Không nhìn bằng lăng kính một chiều
“Dù còn nhiều khác biệt, nhưng tôi tin là theo thời gian, thế hệ trẻ lớn lên sau năm 1975 sẽ có cái nhìn khác, toàn cảnh về cuộc chiến và tình hình thực tế ở Việt Nam”. Nhà báo Etcetera Nguyễn, Tổng Thư ký Việt Weekly (Mỹ), đã chia sẻ với NNVN nhân dịp 40 năm thống nhất đất nước bên “văn phòng di động” của ông tại bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).Nhà báo Etcetera Nguyễn tại Trường Sa |
Từ ra đi đến trở về, là cả một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Ông có thể chia sẻ hành trình qua nửa vòng trái đất của mình để quay lại nơi chôn nhau cắt rốn với bạn đọc NNVN?
Là một người trong số những người rời đất nước ra đi vào giai đoạn cuối của những chuyến “vượt biên” năm 1988, tôi thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của một cộng đồng mà sự khác biệt chính kiến với Chính phủ Việt Nam vẫn còn đeo đẳng, tồn tại.
Tuy nhiên, theo thời gian và những thay đổi ngày một nhanh của đất nước, những đánh giá về Việt Nam hôm nay không thể nhìn bằng lăng kính một chiều của những người bỏ nước ra đi của 40 năm trước.
Qua kinh nghiệm sống và làm công việc báo chí cộng đồng từ hơn 10 năm qua (kể từ 2003 đến nay), có cơ hội sống trên 25 năm ở Hoa Kỳ, đồng thời cũng đang ở Việt Nam tác nghiệp báo chí, tôi có cơ hội sống và tham gia trực tiếp vào đời sống hằng ngày ở Việt Nam.
Từ đó, phản ánh qua các bài viết, phỏng vấn của tôi về hai phía bằng con mắt khách quan của một nhà báo.
Sẽ không ngần ngại để nói với nhau một thực tế rằng, cộng đồng Việt kiều vẫn không phải đã hết lớp người giữ trong lòng mối hận thù. Vẫn còn những người “quay lưng” lại với các đoàn trong nước sang. Ông có thể cho biết, những người giữ tâm lý ấy nay còn nhiều không?
Trên bề mặt, nếu nhìn vào các sinh hoạt nổi bật ở Little Saigon, California, vào những ngày trong tháng 4, đặc biệt là ngày 30 tháng 4 hằng năm, những người Mỹ bản địa và khách bàng quan chưa hiểu sâu xa vấn đề, vẫn bị thu hút bởi màu vàng của lá cờ 3 sọc đỏ của thời xưa được treo khắp các con phố, trục lộ chính, nơi có nhiều cơ sở thương mại của người Mỹ gốc Việt buôn bán, làm ăn.
Hơn thế nữa, các cuộc hội họp, lễ lạt cũng mang đầy tính chất “tố cộng” được tổ chức rầm rộ, nhằm khắc sâu thêm những nỗi đau đớn, mất mát từ chiến tranh.
Những hội đoàn chính trị, những chính khách địa phương được tập hợp với nhau ở “Tượng đài Việt -Mỹ” tại trung tâm thành phố Westminster để kể lại những câu chuyện cách đây 40 năm về sự mất mát, bại trận, về nỗi đau như những vết thương còn âm ỉ trong tim.
Tất cả các sinh hoạt chính trị đó, được những tờ báo cộng đồng ghi lại, thổi lên thành những ngọn lửa căm thù chế độ cộng sản, căm thù Chính phủ Việt Nam. Việc làm này lặp đi lặp lại nhiều năm qua, và tất nhiên, nó có tác động sâu sắc đến những ai có sự mất mát của cải, địa vị xã hội, quyền lợi chính trị đã từng có trước đây. Đó là những năm tháng đen tối nhất của cuộc đời họ.
Bề mặt nhìn thì như thế, nhưng theo ghi nhận của tôi khi làm báo, có dịp quan sát, tiếp cận cả hai phía từ Hoa Kỳ đến Việt Nam, tôi đã phát hiện ra nhiều yếu tố “đằng sau hậu trường” đáng ngạc nhiên. Và tôi có thể khẳng định rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nam California không cực đoan như những tờ báo cộng đồng cố tình mô tả, vẽ nên hiện trạng không đúng thực tế này.
Kể từ sau năm 1995, việc bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã như một viên thuốc hồi sinh. Đã có những người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở về Việt Nam để tìm lại những hình ảnh quê nhà thân thương để thăm viếng. Đã có những lớp doanh nhân đầu tiên dò dẫm về Việt Nam để tìm cơ hội làm ăn, để giao thương buôn bán.
Hơn 20 năm qua, những chuyến đi thăm thân, du lịch, giao dịch làm ăn đó đã không còn là những việc làm âm thầm, lén lút, đơn lẻ nữa. Con đường nhỏ dò dẫm cũ đã trở thành một đại lộ thênh thang không hạn chế bất cứ ai.
Trong những năm gần đây, vị thế chính trị, kinh tế của Việt Nam trên chính trường quốc tế đã trở nên quan trọng trong khu vực và được đánh giá là một nước đang có nhiều tiềm năng kinh tế, phát triển nhất Đông Nam Á.
Những chuyến đi thăm hữu nghị giữa các cấp lãnh đạo Việt Nam ra quốc tế và ngược lại diễn ra đều đặn ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, những thông tin tích cực của Việt Nam đã không đến được với người dân bản địa. Có chăng, đều được bóp méo, xuyên tạc bởi những nhà chính trị, những tổ chức chính trị có quan điểm khác với Chính phủ Việt Nam. Bức tranh thực tế về Việt Nam đã bị một lớp sương thông tin xấu bao phủ, nhiễu loạn có mục đích.
Ông về nước và đã truyền tải đến cộng đồng người Việt ở Mỹ những hình ảnh thực tế ở Việt Nam. Những phóng sự của ông khi phản ánh về Việt Nam chắc chắn sẽ không xuôi chèo mát mái khi vẫn còn những người cố tình không muốn nhìn nhận thực tế những đổi thay trong nước?
Nhà báo Etcetera Nguyễn, Tổng Thư ký Việt Weekly (California, Hoa Kỳ) hiện đang công tác thường trú tại Việt Nam. Từ năm 2006 tới nay, ông đã có nhiều chuyến đi về Việt Nam để đưa tin sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật trên phạm vi cả nước. Etcetera Nguyễn đã 3 lần ra thăm các đảo Trường Sa và vùng biển Hoàng Sa để đưa tin khách quan cho khối độc giả ở hải ngoại về tình hình biển đảo quê hương.
Từ năm 2006, các phóng viên Việt Weekly đã dấn thân mở đường tìm về Việt Nam làm tin tức tại chỗ. Với chủ trương đi tận nơi, tìm hiểu đưa tin khách quan, trung thực, một làn gió mới về mặt thông tin từ Việt Nam đưa thẳng vào trong cộng đồng qua hàng loạt các phóng sự đời sống vùng miền, các cuộc phỏng vấn, trao đổi trực tiếp từ người dân đến các cấp lãnh đạo từ địa phương tới trung ương... đã mang lại nhiều điều mới mẻ, khác lạ cho kiều bào khắp nơi trên thế giới thấy và hiểu hơn về Việt Nam.
Đặc biệt là những chuyến đi ra biển đảo Trường Sa được Nhà nước Việt Nam, qua Ủy ban Quốc gia về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mấy năm gần đây, đã cho thấy những gì đang diễn ra thực sự ở vùng biển chủ quyền đất nước, giúp độc giả ở hải ngoại hiểu hơn tình hình thực địa chủ quyền biển đảo không bị “bán dâng cho Tàu” như kiểu tuyên truyền ở hải ngoại.
Từ năm 2013 tới nay, cá nhân tôi, là phóng viên người Mỹ gốc Việt duy nhất hiện đang sống và làm việc công khai thường trực tại Việt Nam. Tôi đã có cơ hội đi khắp các vùng miền... để tự mình đi tìm hiểu đời sống thực tế của người dân Việt sống ở khắp nơi. Tới đâu tôi cũng tường tận lắng nghe và ghi nhận cụ thể những câu chuyện người thật, việc thật.
Những người ngoại quốc đến làm ăn, du lịch ở Hà Nội và những vùng miền mà tôi gặp cũng đều có những nhận xét tích cực và lạc quan về con người và đất nước Việt Nam.
Nhà báo Etcetera Nguyễn (phải) phỏng vấn nhà báo Euan McKirdy (CNN) vùng thực địa quần đảo Hoàng Sa
Mùa Giáng Sinh tôi có dịp về quê nội ở Nam Định. Đi thăm quê, tôi kinh ngạc khi thấy vô số nhà thờ lớn nhỏ, cũ mới đan xen nhau theo từng họ đạo. Tôi cũng đã ghi hình các buổi lễ hàng với vài nghìn giáo dân đứng tràn ra ngoài phố.
Sau Tết Nguyên đán, tôi đã có dịp đi tham quan, ghi nhận nhiều lễ hội ở miền Bắc. Đình, đền, chùa nào cũng chật ních người đi lễ hội. Họ được tự do bày tỏ tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của mình. Những gì tôi thấy thực tế ở Việt Nam, hoàn toàn khác với những hình ảnh Việt Nam “đàn áp tôn giáo” được nói đến ở hải ngoại.
Tìm hiểu sâu vào vấn đề này, tôi được biết rằng, bất cứ động thái chính trị nào lồng ghép vào tôn giáo hòng khích động, gây rối đều bị phát hiện bởi chính người dân, bởi lực lượng chức năng. Nếu cứ thuần túy sống đạo, thì mọi việc đều bình thường, không có vấn đề gì.
Trân trọng cảm ơn ông
Kiều Mai Sơn
(Nông Nghiệp)
http://nongnghiep.vn/khong-nhin-bang-lang-kinh-mot-chieu-post141719.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét