Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Vùng Nam và Tây Nam Sài Gòn tiếp tục lún

Vùng Nam và Tây Nam Sài Gòn tiếp tục lún 
SÀI GÒN (NV). - Đó là thông tin mới nhất về hậu quả của việc tiếp tục khai thác nước ngầm quá mức, xây dựng quá nhiều cao ốc, diện tích bê tông hóa mặt đất quá lớn. Sài Gòn lún sâu và lún nhanh hơn. Không có bất kỳ viên chức nào được xác định là phải chịu trách nhiệm vừa vì không làm gì cả để giảm khai thác nước ngầm, vừa vì đã đưa ra nhiều quyết định khiến Sài Gòn càng ngày càng bị lún sâu và lún nhanh.
Một trạm khai thác nước ngầm trong một khu công nghiệp 
ở Sài Gòn. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Thông tin này được đề cập trong một dự án nhằm phát triển Sài Gòn về hướng biển. Cảnh báo về tình trạng Sài Gòn bị sụt lún đã được đưa ra cách nay hàng thập niên sau khi nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn cho phép khai thác 600,000 khối nước ngầm mỗi ngày.

Mười năm sau, vào đầu năm nay, một thống kê khác cho thấy, lượng nước ngầm được khai thác mỗi ngày chỉ tăng chứ không giảm (669,000 khối nước ngầm/ngày). Cũng vì vậy, tình trạng sụt lún ở Sài Gòn được xem là vô phương cứu vãn. Nhiều chuyên gia khẳng định, nếu giảm sử dụng nước ngầm ngay lập tức thì hậu quả do sụt lún đất vẫn tiếp tục diễn ra.

Hồi tháng 3 năm 2008, Tiến sĩ Lê Văn Trung, làm việc tại Trung tâm Địa tin học, thuộc Khu công nghệ phần mềm của Đại học Quốc gia Sài Gòn đã công bố nhiều bằng chứng cho thấy Sài Gòn đang lún một cách đáng ngại. Các bằng chứng đó được thu thập từ ảnh vệ tinh vốn được chụp nhằm quan trắc sự biến dạng mặt đất.

Lúc đó, ông Trung cho biết, một số cuộc khảo sát đã chỉ ra các biến dạng bề mặt địa hình (đất lún) đang xảy ra tại nhiều nơi. Sự biến dạng này thể hiện ngay tại mặt đất quanh các giếng khoan tại nhiều khu vực thuộc các quận, huyện như: 6, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè bị tụt xuống, làm trồi hệ thống ống chống giếng khoan, trong đó rõ nhất là tại Khu công nghiệp Tân Tạo (các ống này trồi lên khỏi mặt đất khoảng 25 cm), Trạm quan rắc quận Bình Tân (các ống này trồi lên khỏi mặt đất khoảng 22 cm), Công ty Nam Long quận Bình Tân (các ống này trồi lên khỏi mặt đất khoảng 17.5 cm)…

Khi tiếp tục đối chiếu ảnh được cung cấp bởi ENVISAT (vệ tinh thám sát trái đất lớn nhất với 10 bộ cảm biến quang học và radar được phóng lên quỹ đạo vào năm 2002 nhằm thực hiện sứ mệnh thám sát bề mặt trái đất, khí quyển, đại dương và băng trôi), ông Trung phát giác, bề mặt địa hình ở tất cả các quận, huyện của Sài Gòn đều đã và đang bị biến dạng với các mức độ khác nhau.

Trong đó, tại các khu đô thị mới thuộc khu vực quận 2, quận 7 và Bình Thạnh, độ lún đất đã vượt qua 20 cm. Khu vực thuộc các quận: 1, 3, 4, 5, 8, 9, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh có độ lún từ 15 - 20 cm. Các quận: 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức có mức độ lún từ 10 -15 cm. Khu vực ngoại thành được nhận định là bị lún ít hơn so với nội thành, trong đó trừ Hóc Môn (từ 2.5 -10 cm), còn lại đều thấp hơn mức 2.5cm.

Nhóm nghiên cứu về tình trạng lún của Sài Gòn đã thử nghiệm một kỹ thuật khác trong xử lý ảnh vệ tinh tại 5 thời điểm khác nhau và kết quả không thay đổi.Ở thời điểm vừa kể, ông Trung đã cảnh báo, việc đẩy mạnh tiến trình “đô thị hóa” cùng với các khu chế xuất, khu công nghiệp mọc lên như nấm khiến nguồn nước ngầm bị khai thác bừa bãi, đến mức cạn kiệt.

Mực nước ở các tầng chứa nước trong lòng đất đang giảm xuống kết hợp với áp lực của các công trình xây dựng phía trên đã gây nên sự biến dạng (lún) bề mặt địa hình.

Sáu năm đã trôi qua, Sài Gòn lún sâu và lún nhanh hơn. Không có bất kỳ viên chức nào được xác định là phải chịu trách nhiệm vừa vì không làm gì cả để giảm khai thác nước ngầm, vừa vì đã đưa ra nhiều quyết định khiến Sài Gòn càng ngày càng bị lún sâu và lún nhanh (cho phép xây dựng hàng loạt cao ốc, tăng diện tích bê tông hóa mặt đất). (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=194319&zoneid=2#.VAUWxsV_t7Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét