Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Thuế phí cao nhất ASEAN: Đi ngược mong muốn!

Người Việt gánh thuế phí cao nhất ASEAN: Đi ngược mong muốn!
Bích Ngọc (thực hiện) Thuế phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra quan điểm của mình trước con số mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.
Gánh thuế phí cao, người dân đang mỏi sức. Ảnh minh họa
Kiệt sức lấy đâu tiền mà đóng?
PV: – Thưa bà, mới đây tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân, một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một thực tế tại Việt Nam thu từ thuế và phí hiện nay ở mức rất cao. Cụ thể, mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Thưa bà, thực tế này đang thể hiện điều gì?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Đúng là phí và thuế ở Việt Nam thực sự là cao so với các nước trong khu vực mặc dù chính sách đã mấy lần giảm thuế cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế thì vẫn rất cao, nhất là lại có quá nhiều loại.

Nhiều khi giảm loại thuế này nhưng cái khác lại cao nên vẫn đè vào doanh nghiệp và người dân. Còn phí thì quá nhiều. Mỗi gia đình nông dân mà cũng cõng đến mấy chục loại phí khác nhau.

Gần đây dư luận cũng đã phản ánh các sản phẩm nông sản cũng có biết bao nhiêu phí dọc đường đè nặng lên.

Điều này thể hiện nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Cũng như giới chuyên môn nhiều người đã phân tích là do nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách nặng nề.

Do vậy cũng có thể hiểu được do nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách nặng nên phải tìm các khoản khác nhau để bù vào phần bị thâm hụt.

Tôi cho rằng điều này đang đi ngược với mong muốn tạo đà để nền kinh tế phát triển bền vững.

PV: – Khi thuế, phí tăng cao, doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để có lãi và xét cho cùng thì người dân lại là đối tượng cuối cùng đang đưa vai ra gánh gánh nặng này. Trong khi đó, kinh tế suy giảm ảnh hưởng trực tiếp, khiến thu nhập của đại đa số người dân bị ảnh hưởng. Theo bà tình thế hiện nay của người dân phải được nhìn nhận và giải quyết ra sao?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Có thể thấy việc tăng thuế, phí trước mắt thì có thể có thêm để bù vào phần thâm hụt nhưng về lâu dài thì có thể các gánh nặng đó nợ thêm về thâm hụt. Bởi vì các doanh nghiệp và người dân không còn sức để đóng thuế, không làm ăn có lời được nữa thì lấy đâu tiền mà đóng?.

Cứ nhìn vào con số 6-7 vạn doanh nghiệp đóng cửa trong một năm thì sẽ thấy mất đi biết bao nhiêu người đóng thuế. Những người lao động lại mất việc làm thì yêu cầu an sinh xã hội tăng lên, thêm gánh nặng cho nhà nước. Tất cả sẽ thành vòng luẩn quẩn.

Trong điều kiện khó khăn như vậy thì sức mua của xã hội giảm xuống thì doanh nghiệp không đóng góp vào tăng trưởng được. Khi đó tăng trưởng cũng không được mà người nộp thuế cũng không có hoặc khả năng nộp thuế giảm đi.

Tôi nghĩ rằng trên bình diện chung cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận lại bởi thuế phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân.

PV: – Ở hoàn cảnh hiện nay, liệu chúng ta có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng thuế phí để bù thu ngân sách? Chúng ta cần làm thế nào để tháo gỡ khó khăn hiện nay?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam không có cửa để tăng giá nữa vì đang phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng nhập khẩu.

Càng ngày xu hướng tự do hóa thương mại mở ra thì dòng sản phẩm của các nước tràn vào Việt Nam càng nhiều hơn. Hàng rẻ thì là hàng Trung Quốc, hàng khá hơn về chất lượng mẫu mã một chút là hàng Thái Lan và các nước xung quanh.

Chính vì thế các doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh ghê gớm cho nên họ không còn cửa để tăng giá. Chính điều này lý giải vì sao các doanh nghiệp ngưng hoạt động vẫn tiếp tục tăng lên là như vậy.

Đáng lẽ ra khi thiếu hụt ngân sách thì việc đầu tiên cơ quan quản lý phải nghĩ đến là tiết kiệm chi tiêu, giảm đầu tư công. Nhưng thực sự nhà nước hoàn toàn chưa tiết kiệm được.

Nhân đây đáng ra phải tổng rà lại và cắt chi tiêu thường xuyên quá nhiều và lãng phí hiện nay. Một trong những thước đo của cải cách thủ tục hành chính phải là giảm bớt đội ngũ công chức, viên chức. Thế nhưng đội ngũ đó vẫn quá đông.

PV: – Nhìn từ góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn được coi là xương sống của nền kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, lại thua thiệt đủ đường so với khối FDI và DNNN, việc tăng thuế, phí hàng loạt sẽ tác động tới sức tồn tại của các doanh nghiệp này như thế nào? Có đúng không khi xương sống của nền kinh tế lại là khu vực thua thiệt nhất dẫn đến triệt tiêu sức tồn tại?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Mặc dù năm 2014 được xem là năm có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn kỷ lục, tăng thêm hơn 10% so với năm trước, lên tới 67.000 doanh nghiệp. Kể cả bước sang quý I/2015 số doanh nghiệp chết vẫn tăng hơn 10%.

Như vậy rõ ràng về phía doanh nghiệp những khó khăn chưa hề được giải tỏa. Năm nay có một số điều thấy đáng lo ngại đó là cơ quan quản lý muốn đánh thuế với các hộ kinh doanh gia đình giống như với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy một mặt tăng thêm gánh nặng thuế cho người dân, mặt khác sẽ tăng thêm chi phí của nhà nước để phục vụ đội ngũ đi thu phí, thuế.

Chúng ta vừa giảm từ 872 giờ xuống còn 171 giờ nộp thuế chắc chắn phải cắt giảm được biết bao công chức trong ngành thuế. Nhưng tôi ngờ rằng giảm được giờ nộp thuế cho doanh nghiệp lại tính chuyện đi thu thuế của các hộ gia đình – tức là họ vẫn muốn nuôi bộ máy thuế khổng lồ hiện nay.

Nhưng theo cách đó thì tất cả những cải cách hành chính thất bại. Một trong những nguyên nhân lâu nay chậm trễ và không đạt được kết quả bao nhiêu cũng là vì cả bộ máy khổng lồ vẫn muốn duy trì cả và không ai muốn giảm biên chế.

Khi đó nền kinh tế sẽ không có được đà phục hồi một cách vững chắc. Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp bao giờ cũng là lực lượng làm ra nhiều nhất của cải cho xã hội và tạo ra tăng trưởng. Thế nhưng doanh nghiệp cứ tiếp tục chết như vậy thì lấy đâu ra tăng trưởng?.

FDI cũng đóng góp có giới hạn, tỉ lệ đóng góp vào GDP cũng chỉ hơn 20%. Doanh nghiệp nhà nước thì đang trong quá trình tái cơ cấu nên cũng không thể đòi hỏi họ có tăng trưởng mạnh vì chúng ta đang đòi hỏi họ rút bớt việc đã đầu tư ngoài ngành… thì cũng không tạo được tăng trưởng như trước.

Trong khi đó khu vực tư nhân vẫn chết rất nhiều vậy thì tăng trưởng từ đâu? Thực tế vẫn gây ra những lo ngại kinh tế chưa phục hồi.

Trong khi doanh nghiệp gặp khó thì đội ngũ công chức vẫn đang quá đông và số tiền phải nuôi bộ máy cũng là gánh nặng

PV: – Khi thước đo sức khỏe của nền kinh tế là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại ốm yếu vì muôn vàn khó khăn. Giá dầu giảm được xem là cơ hội để phục hồi ‘sức khỏe’ nay lại bị đè bởi thuế, phí khiến cho doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội đổi mới, nâng cấp đầu tư. Cùng với đó là khả năng tạo ra việc làm không còn. Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra nền kinh tế sẽ ngày càng teo tóp nếu không có đà phục hồi. Quan điểm của bà như thế nào? Cái vòng luẩn quẩn này cần phải được tháo gỡ từ đâu và như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: – Phải cải thiện môi trường kinh doanh như tiêu đề mà Ủy ban kinh tế của Quốc hội vừa đưa ra đó là: “Cải thiện môi trường kinh doanh: biến lời nói thành hành động”. Tôi nghĩ điều này rất đúng.

Cải thiện môi trường kinh doanh nếu thể hiện qua bằng số nghị quyết, các Luật được thông qua, văn bản chỉ đạo… thì cũng nhiều rồi. Nhưng trên thực tế môi trường kinh doanh vẫn đầy rẫy khó khăn, chưa cải thiện được bao nhiêu.

Nếu lấy chỉ số rõ ràng nhất là con số mấy nghìn doanh nghiệp chết như vậy thì chứng tỏ môi trường kinh doanh cũng còn rất nhiều vấn đề đang tồn tại. Do đó tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh thì rất đúng nhưng quan trọng là cam kết của tất cả các cấp triển khai, thực hiện.

Vẫn có những mong muốn làm công trình to mà chưa thực sự cần thiết. Những mong muốn của các cơ quan vẫn quá nhiều đến mức ông Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thốt lên choáng váng khi yêu cầu của một bộ đã bằng tổng ngân sách cho đầu tư.

Tình trạng đó là rất vô lý. Thành ra trong điều kiện khó khăn ngay bản thân nhà nước phải thắt lưng buộc bụng chứ không phải chỉ có người dân và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng nếu không cải thiện tình hình này, các thuế phí tính thu theo kiểu vắt kiệt thì nền kinh tế sẽ kiệt sức.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nguoi-viet-ganh-thue-phi-cao-nhat-asean-di-nguoc-mong-muon-3265114/

Tăng thuế, phí bù thu ngân sách: Hòn đá ngăn dòng chảy…
Tăng thuế, phí bù ngân sách: Khấu trừ vào nền kinh tế…


.KD: Nói thật là người dân Việt, doanh nghiệp Việt khốn khổ vì quá nhiều thứ thuế. Trong khi tham nhũng thì hoành hành vô tội vạ, không thể kiểm soát được. Vậy mà tâm lý người Việt hạnh phúc và lạc quan nhất, nhì thế giới, theo thước đo của một vài tổ chức quốc tế.

Tự nhiên mình thấy người Việt giống nhân vật Gia Cát Dự (do Hiệp Gà đóng): Mình phục mình quá cơ! :D

https://kimdunghn.wordpress.com/2015/05/06/nguoi-viet-ganh-thue-phi-cao-nhat-asean-di-nguoc-mong-muon/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét