Tại sao đồng nhân dân tệ sẽ không sớm trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ ký kết với Tổng thống Uganda Yoweri Museveni Kaguta tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 31/3/2015. Ông Tập chắc chắn muốn mở đường cho đồng nhân dân tệ Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ thế giới, nhưng liệu điều này có khả thi không? (Ảnh: Feng Li/Getty Images)Nhiều người không hài lòng về việc đồng đô-la Mỹ là đồng tiền dự trữ của thế giới. Nhưng không có mấy lựa chọn nào khác. Đồng euro gần như đã bị đổ vỡ trước cả khi nó bắt đầu giữ vai trò này, còn đồng yên Nhật cũng có những vấn đề riêng của nó.
Vì vậy, những người phản đối đồng đô-la hiện nay cho rằng có khi một loại tiền mới nổi cuối cùng sẽ làm được điều này. Nhận định trên được suy ra từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc so với các nước dùng các loại tiền tệ khác. Giờ đây, một nhóm các nhà kinh tế đã dội một gáo nước lạnh lên những hy vọng này.
“Còn lâu mới có chuyện đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ. Tôi nghĩ rằng rõ ràng họ (tức Trung Quốc) đang cố gắng để đạt được điều đó. Nhưng hãy còn xa vời”, ông Lewis Alexander, kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính Nomura phát biểu trong một buổi thảo luận tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kỳ ở New York vào ngày 30/4.
Mối quan ngại chính của ông Alexander là việc thiết chế xã hội tại Trung Quốc không đủ mạnh để thế giới hoàn toàn tin tưởng sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ. Ông nói: “Chung quy đó là về vấn đề pháp quyền. Bởi lẽ, người ta sẵn sàng [sử dụng đồng tiền đó] hay không phụ thuộc vào không chỉ niềm tin về đồng tiền đó, mà còn phụ thuộc vào niềm tin về toàn bộ thiết chế xã hội xung quanh đồng tiền đó. Đối với tôi, điều đó rốt cuộc là trở ngại lớn nhất”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) trong báo cáo năm 2015 về Trung Quốc có khẳng định “nhiều người vẫn khó tiếp cận tới công lý”. Đó chỉ là một trong nhiều tổ chức hoài nghi về tính chính trực của hệ thống pháp luật của Trung Quốc. Theo ông Lewis, đây cũng là một vấn đề cho các nhà kinh doanh tài chính.
Một diễn giả tham luận khác, ông Peter Fisher, Học giả Cao cấp tại Trường kinh doanh Tuck, Đại học Dartmouth, cho biết có những vấn đề kỹ thuật khác khiến đồng nhân dân tệ không thể trở thành đồng tiền dự trữ thế giới.
“Tôi không hiểu làm sao mà nó trở thành đồng tiền dự trữ được nếu họ không duy trì lượng thâm hụt tài khoản vãng lai lớn trong một thời gian dài. Tôi cũng không hiểu làm thế nào mà nó trở thành đồng tiền dự trữ được nếu họ không cho phép biến động tỷ giá hối đoái”, ông nói.
Trung Quốc theo thời gian đã tích lũy lượng thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ nhờ chính sách thúc đẩy xuất khẩu của họ. Nước này đã tái đầu tư các khoản thặng dư trên vào đồng đô-la Mỹ, đồng tiền đóng vai trò như ngân hàng tiết kiệm của thế giới.
Ông Peter Fisher cho rằng điều này là không khả thi: “Tôi không thấy có cách nào mà họ sớm bố trí được lượng thâm hụt tài khoản vãng lai để khiến thế giới cảm thấy ổn thỏa cho vấn đề này”.
Valentin Schmid, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mai Lan biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét