Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Kinh tế sau cuộc chiến Việt Nam

Kinh tế sau cuộc chiến Việt Nam
Lãnh đạo chưa biết thế nào là xây dựng xã hội chủ nghĩa nên chọn giải pháp đơn giản là xóa bỏ tất cả những gì không thuộc về xã hội chủ nghĩa, khởi đi từ cải tạo quan hệ sản xuất là tước bỏ quyền sở hữu phương tiện sản xuất của tư nhân. Vì xóa bao giờ cũng dễ hơn xây nên hậu quả là nạn khan hiếm rồi khủng hoảng. Trước năm 1975, các quốc gia Đông Á đều cho là nếu có hòa bình thì Việt Nam sẽ sớm thành nước phú cường, cùng trình độ với Nam Hàn hay Đài Loan và vượt xa các nước Đông Nam Á. Ngày nay, Việt Nam có thay đổi nhưng mấy xứ kia còn thay đổi nhanh hơn.
000_PAR2004042972626-622.jpg
                              Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992. AFP
Tuần này, người Việt Nam ở khắp nơi tổ chức nhiều sinh hoạt kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc với sự chiến thắng của miền Bắc Cộng sản. Kể từ đó, Việt Nam được thống nhất dưới chế độ xưng danh xã hội chủ nghĩa và đang cố gắng theo đuổi nguyên tắc kinh tế thị trường. Vì biến cố này, Diễn đàn Kinh tế sẽ phỏng vấn một chuyên gia kinh tế từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn và nay phụ trách tiết mục kinh tế hàng tuần của chúng ta là kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Sự bi thương của đất nước

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, 40 năm về trước cũng vào mấy ngày cuối của Tháng Tư, ông đang ở Sài Gòn và chứng kiến tận mắt sự đổi thay mang ý nghĩa lịch sử khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ trước đà tấn công của quân đội cộng sản. Tuần này, khi mọi nơi tổ chức kỷ niệm biến cố này, chúng tôi muốn phỏng vấn chính ông, gần như là chứng nhân tại chỗ và sau này còn nghiên cứu về nhiều khía cạnh kinh tế của Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên, thưa ông, lúc đó ông ở đâu và làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng năm đó, tôi đang là Phụ tá Tổng trưởng Tài chánh Đặc trách Quan thuế và Thuế vụ, một chức vụ theo hệ thống hành chánh cũ là “ngang hàng Thứ trưởng” kiêm Cố vấn về Ngoại viện cho Văn phòng Phó Thủ tướng Đặc trách Phát triển Kinh tế. Thế rồi trong những ngày biến động của miền Nam, tôi kiêm nhiệm thêm nhiều công vụ khác, nghĩ ra thì rất buồn mà cũng buồn cười, đó là Chánh văn phòng cho Phó thủ tướng Đặc trách Kinh tế  và Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ trong mấy tuần cuối cùng.
Nếu tỉnh táo hơn thì có lẽ tôi đã sớm ra đi, nhưng lại không được chứng kiến sự đổi thay kỳ lạ mà bản thân tôi cho là bi thương của đất nước! -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Khi đó, tôi đã đưa đại gia đình cùng thân nhân rời Sài Gòn từ ngày 26. Còn một mình ở lại, tôi dự trù sẽ đi sau khi giải quyết xong một số công việc trong sự hỗn loạn gần như hàng ngày rồi hàng giờ từ khi chiến sự tại miền Trung gây chấn động tới Sài Gòn mọi nơi khác. Có lẽ vì vô tâm, hoặc chỉ nhìn vào chuyện trước mắt, tôi đi không kịp. Mờ sáng ngày 30 tôi mới được người bạn trong ngành báo chí gọi đi bằng một con tầu xi măng nhỏ mà không thoát khi tầu bị bắn dưới chân cầu Trịnh Minh Thế. Khi Sài Gòn sụp đổ sáng hôm đó, tôi đi bộ từ đó về nhà ở Quận Ba và thấy các đơn vị bộ đội của miền Bắc tràn vào một Sài Gòn tan tác. Ngày hôm sau, tôi cùng một người bạn thân, nay là cố vấn kinh tế tại Afghanistan, tìm cách rời Sài Gòn bằng xe máy hai bánh và tới Vũng Tàu rồi Phước Tỉnh mà cũng không thoát nên chúng tôi trở về! Nếu tỉnh táo hơn thì có lẽ tôi đã sớm ra đi, nhưng lại không được chứng kiến sự đổi thay kỳ lạ mà bản thân tôi cho là bi thương của đất nước!

Việt Long: Thế rồi những gì xảy ra sau đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như mọi công chức từ vị trí hàng chính là Chánh sở trở lên, chúng tôi được lệnh trình diện để qua 10 ngày gọi là “tập trung học tập cải tạo”. Rút kinh nghiệm của vụ tàn sát tại Huế trong trận Mậu Thân 1968, tôi chỉ trình diện vào chiều ngày thứ ba tại hai nơi là trường trung học Trưng Vương rồi Gia Long và được đuổi về chờ lệnh mới vì mấy nơi đó hết chỗ. Trong khi chờ đợi, tôi trình diện tại ba công sở ở địa phương vì ba công việc của mình và được yêu cầu học tập tại chỗ mỗi nơi ba ngày!

Phải nói thêm rằng theo lệnh của Ủy ban Quân quản của cộng sản khi ấy thì nhân viên ngân hàng không phải học tập. Mà thật ra, người chiến thắng cũng bị bất ngờ như kẻ chiến bại và chẳng rõ thực tế ở trong Nam, khi năm đó tôi còn rất trẻ, có ba chục, nên họ ít ngờ và sau cùng tôi thoát được vụ tập trung cải tạo của nhiều đồng nghiệp. Nhưng sau đó thì cùng khoảng 175 chuyên gia, kỹ sư giáo sư trong Nam, chúng tôi phải tham dự khóa học 18 tháng về “Kinh tế Chính trị học Mác-Lenin” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Đức. Đấy là một kinh nghiệm kỳ lạ vì chúng tôi hiểu ra là các chuyên gia kinh tế này chỉ biết về lý luận mà chưa hề có kinh nghiệm về đời sống thật. Về sau, nhiều người trong số đó còn được đưa lên quản lý kinh tế nên khủng hoảng là tất yếu. Nói theo dân miền Nam thì hoàn cảnh của tôi khi ấy là “ngồi chơi sơi nước”, là vô dụng trong một văn phòng nhỏ có ba bốn chuyên gia miền Nam được đưa về đấy có lẽ để khỏi vượt biên!

000_Hkg9227512.jpg
Ảnh minh họa chụp một con đường ven sông Sài Gòn, 
hướng về trung tâm TPHCM hôm 19/11/2013.

Việt Long: Cũng nhờ kinh nghiệm đặc biệt đó mà ông được chứng kiến việc người ta gọi là “xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Bây giờ kiểm lại thì ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là khác với ngày nay, số người hữu trách về kinh tế của chế độ mới được học tập về triết học Mác-Lenin hơn là quản lý kinh tế, với kiến thức rất cạn về khoa học và kinh tế học. Họ thuộc về loại “hồng hơn chuyên”. Ngoài ra cũng có một sự dị biệt khác là những người hoạt động trong Nam thì nắm vững thực tế hơn những người từ miền Bắc vào chỉ huy họ. Sau cùng, còn một sự thật khác rất nên chú ý là tình trạng “đầu cơ thông tin”, tức là ai biết gì thì giấu nhẹm cho mình chứ không chia sẻ cho người khác. Vì vậy mà hệ thống tiếp quản và quản lý khi ấy là một sự hỗn loạn và giành giựt quyền lợi rất khó tả. Tôi xin lấy vài thí dụ cụ thể.

Thứ nhất, mấy người có trách nhiệm về kinh tế và ngân hàng đều lý luận và còn dạy chúng tôi rằng lạm phát là một thuộc tính của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chứ kinh tế xã hội chủ nghĩa thì không thể có lạm phát. Chắc là sau này họ mới thấy là sai! Trong chế độ tập trung quản lý thì nạn khan hiếm là một biểu hiện khác của lạm phát và sau cùng thì cũng bị lạm phát tới 700% vào năm 1986-1987. Ở cấp cao hơn, họ nêu khẩu hiệu là “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” mà chẳng biết xã hội chủ nghĩa đó là gì và áp dụng kinh nghiệm thời chiến ở miền Bắc cho thực tế khác hẳn ở trong Nam cho nên kinh tế miền Nam thịnh vượng hơn cũng chẳng giúp gì cho miền Bắc nghèo khốn mà còn suy sụp rất nhanh. Sau cùng là thí dụ về “cải tạo kinh tế”.

Cải tạo công thương nghiệp tư sản tư doanh

Việt Long: Khi ấy, hình như chế độ mới đã phát động kế hoạch họ gọi là “cải tạo công thương nghiệp tư sản tư doanh”. Ông nhìn thấy gì ở trong đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ năm 1977, tôi được một người lãnh đạo cao cấp ở trong Nam tới nhà nhận ra là cháu. Đó là ông Nguyễn Văn Linh, sau làm Trưởng ban Cải tạo ít lâu trước khi phải nhường chỗ cho ông Đỗ Mười có lẽ vì ông thấy ra tính chất duy ý chí của việc đó. Thật ra thì họ chưa biết thế nào là xây dựng xã hội chủ nghĩa nên chọn giải pháp đơn giản là xóa bỏ tất cả những gì không thuộc về xã hội chủ nghĩa, khởi đi từ cải tạo quan hệ sản xuất là tước bỏ quyền sở hữu phương tiện sản xuất của tư nhân. Vì xóa bao giờ cũng dễ hơn xây nên hậu quả là nạn khan hiếm rồi khủng hoảng. Việc họ phá tung bộ máy hành chính cũ rồi tranh giành ảnh hưởng giữa cán bộ miền Bắc vào chỉ đạo cán bộ miền Nam càng khiến chế độ thêm lúng túng.

Về công thương nghiệp thì các đơn vị sản xuất đều bị tê liệt rồi trôi vào chế độ bao cấp. Trong từng công ty hết sản xuất vẫn có một bộ máy nhân sự cồng kềnh. Ngoài số công nhân viên bị thiểu dụng còn có nào chi bộ đảng, công đoàn và cán bộ đời sống lo việc chia chác lương thực và suốt ngày họp hành để học tập chỉ thị ở trên. -Nguyễn-Xuân Nghĩa

Một cách cụ thể về công thương nghiệp thì các đơn vị sản xuất đều bị tê liệt rồi trôi vào chế độ bao cấp. Trong từng công ty hết sản xuất vẫn có một bộ máy nhân sự cồng kềnh. Ngoài số công nhân viên bị thiểu dụng còn có nào chi bộ đảng, công đoàn và cán bộ đời sống lo việc chia chác lương thực và suốt ngày họp hành để học tập chỉ thị ở trên. Về nông nghiệp thì chính sách hợp tác hóa đã xóa bỏ thành tựu của chế độ hữu sản hóa do đạo luật Người Cầy Có Ruộng được ban hành từ Tháng Ba năm 1970 ở trong Nam cho nên kết quả là nạn mất mùa và đói rách vì chính sách. Tình trạng siêu thực ấy còn nguy kịch hơn khi nền kinh tế sa sút còn gánh thêm cuộc chiến tại Kampuchia làm cho sản lượng bị mất bình quân 5% một năm.

Việt Long: Sau đó thì ông ra đi từ năm nào và có dịp chứng kiến những gì nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi tốt nghiệp tại Pháp và khi đó gia đình đã sống tại Paris nên được biết là từ năm 1977, Chính quyền Pháp viện trợ cho Hà Nội và yêu cầu cho một số người có quan hệ với Pháp được ra đi. Tôi có nộp đơn mà không mấy tin vào kết quả nên vẫn tìm cách vượt biên nhiều lần mà không xong! Đến cuối năm 1979 thì Chính quyền Hà Nội cho một số người do Pháp yêu cầu được xuất ngoại. Tôi thuộc vào thành phần ấy nên sau cùng cũng đặt chân tới Paris và được bạn bè trong chính quyền và truyền thông Pháp hỏi về kinh nghiệm thực tế của xã hội chủ nghĩa. Nó khác hẳn các khái niệm trừu tượng và sai lạc của trí thức thiên tả tại Tây phương!

Việt Long: Bốn chục năm sau, ông nghĩ thế nào về sự thay đổi tại Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng cảm giác chung là sự buồn bã về sự lãng phí sau những tổn thất quá lớn về một cuộc tương tàn thảm khốc. Mười năm sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa và bị khủng hoảng thì chế độ mới nhận là sai nên muốn sửa mà chẳng biết thế nào là đúng. Họ buông tay thả nổi và mất năm năm dọ dẫm cho tới khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì mới đổi mới từ trên xuống, nhưng dựa vào Trung Quốc, dưới khẩu hiệu “kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước” rồi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà không một ai, kể cả cấp cao nhất mà tôi gặp sau này có thể giải thích định hướng ấy là gì. Nguyên Tổng bí thư của họ là ông Nguyễn Văn Linh cũng nêu ra câu hỏi đó mà chẳng có trả lời! Sau những năm 1992, tôi có làm tư vấn kinh tế của doanh nghiệp Hoa Kỳ và trở về Việt Nam trong các công tác đó thì thấy xã hội có thay đổi nhưng theo chiều hướng lệch lạc nên vẫn là tụt hậu nếu so với các quốc gia lân bang.

Việt Long: Khi ông nói Việt Nam vẫn tụt hậu thì nhiều người trong nước có thể không hiểu hoặc không đồng ý vì họ thấy là so với thời bao cấp thì Việt Nam đã tiến rất xa. Ông có ý kiến gì về việc này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước năm 1975, khi ở trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại miền Nam, tôi có nhiều dịp công tác tại các quốc gia Đông Á. Thời ấy, họ đều cho là nếu có hòa bình thì Việt Nam sẽ sớm thành nước phú cường, cùng trình độ với Nam Hàn hay Đài Loan và vượt xa các nước Đông Nam Á. Ngày nay, Việt Nam có thay đổi nhưng mấy xứ kia còn thay đổi nhanh hơn. Riêng Nam Hàn và Đài Loan thì đã công nghiệp hóa và tự tiến ra chế độ dân chủ từ những năm 1987 khi Việt Nam còn chập chững đổi mới mà chưa dám cải cách chính trị.

Nhìn ra khỏi khuôn khổ không gian và thời gian thì phải rất buồn mà công nhận là Việt Nam vẫn tụt hậu, nay vẫn thuộc vào thành phần nghèo túng nhất, chỉ hơn được vài chục nước  trên thế giới. Nếu xét đến tiêu chuẩn tự do về kinh tế hay tư tưởng thì còn thấp hơn nữa. Chỉ có tham nhũng là đứng vào hạng đáng nể. Mà thiếu tự do thì khó cải tiến khả năng quản lý để cạnh tranh và thoát ra khỏi sức hút của Trung Quốc. Tôi rất lo cho thế hệ trẻ ở trong nước ngày nay đã khá hơn xưa về kiến thức mà có lẽ chưa biết được những khó khăn rất lớn đang chờ đợi. Họ mới là thế hệ sẽ tạo ra thay đổi khá hơn cho nước Việt Nam sau này và cần ý thức được tình trạng tụt hậu đó.

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Việt Long & Nguyễn-Xuân Nghĩa
(RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/economics-and-the-vn-war-nxn-04292015080703.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét