Người Việt Nam ta thiếu gì?
Thời cơ và điều kiện tự nhiên là những thứ mà Việt Nam không hề thiếu. Vậy thì lý do là vì đâu? Chắc ai cũng đã rõ… Các bạn (anh/em/chú/bác) suốt ngày đòi thay đổi hiến pháp, đòi lật đổ chế độ này chế độ nọ, các bạn đã suy nghĩ đến sẽ làm gì tiếp theo nếu chuyện đó thành công hay chưa? Thứ mà con người và đất nước chúng ta cần thay đổi ngay đó là ý thức. Chứ không phải là chế độ hay hiến pháp, hay vị lãnh đạo nào cả.
Thời gian gần đây, có rất nhiều bài báo nói về Việt Nam và Singapore, về những quan điểm của ông Lý Quang Diệu và những so sánh, nhìn chung đều đặt ra một câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại phải đi sau Singapore, trong khi chỉ vài mươi năm trước, ông Lý Quang Diệu từng mong muốn đất nước đuổi kịp Việt Nam?
Nói về Singapore, đó là một đất nước hầu như không có gì nổi trội về mặt tài nguyên khoáng sản. Cũng không có những bãi biển xanh mượt với bờ cát trắng xoá hay những hang động hoang sơ hùng vĩ. Nếu so với Việt Nam, thì Singapore là một đất nước bất hạnh khi thiên nhiên không ưu đãi cho họ thứ gì cả.
Đến cả nước sạch cũng phải tích trữ từ nước mưa và nhập từ nước khác qua, đi toilet cũng toàn phải dùng giấy, nước máy thì chảy róc ra róc rách.
Hệ thống xe buý và tàu điện ngầm (MRT) tại Singapore
Nhưng giao thông cực kỳ trật tự và an toàn. Hệ thống giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm (MRT) hoạt động liên tục và rất hiệu quả, và cực kỳ an toàn, cứ cách 5, 10 phút lại có 1 chuyến xe buýt hoặc MRT, chạy đất nước. Giá cả so với Taxi thì cực kỳ rẻ, đối với học sinh, sinh viên đôi lúc còn được miễn phí. Đây là 2 thứ phương tiện đi lại chính của người dân, ngoài việc đi bộ. Hầu như 99% dân số Singapore đi bộ mỗi ngày nên các cô gái người Sing thân hình cứ nhìn là thích mê, mỗi tội không có nhiều cô xinh lắm.
Nhà cao tầng lúc nhúc, mọc ra khắp nơi, quả nào cũng to và đẹp. Đường phố thì sạch sẽ, thoáng mát, cây cối phủ xanh kín luôn cả vỉa hè của người đi bộ, đến mấy cái vách tường trên cầu vượt cũng không tha.
Trên mặt đất là thế, chưa kể hệ thống công trình ngầm dưới lòng đất chằn chịt kết nối với nhau tạo thành cả một khu vực rộng lớn. Người ta đưa vào đó nào là trung tâm mua sắm, quán cà phê, nhà hàng, có thể ở đó cả ngày mà không biết chán.
Sự đa dạng văn hoá thể hiện trong cuộc sống
hằng ngày, ở khắp mọi nơi tại Singapore
Về dân cư thì mặc dù đủ mọi thành phần, hạng người, giàu sang, nghèo hèn, văn hoá đa dạng, trình độ dân trí nếu đem so với nhau thì cũng khá là đa dạng, nhưng người dân đi ra đường thì nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, tôn trọng lẫn nhau, chả thấy ai dám làm gì phiền lòng đến người khác, cơ bản là cũng chả ai thèm quan tâm đến thằng điên nào đó nó đang lắc lắc cái mông giữa đường làm gì vậy.
Xếp hàng chờ mua… kem
Văn hoá xếp hàng thì khỏi nói, trong một hàng dài người đứng ở siêu thị chờ tính tiền, ông nào mà chen ngang thì chỉ có cái cô em xinh đẹp đứng ở quầy tính tiền là lên tiếng nhắc nhở một cách nghiêm khắc, còn người xung quanh, lớn thì nhìn mình với ánh mắt khó chịu, trẻ con thì chỉ chỏ rồi hỏi bố mẹ nó: “Mamy, tại sao cái ông kia lại chen ngang người khác như vậy? Lạ ghê luôn.”
Hẳn người Việt ra nước ngoài sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hàng dài người đứng xếp hàng chờ tới lượt vào ăn trong một quán ăn hết sức bình thường. Một hình ảnh khó mà thấy được ở Việt Nam.
Về chuyện đối nhân xử thế. Nếu được người ta giúp mình thì người Sing tươi cười rồi cảm ơn ngay lập tức, mình giúp người ta thì khi nhận được lời cảm ơn chỉ nhún vai một phát để tỏ thái độ lịch sự rồi bỏ đi đâu mất, không giúp được ai thì xin lỗi rối rít.
Nếu đem so sánh với đất nước rừng vàng biển bạc, thiên nhiên ưu đãi, danh lam thắng cảnh, công trình “nhất thế giới”, “nhất khu vực” nườm nượp mọc ra khắp nơi thì sẽ thấy một trời một vực. Cũng không có hay ho gì mấy nên không cần phải liệt kê ra đây làm gì nữa.
Đất nước Việt Nam đẹp mê hồn, nhưng con người Việt Nam thì xấu xí kinh hồn.
Tất cả những khác biệt này, đách phải do chế độ, chính quyền chính trị chính em hay cơ chế xã hội gì cả. Cũng chẳng phải do ông lãnh đạo nào hết. Cũng không phải vì chiến tranh tàn phá gì luôn.
Biết bao nhiêu nước bị chiến tranh cày nát, thiên tai quét sạch thành bình địa luôn nhưng vẫn phục hồi và phát triểm ầm ầm.
Những hình ảnh xấu xí của người Việt vẫn xuất hiện hằng ngày.
Không nhà nước hay ông lãnh đạo nào điều khiển được người dân ra đường khạc nhổ, vứt rác hay phóng nhanh vượt ẩu, coi đèn vàng là tăng tốc, đèn đỏ là chạy thật nhanh vì “éo có công an đâu” hết.
Cũng có ông lãnh đạo nào dạy cho người dân phải chen lấn, hôi của, xô đẩy nhau khi xếp hàng đâu.
Không chế độ nào khuyến khích thanh niên lao vào chém nhau chỉ vì một cái nhìn hơi bố láo một tí.
Không nền giáo dục nào dạy cho người Việt Nam là đi ra nước ngoài phải vào siêu thị trộm về vài cái kính mát, phi công phải giấu vàng vào ống quần để qua mặt hàng rào an ninh.
Hãy thử hỏi chính bản thân, bạn bè, con em của chúng ta, những người đã và đang sinh sống, làm việc, du lịch ở nước ngoài, người Việt Nam đã phải chịu biết bao nhiêu sự nhục nhã, phân biệt? Đã bao nhiêu lần chúng ta muối mặt và xấu hổ vì những thông tin người Việt phạm pháp ở nước này nước kia?
Một trong rất nhiều bảng thông báo chỉ-dành-riêng-cho-người-Việt-Nam tại nước ngoài
Hãy thôi tự hào vì quá khứ, lịch sử hào hùng đấu tranh bảo vệ tổ quốc, đã từng đánh thắng cả Mỹ, Pháp, các cường quốc số một thế giới. Hãy quay về với thực tại, bước chân ra bên ngoài và đừng hỏi, hãy lặng lẽ quan sát, hãy giấu đi việc mình là người Việt Nam và nhìn xem những người bạn quốc tế, họ nói gì về Việt Nam?
Lý Quang Diệu từng cho rằng, sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ.
Thời cơ và điều kiện tự nhiên là những thứ mà Việt Nam không hề thiếu. Vậy thì lý do là vì đâu? Chắc ai cũng đã rõ…
Các bạn (anh/em/chú/bác) suốt ngày đòi thay đổi hiến pháp, đòi lật đổ chế độ này chế độ nọ, các bạn đã suy nghĩ đến sẽ làm gì tiếp theo nếu chuyện đó thành công hay chưa?
Ai sẽ là người đứng lên lãnh đạo, ai sẽ là người đứng ra giải quyết các vấn đề cấp bách trong xã hội, ai sẽ là người khắc phục hậu quả của cuộc thay máu do các bạn gây ra?
Các bạn có đủ bản lĩnh và kiến thức để đứng ra chèo chống nền kinh tế của cả một quốc gia hay không?
Các bạn có đủ thông minh, sắc sảo và nhạy bén để đối thoại và đối phó với những vị quan chức ngoại giao từ các quốc gia “cá mập” vẫn đang chờ một cơ hội nhảy bổ vào nuốt chửng chúng ta không?
Các bạn có đủ năng lực và khả năng để đảm bảo một cuộc sống mới an toàn và hoà bình cho cả dân tộc không?
Giả sử các bạn là những người đủ ưu tú và tài giỏi để đảm đương được những vấn đề ở trên. Các bạn có đủ tự tin để khẳng định những con người trong bộ máy mới sẽ không bị tha hoá, sách nhiễu, tham ô, quan liêu như những gì đã từng xảy ra hay không?
Theo tôi, dù các bạn có tạo dựng được một đất nước mới, một chế độ mới nhưng với những con người và lề thói cũ, với một xã hội đầy rẫy những chuyện cười ra nước mắt về tư duy, ý thức, văn hoá ứng xử như những gì vẫn đang xảy ra. Thì cuối cùng vẫn chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi.
Thứ mà con người và đất nước chúng ta cần thay đổi ngay đó là ý thức. Chứ không phải là chế độ hay hiến pháp, hay vị lãnh đạo nào cả.
Người Nhật luôn làm cả thế giới phải khâm phục về ý thức của họ
Những công dân có ý thức, có văn hoá, đi ra đường sẽ không khạc nhổ, không xả rác bừa bãi, không gây sự đánh nhau chỉ vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, không phóng nhanh vượt ẩu, không gây nguy hại cho người khác, sống trong một xã hội với những người công dân ý thức cao đó, bạn có thấy dễ chịu hơng không? Rộng hơn, một xã hội với những người công dân này sẽ là hình mẫu đại diện cho cả một đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
Những nhân viên công chức có ý thức, đầy tinh thần trách nhiệm, sẽ tận tình hướng dẫn và phục vụ người dân, sẽ không còn cảnh chen chúc, chầu chực hay đút lót, phong bì hối lộ tại các cơ quan công quyền, thay vào đó, bạn sẽ được họ đón chào một cách vui vẻ, họ sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn, tận tình hướng dẫn và giúp bạn hoàn thành một tờ khai hay một mẫu đăng ký nào đó, không một lời quát tháo. Bạn đến trước, bạn được vào nộp đơn, xử lý giấy tờ trước. Anh đến sau, anh vào làm việc sau.
Những đồng chí cảnh sát đầy tâm huyết và trách nhiệm, sẽ không bao giờ nhận hối lộ, bắt bớ người tham gia giao thông, cũng chẳng cần phải lắp camera vào mũ để đối phó với người vi phạm nữa, vì cũng chẳng ai vi phạm điều gì nữa. Thay vào đó, hình ảnh anh cảnh sát giao thông đang dắt một em bé hay một cụ già qua đường, hoặc đang nhiệt tình hướng dẫn một anh khách du lịch nước ngoài nào đấy sẽ trở thành những điều quen thuộc trên đường phố.
Một hình ảnh đẹp của các rock fan tại Cần Thơ sau đêm diễn RockStorm
Sẽ không còn những hình ảnh nhức nhối mà chúng ta phải cảm thấy nhục nhã trước cộng đồng quốc tế, sẽ không còn cảnh đoàn người chen chúc để nhận các món quà khuyến mãi, không còn những con người vô ý thức chen nhau trèo rào vào công viên nước, không còn nữa những con người vô tâm thi nhau hôi của mà thay vào đó họ sẽ xúm lại tìm cách cứu giúp người bị nạn.
Sẽ không còn những vị khách du lịch nước ngoài đưa ống kính máy ảnh chụp cảnh giao thông hỗn loạn tại các ngã tư vào giờ cao điểm.
Một vận động viên Malaysia vái lại khán giả Việt Nam vì tràn vào đường đua gây cản trở giải đấu.
Sẽ không còn những lời nhận xét gay gắt, những lời chê bai về chất lượng dịch vụ, về nạn ăn xin, hàng rong chèo kéo, về khách sạn phục vụ kém cỏi, thiếu tiện nghi, trên các trang mạng về du lịch thế giới nữa.
Các bạn có tin không? Đây không phải là một viễn cảnh xa vời, đây là những gì vẫn đang diễn ra hằng ngày tại các nước xung quanh chúng ta.
Việc chúng ta cần làm là xây dựng một xã hội có ý thức hơn.
Và đây cũng là tương lai của con người, đất nước Việt Nam. Hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay chúng ta. Nếu mỗi người trong chúng ta cùng góp sức chống lại sự kém cỏi, vô ý thức, cùng chung tay giúp đỡ nhau và nâng cao ý thức của mỗi người xung quanh chúng ta.
Chừng nào người Việt còn bị gán với sự vô ý thức, thiếu văn hoá, không tôn trọng pháp luật thì nước Việt vẫn chưa thể đứng lên được.
Thay vì mỗi ngày chúng ta biến thành trò cười trong mắt cộng đồng quốc tế, hãy thay đổi để không một quốc gia nào có thể khinh thường chúng ta, hãy để cho họ nghiêng mình thán phục người Việt Nam một lần nữa, không phải là vì những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, mà là cuộc chiến bảo vệ danh dự Tổ quốc.
Mít Tờ Tê
(Triết Học Đường Phố)
http://www.triethocduongpho.com/2015/04/21/nguoi-viet-nam-ta-thieu-gi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét