Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

“Vừa thích, vừa sợ” kinh tế thị trường!

Đọc cho biết cái gì đang diễn ra trong giới kinh tế ở VN thôi chứ những ông quan to này mồm nói kinh tế thị trường, nhưng thực chất có hiểu kinh tế thị trường là gì đâu. Nhìn 4 gương mặt trên đoàn chủ tịch Hội thảo là thấy liền những cái gì sẽ được phát biểu. Đấy là những con vẹt, nghe người khác nói thế nào, thấy đông người đồng tình thì đem đi nói lại; nói mãi thành thuộc bài và đến đâu cũng đem bài đó ra diễn. Không hiểu bản chất kinh tế thị trường nên đến khi buộc phải áp dụng các chính sách, công cụ của kinh tế thị trường thì hốt hoảng, làm lung tung, đẩy nền kinh tế qua hết cuộc khủng hoảng này tới khủng hoảng khác.
“Vừa thích, vừa sợ” kinh tế thị trường!
Văn Nam: 
(TBKTSG Online) – "Sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từng bước hoàn thiện, thay đổi kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đến nay các yếu tố thị trường phát triển chậm, manh mún, nguồn lực quốc gia như đất đai, tài nguyên, ngân sách nhà nước chưa được quản lý và phân bổ, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo
Đây là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn cốt yếu về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" do Ban chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới và Thành ủy TPHCM tổ chức sáng nay (8-3).

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam còn chưa hoàn tất, những thách thức và rào cản còn rất lớn trong cả tư tưởng, nhận thức, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.

Ông Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa trên đầu tư vốn và tăng trưởng tín dụng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, dựa trên năng suất các yếu tố tổng hợp mà căn bản là khoa học công nghệ và tri thức.

Vì thế, nền kinh tế dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh thấp, hệ thống tài chính non yếu và đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro đạo đức lớn.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo sáng nay, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi mở cửa nền kinh tế đồng nghĩa với Việt Nam tiếp cận với toàn bộ nền kinh tế thị trường của thế giới, bắt buộc Việt Nam phải đổi mới thể chế. Lâu nay điều làm chúng ta chậm đổi mới thể chế chính là do chúng ta “vừa thích, vừa sợ” kinh tế thị trường. Theo ông Thiên, vẫn còn tâm lý (của nhóm lợi ích) sợ doanh nghiệp nhà nước mất vai trò chủ đạo.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/111575/%E2%80%9CVua-thich-vua-so%E2%80%9D-kinh-te-thi-truong!.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét