Ngô Đình, một dòng họ đáng kính trong lịch sử Việt Nam...
Cuộc Cách Mạng 1/11/1963, một nhóm quân nhân do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã làm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất VNCH. Ông Diệm và người em ruột Ngô Đình Nhu bị giết sau đó một ngày (2/11), và mấy tháng sau thì người em của hai ông là Ngô Đình Cẩn bị đưa ra xử bắn ở pháp trường Chí Hòa. Như vậy cùng với ông anh cả Ngô Đình Khôi bị CS xử bắn năm 1945 thì gia đình ông Diệm có đến 4 người anh em trai đã bị họa súng đạn. Bốn người con ưu tú nhất của dòng họ ấy đã ngã xuống để trả nợ núi sông khi nghiệp lớn chưa thành, khi mộng kiến quốc dân an còn dang dở...Nền Đệ Nhị VNCH ra đời. Và như một lẽ tự nhiên "được làm vua thua làm giặc". Nền Đệ Nhất CH vừa bị khai tử, ông Diệm, gia đình ông, chính quyền của ông, đảng Cần Lao Nhân Vị và bất cứ cái gì liên quan đến chế độ của ông đều bị chà đạp, bị phỉ nhổ, và bị xuyên tạc, bôi nhọ bởi chính những người lật đổ nó. Dĩ nhiên cái gì đã chết thì không thể cãi, hay biện mình được, kể cả chế độ lẫn người của chế độ ấy. Đó là nguyên tắc Người Thắng Bao Giờ Cũng Đúng...
Nhưng rồi thời gian dần trôi qua khi tiếng hò reo mừng chiến thắng của ngày Cách Mạng đó cứ nhạt nhòa dần, khi những người anh hùng của cuộc CM ấy đã không còn là anh hùng nữa trong mắt người dân thì mọi sự lại được trở về với sự thật, của lịch sử trả lại cho lịch sử...
Chính phủ ông Ngô Đình Diệm từ thời ông còn làm Thủ Tướng của Quốc Gia Việt Nam của Quốc Trưởng Bảo Đại đã làm những việc đáng ca ngợi như từ chối ký Hiệp Định Giơnevơ 1954 chia đôi đất nước, lo ổn định cuộc sống cho gần 1 triệu đồng bào di cư cùng chính sách Người cày có ruộng. Xây dựng nền tảng chính trị, quân sự, văn hóa, pháp luật..v..v..cho các Đệ 1, 2 CH.
Chế độ Ngô Đình Diệm không phải là một chế độ độc tài, gia đình trị. Chế độ ấy được bầu cử dân chủ tự do và hoạt động dựa trên những nguyên tắc của thế giới dân chủ tự do. Và trên cơ sở đó thì đó vẫn là một chính quyền của dân, phục vụ dân. Do những yếu tố khách quan như đang đối diện với một cuộc đối đầu một mất một còn với chế độ CS ở miền Bắc, trình độ dân trí hồi đó cũng như những sai lầm của chế độ nên dễ bị cho là độc tài, gia đình trị...
Ông Ngô Đình Nhu là em ruột nhưng không giữ bất cứ một chức vụ nào trong chính quyền. Ông là một cố vấn chính trị cho người anh TTg Ngô Đình Diệm, nhưng với một con người thâm sâu, sắc bén, ông dễ khiến cho bên ngoài có cảm tưỏng ông là ông thần quyền lực. Ông em nữa là Ngô Đình Luyện làm đại sứ lưu động ở Châu Âu, một chức vụ hữu danh vô thực. Ông em Ngô Đình Cẩn, "Hung Thần Miền Trung" té ra lại chỉ là một tiểu địa chủ ít học, ăn trầu bỏm bẻm và hút thuốc rê phì phèo. Ông Cẩn cũng là người không có vợ con giống như ông anh TT, nhưng dốc hết lòng phụng dưỡng mẹ già ở quê. Anh em họ còn có một người em gái tên Ngô Đình Thị Hiệp và là thân mẫu của Đức Cha Nguyễn Văn Thuận sau này. Và cũng giống như toàn thể dòng họ Ngô Đình, anh em họ đều là những người hết lòng kính Chúa, yêu nước, thờ cha dưỡng mẹ...
Ông Ngô Đình Cẩn không phải là một người làm chính trị tài năng như những người anh danh tiếng của ông, nhưng ông vẫn có những phẩm chất của dòng họ danh giá ấy khi ông ung dung ra pháp trường với câu nói nổi tiếng : "Đây là điều mà người làm chính trị phải chấp nhận"
Với những con người như thế của một dòng họ như thế mà sau ngày 1/11/1963 đã có vô số những chuyện xuyên tạc đồn thổi quá đáng, thậm chí có những bồi bút viết cả những thiên truyện (Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân của Hoàng Trọng Miên) để bịa đặt vô liêm sỉ về ông Diệm, ông Nhu và đặc biệt là về bà TLX. Nào là ông Diệm với bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu có tình ý với nhau. Bà Trần Lệ Xuân lăng loàn cắm sừng chồng. Ông Ngô Đình Nhu cho vợ đi quan hệ với cố vấn Mỹ để nhờ vả và chỉ nằm nhà hút thuốc phiện. Toàn những chuyện tào lao vớ vẩn được tung ra khi những người bị bôi nhọ đó cùng với cái thế giới đẹp đẽ quanh họ đã sụp đổ, bị chà đạp. Nhưng hãy nhớ rằng một dòng họ danh giá kính Chúa với cuộc sống đạo đức từ đời ông bố cho đến các con thì anh em ông đều là những người đạo đức, khả kính và thậm chí có xu hướng thoát tục thì những điều bịa đặt thuộc loại vô đạo như trên mà gắn vào họ thì có tin được không. Bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu là con gái của luật sư Trần Văn Chương danh tiếng, cựu bộ trưởng và là một gia đình danh gia vọng tộc của Hà Nội thời ấy, kết hôn với ông Ngô Đình Nhu là con của cố Thượng Thư đại thần Ngô Đình Khả, với câu vè nổi tiếng đất Thần Kinh :" Đày vua không Khả, đào mả không Bài", em ruột của cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm, em ruột của Tổng Đốc Ngô Đình Khôi và theo chồng về làm dâu một gia đình cực kỳ lễ nghĩa, đạo đức như gia đình ông Nhu thì việc gán ghép xuyên tạc hay bịa đặt về bà có đáng tin không ?
Rồi có ông tướng viết hồi ký kể chuyện ngày đảo chính, ông Ngô Đình Cẩn có gửi cho ông tướng Đỗ Cao Trí một va li kim cương. Rồi trong Dinh Gia Long bà Trần Lệ Xuân để tủ giày hàng trăm đôi giày, các áo ngủ hở hang.... Rồi những câu chuyện đồn đại tào lao như trên thời Đệ 2 VNCH tồn tại mãi cho cho đến 30/4/75 thì chuyển giao cho chính quyền CM để tào lao mãi cho tới lúc này.
Sách báo phim ảnh thì toàn xách mé gọi các ông là thằng này, thằng nọ, con kia...Gia đình dòng họ ông Diệm thì không bán nước cũng phò Tây kiếm sữa bò. Rồi có nhiều dinh cơ dinh thư ở khắp nơi, đặc biệt ở Đà Lạt là những biệt điện cướp của Bảo Đại. Và ông Nhu có thú lên Đà Lạt để săn hổ và voi, mà không biết đấy là thú săn của vua Bảo Đại vào cái thời xa xưa, chớ thời ông Diệm thì làm gì có hổ có voi mà đi săn. Hôm 1/11/63 quân đảo chính bao vây để oánh nhau với quân Liên Binh phòng vệ Phủ TTg dữ dội lắm, rồi khi yếu thế ông Diệm Nhu đã theo đường ngầm mà các ông đã cho xây trước đó để thoát khỏi dinh Gia Long. Thực ra thì oánh nhau cũng không dữ lắm đâu vì các sĩ quan đơn vị tấn công và phòng thủ đều quen biết nhau, không cùng võ bị Đà Lạt thì cũng sĩ quan Thủ Đức. Và cũng chẳng có đường hầm nào mà đơn giản là anh em ông Diệm đã cùng vài cận vệ đã leo lên hai cái xe hơi để ung dung đi cửa sau của Dinh Gia Long để ra đường Lê Thánh Tôn bây giờ. Hai ông vừa đi vừa bàn bạc mãi mà không còn biết đi đâu nữa, vì bao năm làm Tổng Thống, tuyệt đỉnh quyền lực nhưng các ông không có nổi cái nhà riêng nào ở SG để làm chốn đi về. Và ngoài căn nhà của tổ tiên ở Phú Cam, Huế ra thì cả dòng họ này chẳng có cái nhà riêng nào ở đâu cả. Rời khỏi dinh Gia Long, hai ông bắt đầu chuyến đi Định Mệnh của mình vào Chợ Lớn - đến nhà Mã Tuyên - Nhà Thờ Cha Tam, và cuối cùng cả hai ông đã chết gục bên nhau trong vũng máu trên một chiếc xe M.113 của quân đảo chánh...
Một chuyện vui nữa về sự "giàu có" của anh em ông Diệm. Theo các cuốn hồi ký của thuộc quyền như Võ Văn Hải, Đỗ Thọ thì anh em họ có lần về Huế làm giỗ bố thì ông Cẩn đã cự nự với ông Diệm về việc gia đình ông Nhu lần nào cũng kéo cả đại quân gồm hai vợ chồng ông và một đám con cái đông như quân Nguyên về ăn giỗ như vậy mà không chịu dưa góp thêm vào làm giỗ khiến ông Cẩn cứ phải è cổ ra gánh, trong khi ông làm gì có dư. Cha Thục (Đức TGM Ngô Đình Thục) là người tu hành nên chỉ cười trừ, còn ông Đại Sứ Ngô Đình Luyện lần nào về thì khi đi cũng chờ các anh đi hết rồi lẻn vào ca với Cụ Bà bài ca con cá cần sống vì nước để kiếm tiền xe. Có khi còn gãi đầu gãi tai để giật tạm vài trăm của mụ Luyến, là người giúp việc của ông Cẩn. Chỉ có mỗi một mình ông Diệm là gửi tiền về làm giỗ nên không đủ. Đã vậy mệ Nhu (bà TLX) cứ đòi phải có món này món kia để làm giỗ theo kiểu miền Bắc thì kiếm đâu ra. TTg Diệm phải nói giàn hòa, là chú Nhu đi làm nhà nước to thế nhưng không có lương, thôi thì anh trích thêm lương của anh để dưa góp thêm làm giỗ. Ông Cẩn còn làu bàu. Nhưng mà đám con anh Nhu ăn phá hao lắm...
Chính quyền CS miền Bắc cũng không bỏ lỡ dịp. Và những chuyện tuyên truyền tào lao vớ vẩn giờ vẫn còn như : Luật 10/59 Chế độ NĐD lê máy chém đi khắp miền Nam để chặt đầu những người yêu nước. Có thấy chém ai đâu ngoài một hai người như ông Ba Cụt (Lê Quang Vinh), ông Hoàng Lệ Kha (Tây Ninh). Rồi thì Ngô Đình Diệm nói :"Biên giới của Hoa Kỳ kéo đến tận vĩ tuyến 17" Mà thực ra câu nói nguyên văn của ông là :"Biên giới của tự do kéo đến vĩ tuyến 17..."
Các bạn thân mến. Người viết bài này không có ý định đứng ở đâu, bênh vực bên nào hay chê bai bên nào mà chỉ như là một người hậu thế nhìn lại những sự kiện lịch sử, cố gắng tìm hiểu đúng lịch sử và nếu có thể thì đem những điều lịch sử ấy cho bạn bè, cho người người nào muốn tìm hiểu lịch sử trung thực nhất. Và cũng là những cảm nhận chân thành của một người lớp sau bày tỏ lòng kính phục đối với ông Ngô Đình Diệm, cùng sự ngưỡng mộ với tất cả những con người giờ đây đã trở thành huyền thoại trong cái đại gia đình vừa danh gia vọng tộc, vừa chất ngất nỗi đau thương ấy.
Cầu mong Chúa luôn ở bên họ...
MTA
Mai Tú Ân
http://ma-tu-an.blogspot.com/2015/05/ngo-inh-mot-dong-ho-ang-kinh-trong-lich.html
http://ma-tu-an.blogspot.com/2015/05/ngo-inh-mot-dong-ho-ang-kinh-trong-lich.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét