Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Chồng Mỹ cãi lệnh, về VN đưa nhà vợ di tản 30/4

Thật cảm động khi đọc bài này.
Chồng Mỹ cãi lệnh trên, về VN đưa gia đình vợ di tản 30/4 
Hà Giang/Người Việt - Trong hàng ngàn câu chuyện tháng Tư, 1975, có lẽ hi hữu nhất là chuyện một nhân viên ngoại giao Mỹ cãi lệnh cấp trên, liều lĩnh bay về Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến để giúp gia đình bên vợ di tản. Đó là câu chuyện của ông David Brown, lúc đó đang làm việc tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Tokyo. Ông bay về Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của 30 tháng Tư, để tìm đường đưa gia đình vợ rời khỏi Việt Nam, dù ông bị cả hai Tòa Đại Sứ Mỹ ở Tokyo lẫn Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, cấm chỉ không cho về.

Bà Tuyết Lê (trái) cùng cha (phải) và 5 người em sau khi được di tản đến Nhật, nơi chồng bà, ông David Brown phục vụ. Hình chụp bên ngoài Japanese Imperial Palace tại Tokyo. (Hình: gia đình David Brown cung cấp)

Câu chuyện này, bốn mươi năm sau, hai vợ chồng ông không ngờ lại có dịp ôn lại.

Và ký ức thật huyền diệu, cả những điều những tưởng đã ngủ yên, chỉ cần một gợi nhớ, thì cuồn cuộn trở về.

***
Đêm 27 tháng Tư, 1975, khi đã cùng cả gia đình vợ ngồi trên chuyến bay, ông David Brown, mới dám tin là mình đã thực sự an toàn rời khỏi Việt Nam. Nghĩ đến Tuyết, vợ ông đang mòn mỏi chờ Yokohama, ông lấy giấy bút, cắm cúi viết một mạch, cố ghi lại tất cả những gì xẩy ra từ khi hai người chia tay nhau ở Haneda Airport.

“Bây giờ, nếu tìm lại được cái bản thảo dài 16 trang đó, có thể tôi sẽ thấy những điều mình kể có chỗ sai. Nhưng cũng có những điều suốt đời không quên được.” Ông mở đầu câu chuyện.

Chẳng bao lâu sau khi David và nguời yêu là cô Bạch Tuyết tổ chức đám cưới ở Sài Gòn vào tháng Sáu năm 1969, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chuyển ông từ Việt Nam về Hoa Thịnh Đốn. Từ Hoa Thịnh Đốn, ông lại được cử đi Nhật Bản, tiếp tục sự nghiệp luôn thay đổi nhiệm sở của một nhân viên ngành ngoại giao.

Đầu năm 1975, lúc David và Tuyết đang cùng học tiếng Nhật tại trường dạy ngôn ngữ ở Yokohama, và đứa con đầu tiên của họ chưa đầy một tuổi, tình hình Việt Nam ngày càng căng thẳng. Mỗi buổi tối, qua chương trình tin tức của các đài truyền hình Nhật, họ chứng kiến những thất thủ liên tục của quân đội VNCH.

Trong khi thư của gia đình Tuyết ở Sài Gòn gửi đến vẫn cho rằng cơn khủng hoảng sẽ qua đi, tình hình Việt Nam sẽ ổn định, Tuyết và David biết chắc rằng tin họ có chính xác hơn nhiều. Một buổi tối, vừa ăn cơm vừa xem tin tức, họ chợt nhìn nhau rồi cùng nhận ra một sự thật não lòng và kinh hoàng là Sài Gòn đang rơi vào tay Cộng sản.

“Đến giữa tháng Tư, vợ chồng tôi như phát sốt vì lo lắng cho gia đình Tuyết. Qua bạn bè cùng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, chúng tôi được biết sau một thời gian do dự, chính phủ Mỹ đang tìm cách đưa gia đình của các nhân viên Việt Nam và những ai mà tính mạng bị xem là nguy hiểm nếu Sài Gòn thất thủ, ra khỏi Việt Nam càng nhanh càng tốt.” David hồi tưởng.

* Từ Tokyo về Sài Gòn

Hai vợ chồng ông lo rằng, cha mẹ của bà Tuyết, vợ ông, vì có con gái kết hôn với một nhân viên làm ở phòng chính trị của ngoại giao Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ bị nguy hiểm. Càng lo thêm khi cha mẹ Tuyết không đủ sức xoay sở đưa gia đình di tản.

“Tuyết nóng lòng muốn về Sài Gòn đưa cha mẹ và anh chị em rời Việt Nam,” mặc dù trước đó hai ông bà đã viết thư bảo là không đi, chỉ khẩn khoản nhờ Tuyết và chồng tìm cách giúp cho các anh chị em Tuyết di tản.” Ông kể tiếp.

Hai người thảo luận, rồi cùng quyết định rằng David mới là ngừơi nên trở về, vì Tuyết vừa phải trông con nhỏ, vừa chắc chắn không quen biết nhiều như chồng.

Nhưng việc ông David Brown về Sài Gòn lúc ấy không đơn giản.

Tiếp lời chồng, bà Tuyết kể rằng, trước đó không lâu, David đã nhiều lần gửi thư đến Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, tình nguyện về đó, giúp một tay cho việc di tản, nhưng hồi đáp là một mệnh lệnh “nhất định không được vào Việt Nam,” dù tiếng Việt lưu loát của ông là điều cần thiết. Để ông không tìm cách về Sài Gòn, cơ quan này đảm bảo là “gia đình bà Tuyết, vợ ông có nằm trong danh sách di tản.”

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản cũng chính thức ra lệnh cho David “không được liều lĩnh” về Việt Nam giữa lúc mọi nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ đang dồn vào việc đưa người ra khỏi đất nước này.

Hai vợ chồng bàn luận, và cuối cùng, vào ngày 23 tháng Tư, 1975, cãi lệnh của cả hai tòa đại sứ, David mua vé một chiều của hãng máy bay Cathay Pacific từ Nhật về Sài Gòn. Họ bịn rịn và can đảm chia tay sau khi bà Tuyết đưa chồng đến phi trường Haneda.

David nói ông nhớ đổi máy bay ở Hồng Kông.

“Các chuyến bay Air Việt Nam bay về Sài Gòn gần như trống rỗng. Máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc chập choạng tối. Tôi tìm được một taxi nhờ chở vào trung tâm thành phố, hy vọng tìm được người quen cho ngủ nhờ.” Ông tiếp tục câu chuyện.

Tuy nhiên, tại hai địa điểm đầu tiên, David đều được bảo bạn ông đã di tản. Cuối cùng, ngay trước giờ giới nghiêm, ông gặp được ông Charlie Coulter ở nhà. Cuộc gặp mặt đó thật may mắn, bởi vì Charlie Coulter hoạt động trong đường giây lén giúp người Việt di tản. Gọi là “lén” vì những đường dây này hoạt động trái lệnh của Đại Sứ Graham Martin.

“Thật ra, Đại sứ Martin lúc ấy cũng thừa biết là các đường dây di tản đang tích cực họat động, nhưng ông phải giả vờ cấm, để khỏi làm nản lòng giới chức chính quyền miền Nam Việt Nam.” David nhận định.

* Những đêm cuối ở Sài Gòn
Tối đầu tiên ở Sài Gòn, ông David nhỡ rõ mình hầu như không chợp mắt. Ông thức sớm cùng Charlie đi đến trung tâm chỉ huy di tản của tòa Đại Sứ, ở một tư gia, không xa quận Ba là mấy. Khi họ đến nơi thì một số nhân viên tòa đại sứ, làm việc dưới quyền một người bạn khác của David, tên là Lacy Wright, đang bận rộn cấp giấy thông hành chiếu theo một danh sách rất dài. Những nhân viên tòa đại sứ khác, đa số là ngừơi Việt Nam, sẽ mang giấy thông hành này giao cho ngừơi có tên danh sách và dặn họ phải đến một điểm hẹn bí mật đúng ngày đúng giờ để được bốc đi.

Toàn thể gia đình bà Tuyết Lê năm 1978, sau khi định cư ở San Francisco, California. Lúc này, mọi người đã có việc làm và đời sống tương đối ổn định. (Hình: gia đình David Brown cung cấp)

Nắm rõ các thủ tục, David định tìm một người bạn để nhờ chở đi liên lạc, thì một người bảo ông “cứ việc lấy một chiếc xe gắn máy đang dựng trên sân cỏ mà đi, vì người chủ đã di tản rồi, ông muốn dùng bao lâu cũng được.” Nghe lời, David lấy đại một cái xe, lái xe đến Phú Nhuận, và sau khi loay hoay một hồi, ông móc nối được với Sự, người bạn trước kia cùng làm việc với ông ở quân đoàn III, và cũng từng là phù rể trong đám cưới của ông với Tuyết.

“Ngay cả với tình thân như vậy, nhờ vả Sự trong lúc chính bản thân ông ta đang tất bật tìm cách đưa gia đình ra khỏi Việt Nam cũng là hơi quá. Ông David Brown tâm sự, “nhưng Sự đồng ý ngay, nhận giúp tôi trao thư tay cho cha mẹ Tuyết tại một căn nhà ở chung cư Ấn Quang.”

Trong lúc ông David uống ngụm nước, bà Tuyết tiếp lời chồng:

Trước khi David rời Tokyo, tôi đã dặn đi dặn lại là ông không đích thân đi tìm cha mẹ tôi. Vì chẳng may lúc đến đó, hai ông bà vẫn nhất định không chịu rời Việt Nam, thì việc để cho người xung quanh biết họ có liên hệ chặt chẽ với một người Mỹ, chắc chắn sẽ gây nhiều hiểm họa về sau.”

Trước ngày David rời Tokyo đáp chuyến bay đi Sài Gòn, Tuyết kể, bà đưa cho chồng một thư tay, dặn ông dấu kỹ vào người. Thư viết rằng David sẽ trở về Việt Nam để giúp bất cứ ai trong gia đình muốn di tản, và mọi ngừơi phải chuẩn bị đi ngay, không còn thì giờ để lưỡng lự nữa. Thư viết rằng sau khi Sài Gòn thất thủ, đời sống tại Việt Nam sẽ rất khó khăn cho bất cứ có liên quan mật thiết với người Mỹ, như thân nhân của Tuyết. Thư cũng nài nỉ cha Tuyết để cho các con đi, dù ông bà nhất định ở lại.”

Một vài giờ sau khi bạn ông đi trao thư, David kể, ông nhớ đó là buổi chiều ngày 24 tháng Tư, Liên, chị ruột của Tuyết hớt hải đến tìm ông tại trung tâm chỉ huy di tản tại tòa Đại sứ, báo tin cha mẹ Tuyết đã đồng ý ra đi. Cả gia đình sẽ đi, ngoại trừ bà ngọai của Tuyết quyết định ở lại. Báo tin xong, chị Liên ngập ngừng hỏi David là có thể sắp xếp cho gia đình chồng của cô di tản cùng với mọi người không?

Dĩ nhiên, David chỉ có một câu trả lời đúng trong hoàn cảnh ấy. Chị Liên cập nhật tình hình: Căn cứ của chồng chị ở Phù Cát (Bình Định) đã bị mất vào cuối tháng Ba. Anh Thảo, chồng chị đã mất tích. Chị với hai đứa con mới lẫm chẫm biết đi, cùng với gia đình chồng vất vả lắm mới tìm được đường từ Đà Nẵng vào Sài Gòn.

“Liên cho biết đến gặp tôi vì chị và gia đình chồng không tìm được cách nào để rời khỏi Việt Nam. Thế là, lúc ấy, thay vì chỉ cần xin mười hai giấy thông hành, tôi cần phải có những hai mươi cái.”

David kể ông đi gặp các viên chức lo việc di tản tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, cho họ biết nhu cầu mới của mình. Họ nói “Không sao, chúng tôi có thể lo được.” Họ dặn ông là hai xe tải sẽ đón tất cả họ hàng bên vợ của ông tại ngày giờ và địa điểm nhất định.

“Tôi nhấn mạnh với Liên là mỗi người chỉ được mang theo một chiếc túi nhỏ sách tay, vì thế nên dành chỗ cho những thứ không thể thay thế được khi đến Hoa Kỳ, chẳng hạn như giấy tờ, hình ảnh.” Ông David nói.

“Sau khi thu xếp xong mọi việc, tôi bỏ ra vài giờ tản bộ trên khắp nẻo Sài Gòn quen thuộc, bàng hòang trước những đổi thay sắp đến. Xe cộ Sài Gòn vẫn đông như mắc cửi, đường phố Sài Gòn vẫn nườm nượp những ngừơi. Không có dấu hiệu của sự hoảng loạn. Có lẽ tôi hiểu rõ là tình hình vô vọng hơn đại đa số người dân Sài Gòn. Nhưng cũng có lẽ họ đã thôi không buồn quan tâm đến những gì đang xẩy ra, miễn là cuộc chiến bất tận này kết thúc.”

Việc đón người tại đỉểm hẹn diễn ra như dự tính vào khoảng giữa trưa vào ngày 25, tháng Tư.

“Dồn nhau vào hai xe vận tải với những cửa sổ đóng kín, tim chúng tôi đập thình thịch trong lồng ngực khi xe dừng lại ở cổng phi trường Tân Sơn Nhất. Sau cuộc kiềm soát qua loa, xe được phép đi vào một khu vực lớn có rào xung quanh.”

“Chúng tôi được đưa đến chỗ chơi bowling có tám lằn, khu vực này lúc đó đã chứa đầy hai phần ba những người tị nạn mặt mày đầy lo lắng. Tôi được báo tin có một trục trặc nhỏ. Ông Marcos, tổng thống Phi Luật Tân vừa ra lệnh cấm Mỹ không được di tản người đến Clark Field và Subic Bay. Mọi chuyến bay phải đình chỉ cho đến khi sắp xếp được địa điểm mới. Đêm đó, tất cả chúng tôi ngủ ngay trên những lằn chơi bowling.

“Sáng hôm 26 tháng Tư, vẫn chưa có lệnh nhúc nhích. Để giết thì giờ, một số ngừơi tìm cách làm thông những nhà vệ sinh bị quá tải. Nhưng đa số đứng ngồi không yên, và thời gian như ngừng lại. Cuối cùng, vào buổi chiều, các hàng dài bắt đầu di chuyển. Nhóm của chúng tôi được gọi tên vào khoảng 9 giờ tối. Giấy thông hành tạm vừa được cấp của mọi người được thu lại, còn passport Mỹ của tôi được xem xét kỹ luỡng, rồi chúng tôi được đẩy lên xe buýt đưa ra sân bay.”

Giờ chia tay Việt Nam đã điểm.

* Giã từ Việt Nam

Toàn bộ phi trường tối mịt, ngọai trừ ở xa một đoàn xe vans chuyển hành khách và hành lý qua một chiếc Boeing 747 sáng choang, với nhãn hiệu của Air France. Người ta rầm rì với nhau rằng đó là chuyến may bay đưa gia đình ông Thiệu và số vàng dự trữ của miền Nam Việt Nam di tản. Tin đồn về những tấn vàng ông Thiệu mang đi là tin mà nhiều năm sau người ta mới biết là thất thiệt.

Xa hơn nữa, một máy bay vận chuyển bốn động cơ C-130 của Không quân Mỹ C-130 chờ chúng tôi với cánh cửa rộng mở. Máy bay trống rỗng, tất cả mọi ghế được gỡ ra. Gia đình ông David kéo nhau vào lòng máy bay, cùng với khoảng 200 người tị nạn khác.

“Chúng tôi được xếp ngồi hàng ngang mỗi dãy khoảng 20 người, và được dặn nắm chặt lấy hàng dây kéo ngang qua sàn máy bay. Một số nhân viên đi từng hàng kiềm soát xem mọi người có ngồi ngay ngắn chưa, rồi đến ngồi ở vị trí của họ cạnh cửa máy bay còn mở. Chỉ vài phút sau, mọi bóng đèn tắt ngúm, máy bay bắt đầu chuyển bánh chạy ra phi đạo. Hai đứa em của Tuyết, Tùng, 14 tuổi, và Phương, 9 tuổi, mỗi em nắm chặt lấy một cánh tay tôi. Rồi máy bay cất cánh, bay ở độ nghiêng tối đa, để tránh là một tiêu điểm ngon lành cho đơn vị phòng không của quân đội Bắc Việt có thể đã được thiết lập ngoài sân bay.”

Một giờ đồng hồ sau, khi hai đôi chân đã mỏi không thể chịu đựng nổi nữa, David kể, ông đứng lên, tự cho đó là đặc ân của hành khách mắt xanh mũi lõ duy nhất trên chuyến bay. Người nhân viên cho ông biết máy bay đang trực chỉ Guam.

“Họ cho tôi một chỗ ngồi tử tế, và tôi lấy giấy bút ra viết thư cho Tuyết, kể lại chi tiết những gì xẩy ra sau khi chúng tôi tạm biệt nhau ở phi trường Haneda năm ngày trước đó.”

Sáng ngày 27 tháng Tư, chuyến máy bay đưa David và gia đình vợ của ông di tản khỏi Việt Nam đáp xuống Guam, tại Air Force Base Anderson, cái nôi của những trận bom B-52 không ngừng dội trên những cánh rừng Việt Nam trong cuộc chiến. Sau nhiều giờ chờ đợi, David đựơc phép dùng điện thọai, và khi nối được đường dây với điện thoại tại ngôi nhà nhỏ của họ ở Yokohama, ông nghẹn ngào nghe tiếng khóc òa vỡ của vợ ở đầu dây.

Chiều hôm đó, ông David và gia đình vợ được chuyển qua trại Orote Point, nơi một rừng lều đang được dựng lên. Vài ngày sau người Việt tị nạn được tin Sài Gòn đã thất thủ.

Một vài ngày sau, chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh cho David bay về Tokyo, mang theo cha mẹ vợ và các em vợ dưới 21 tuổi, tất cả, kể cả David là tám người. Những thân nhân còn lại được đưa đến trại tị nạn Pendleton. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông ở Yokohama bỗng ấm cúng hẳn lên.

Trên chuyến bay về Tokyo, David mới có thì giờ lo lắng vì việc ông cãi lệnh trên bay về Việt Nam chắc chắn sẽ phải nhận một trừng phạt nặng nề. Nhưng, thay vào đó, cả với tư cách chính thức lẫn cá nhân, các nhân viên Đại sứ quán Mỹ, từ Đại sứ Hodgson trở xuống, đã đón tiếp ông với vòng tay ân cần và ủng hộ.

“Cho đến giờ, tôi không bao giờ quên những cử chỉ thân ái, biểu lộ lòng tử tế và tình người của đồng nghiệp trong những ngày đầy biến động đó.” Ông David tâm sự.

“Sau khi mãn khóa đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa Nhật, mà phải thú nhận là tôi phải vất vả lắm mới hòan tất, hai vợ chồng tôi đưa thân nhân Tuyết qua Mỹ để đòan tụ với gia đình ở San Francisco, nơi tất cả mọi người bắt đầu cuộc sống của người tị nạn ở Mỹ.”

Và cũng đến lúc đó, câu chuyện di tản của gia đình vợ ông David Brown mới chấm dứt.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=204913&zoneid=1#.VULL-9Kqqko

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét