Tinh giản biên chế và vấn nạn ‘con ông cháu cha’ hiện nay
Nhiều nghị định tinh giản biên chế rồi nhưng hiệu quả chỉ thấy ngược lại, nếu Nghị định 108 lần này, không giải quyết được vấn đề này thì việc ra Nghị định cũng chỉ để cho người dân thấy Chính phủ cũng quan tâm ra Nghị định giải quyết mà thôi, chứ thực chất thì đâu vẫn hoàn đấy. Chớ để mỗi khi một chủ trương mới ra đời, là mỗi lần trở thành nỗi ngao ngán, thất vọng của dân
Ảnh minh họa (nguoiduatin.vn)
Hiện nay bộ máy công chức tại Việt Nam quá cồng kềnh, kém hiệu quả, đặc biệt số tiền chi cho bộ máy này là rất lớn trong hoàn cảnh nợ công tăng cao chạm ngưỡng vượt trần. Vì thế mà tháng 11/2014 Chính phủ đã ra Nghị định 108/2014/NĐ-CP về việc tinh giản biên chế.Thực tế thì trước đây dù đã có các ý kiến khác nhau về việc tinh giản biên chế, thế nhưng bộ máy hành chính Nhà nước ngày càng phình to hơn, nhưng hiệu quả làm việc thì lại giảm xuống hoặc không nâng lên được. Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bày tỏ trên trang VOV rằng: “Chúng ta nói nhiều đến giảm nhưng sau nhiều đợt tinh giản thì bộ máy lại phình ra, biên chế tăng lên. Tôi biết không phải 4 triệu công chức hưởng lương mà có tới 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương. Con số này chiếm hơn 1/10 dân số thì gay go, Chính phủ muốn tăng lương thì tăng làm sao? Khó lắm, lấy nguồn đâu để tăng?”
Nhìn vào con số ông Thắng đưa ra là 11 triệu người khiến không ít người choáng váng vì con số ấy quá lớn (chiếm hơn 10% dân số).
Ngay cả đơn vị hành chính cấp thấp nhất là Phường hay Xã cũng có thể thấy ngay đội ngũ hưởng lương và chế độ phụ cấp “hùng hậu”, có nơi lên tới cả trăm người.
(Ảnh minh họa: soha.vn)
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ Tướng, phụ trách cải cách hành chính từng nói rằng có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Còn người dân thì mỗi khi có việc phải đến “cửa quan” đều ngại ngần về sự phiền hà, nhũng nhiễu.
Nghị định mới được ban hành có đề cập đến 12 đối tượng tinh giản. Thực tế thì trước đây cũng đã có những nghị định tinh giản biên chế rồi. Những sau khi những Nghị định đó được đưa ra thì bộ máy viên chức Nhà nước lại càng phình to cồng kềnh hơn. Nguyên nhân là vì ‘nể nang’ nhau, cũng như tình trạng ‘con ông cháu cha’ và ‘cha truyền con nối’ mà xin vào, nếu điểm lại những viên chức Nhà nước thì sẽ thấy ngay hầu hết là loại này.
Những viên chức loại này sau khi được xem là vào được ‘Nhà nước’ rồi thì chỉ lo đục khoét làm khó dân. Những quan chức tham nhũng, chạy chức, chạy quyền đều từ cái gốc này mà ra.
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội – trong cuộc trao đổi với Báo Dân trí về vấn đề công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” đã nói rằng “Có khi công chức nhàn rỗi lại chính là con cháu các cụ cả. Liệu lãnh đạo cơ quan có đủ dũng cảm giảm số này không hay chưa kịp giảm thì đã bị ‘giảm’ rồi?”
Nói về nâng cao quản lý công chức Nhà nước thì hiện nay các vị lãnh đạo chỉ quan tâm kiểu như sáng có vào không, chiều mấy giờ về. Còn đến cơ quan thì chơi game, tán chuyện, lướt web cho hết ngày cũng chả ai quan tâm.
Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả công việc của các viên chức Nhà Nước đang được dư luận rộng rãi quan tâm. Người ta quan tâm không phải chỉ vì muốn nhìn thấy bộ máy hành chính gọn nhẹ, giảm chi phí cho ngân sách mà hết thảy đều còn muốn thấy những đổi mới thực sự trong công tác tổ chức của Chính phủ, giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu người dân. Liệu tệ nạn xin cho, con ông cháu cha, chạy chức chạy quyền có còn tiếp diễn hay không?
Nhiều nghị định tinh giản biên chế rồi nhưng hiệu quả chỉ thấy ngược lại, nếu Nghị định 108 lần này, không giải quyết được vấn đề này thì việc ra Nghị định cũng chỉ để cho người dân thấy Chính phủ cũng quan tâm ra Nghị định giải quyết mà thôi, chứ thực chất thì đâu vẫn hoàn đấy.
Chớ để mỗi khi một chủ trương mới ra đời, là mỗi lần trở thành nỗi ngao ngán, thất vọng của dân./.
Ngọn Hải Đăng
(Đại Kỷ Nguyên VN)
https://daikynguyenvn.com/viet-nam/tinh-gian-bien-che-va-van-nan-con-ong-chau-cha-hien-nay.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét