dien-ngam-cung-bi-uon-cong-mem-mai-3243680/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét