Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Hàn-Triều rục rịch lộ trình thống nhất, TQ tái mặt

Hàn-Triều rục rịch lộ trình thống nhất, Trung Quốc tái mặt
Dù bề ngoài có vẻ căng thẳng nhưng cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều có những động thái tích cực chuẩn bị lộ trình thống nhất. Ngày 15/7, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo đã thành lập một Ủy ban do Tổng thống Park Geun-hye chỉ đạo, có nhiệm vụ chuẩn bị lộ trình thống nhất với Triều Tiên.

Tượng đài Thống nhất ở Triều Tiên, với hình ảnh hai người phụ nữ dâng cao tấm bản đồ bị chia tách, tượng trưng cho mong muốn thống nhất hai miền nam bắc.
Ủy ban trên gồm 50 thành viên, trong đó có 30 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như học thuật, kinh tế, xã hội và có nhiều kinh nghiệm về vấn đề thống nhất; 2 nhà làm luật, 11 quan chức chính phủ và 6 nhà lãnh đạo các viện tư vấn của nhà nước. Dự kiến ủy ban này sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8 tới.

Trước đó, hồi tháng 1/2014 vừa qua, Tổng thống Park Geun-hye đã chỉ đạo thành lập ủy ban có nhiệm vụ thúc đẩy và chuẩn bị cho lộ trình thống nhất với Triều Tiên một cách hòa bình.

Tiếp đó, trong chuyến thăm Đức vào tháng 3/2014, bà Park Geun-hye công bố sáng kiến đề cập đề xuất ba điểm đối với phía Triều Tiên, bao gồm phát triển hạ tầng cơ sở, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Triều Tiên và mở rộng trao đổi liên Triều trong các lĩnh vực phi chính trị như lịch sử, văn hóa và thể thao.

Trước Hàn Quốc, Triều Tiên cũng liên tiếp kêu gọi "tái thống nhất độc lập" dân tộc. Triều Tiên cho rằng miền Bắc và miền Nam (Hàn Quốc) nên cùng nhau xác định về việc thống nhất đất nước bắt cách "thành lập liên bang và nỗ lực hiện thực hóa điều này, tích cực thúc đẩy sự tồn tại, thịnh vượng và các lợi ích chung".

Đề xuất kêu gọi cả hai bên cùng hướng tới tuyên bố chung ngày 15/6/2000, văn bản đã được ký kết tại Bình Nhưỡng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên .

Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà chức trách Triều Tiên đề nghị “tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hòa giải và đoàn kết, chấm dứt vu khống và phỉ báng”, ITAR-TASS cho biết.

Rõ ràng, cả hai phía Hàn Quốc và Triều Tiên đều có những động thái tích cực nhằm cải thiện mối quan hệ, dù những biểu hiện bề ngoài có vẻ hoàn toàn ngược lại, thậm chí hai nước còn coi nhau như kẻ thù.

Mới đây, Triều Tiên còn chỉ trích sự xuất hiện của tàu sân bay hạt nhân George Washington tại Hàn Quốc và gọi sự tham gia của tàu này trong cuộc tập trận hải quân chung dự kiến giữa Seoul và Washington là "hành động khiêu khích nghiêm trọng không thể tha thứ". Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra từ ngày 16-21/7 tại vùng biển phía Tây Nam Hàn Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên cũng tỏ ra chẳng vừa khi liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa. Ngày 14/7, Triều Tiên bắn hàng loạt hàng loạt quả đạn pháo ở gần biên giới biển với Hàn Quốc. Cùng ngày, Triều Tiên và Hàn Quốc lại đồng ý hội đàm ở một ngôi đền gần biên giới. Hành động bắn đạn pháo diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo xuống biển Nhật Bản.

Nếu quan sát những động thái chuẩn bị cho lộ trình thống nhất của hai miền Triều Tiên có lẽ nước phải lo sốt vó lên là Trung Quốc, người anh lớn, người bảo trợ duy nhất của Triều Tiên. Nó giống như cái tát vào mặt Trung Quốc bởi lâu nay Trung Quốc rất tích cực đổ tiền vào Triều Tiên. Hàng chục năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào bán đảo Triều Tiên hàng tỷ USD dưới dạng viện trợ trực tiếp.

Nhìn bề ngoài, nhiều người tưởng Trung Quốc thiệt. Nhưng không, Trung Quốc có được sự đảm bảo về an ninh và vị trí chắc chắn trên trường quốc tế bởi Triều Tiên chính là tấm đệm, một lá chắn để Trung Quốc chống lại các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhiều năm qua, Trung Quốc không dám lơ là Triều Tiên bởi nếu không, nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm. Triều Tiên hoàn toàn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ hậu hĩnh từ các nước phương Tây, thậm chí có thể dùng chính con bài hạt nhân để mặc cả, đàm phán với Trung Quốc.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên phá vỡ nguyên tắc truyền thống, sang thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên, nước này đã bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn như một lời cảnh cáo với Trung Quốc rằng Triều Tiên chẳng dễ để Trung Quốc điều khiển.

Một bán đảo Triều Tiên yên bình, thống nhất có lẽ chẳng có lợi gì cho Trung Quốc vì không có gì đảm bảo họ sẽ không nghiêng về Mỹ. Ngay cả bây giờ Mỹ cũng đủ khiến cho Trung Quốc nhấp nhổm bởi với cái cớ về mối đe dọa Triều Tiên, Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự sát sườn Trung Quốc với khoảng 30 nghìn binh sĩ Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc.

Vì lẽ đó, hẳn Trung Quốc chẳng mong đợi gì một đường biên giới trực tiếp với một Triều Tiên hợp nhất.

An Thái
(Quan hệ quốc tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét