Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Đan Mạch sắp có nền kinh tế không tiền mặt

Đan Mạch sắp có nền kinh tế không tiền mặt
(Thị trường) - Đan Mạch đang trên lộ trình trở thành quốc gia đầu tiên không sử dụng tiền mặt, bước đầu là loại tiền mặt ra khỏi một số giao dịch mua bán. Trong tháng 5 này, chính phủ Đan Mạch đã đưa ra một loạt những cải cách, trong đó bao gồm dự thảo về các điều luật yêu cầu các cửa hàng bán lẻ chỉ chấp nhận các thanh toán thông qua di động hoặc thẻ.
Nếu dự luật này được Quốc hội Đan Mạch thông qua, đồng nghĩa với việc các cửa hàng bán lẻ quần áo, các nhà hàng và trạm xăng tại nước này sẽ không nhận thanh toán bằng tiền mặt kể từ tháng 1/2016.

Hiện tại, thanh toán được thực hiện thông qua các loại thẻ đã rất phổ biến tại Đan Mạch, theo một nghiên cứu của WorldPay, công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Vào năm 2012, có tới 84,2% giao dịch tại Đan Mạch được thanh toán bằng thẻ, trong đó hình thức thanh toán thông qua ví điện tử cũng đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn.

Những người ủng hộ chính sách này cho biết, giảm thiểu sử dụng tiền mặt giúp tăng cường an ninh tại các cửa hàng cũng như cắt giảm chi phí liên quan tới đếm, cất giữ tiền và xu.

"Một môi trường không có tiền mặt sẽ tạo điều kiện cho những mô hình cửa hàng bán lẻ tiến bộ hơn ra đời mà không phải gánh những chi phí lớn phát sinh liên quan tới tiền mặt (đếm, lưu giữ, vận chuyển...)," Giám đốc phòng Thương mại Đan Mạch phát biểu trong một buổi họp báo.

Tuy nhiên, đối với những dịch vụ thiết yếu như dịch vụ bưu điện, tại các quán ăn tự phục vụ tại bệnh viện, tại các phòng khám nha, khách hàng vẫn có thể được sử dụng tiền mặt trong thanh toán, nhưng chỉ là đồng krone - đồng tiền của Đan Mạch, theo trang web của Bộ Tài chính nước này.

Chuyển hướng sang một nền kinh tế hoàn toàn không sử dụng tiền mặt, một điều sẽ đi ngược lại truyền thống, sẽ là một thách thức lớn về văn hoá chứ không phải về công nghệ, theo Peter Hahn, giáo sư ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Cass Business London. "Vấn đề này cần phải nhận được sự chấp thuận rộng rãi của mọi người và còn phụ thuộc vào việc người dân có cảm thấy thuận tiện với việc thanh toán băng các loại thẻ hay không," ông nói.

Trong khi không phải ai cũng sở hữu điện thoại có chức năng thanh toán trực tuyến, thì hầu như mọi người hiện giờ cũng đã sở hữu ít nhất một tấm thẻ ngân hàng, kể cả tại khu vực nghèo nhất của châu Âu. Chính phủ một số nước châu Âu hiện nay thậm chí còn chi trả tiền trợ cấp thông qua các giao dịch điện tử, theo nhà phân tích Enrique Velasco-Castillo, chuyên gia Chương trình Chiến lược nền Kinh tế số.

Đối với những nền kinh tế vốn có hệ thống tài chính ổn định như các nước Bắc Âu, người dân hầu như không có tâm lý tích trữ tiền mặt.

Một vài cửa hàng tại Thuỵ Điển từ lâu đã không còn sử dụng tiền mặt, hệ thống xe bus tại một số thành phố lớn như Stockholm, thủ đô của Thuỵ Điển cũng không có chế độ trả lại tiền thừa. Vào năm ngoái, thành phố London cũng đã có những động thái tương tự, theo đó yêu cầu hành khách tham gia những phương tiện giao thông công cộng mua thẻ trả trước hoặc sử dụng thẻ ghi nợ để thanh toán.

Tăng cường các hoạt động thanh toán điện tử cũng đồng nghĩa với việc những quan ngại về an toàn của các giao dịch này được đưa ra, nhưng theo giáo sư Hahn đây sẽ là vấn đề nhỏ nếu đem so sánh với lợi ích nó mang lại cho ngân sách quốc gia. Theo dõi được các khoản thanh toán sẽ giúp chính phủ thu thuế một cách hiệu quả đồng thời "sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng".

Tuy nhiên, phòng Thương mại Đan Mạch nhìn nhận vấn đề này theo một cách khá thực tế, rằng dự định này cần được tiến hành theo từng bước, bởi ban đầu sẽ chỉ có một bộ phận cửa hàng có thể bỏ hoàn toàn tiền mặt ra khỏi các giao dịch.

"Đây hẳn nhiên là một xu hướng của tương lai, nhưng tương lai chứ không phải là ngày mai," giáo sư Hahn khẳng định.

Trang Kiều
Nguồn CNBC
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dan-mach-sap-co-nen-kinh-te-khong-tien-mat-3268433/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét