Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

(1) Thế giới ngầm ở Thủ đô Hà Nội

Thế giới ngầm ở Thủ đô Hà Nội
Kì 1: “Ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ”
(Seatimes) Ít ai biết rằng, Hà Nội hào hoa, nhộn nhịp còn tồn tại một “thế giới ngầm” khác, thế giới của những đường cống chằng chịt. Trong thế giới ấy, hàng trăm con người đang ngày ngày vùi mình dưới bùn và nước thải để làm sạch Thủ đô.
Công nhân móc cống lúc nào cũng phải dầm mình trong nước bẩn
Dưới “đáy” xã hội
Nhiều công nhân làm nghề móc cống vẫn thường nói vui với nhau câu đó. Có muôn nghìn công việc khác nhau, chẳng công việc nào giống công việc nào. Nghề móc cống cũng vậy, nó gắn liền với hôi thối, bùn đất, nước thải, xác động vật chết thối hoặc bất cứ một thứ gì đó mà con người ruồng bỏ. Cũng vì lẽ đó, những người công nhân móc cống luôn phải sống chung với một mùi đặc trưng – mùi hôi ngai ngái của nước thải cống rãnh.


“Nghề chọn người chứ đâu mấy khi người chọn nghề”, câu nói quả thực rất đúng đối với cái nghề “ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ” này. Không chỉ phải sống chung với sự bẩn thỉu, hôi thối, nghề móc cống còn vô cùng vất vả và nguy hiểm. Người công nhân đặt chân xuống cống là phải đối mặt với bóng tối, phải mò mẫm và nín thở mà đi. Không ai biết, và cũng chẳng ai nhìn thấy họ làm việc như thế nào.


Để hiểu được sự vất vả, nguy hiểm cũng như những câu chuyện xung quanh nghề móc cống, chúng tôi đã có một buổi “nhập vai” thành công nhân, trực tiếp xuống dưới lòng cống và tham gia vào công việc. Đơn vị chúng tôi lựa chọn là tổ cống số 3 thuộc Xí nghiệp thoát nước số 4 Hà Nội, địa điểm tại ga cống trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (Ba Đình – Hà Nội).

9h sáng, chúng tôi có mặt tại công viên Thành Công, một tốp công nhân đang miệt mài kéo từng xô bùn đen ngòm lên chiếc xe cải tiến bốc mùi xú uế phía trên. Thấy có phóng viên, những công nhân tỏ ra rất hồ hởi vì “không ngờ lại có người quan tâm đến cái nghề dưới “đáy” xã hội này” – một anh công nhân cười.
Phía trước chúng tôi là một miệng cống vừa được mở ra, một nhóm công nhân đã chui xuống dưới để múc bùn, nhóm còn lại phụ trách kéo bùn lên, đổ vào xe cải tiến để chở ra điểm tập kết.

Khi thấy tôi có vẻ tò mò và bất ngờ, một công nhân đang kéo bùn đùa: “Chắc các chú chưa bao giờ thấy cống ngầm chứ gì? Chú cứ hình dung thế này, trên mặt đất tình hình giao thông thế nào thì dưới cống cũng y nguyên như vậy. Nếu trên đường có những ngã rẽ, hẻm nhỏ thì dưới cống ngầm cũng chi chít những đường giao cắt nhau. Ở đâu có nhà cửa, thì ở đó có hệ thống cống ngầm thoát nước”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn được mượn một bộ đồ để trực tiếp xuống phía dưới lòng cống, nhiều công nhân nghi ngờ: “Các chú có thực sự muốn xuống không vậy? Dưới đó không đơn giản như trong tưởng tượng đâu. Tối, thối và bẩn, suy nghĩ kĩ rồi hãy xuống!”

Không "dễ xơi"

Đúng là khác xa so với trong tưởng tượng, dưới lòng cống tối đen như mực, nước chảy dập dềnh, ngập gần đến cổ, khiến tôi được một pha thót tim khi mới đặt chân xuống. Bên dưới đáy là bầy nhầy bùn đất, rác thải cùng vô số các dị vật khác như: tảng bê tông, cây gỗ, thanh sắt,... và bao trùm lên không gian tối mịt ấy là một mùi hôi vô cùng khó chịu.

Một tổ công nhân móc cống thường gồm từ 10 -12 người, chia thành 2 nhóm, lần lượt nhau xuống dưới múc bùn và ở trên kéo thùng lên để chuyển vào xe. Tôi được bố trí theo chân anh Phạm Danh Khoa – tổ trưởng của nhóm, trực tiếp xuống lòng cống để vét bùn.


Từng xô bùn thải được kéo lên khỏi cống ngầm và chuyển đi
Phía dưới, nước cống dâng cao đến tận gần cổ, công nhân phải nhún người khéo léo để múc từng xô bùn, nếu không cẩn thẩn là uống nước cống như chơi. Những xô bùn sau đó được treo vào chiếc móc và được đội phía trên miệng cống nhanh chóng kéo lên. Nước thải từ những xô bùn chảy tong tong từ trên xuống, người ở dưới không để ý là bị chảy cả vào mặt.

Anh Khoa vừa múc bùn, vừa nói: “Cống thải là nơi tập kết tất cả những thứ trên trời dưới đất của người dân Hà Nội. Từ rác, củi, nước thải, kim tiêm cho đến phân tươi..., bất cứ thứ gì bỏ đi người ta đều vứt xuống cống. Đi móc cống thế này, chuyện dính nguyên cả một đống phân tươi lên người không phải là hiếm.”

Cầm một chiếc xô, tôi cúi người để múc bùn, nhưng do cúi không đúng cách, nước cống dềnh lên tận cằm, chút nữa là vào tới miệng. Điều gây ấn tượng với tôi không phải là bóng tối hay sức nặng của những xô bùn mà là mùi hôi của nước cống. Một mùi hôi ngai ngái, vô cũng khó chịu, nó sộc thẳng vào mũi sau mỗi lần hít thở, mặc dù mỗi người đều có khẩu trang.

Thấy “nhân viên học việc” có vẻ chưa thích nghi, anh Khoa cười: “Thế này là khá nhất rồi. Hôm qua mới mưa to lên nước cống nhiều, trong và đỡ mùi hơn. Chú phải đến vào những đợt nắng nóng kéo dài, nước cạn, bùn trong cống sền sệt, mùi hôi còn kinh tởm hơn nhiều. Lúc mới xuống, không cẩn thận là chóng mặt, buồn nôn ngay”.

Vật lộn được chừng nửa tiếng, người ướt sũng, đầu óc quay cuồng vì mệt, tôi xin phép được lên trên nghỉ giải lao. Leo được tới miệng cống, hít thở không khí phía trên, một cảm giác thoải mái không thể tả chạy thẳng đến tận đỉnh đầu.

Tốp công nhân phía trên nhìn tôi cười: “Thế nào, thấy cái nghề của bọn anh có “dễ xơi” không? Chú mới xuống có một tí mà đã thở không ra hơi rồi. Bọn anh phải làm từ 7h sáng đến 11h30 trưa, chiều từ 2h đến 6h mới được nghỉ đấy”.

Tôi cố cởi bộ đồ cao su đang dính chặt vào người, bốc mùi nồng nặc rồi ngồi bệt xuống chiếc ghế đá gần đó. Phía dưới, các anh vẫn miệt mài múc từng xô bùn để đưa lên.

http://seatimes.com.vn/ki-1-an-com-duong-gian-lam-viec-dia-phu-0196240.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét