Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Làng chết trẻ

Làng chết trẻ
Làng có gần 100 hộ dân nhưng từ 2010 đến nay đã có gần 30 người chết,mà hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, khiến mọi người hoang mang. “Không biết do nguồn nước nhiễm độc, chất độc còn lại sau chiến tranh hay không mà người mắc bệnh ung thư quá nhiều. Ung thư gan, hạch, đại tràng, phổi, vòm họng... chi cũng có".
Làng Đụt bên dòng A Nor, nơi có nhiều cái chết - Ảnh: Đình Toàn 
Làng Đụt (nay gọi là thôn 5) ở xã Hồng Kim (H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cách thị trấn A Lưới chỉ gần 4 km. Ngôi làng có con đường thẳng tắp chạy qua thoạt trông rất sáng sủa. Gần 100 hộ dân của làng với khoảng 500 người, chủ yếu là đồng bào Pa Kô. Ngôi nhà của già làng Lê Văn Hoàng nằm kề bên sông A Nor trông buồn rũ rượi. Cây cối trong nhà héo úa càng làm nỗi muộn phiền ưu tư của già làng trĩu nặng hơn.

Gia đình già Hoàng vừa trải qua những ngày buồn đau tột độ khi 2 người con chết chỉ trong vòng 9 ngày. “Mới tháng 3 vừa rồi chứ có xa xôi chi. Con gái Lê Thị Vin mất khi mới 23 tuổi. Em nó, Lê Văn Vừng thua chị 2 tuổi, 9 ngày sau cũng đi theo chị. Con gái Vin mất mình nghĩ là do bệnh nặng vì nó bị động kinh, nằm liệt giường 4 - 5 năm qua. Nhưng thằng Vừng thì mình không hiểu, không biết. Hắn làm rẫy làm ruộng rất khỏe, đùng một cái phát bệnh. Mình đưa về Bệnh viện T.Ư Huế vài ngày thì mất”, già Hoàng thở dài một tiếng thật não nề.

Rồi già Hoàng kể thêm nhiều trường hợp khác trong làng đang khỏe mạnh, ngày ngày xuống suối bắt cá, lên nương làm rẫy bỗng đổ bệnh rồi mất, phần lớn dưới tuổi 40. “Cô Kăn Nhồi, vợ của Trưởng công an xã Hồ Minh Châu cũng chết dưới 40 tuổi. Đang khỏe nhưng phát bệnh, trong đêm chở đến bệnh viện nhưng không cứu kịp. Nhưng trường hợp Hồ Văn Hết mất ở tuổi 35 là gây hoang mang nhất. Hết là Phó thôn 5, rất gương mẫu, không uống rượu bia, không thuốc lá, cần cù làm rẫy để nuôi vợ và 3 con nhỏ. Khoảng 3 giờ sáng 2.9.2011, khi đang ngủ với vợ con thì ngủ thẳng luôn”, già Hoàng nói.

Nỗi buồn của bà Trần Thị Nghiềng (50 tuổi), vợ của già làng Đụt Lê Văn Hoàng sau khi mất liên tiếp 2 đứa con - Ảnh: Đình Toàn

Nghe già Hoàng kể, chàng trai Hồ Văn Nguôn (32 tuổi) cũng góp thêm chuyện, rằng anh rể của anh là Hồ Văn Têr mất cách nay 4 năm mới 30 tuổi, để lại vợ cùng 2 đứa con nhỏ. Anh Têr là người hiền từ, sức khỏe tốt nhưng bỗng dưng “bị đau lưng, phát sốt” rồi nhập viện vài lần và không qua khỏi.

Sau cái chết của anh Têr và nhiều người khác, dân làng góp tiền mua trâu, dê, lợn ra sông A Nor lập đàn hành lễ cúng Giàng cầu an. Già Hoàng bấm đốt ngón tay nói từ năm 2010 đến 2013 đã cúng 3 con trâu. Mới đây cúng 2 con dê, 4 con lợn. “Cúng cứ cúng nhưng người chết cứ chết. Riêng làng này từ năm 2010 đến chừ cũng mất khoảng 25 người rồi”, Nguôn thêm lời, thoáng vẻ sợ sệt.

“Ung thư nhiều quá”


Khi chúng tôi có mặt tại A Lưới cũng là lúc huyện miền núi này trải qua những ngày nắng hạn gay gắt. Sông A Nor chảy qua làng Đụt đã cạn nước. Trước khi dân làng được dùng nước sạch cách nay 1 năm, dòng sông này là nguồn nước uống chính của người làng Đụt. Chúng tôi mang chuyện người dân ở Hồng Kim, nhất là ở thôn 5 bị chết trẻ, mất đột ngột nhiều bất thường đến gặp bác sĩ Hồ Thanh Lệ, Trưởng trạm y tế xã Hồng Kim, thì cũng là lúc bác sĩ Lệ đang khốn khổ lo chạy chữa cho em ruột Hồ Văn Lằn, Trưởng thôn 5, đang điều trị bệnh tại Bệnh viện T.Ư Huế. Người đàn ông 40 tuổi, có vợ và 2 con nhỏ này đã qua 3 lần phẫu thuật do bị u não ác tính. Gia đình bác sĩ Lệ trở nên khánh kiệt sau khi bán ruộng, đất và cả những chiếc xe máy để lo viện phí cho Lằn. “10 người mất thì có 6 - 7 người bị ung thư rồi, nhiều nhất là ở thôn 3, thôn 5. Có gì đó mình không hiểu nổi”.

Bác sĩ Lệ lôi trong tủ ra cuốn sổ ghi chép, lật từng trang đếm số người dân trong xã qua đời mà trạm y tế có thống kê. Từ năm 2010 - 2014 có gần 30 người mất, trong đó có nhiều người mất tuổi chưa đến 40. “Không biết do nguồn nước nhiễm độc, chất độc còn lại sau chiến tranh hay không mà người mắc bệnh ung thư quá nhiều. Ung thư gan, hạch, đại tràng, phổi, vòm họng... chi cũng có. Người mắc bệnh nhiều nhất là ở thôn 3 và thôn 5. Trường hợp kỳ lạ nhất là Hồ Văn Hết, hắn là cháu rể mình, đang ngủ thì mất luôn. Các trường hợp khác bà con chưa hiểu rồi đồn thổi lý do này nọ, nhưng thật ra họ mắc bệnh mà qua đời. Mình rất mong có đoàn chuyên gia về đánh giá, nghiên cứu tìm ra giải pháp để bà con yên tâm hơn”, bác sĩ Lệ nói.

Đình Toàn
(Thanh niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét