Ði xe 'vừa nằm vừa run'
Cách đây đúng 8 năm (2006), xe khách giường nằm đầu tiên ra đời bởi công ty xe khách H.L, xe chuyên chạy tuyến Bắc-Nam, là một “hiện tượng” rất lạ trong mắt người dân lúc đó. Vì dù sao thì Việt Nam vẫn “chưa tỉnh cơn mê” sau những năm tháng dài chìm trong đói nghèo và lạc hậu.
Xe giường nằm của công ty Phương Trangtại khu Tây ba-lô
Phạm Ngũ lão, Sài Gòn (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Xe khách giường nằm ra đời để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khi đời sống có phần khá lên. Nhưng đi máy bay thì vẫn là quá xa xỉ so với túi tiền của người dân, đi xe lửa thì cũng vừa đắt tiền vừa khó mua vé (vào những dịp nghỉ lễ, Tết)...Xe khách giường nằm rất gợi nhớ... quê hương. Là bởi vì bề ngang khổ xe không lớn hơn xe bình thường, nhưng vì là xe cấu tạo cho giường nằm (hai tầng) do vậy xe cao lênh khênh hơn loại xe thường.
Mà đường sá Việt Nam thì lại rất lắm ổ voi, ổ gà... nên xe tha hồ lắc lư, rung, giật tùy theo tốc độ và cung đường. Khổ nhất là khách nằm giường tầng trên, lại bị cấn ngay cái khung (sườn) cấu tạo xe, làm vừa vướng vừa bị thu hẹp giường, xoay ngang, nghiêng ngửa gì đều khó. Nhiều xe không có dây an toàn (seat belt), khách nằm tầng trên cứ giật mình thon thót, vì lỡ ngủ mê một cái, làm cái “bịch” là thấy mình đã rụng xuống như trái mít, chưa kể có thể đè trúng “các đồng bào” đang nằm dọc theo hành lang nhỏ hẹp của đường đi bên dưới.
Với độ cao gần 2 mét rớt xuống, với một tấm thân “bồ tượng” cỡ 85 kg, đè trúng một cụ già, hoặc em nhỏ, hoặc phụ nữ mang thai, chắc chắn là... “gây hậu quả nghiêm trọng” chứ chả chơi.
Chưa kể, máy lạnh của xe gắn sát trên đầu của giường tầng, tuy có nút điều chỉnh nhưng dân ta không biết xài. Bao nhiêu năm đi xe chúng tôi cũng chưa hề bao giờ nghe (bất cứ nhà xe nào) hướng dẫn cách sử dụng các tiện nghi trên xe (như máy lạnh, đèn đầu giường...). Còn vụ thoát hiểm khi gặp biến cố thì càng không có. Do vậy, nhiều bác lớn tuổi cứ phải nằm chịu trận với cái lạnh khi đêm càng về khuya, nhất là khi xe chạy qua vùng miền Trung mưa gió mịt mù. Nhiều người “hiểu biết” toan đưa tay giúp mấy bô lão bằng cách chỉnh lại “độ lạnh,” thì có khi cũng đành chưng hửng, vì chỗ điều chỉnh nay đã chỉ là một hốc trống hoác, hơi lạnh từ trên cứ tự nhiên phà phà phun xuống...
Trong bối cảnh vừa “bó rọ” vừa giật, lắc, rung và... run như cầy sấy có họa là mấy ông thiền sư “bồ đề” hoặc các chú “điếc không sợ súng” may ra mới dám đánh giấc ngon lành. Nhất là thời gian ngày nào truyền thông báo, đài, TV cũng đưa tin xe cháy trên đường cao tốc, xe lật vì gặp đường trơn, xe khách “đối đầu” xe tải vì tài xế ngủ gục trên vô-lăng...
Chưa hết, mấy “bác” nằm tầng dưới chưa chắc đã sướng hơn các bác nằm tầng trên, là vì dọc lối đi rất hẹp (giữa hai dãy giường) nhiều nhà xe “kiếm thêm” bằng cách xếp thêm tấm nệm mỏng cho khách nằm. Thế là, khi xe dời bến cô khách trẻ trung thấy hoàn toàn yên tâm vì các giường đều có khoảng cách, nhưng nửa đêm thức giấc thì lại thấy mình đang nằm sát bên với một gã say rượu do nhà xe mới “vớt” thêm được khách dọc đường.
Trước kia thì hầu hết nhà xe đều có phòng “restroom” ở ngay phía đuôi xe để phục vụ hành khách nhưng sau phải bỏ, vì xe máy lạnh bít bùng không chịu nổi mùi hôi. Hơn nữa xe “xếp lớp” như cá hộp vậy thì khi đi tiểu thực sự là phải “đạp lên đầu nhau.” Chưa kể có nghi vấn là nhiều nhà xe cho “xả” ngay xuống đường (bên đường sắt bao năm nay họ vẫn làm vậy).
Bỏ “restroom” phần đuôi xe, nhà xe “cơi nới” thêm được 3-4 giường tầng, bỏ túi thêm bạc triệu. Hành khách nào nhất định không chịu “tiểu đường” thì chờ từ 4 tới 5 tiếng, xe tới trạm sẽ có nhà vệ sinh cho quý khách giải quyết “tâm sự.”
Theo các giới chức, Việt Nam hiện có khoảng gần 5,000 xe khách giường nằm của nhiều hãng xe, và số đầu xe gia tăng hầu như mỗi ngày. Trong đó hơn 10% là xe “cải hoán” lại từ xe khách ngồi, phần còn lại là xe đóng mới mang “mác” nội địa. Cũng theo “trù tính” của Bộ Giao Thông Vận Tải, cho tới năm 2020 thì sự gia tăng của ngành hàng không cũng như ngành đường sắt sẽ tăng không quá 1.2%, nên Việt Nam cần từ 400 ngàn tới 500 ngàn các loại xe khách phục vụ sự đi lại cho người dân. Nghĩa là phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là các loại xe đò.
Báo chí, truyền thông Việt Nam la ó vì tính an toàn của xe giường nằm. Nào là nhồi nhét khách (quá tải trọng), nào là xe cơi nới, “cải hoán” chức năng từ xe ngồi có đảm bảo thông số kỹ thuật (trọng tâm xe) khi xe qua những khúc quoanh gấp, tốc độ lại khá cao?
Tháng 3 vừa qua Việt Nam đã “tổng kiểm tra” xe giường nằm trên toàn quốc và mới đây theo đề nghị của Cục Ðăng Kiểm Việt Nam, cũng đã cho dừng việc cấp phép cho những xe “cải hoán” không đảm bảo an toàn.
Nhưng giới truyền thông, báo chí thì cho rằng vấn nạn an toàn giao thông ở Việt Nam nằm trong tệ nạn không xóa được là vấn nạn “phong bì.”
Làm tràn ly nước, khi bộ trưởng Giao Thông trong một cuộc họp báo cho rằng việc các chuyến bay liên tiếp bị “delay” với tầng suất quá cao như hiện nay, là do các hãng hàng không Việt Nam muốn “dồn khách” để tăng lợi nhuận.
Vậy thì việc nhà xe nhồi thêm khách, nhét thêm hàng hóa để kiếm thêm tiền có lẽ cũng là “hiển nhiên.”
Không biết là “đa kim ngân phá luật lệ” hay là “cái khó đang ló cái... liều!!!”
Văn Lang
(Diễn đàn Thế kỷ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét