Giàn khoan Tàu: Vì sao đến? Vì sao đi? Sắp tới sẽ thế nào?
Nguyễn Trần Sâm: Chỉ mấy giờ sau khi cái giàn khoan chết tiệt của Tàu Cộng rút đi “tránh bão”, đã xuất hiện bao nhiêu bài viết nhận định về nguyên nhân của việc rút đi và những “kịch bản” cho quan hệ Việt-Trung và biển Đông trong những năm tháng tới.Để nhận định khá chuẩn về nguyên nhân nó đến và nó đi, có lẽ cần hàng năm, sau khi có những diễn biến khác nữa. Hiện bây giờ thì chính Tập Cận Bình có lẽ cũng không biết hết việc đến, việc đi của cái giàn khoan đó có những hệ quả và hệ lụy gì. Thậm chí có nhiều khả năng là nhân vật này cũng chưa nhận thức được hết mình muốn gì nữa! (Khi con người ở trong cơn điên hoặc có quá nhiều lòng tham, việc hiểu chính mình hầu như là bất khả.)
Tuy vậy, đối với chúng ta, việc bàn bạc để hiểu, hay ít ra là phỏng đoán, cũng cần thiết.
Để hiểu được những ý đồ của tập đoàn Trung Nam Hải, việc so sánh sự kiện giàn khoan với cuộc chiến biên giới 1979 có lẽ sẽ soi sáng được khá nhiều điều. Cũng một khoảng thời gian một vài tháng. Đến – gây hại và làm om xòm – rồi rút.
Dù có rất nhiều mục đích khác nhau, song cả hai lần om xòm này đều có mục đích chung là làm một PHÉP THỬ.
Khi tiến hành chiến tranh biên giới 1979, Đặng Tiểu Bình muốn thực hiện những ý đồ sau:
1) “trừng phạt” (vì chiến dịch tuyên truyền và thái độ “bài Hoa” của Hà Nội và vì việc đánh đàn em Pol Pot của Bắc Kinh) và “dạy cho VN một bài học” (vì “vô ơn” và “ngông nghênh” – tuyên bố đã thắng Mỹ thì VN là vô địch);
2) hai là lấy lòng cựu thù của VN là Hoa Kỳ để làm thân nhằm nhiều mục đích lâu dài khác nhau;
3) tập dượt quân đội trong việc tham chiến;
4) làm yếu VN và quân đội của nước này;
5) làm một phép thử. Bản thân phép thử này cũng là “đa diện”: (i) thử hiệu lực của Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác Việt-Xô được ký kết vào tháng 11 năm 1978, trong đó có điều khoản về liên minh quân sự (nhưng chỉ ở mức chung chung); (ii) thử uy thế quyền lực của bản thân Đặng và phát hiện các đối thủ chính trị trong nội bộ đảng, khi ông ta mới lên cầm quyền được hơn 2 năm ở một nước Trung Hoa có nhiều phe phái và hiểm họa ngầm; (iii) khảo sát thực lực của đội quân mà ông ta thống lĩnh và tương quan lực lượng giữa hai quân đội Trung và Việt.
Sau khi thử được một tháng, thấy Liên Xô không muốn động binh, chỉ đánh võ mồm là chính, nhưng cũng thấy rằng nếu TQ làm mất mặt LX quá đáng thì vẫn có thể xảy ra chiến tranh Trung-Xô (vì đã từng có tiền lệ), đồng thời thấy tổn hại không nhỏ của việc duy trì cuộc chiến, trong khi một vài mục đích đặt ra cũng đã thực hiện được, Tiểu (Nhân) Bình đã cho rút quân. Nếu kéo dài quá lâu thì cái giá phải trả là quá lớn.
Lần này, với cái giàn khoan, như phát súng khai mào cho giai đoạn 1 của quá trình áp đặt dần đường lưỡi bò, (Thiển) Cận Bình nhắm tới những mục đích sau:
1) dò tìm những bãi cạn, nơi có thể xây thành đảo nhân tạo để đưa người đến định cư hoặc biến thành căn cứ quân sự, từ đó tạo cơ sở để tính hải phận;
2) gây ồn ào để dư luận VN và quốc tế bớt chú ý vào việc xây căn cứ trên đảo Gạc Ma;
3) khoan tìm dầu khí và khảo sát tài nguyên ở biển Đông;
4) ép giới cầm quyền VN loại bỏ hết những phần tử không thân Tàu ra khỏi hệ thống quyền lực và đè bẹp ý đồ chống TQ của dân chúng (khi lấy cớ giàn khoan để thể hiện thái độ);
5) tiến hành phép thử (cũng đa diện): (i) thử xem giới cầm quyền VN đã thuần phục đến đâu để xác định lại mối quan hệ, và uy hiếp hòng buộc phía VN quy phục hơn nữa; (ii) thử tiềm lực của hải quân VN; (iii) thử khả năng “đâm va” và uy hiếp của các tàu giả dân sự; (iv) thử xem Mỹ và các nước khác quan tâm đến biển Đông đến mức độ nào và phản ứng kiểu gì, nhân đó xác định những bước đi đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”; (v) khảo sát chi phí để duy trì giàn khoan ở những nơi như vậy trên biển;…
Sau hơn 2 tháng cho giàn khoan cắm chốt và di chuyển ít nhiều, cho lực lượng tàu hộ tống gây hấn, uy hiếp, và nhận thấy những điều đạt được trong thời gian gần kề là chưa đáng kể, trong khi các nước ít nhiều đều thể hiện sự cảnh giác với TQ, một điều có thể gây phương hại cho các mối quan hệ làm ăn trong tương lai, đồng thời nhận thấy chi phí cho những việc đã làm trong thời gian qua là quá cao, và nhân cơn bão Rammasun, TQ tạm thời cho rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 về đảo Hải Nam.
Vậy việc đưa giàn khoan đến gần đảo Tri Tôn và cắm chốt 2 tháng quanh đó đã đạt những mục đích nào?
Trong 4 mục đích đầu, có lẽ chỉ có mục đích thứ 2 là thực hiện được ở mức độ nào đó. Các nước đã tập trung chú ý vào cái giàn khoan mà rất ít chú ý đến Gạc Ma (trừ Philippines chính thức yêu cầu “các bên” dừng mọi hoạt động xây cất trên các đảo tranh chấp). Tuy nhiên, mục đích thứ 5, mục đích THỬ, thì đã đạt được khá hoàn tất.
Về giai đoạn sắp tới, có lẽ TQ sẽ quay lại cách hành xử gần giống như trước ngày 1 tháng 5 năm 2014, nhưng mức độ hung hăng có tăng lên. Trong các cuộc gặp với các quan chức VN, họ sẽ tiếp tục khẳng định duy trì “tình hữu nghị”, nhưng thái độ sẽ ra vẻ kẻ cả hơn. Họ sẽ đe VN không được liên minh với Mỹ và các nước khác, nếu không, họ sẽ “cứng rắn” hơn nữa. Họ sẽ tiếp tục hãm hại, uy hiếp và cản trở ngư dân ta hành nghề trên biển. Họ sẽ lớn tiếng hơn nữa đòi Mỹ không can thiệp vào quan hệ giữa các nước quanh biển Đông; đồng thời, trong các cuộc gặp với quan chức Mỹ, họ sẽ “nói nhỏ” rằng hai nước có thể “chia” quyền kiểm soát biển Đông (và các vùng khác của Thái Bình Dương). Họ sẽ im lặng biến Gạc Ma và vài nơi khác thành căn cứ của họ trên biển.
Còn chính quyền VN vẫn sẽ tiếp tục cho báo chí và những người phát ngôn phản đối những việc làm sai trái mới của TQ, còn bên trong thì vẫn tỏ dấu cho thấy muốn duy trì hòa bình và hữu nghị. Ngư dân ta tiếp tục là lá chắn trên biển. Các cuộc biểu tình không định hướng tiếp tục bị cấm đoán. ODA và tín dụng TQ tiếp tục được rót nhỏ giọt vào VN để duy trì tình hữu nghị. Các công ty TQ tiếp tục trúng thầu ở VN,… Hệ thống tuyên giáo tiếp tục khẳng định sự lèo lái thiên tài của ban lãnh đạo trong việc đưa dân tộc vượt qua những hiểm họa.
Về thái độ của Mỹ đối với TQ thì có thể nói Mỹ vẫn sẽ “đe” TQ không được làm quá. Và TQ sẽ không làm quá lộ liễu trên biển Đông nữa, cũng để giúp chính quyền Mỹ ít bị quốc hội chỉ trích là thiếu quyết đoán.
Tác giả gửi Quê Choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét